Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

HỘI TRI THỨC ĐẦU TIÊN Ở BẮC KỲ ĐÚNG 110 NĂM TRƯỚC.


Tập truyện ngụ ngôn của Lafontaine là một trong những cuốn sách dịch đầu tiên của Nguyễn Văn Vĩnh, và cũng là tác phẩm được Nguyễn Văn Vĩnh đưa lên khảm trai.


HỘI TRI THỨC ĐẦU TIÊN Ở BẮC KỲ
ĐÚNG 110 NĂM TRƯỚC


Nguyễn Lân Bình


“Càng hiểu biết, con người càng tự do”.
(Voltaire (1694 – 1778) – Nhà văn, nhà triết học Pháp).

Thưa các quý vị độc giả và các bạn!

Không phải suy đoán, không phải ngờ vực, rằng khi Nguyễn Văn Vĩnh tròn 20 tuổi, ông đã say mê đọc, đọc đến mức mà sau này, Vũ Bằng (1913-1984) một “đệ tử” của ông đã phải khẳng định trong cuốn sách mang tính hồi ký của mình có tựa đề “40 năm nói láo” rằng, “Nguyễn Văn Vĩnh đọc tất cả những gì rơi vào tay mình!”. Tất nhiên, vào cái thời đó, Nguyễn Văn Vĩnh đọc bằng tiếng Pháp.

Với bản chất say mê văn hóa, đề cao vai trò của kiến thức, hai nhân tố đó chỉ có thể trở thành hiện thực bằng việc đọc và học. Nhưng ngày ấy, đồng bào của ông đọc bằng chữ gì? Sách ở đâu? Và báo là cái gì? Hán văn và Pháp văn chỉ nhằm phục vụ cho một nhóm người ít ỏi trên con đường kiếm kế sinh nhai, và đi tìm danh, lợi, còn người dân…?

Nguyễn Văn Vĩnh luôn khẳng định: “Dân An Nam nghèo và khổ, không phải vì ngu và lười, mà vì không được học hành, không có kiến thức”. Xót sa như thế, giận dữ như thế, nên Nguyễn Văn Vĩnh đã sống mái với đời để làm những điều quá khó vào cái thời hồng hoang ấy, khó như ngài Delmas, Chủ tịch Hội Nhân quyền Hà Nội, đã nhắc đến trong bài điếu, đọc ở lễ tang tiễn biệt Nguyễn Văn Vĩnh được tổ chức ở Hà Nội ngày 8/5/1936 như thế này:

“Dịch những tác phẩm của Victor Hugo, của Alexandre Dumas, của Lafontaine ra một tiếng nước ngoài đã là một nhiệm vụ đầy khó khăn. Và khi mà thứ tiếng đó lại là tiếng An Nam, là chữ Quốc ngữ, một thứ tiếng độc âm, một thứ chữ viết mới được sáng tạo ra chỉ để trao đổi những ý nghĩ đơn sơ nhất, điều đó tưởng như một phương thức không thể nào thực hiện được. Nguyễn Văn Vĩnh đã làm được điều kỳ diệu đó. Nhưng trước tiên, ông đã phải xây dựng nên một thứ ngôn ngữ viết, thay thế cho chữ Nôm cổ xưa, được coi như một loại chữ viết của dân tộc thiểu số Trung Hoa. Từ một thứ chữ viết chưa thành hình nó bó buộc ông, ông đã thực là một người thợ kim hoàn kiên nhẫn, và đã mài rũa để nó trở nên bóng bẩy, long lanh, phản ánh được mọi thứ màu sắc tinh túy nhất của ánh sáng mặt Trời”.

Nguyễn Văn Vĩnh đã làm nhiều bước một cách có tính hoạch định, để phục vụ cho mục đích khai dân trí. Việc ông cùng với các đồng môn của mình, xin lập HỘI DỊCH SÁCH năm 1907 tại Hà Nội, rõ ràng là một sự kiện đầy dấu ấn trên con đường mở mang trí tuệ cho đồng bào An Nam. Tuy nhiên, các nhân sĩ hôm nay không mấy ai quan tâm đến….

BBT chúng tôi xin gửi đến các quý vị và các bạn độc giả, một trong bốn bài viết liên quan đến sự kiện này cách đây tròn 110 năm về trước. Các bài viết khác cũng trong dòng chảy này, chúng tôi sẽ đưa vào cuốn sách thứ ba của Nguyễn Văn Vĩnh, và sẽ được giới thiệu bằng bài viết riêng.

Trân trọng!

BBT Tannamtu.com
NGUYỄN LÂN BÌNH
----------------------------------------------

HỘI DỊCH SÁCH BẮC – KỲ
 

(Đăng Cổ Tùng Báo, ra ngày 25/7/1907)

Việc này không phải nói lôi-thôi nữa, ai là người có trí cũng biết cả là việc hay, vậy bản-báo cũng không phải kể những cái nhẽ hay ấy nữa.

Và cái việc: người An-nam nên lấy chữ Quốc-ngữ làm quốc văn, thì độ này Nhật-báo và diễn-thuyết ai cũng đã bàn cả.

Nay có mấy ông định lập ra, thì chắc thế nào các Quí-khách ai nghe thấy cũng sẽ vào dúp các ông ấy.

Chúng tôi dám quyết trước rằng: cái số những ông sáng lập ra Hội này, đến đời sau sẽ coi như một cái bia các ông khai sự học mới ở nước ta.

Vậy bản-báo vào cái tờ đạt sau này, xin các Quí-khách mỗi ông đem tâm vào dúp hộ Hội dịch sách.

* * *
Hà-nội, ngày 15 tháng sáu năm đinh-mùi.

Kính trình ngài,

Chúng tôi có định lập ra ở Bắc-kỳ một hội, để dịch ra tiếng bản-quốc các sách hay của Đại pháp và của nước Tầu.

Chúng tôi dám phiền đến Ngài, là chắc đã biết Ngài cũng tin như chúng tôi rằng: sự dịch sách có ích lợi cho dân ta lắm, cho nên ở tờ đạt này, cũng không phải kể hết các nhẽ nữa, (vả những nhẽ ấy, đến hôm hội-đồng xin giảng giải để các quan đều nghe cả), chắc thế nào Ngài cũng vào dúp chúng tôi một chân, nhưng xin nhờ Ngài giảng dụ điều hay ấy, cho các ông thân-thuộc cùng bạn hữu ngài cũng biết, thì sự này mới nên việc nhớn được.

.
 
Bộ truyện ngụ ngôn của Lafontaine do Nguyễn Văn Vĩnh dịch năm 1907, 
sau được đưa vào Tủ sách Âu Tây Tư Tưởng thành lập năm 1926.

Các quan lớn thì chúng tôi cũng mong ở như lòng ái-quốc thương-dân của các quan lắm. Chắc rằng thế nào các quan cũng dùm dúp cho, mà vào hội chúng tôi, hoặc để quản-trị hội, hoặc để dục lòng kẻ khác.

Chúng tôi xin trình trước với các quan rằng: hội này chúng tôi mở ra là thực hợp ý Nhà-nước, vì Nhà-nước bây giờ cũng hết lòng sửa đổi sự học. Chớ hội chúng tôi không có ý gì ngạo phép, xin các quan đừng ngại.

Các quan cai-trị dân, một tiếng nói bằng trăm nhẽ bàn của chúng tôi, nếu các quan dúp cho thành công quả này, thì cái phúc để lại muôn năm, đời sau dân nước Nam có được nhiều sách mà học, mỗi ngày tư tưởng một giộng ra, làm ăn buôn bán mỗi ngày một khôn khéo ra, cũng sẽ nhớ đến rằng: vì có các quan dúp vào bây giờ.

Sự dịch sách dẫu chẳng trước thì sau cũng sẽ có. Các quan bây giờ đứng lên sáng lập ra, chẳng hơn là, để mai sau con cháu lại trách các quan đời này không vội làm sự hay, dư!

Các điều-lệ hội, thì chúng tôi đã thảo rồi, xin đến ngày 4 aou^t 1907 là ngày chủ-nhật, 26 tháng sáu ta, đúng hai giờ chiều, mời các ngài lại họp ở hội Trí-tri, phố hàng Quạt số 59 ở Hà-nội, chúng tôi sẽ xin trình các ngài để các ngài sửa lại. Nay hãy xin kể qua mấy điều cốt nhất, để các quan xét.

Hội-viên thì phân ra làm ba hạng:

Một hạng gọi là biên-tập-hội-viên, đóng đồng-niên một đồng, nhưng phải tình-nguyện với hội, mỗi tháng dịch ra bao nhiêu trang giấy, tháng nào cũng phải có;

Một hạng gọi là chợ-dịch-hội-viên, đóng đồng-niên 3 đồng, thì thỉnh thoảng lúc nào dảnh, hoặc lúc nào có việc gì hay, phải dúp vào một việc, nhưng mỗi năm ít ra cũng phải dúp một lần;

Một hạng gọi là Tán-thành-hội-viên, đóng năm đồng, thì muốn sẵn lòng dúp lúc nào cũng được, không thì thôi.

Mỗi tháng các Hội-viên hạng-nhất làm được bao nhiêu việc, sẽ in ra một tập để gửi cho cả các Hội-viên ba hạng cùng xem.

Những ông coi việc dịch thì tùy ý mình mà trọn, hoặc dịch sách Pháp, hoặc dịch sách Tầu, đã trọn rồi thì cứ mỗi tháng phải đủ phần việc, trừ ra khi nào có sự ngăn chở quá thì phải có giấy trình Hội-đồng.

.
 
Những tác phẩm kinh điển của văn học Pháp, lần đầu tiên đến với công chúng Việt Nam bằng các bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh

Hội sẽ cử một ông, hoặc sẽ thuê một ông trưởng thư-ký, để thu bài mà in ra, rồi gửi đi cho các hội-viên cho đủ.

Sau này xin gửi ba cái sổ, để nhờ ngài biên dúp những tên các ông quen ngài mà muốn vào chân sáng-lập Hội-dịch-sách.

Ông nào muốn vào hạng nào xin ông ấy ký vào trương ấy, rồi nhờ ngài gửi cả về trước ngày 26 tháng ta này cho M. Vĩnh, 39, rue des Pavillons-noirs (phố Mã Mây hiện nay. B/t), hãy tạm nhận để trình Hội-đồng.

Đến hôm ấy, hễ ông nào thong thả thì xin quá bước lại chỗ hội-đồng, để dúp bàn thể-lệ và cử mấyông hãy tạm thay mặt Hội để xin phép và ký sổ điều-lệ.

Việc này là việc hay cho nước ta, xin ngài khẩn khoản cho, mà ngài có bận việc quá, xin nhờ ngài giao hộ cho ông khác có thể dúp được chúng tôi thì xin đa-tạ quá.

Nay kính trình,

MM Đỗ-văn-Tâm, Hiệp-biện-đại-học-sĩ;
Trần-văn-Thông, Đốc-học tràng hậu-bổ;
Lương-văn-Can, Giáo-trưởng Đông-kinh-nghĩa-thục;
Nguyễn-Liên, Tham-biện, chủ hội Trí-tri;
Đỗ-Thận, Hội-viên thành-phố Hà-nội;
Bùi-đình-Tá, Giáo-trưởng tràng Thái-hà;
Đào-văn-Sử, Giáo-trưởng tràng hội Trí-tri;
Phạm-văn-Hữu, Giáo học tràng Sư-phạm;
Phạm-xuân-Tuyết, Thông-phán tòa Đốc-lý Hà-nội;
Hàn-thái-Dương, Chủ bút Đại-việt-tân-báo;
Nguyễn-văn-Vĩnh, Chủ bút Đại-nam-đăng-cổ-tùng-báo.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: