Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

HOÀNG VŨ THUẬT GÓP BÀI VỚI BÀN TRÒN


Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, kính râm và cận cảnh


“Có thể con người không đồng nhất về thể chế chính trị xã hội, nhưng khi khai sinh văn học đã đồng nhất, tương giao, có trước chính trị xã hội. Văn học mở ra thời đại mà nhà hoạt động chính trị chưa kịp biết và thấy. Văn học luôn mang khát vọng, mơ ước thường trực của con người”.
Từ Quảng Bình, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật gửi đến Trang Thơ hiện thời Plus bản tham luận tại cuộc Giao lưu "Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc" tại Hà Nội ngày 25/10 tới đây, cũng là nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt – Mỹ.
Mong thông điệp của nhà thơ - “Văn học như người mẹ hiền khâu lại những manh áo đang rách toạc của trái đất” – được lan tỏa, không chỉ dành cho mối quan hệ của giới văn chương Việt – Mỹ, mà còn dành để khâu lại những vết thương mấy mươi năm vẫn hiện hữu trong lòng dân tộc chúng ta.
------------------
MỐI QUAN HỆ CỦA CÁI ĐẸP
Quan hệ văn học khác với quan hệ chính trị, kinh tế, hình thái xã hội. Quan hệ văn học là sợi dây bản năng tồn vong giữa con người với con người. Mối ràng buộc này có từ ngàn xưa cho đến mai sau. Là con người tất nhiên khác loài vật. Con người biết đi tới và tự hoàn thiện mình theo năm tháng của thời gian. Có thể con người không đồng nhất về thể chế chính trị xã hội, nhưng khi khai sinh văn học đã đồng nhất, tương giao, có trước chính trị xã hội. Văn học mở ra thời đại mà nhà hoạt động chính trị chưa kịp biết và thấy. Văn học luôn mang khát vọng, mơ ước thường trực của con người. Có khi xã hội đối lập nhau về chính trị, xem nhau như kẻ thù, nhưng văn học lại bắt tay nhau, phát hiện, học hỏi bổ sung, làm giàu cho nhau. Bởi văn học là lương tri, máu mủ của con người. "Máu chảy ruột mềm, môi hở răng lạnh", câu thành ngữ đó dân tộc tôi lấy làm lẽ sống bao đời nay. Không chỉ là máu của một dân tộc, mà máu của đồng loài cũng mang nỗi niềm ấy.
Chúng ta, những người bạn văn chương Việt - Mỹ ngồi đây, chung một đồng loài, ai cũng sinh ra từ lòng mẹ. Không có người mẹ nào ăn thịt con, tàn sát con mình. Chúng ta như người mẹ của văn học. Một người mẹ biết trân trọng cái đẹp, xem cái đẹp là tương lai của hành tinh này. Nhân loại xưa nay chịu đau khổ nhiều rồi. Cái xấu và cái ác như dịch hạch lan truyền khắp năm châu lục. Trái đất cũng theo đó mà biến loạn. Trái đất nóng lên, hay chính con người nóng lên? Triều Tiên như một biểu tượng nóng nảy, thách thức nhân loại với các tên lửa hiện đại tiên tiến nhất, sẵn sàng rời bệ phóng bay trên bầu trời bình yên của chúng ta. Hãy bớt nóng, ngay cả khi anh chiến thắng, anh phải biết anh sống với ai và để làm gì? Con người sẽ cô đơn trên hành tinh như một chú gấu bắc cực, khi anh chỉ biết có mình, mà quên đi người hàng xóm tối lửa tắt đèn. Con người sẽ lang thang đến mức không chịu đựng được. Lúc ấy con người sẽ chết, nhân loại sẽ chết. Hành tinh chúng ta sẽ cô đơn trong vũ trụ. Bạn sẽ chua chát, đau xót biết dường nào? Sự sống trên trái đất và sự có mặt của con người là một đặc ân của Chúa. Thử hỏi, chúng ta bao năm đang đi tìm sự sống trong vô biên? Có hay không? Chúng ta vẫn chưa tìm thấy, hay là không thể có sự sống nào ngoài trái đất.
Sự sống quý lắm. Chúng ta phải nâng niu trên đôi bàn tay và giữ nó như viên ngọc mà tôi từng thấy ở một thành phố của Mỹ trong một chuyến du lịch. Tiếc thay chính con người, một thực thể sống, một hiên sinh của trái đất lại không nhìn thấy! Đó là bi kịch của Hăm lét thời nay. Chúng ta tìm mọi con đường để đến với nhau, giao lưu, trao đổi, dịch thuật, quảng bá. Văn học phải ràng rịt lại vết thương của trái đất. Những vết thương của chiến tranh, của nạn khai thác thiên nhiên bừa bãi, nạn đốt cháy rừng và làm ô uế biển. Những thảm họa liên tiếp xảy ra trên toàn cầu, mơ hồ trái đất đang chịu áp lực làm thay đổi cả trục quay. Văn học như người mẹ hiền khâu lại những manh áo đang rách toạc của trái đất.
Tôi từng đọc Ông già và biển cả của Hemingway, Những người khốn khổ của Victor Hugo, Số phận một con người của Mikhail Sholokhov...Những tác phẩm đó đã cứu rỗi con người, cứu rỗi cái đẹp đang bị tha hóa. Tôi không nói ngoa, nếu cái đẹp bị đánh văng trước mặt chúng ta, đồng nghĩa với thế giới đang lao xuống dốc như cổ xe tam mã mà tôi từng trượt trên tuyết lạnh. Tôi không muốn như thế. Đã đến lúc nhân loại rung hồi chuông báo động. Bằng ngòi bút của mình, các nhà văn phải làm gì, trước màn đêm đang vây hãm chúng ta, vây hãm trái đất.
Chúng ta đã bắt tay nhau 30 năm, đó là thời điểm của xã hội. Còn thời điểm văn học, chúng ta đã bắt tay trên 200 năm khi nước Mỹ ra đời và hơn thế nữa. Các bạn ạ! Ngay trong gian phòng ấm áp này, tại Hà Nội, thủ đô duyên dáng như cô gái xinh xắn của chúng tôi, tôi thấy chúng ta như đang trên con tàu vũ trụ đi tìm sự sống. Các nhà văn đương đại Việt - Mỹ thế kỷ 20, 21, cũng chính là các nhà du hành đó. Một cuộc gặp gỡ hữu ích và quý hiếm. Và trên con tàu vũ trụ mơ ước có một không hai này, tôi đang nói với người ngồi bên cạnh "Anh giúp tôi cốc sữa nhé, sáng nay sao ruột tôi cồn cào". Một nhà văn Mỹ, nhanh chóng trao tôi thỏi socola, cốc sữa của mình có sẵn. Tôi ăn, uống hết cốc sữa và tiếp tục chuyến bay...Một chuyến bay đi tìm sự sống, để bảo toàn sự sống, bảo toàn cái đẹp.
Chợt nhớ ba câu thơ của nhà thơ Michael Palmer, sinh ở New York, sống ở San Francisco, hơn tôi một tuổi, ông viết:
những mi mắt dán vào nhau
những dãy hành khách hài lòng
trong cảnh thiếu vắng chuyển động.
(Bầu trời đêm - Cù An Hưng dịch) (*).
Tôi biết mình đang tồn tại giữa vòng tay của cái đẹp nhân loại.
Quảng Bình, 8/10/2017

H.V.T
______
(*) 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ 20 - Hoàng Hưng tổ chức bản thảo, Nxb Hội nhà văn - Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2014.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: