Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

“Nhân nào quả ấy”: khi Vương Trí Nhàn dùng đôi mắt sắc nhìn những chuyện đời thường


Thông tin từ BTC
THÔNG TIN RA MẮT – NHÂN NÀO QUẢ ẤY
Thời gian: 9h30 sáng Chủ nhật 28. 8. 2016
Địa điểm: Hiệu sách Nhã Nam, Đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1
Khách mời: Nhà phê bình Vương Trí Nhàn và Nhà văn Võ Diệu Thanh
Tiếp nối thành công của Những chấn thương tâm lý hiện đại, nhà phê bình Vương Trí Nhàn trở lại và tiếp tục đưa các vấn đề đời thường vào lăng kính phân tích thấu đáo của mình.
Bìa sách “Những chấn thương tâm lý hiện đại” của Vương Trí Nhàn
Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam giới thiệu tới các bạn độc giả tập phiếm luận Nhân nào quả ấy. Không mô phạm, không hằn học. Như một người kể chuyện khéo léo, ông tìm hướng tiếp cận những vấn đề vĩ mô bằng những câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản: Nên đón Tết thế nào? Làm thế nào để chọn một cành mai đẹp? Sống sao trong những ngày vui?
Nhân dịp ra mắt sách mới, Nhã Nam tổ chức một buổi gặp gỡ nói chuyện cùng tác giả Vương Trí Nhàn, tạo một không gian trao đổi với các bạn độc giả những thác mắc, suy nghĩ về Nhân nào quả ấy.
VỀ TÁC PHẨM
Báo chí hàng ngày một vài năm gần đây đầy rẫy những bài vở tin tức có liên quan tới các hiện tượng mà ta quen gọi là tiêu cực xã hội: đó là ăn cắp, tham nhũng, hối lộ làm hàng giả, gian lận, dối trá. Là chơi bời hưởng lạc lãng phí. Là tham lam vụ lợi, làm bất cứ việc gì có thể làm miễn sao có tiền – triết lý thực dụng này mở đường cho cách sống vô cảm tàn nhẫn lan ra trên phạm vi rộng. Đó cũng là tình trạng mất lòng tin sâu sắc dẫn đến mê tín dị đoan, và mở rộng ra là hiện tượng tha hóa, tức tự mình thấy mình bị làm hỏng, mình đang xấu đi – một điều chắc chắn khiến cho những người còn chút lương tri cảm thấy có lỗi mà không biết cách nào thay đổi.
Nhiệm vụ của báo chí là đưa các hiện tượng ra ánh sáng.
Văn chương – trong nghĩa cao đẹp của nó – đảm nhiệm một việc khó khăn hơn là lôi cuốn con người vào việc suy nghĩ và lý giải các hiện tượng nói trên, từ chiều sâu của kinh nghiệm lịch sử và văn hóa.
Bìa sách “Nhân nào quả ấy”
Nhân nào quả ấy tập hợp những bài tiểu luận của nhà phê bình Vương Trí Nhàn từ báo chí, nêu rõ các vấn đề nhức nhối của xã hội, bên cạnh đó cũng nêu ra nhiều thói hư tật xấu của người Việt. Cách tiếp cận của ông Vương Trí Nhàn đặc biệt ở chỗ ông không chỉ viết phiếm luận từ góc nhìn lý trí đơn thuần mà còn sử dụng các điển tích lịch sử, các dẫn chứng từ văn học của các nhà văn nổi tiếng để gợi mở vấn đề và đi tìm câu trả lời.
VỀ TÁC GIẢ
Vương Trí Nhàn sinh năm 1942 tại Hà Nội, là một nhà nghiên cứu văn hóa, nhà phê bình văn học. Ông gắn bó nhiều năm với ngành xuất bản, đã từng công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội và nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Ông đã chấp bút nhiều bài báo, bài nghị luận sâu sắc phê phán các thói hư tật xấu của xã hội.
Ban đầu ông chỉ tập trung nghiên cứu các vấn đề văn học hiện đại, rồi đến văn học sử. Nhưng khoảng từ đầu thập niên 1990, ông thấy có hứng thú với các vấn đề văn hóa và đã theo đuổi đề tài này cho đến hiện nay.
Hiện ông đang sống cùng gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tác giả Vương Trí Nhàn
ĐÁNH GIÁ CỦA BÁO CHÍ
“’Nhân nào quả ấy’ thực sự là một liều thuốc đắng nhắc nhở ta nhìn lại mình, nhìn lại thực tại mình đang sống. Hình thức phiếm luận của cuốn sách là một mảnh đất hào phóng giúp tác giả mặc sức bày tỏ những suy nghĩ, đánh giá của mình về văn hóa đương thời, quan trọng hơn, nó là cái cách hiệu quả để ông phác thảo những vấn đề then chốt từ những lượm lặt ý tưởng chi tiết mà tránh được sa vào lối thuyết giáo định hướng nặng nề.” – vnexpress.net
“Trong số những cây bút phê bình lý luận Việt Nam hiện đại, Vương Trí Nhàn là một người từ mấy chục năm nay đã tạo được một giọng điệu riêng khó lẫn. Ông không phải là người tiếp cận thật sâu một vấn đề gì đó và triển khai nó đến tận cùng, mà thường vấn đề gì cũng lướt qua một cách nhẹ nhàng, nhưng lại có những nhận xét khá thâm thúy.” – Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
TRÍCH ĐOẠN
Sự thiêng liêng bị pha tạp – có thể không sợ hàm hồ mà nói về phong trào đi hội hiện đang rầm rộ như vậy. Bên cạnh những người đến với lễ hội với tình cảm tôn nghiêm và có suy nghĩ, thì còn không ít người đi theo kiểu đua đả, hoặc ngấm ngầm tính chuyện cầu lợi, đặt việc cúng bái cao hơn mục đích tham quan và hiểu biết. Đã gọi đua đả tức ăn theo, học đòi, không có hiểu biết gì chắc chắn về mảnh đất mà mình bỏ công thăm viếng. Còn đi để xin lộc thì chỉ cần có chỗ thắp hương, và trình ra món lễ vật hậu hĩnh chứ chùa chiền hang động thế nào cũng được! Cả hai loại người này gặp nhau ở sự dễ dãi vô nguyên tắc. Bằng cách đó, họ trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ kinh doanh đồ giả. Với tính nhạy cảm của kẻ sống bám vào di tích, đám người chuyên đứng ra làm công việc gọi là phục vụ người đi hội này hiểu rằng đối tác của mình chẳng có gì đáng trọng; đứng trước di tích, họ chỉ thuộc loại gà mờ, dễ bị bịp. Nói ra thì hơi quá, song suy cho cùng, phải thấy sự dễ dãi và kém hiểu biết của dân đi hội đã là một sự mở đường, sự tiếp tay để một số người ở địa phương đi xa mãi trong hành động giả dối trục lợi.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thanh kiếm có chỗ mẻ


Vụ việc “mời - bắt cóc” công dân, trong đó có một cháu nhỏ 3 tuổi, vừa xảy ra ở thị xã La Gi (Bình Thuận) mà nhân vật chính là… công an chứ không phải người dân đã khiến dư luận cực kỳ bức xúc. Vấn đề ở đây là sự vi phạm pháp luật lại được thực hiện bởi chính lực lượng bảo vệ pháp luật.

Cứ cho là ông Lê Hồng Phong, một doanh nhân tại Bình Thuận đang bị nhà chức trách nghi ngờ, là đối tượng cần phải điều tra do liên quan đến pháp luật, theo như công an thông báo sau đó. Nhưng nghi ngờ ai thì không có nghĩa được quyền xúc phạm đến tư cách công dân của người ấy. Tuy nhiên, Công an Q.Hai Bà Trưng (TP.Hà Nội) đã không đếm xỉa đến điều đó. Họ ngang nhiên vượt cả ngàn cây số vào tận nơi, không thông báo, không làm việc trước với chính quyền địa phương, với công an sở tại đang chịu trách nhiệm về an ninh trật tự nơi này. Với lý do "nghiệp vụ", họ tự cho mình cái quyền “tiền trảm hậu tấu”, công khai đón đường công dân, “mời - bắt cóc” ép công dân Phong cùng đứa con nhỏ 3 tuổi đưa vào xe kín, vọt thẳng về Sài Gòn, không khác gì bắt khẩn cấp một đối tượng cực kỳ nguy hiểm có hại cho an ninh quốc gia. Vụ việc xảy ra ngay trước cổng một trường mầm non giống như phim hành động của Hollywood hoặc xã hội đen khiến người dân hốt hoảng lo sợ.

Cứ như báo chí phản ánh, ngay sau đó, Công an tỉnh Bình Thuận, Công an thị xã La Gi, công an các tỉnh trong khu vực, rồi cả công an, cảnh sát hình sự của Bộ Công an, các lực lượng địa phương lập tức lên phương án truy đuổi, chặn bắt, lập chốt trên nhiều tuyến đường để giải cứu hai nạn nhân. Tức là tốn rất nhiều sức lực, trí tuệ, phương tiện, thời gian để giải quyết một vụ việc phát sinh từ sự tùy tiện, vô pháp luật của chính những người trong ngành.
Nếu làm sai, vi phạm pháp luật, hãy dũng cảm thừa nhận sai và sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, như báo điện tử Một Thế Giới và một số tờ báo thông tin, một vị lãnh đạo Công an Q.Hai Bà Trưng còn cãi lấy được, bảo rằng chỉ mời “đối tượng Phong” đi làm việc chứ không phải bắt cóc, trước khi thực thi “mời” đã có trao đổi, thông báo với chính quyền và công an địa phương. Thôi thì cứ cho các vị ấy phân trần biện giải, còn dân chúng có hiểu thế hay không lại là chuyện khác. Chỉ đơn giản rằng, nếu có sự thông báo làm việc trước, làm sao lại có thể xảy ra cuộc huy động tổng lực để truy đuổi, ngăn chặn, giải cứu như đã nói ở trên.

Câu chuyện bi hài ấy bộc lộ điều gì? Chúng ta vẫn nghe rằng lực lượng công an được ví như thanh kiếm bảo vệ pháp luật. Kiếm không chỉ sắc mà còn phải nghiêm, đảm bảo tuân thủ, đề cao pháp luật triệt để. Mọi hành động, lời nói đều phải khiến dân chúng tâm phục khẩu phục. Là những người hiểu, nắm vững pháp luật nhất mà lại hành động theo kiểu lạm quyền, ngang ngược, coi thường, bất chấp pháp luật, một bộ phận không nhỏ trong lực lượng công an đã khiến uy tín của ngành bị sứt mẻ, để con mắt dân nhìn vào thiếu sự thiện cảm. Thanh kiếm đã có chỗ mẻ thì cũng khó mà làm nhiệm vụ của nó.

Điều đáng buồn còn ở chỗ, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa kêu gọi các cấp chính quyền, cơ quan, ban ngành, lực lượng thực thi công vụ hãy cố hết sức để xây dựng một chính quyền thân thiện, gần gũi với nhân dân, để người dân thân thiện với chính quyền hơn, để bộ máy điều hành đất nước thân dân hơn, thì vẫn có số không nhỏ, như Công an Q.Hai Bà Trưng kia, làm ngược lại. Hậu quả xấu thì Thủ tướng chịu, Chính phủ chịu, dân chịu, chứ họ đâu có chịu. Họ còn cãi băng băng ấy chứ.

Vụ Công an Q.Hai Bà Trưng đâu phải chỉ là chuyện đơn lẻ, hãn hữu của ngành này. Vừa rồi báo chí và dân chúng xôn xao chuyện thiếu tá Bùi Chí Hiếu, Trưởng công an xã Tiến Thành (TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) mời công dân đến trụ sở làm việc không được, đã xăm xăm đến tận nhà “đối tượng”, rút súng bắn ngay hai phát vào lưng cho chừa cái “tội” không nghe lời công an. May mà đạn cao su, chứ đạn đồng thì thiếu tá cầm chắc phải ra tòa. Khẩu súng bị thu lại, nhưng cái tiếng dữ tiếng xấu cho ngành làm sao mà thu về được. Một sĩ quan hàm đến thiếu tá, từng học qua trường lớp chuyên nghiệp tất phải am hiểu pháp luật, vì vậy đây không phải chỉ là lạm quyền bởi thiếu tá Hiếu thừa biết quyền của mình tới đâu, khi nào sử dụng vũ khí, nhưng vẫn cố tình vi phạm hình sự, dùng vũ khí xâm phạm thân thể người khác, ngay cả đối với người không nguy hiểm.

Tiện đây, nhắc lại trường hợp của đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM). Việc Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu phải kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc vụ quán Xin Chào có liên quan đến đại tá Quý, rồi Bộ Công an quyết định cách chức Trưởng công an huyện đủ nói lên những vi phạm pháp luật của sĩ quan cấp cao này gây nhiều điều tiếng không hay cho chính quyền, cho lực lượng công an. Dư luận bảo rằng nếu đại tá Quý mà nắm vững và tuân thủ pháp luật thì đâu đến nỗi. Thật buồn bởi chữ “nếu” ấy đâu phải chỉ là sở hữu riêng của ông Quý.

Tôi có căn cứ để nói vậy. Ngày 15.8 vừa rồi, chính một thiếu tướng công an, tức là chức vụ phẩm hàm cao đến nỗi không thể có chuyện không thông hiểu pháp luật, thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) còn tuyên bố trong một cuộc họp rằng “người dân không có quyền kiểm tra cảnh sát giao thông”. Chả hiểu sao ông Hà lại có thể hoàn toàn bác bỏ vai trò giám sát của người dân đối với cơ quan nhà nước và lực lượng công quyền, trong khi điều ấy được Hiến pháp và pháp luật thừa nhận. Hầu như nơi đâu cũng treo câu khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, lẽ đâu vị thiếu tướng không đọc. Nếu chỉ là sảy miệng, lỡ mồm thì còn may cho dân lắm.

Kể như trên để thấy rằng bất cứ ai, làm ngành gì, công việc gì, chả cứ là công an, đều phải thông hiểu và thượng tôn pháp luật. Đó là tiêu chuẩn, là thước đo, là sự bắt buộc, và cũng là cái phanh hãm để mọi người có thể kịp thời dừng lại trước mọi sự vi phạm.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cứu nguy văn hóa chính là cứu nguy dân tộc!

Cứu nguy văn hóa

Nguyên CẩnVăn hóa Phật giáo số 247 ngày 15/4/2016
Báo động văn hóa xuống cấp
Trong một bài viết trước đây “Văn hóa Việt Nam – đôi điều suy ngẫm”, chúng tôi đã đề cập đến thủy chuẩn văn hóa chúng ta hiện nay đang ở mức thấp, rất thấp, khi so sánh những mối quan tâm hàng ngày qua việc tìm kiếm trên internet. Nhiều bậc thức giả, những nhà xã hội học đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về văn hóa nghe – nhìn. Chúng ta đọc báo in, và nhất là báo mạng, thấy gì? Nào là đám cưới “đại gia” đi xe siêu sang trong khi nợ nông dân như chúa Chổm, rồi chuyện chân dài với đại gia, hàng hiệu với người đẹp, chuyện hẹn hò của ông kép này và cô đào kia… Có người cay đắng nhận định: “Cả nước chúi mũi vào cái váy của một cô ca sĩ XYZ nào đó mà lơ là chuyện nhiễm mặn đồng bằng, chuyện hạn hán chưa từng thấy, chuyện ngoại thù rập rình hải đảo ngăn không cho ngư dân ra khơi..., chưa nói đến chuyện vụ án ngày nào cũng có từ trong gia đình ra ngoài xã hội, chuyện thầy giáo dụ dỗ học sinh vào nhà nghỉ, chuyện đánh ghen…”
Còn phim ảnh, chẳng biết truyền hình chiếu bao nhiêu bộ, mà đài nào cũng phim Hàn với Hoa, bây giờ lại thêm Ấn Độ; đến nỗi học sinh hiểu sử Việt lơ mơ mà về Càn Long với Khang Hy thì lại rất rành. Rồi lớp trẻ hành động theo thần tượng, phần lớn là nước ngoài, với quan điểm thẩm mỹ lệch lạc…
Tất cả đều phản ánh thực trạng dân khí suy yếu, mất định hướng từ trong tư duy; người đi học thì cũng nhiều, nhưng hiểu lẽ đời, biết phân biệt phải trái… thì chẳng có bao nhiêu! Người ta trở nên ích kỷ, bất chấp đạo lý trong đời sống hay kinh doanh, sẵn sàng làm tổn hại người khác để mưu lợi cho mình nên tự mình đầu độc dân mình qua những thực phẩm độc hại ngày càng nhiều, đến mức báo chí phải lên tiếng rồi các cấp lãnh đạo phải kêu gọi tẩy chay. Nhưng biết sản phẩm nào thế nào mà “tẩy”? Chưa kể có những quan chức vì lòng tham sẵn sàng hay lơ là bỏ qua khâu kiểm định, chia chác với những kẻ làm bậy, nên không thiếu trường hợp có người mua được chứng thư, giấy kiểm dịch, bằng lái xe… còn các chất cấm thì được mua bán công khai. Ví dụ, trong hai năm 2014 và 2015, các công ty sản xuất dược trong nước nhập khẩu 9.140 kg chất salbutamol để sản xuất thuốc, nhưng có đến 6.268 kg chất này không được đưa vào sản xuất dược phẩm mà salbutamol lại trở thành chất thịnh hành nhất để tạo heo siêu nạc trong chăn nuôi.
Hình ảnh chúng ta trong mắt thế giới ngày một “nhòe” đi, xấu dần, khi cộng đồng người Việt mang tiếng vì những kẻ trộm cắp hàng ở siêu thị Singapore, Nhật Bản, trồng cần sa ở Anh, lập băng nhóm ở Nga, ở Mỹ, thanh toán nhau ở Thái Lan ở Hàn Quốc, buôn sừng tê giác ở Nam Phi… Dân tộc Việt nếu không chấn hưng dân khí kịp thời thì e rằng chúng ta sẽ bị khinh rẻ trong tâm tưởng bạn bè thế giới. Dân khí chưa hưng thì làm sao dân sinh bền vững?
Nâng cao dân trí là một yêu cầu khẩn thiết
Chúng ta nhớ cụ Phan Châu Trinh với câu khẩu hiểu của phong trào Duy Tân “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” từ cả trăm năm trước và trong Mười điều bi ai cụ dạy vẫn có những điều mang ý nghĩa lớn lao với chúng ta hôm nay:
1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước, thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đọa đày.
4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý; thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng.
Vì chen nhau đi kiếm tiền, giành từng cái ghế, chạy chức chạy quyền, chạy theo tư lợi khiến người Việt trở nên ích kỷ, dân khí suy so với những thời đại hào hùng. Tôi nhớ VTV1 khi phát hình phóng sự về Israel, phóng viên bình luận rằng: “Ở nước này, không có nhiều siêu xe, nhà cửa hoành tráng, nhưng người dân rất hạnh phúc, sung túc, ai cũng có thể mua xe hơi, có nhà ở. Bộ trưởng hay quan chức cao cấp mặc quần áo “casual” nghĩa là quần jean áo pull đi làm cũng được, nhìn rất bình dân nhưng giải quyết công việc vô cùng nhanh gọn. Điều quan trọng là họ biết biến những điều “không thể” thành “có thể”, ví dụ trồng rau trên sa mạc… vì họ làm gì có “rừng vàng biển bạc” như ta”.
Vì sao nâng cao dân trí là nhiệm vụ hàng đầu?
Những nhà kinh tế cho rằng “Nâng cao dân trí còn quan trọng hơn tăng tốc GDP. Điều quan trọng trong dân trí không hẳn là kiến thức hay thông tin mà là khả năng nhận biết đâu là quyền và nghĩa vụ của mỗi người. Tăng trưởng GDP có thể bị triệt tiêu khi xã hội phải tiêu tốn nhiều nguồn lực để giải quyết các vấn đề do vấn đề dân trí gây ra”. (Thời báo kinh tế Sài Gòn 24/3/2016).
Nếu nhà lãnh đạo nào nghĩ rằng cứ để quần chúng mù mờ, kém cỏi về nhận thức mới dễ bề cai trị thì đó là một ngộ nhận lớn! Chẳng khác nào người cha muốn con mình thất học thì dễ bảo hơn chăng? Mà ngược lại, nó sẽ gây nhiều tổn hại cho chính ông ta, trước khi gây họa cho xã hội.
Nhìn lại một số vụ việc gần đây, từ vụ nổ lớn ở Văn Phú (Hà Đông), vụ nữ sinh ở Đắk Lawsk bị cưa chân, vụ cầu Ghềnh sập khiến tuyến đường sắt Bắc Nam thiệt hại nặng, đồng bằng sông Cửu Long chịu thiệt hại nặng do hạn và ngập mặn… Chúng ta tự hỏi liệu dân trí cao, họ có đem bom đi cưa không mà theo thông tin trên truyền hình (VTV3) thì trong năm 2015, riêng tỉnh Quảng Trị đã có hơn 3.000 người thương vong do những sự cố tương tự; nữ sinh bị cưa chân là do thầy thuốc vừa kém chuyên môn vừa thiếu y đức, mà chuyện y đức hay chữ nhân trong ngành y là một dấu hỏi cực lớn; chuyện cầu Ghềnh, ông lái tàu tắc trách bỏ lên bờ giao cho hai tài công không bằng lái tàu đâm vào cầu, thiệt hại tính ra hàng nghìn tỷ rồi chưa kể việc ngưng trệ giao thông của tuyến đường sắt Bắc Nam, chuyện hủy chuyến vì phải di chuyển từ Sài Gòn ra Đồng Nai; chuyện hạn mặn một phần là thiên tai nhưng “nhân tai” không phải là không có trách nhiệm khi chúng ta không hề có phương án ứng phó… Nếu có kiến thức thì hàng nghìn con người không thể bị những công ty bán hàng đa cấp lừa đảo được, ví dụ như trường hợp Công ty Liên Kết Việt lừa đến 1.600 tỷ thì người dân mới biết. Rồi còn bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười khi những thương lái Trung Quốc lừa dân ta từ trái cau, trái thanh long cho đến ốc bươu vàng, đỉa… Không chỉ vì lòng tham mà còn vì thiếu trình độ nhận thức hay cảm quan kinh doanh nếu như họ được dạy dỗ về kiến thức kinh tế căn bản… Rồi chuyện thực phẩm bẩn cũng sẽ khó có đất sống nếu người dân có kiến thức về dinh dưỡng. Những câu chuyện đau thương ấy nói lên điều gì về dân trí hôm nay? Người dân không hề được trang bị kỹ năng sống khi những bài học nhà trường quá xa rời thực tế, không gắn gì với việc họ phải sống và hành xử như những công dân có văn hóa, nghĩa là có trách nhiệm và lương tâm với cuộc đời mình và người khác, với cộng đồng và với thiên nhiên.
Trong bài phát biểu ở kỳ họp Quốc hội lần này, đại biểu Võ Thị Dung đã khiến nghị trường sôi động hẳn lên khi đề cập tới bảy vấn đề hệ trọng mà đất nước đang phải đối mặt, trong đó ngoài nỗi lo ngoại xâm từ phía Trung Quốc, nỗi lo nội xâm là nạn tham nhũng và tình trạng lãng phí, thì nỗi lo thứ ba là về suy thoái đạo đức xã hội. Đạo đức giả ngày càng lấn át đạo đức thật, chủ nghĩa thực dụng ngày càng phổ biến trong xã hội. Tính tham lam, ích kỷ, tệ dối trá, lừa đảo, cướp giật, giết người… mất an toàn trong vệ sinh an toàn thực phẩm và một số tệ nạn khác đang tạo ra sự bất an cho nhân dân. Thứ tư là nỗi lo tụt hậu kinh tế. Năng suất lao động thấp, cộng với lãng phí cạn kiệt tài nguyên và các tiềm năng nguồn lực của đất nước. Thứ năm là nỗi lo về nợ công quá cao, tiêu xài quá đà, lãng phí, bội chi ngân sách lớn và triền miên, ảnh hưởng lâu dài đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Thứ sáu là nỗi lo văn hóa dân tộc đang bị mai một, xuống cấp. Cuối cùng, thứ bảy là nỗi lo thiếu kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo quản lý điều hành, dẫn đến tùy tiện, buông lỏng, qua loa đại khái trong thực thi, giảm hiệu lực chủ trương, chính sách pháp luật, làm trật tự xã hội suy yếu và mất dần động lực phát triển. Như thế là trong bảy nỗi lo thì có đến bốn liên quan đến văn hóa… dù trực tiếp bà đề cập trong nỗi lo thứ sáu.
Chúng ta biết UNESCO từng nhấn mạnh “Văn hóa là động lực của kinh tế”. Nói cách khác, văn hóa quyết định hướng đi cho kinh tế và xã hội. Bàn về ba lãnh vực của đời sống – thiên nhiên, con người và tôn giáo – tác giả Nguyễn Thế Đăng nhận định: Có một thế giới của tự nhiên, thế giới vật lý… Chúng ta phải tuân theo những định luật hay quy luật của nó. Đây là lãnh vực mà văn minh Đông Á gọi là Địa… Và có một thế giới của con người, với lý trí, tình cảm, ý chí với những hy vọng, ước vọng cao cả. Mức độ tự do nhiều hơn nhưng tinh tế hơn, phức tạp hơn, tương thông với nhau, dìu dắt nhau tiến bộ… Văn hóa là sự thăng hoa, sự nhân tính hóa những hiểu biết về thế giới vật lý, thế giới tâm lý, làm cho con người ngày càng nhân tính hơn, càng đẹp hơn, càng đúng hơn, càng tốt lành hơn. (Chân Thiện Mỹ). Văn hóa là để biết sống. Sử dụng và biết sống với thiên nhiên (Địa), biết sống với người khác (Nhân) và biết sống với cái siêu việt, cái thiêng liêng ở trong chính mình (Thiên). (Tóm tắt theo Nguyễn Thế Đăng – Xã hội hài hòa – Trích trong Con người toàn diện – Hạnh phúc toàn diện các trang 176 – 183).
Còn về lãnh vực thứ ba theo tác giả Nguyễn Thế Đăng là tôn giáo; nhưng như chúng tôi đã từng viết trước đây trong bài đã dẫn ở trên thì “Muốn xây dựng con người mới văn hóa, phải chú ý trước hết ở phần tâm và trí… Đó là con người tôn trọng luật pháp, có lý tưởng sống, tuân theo lương tâm và theo một tôn giáo nào đó, nếu muốn. Tôn giáo vốn được xem là một môi trường tốt huân tập tâm hồn con người với những bài giảng về từ bi hay bác ái. Nhưng ngay cả người vô thần thì cũng phải sống có văn hóa, nghĩa là phải theo lương tâm. Anh ta cũng không thể nhân danh vô thần không tin vào kiếp sau, vào luân hồi, hay vào quả báo mà có thể ăn cướp, tước đoạt, gây hại cho kẻ khác được.
Nói theo đức Đạt Lai Lạt Ma thì, “trong thời đại khoa học ngày nay nhiều người cho rằng theo những tôn giáo là vô nghĩa, vậy thì cơ sở nào cho những giá trị như thế? Theo tôi, mặc dầu nhân loại có thể sống mà không cần tôn giáo, nhưng không thể sống mà không có những giá trị bên trong… Đạo đức và các giá trị bên trong không có nội dung tôn giáo giống như nước, là thứ mà chúng ta cần hàng ngày để sống còn và khỏe mạnh. Đạo đức và các giá trị bên trong trong bối cảnh tôn giáo giống như trà … Nhưng dù trà được pha chế thế nào thì thành phần chính vẫn là nước. Trong khi chúng ta có thể sống mà không có trà, chúng ta không thể sống thiếu nước. Tương tự, chúng ta sinh ra không có tôn giáo nhưng chúng ta không sinh ra mà lại không có nhu cầu về lòng từ bi… “ (Đạt Lai Lạt Ma – Bên ngoài tôn giáo, bản dịch Trần Ngọc Bảo, 2015).

Chúng ta không thể tách rời mối liên hệ giữa hạnh phúc của chúng ta với hạnh phúc cộng đồng. Phải chăng đó là ý nghĩa của tương tức tương sinh (Interbeing – tiếp hiện) trong nhà Phật. Tóm lại, dù không có tôn giáo, người ta vẫn phải tôn trọng các nguyên tắc phát triển nhân tính, dựa trên nhân bản và vì nhân sinh. Bất cứ một nền văn hóa nào không lấy yếu tố con người làm trọng tâm sẽ thất bại. Tại sao chúng ta không phát huy cái đẹp văn hóa vốn có của người Việt Nam: lạc quan, chân thực, kiên trung, cần mẫn, thông minh, vị tha, bao dung… mà để những phẩm chất ấy phai mờ trở thành những kẻ giả dối, gian trá, độc ác, vị lợi, chấp nhất, hẹp hòi…”.
Như vậy đã rõ, phải xây dựng lại Nhân trong mối hài hòa với chính nó và với Địa. Nâng cao dân trí trở thành nguyên lý hành động của mọi người và của các cấp lãnh đạo tư tưởng. Một nền văn hóa dân chủ, nhân bản và khai phóng phải được xây dựng từ nền móng, dù hiện nay thế hệ đi trước đang mắc phải nhiều sai lầm. Nếu không, thế hệ trẻ hôm nay sẽ mất điểm tựa khi cha anh không còn là những tấm gương về thân giáo; và đến lượt họ, những người trẻ, cũng theo vết xe đổ mà thôi! Và chúng ta sẽ tiếp tục đọc những tin tức “rùng mình” hơn với những thống kê chẳng có gì đáng tự hào đại loại như: uống 4 tỷ lít bia, ăn 1 triệu con chó, phá thai 2 triệu lượt, giết nhau bất kể lý do gì …. và hằng hà tin nhảm khác! Dân tộc ta sẽ chìm đắm trong mười nỗi bi ai như cụ Phan từng liệt kê. Sự tồn vong của đất nước chưa biết sẽ ra sao?
Cứu nguy văn hóa chính là cứu nguy dân tộc!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thế là anh cũng đi buôn



Nguyễn Tất ThịnhHọc viện Hành chính Quốc gia
Ông là nhà kinh tế có học vị rất cao, người đỗ đạt cao nhất dòng họ, là anh trưởng, người xưa nay được nhận nhiều ưu đãi của xã hội lẫn dòng tộc. Và ông đã ứng xử, quan niệm như thế nào?!
Móc túi lấy ra mấy triệu, vẻ mặt chán chường, anh đặt kịch lên bàn và nói với vợ bằng giọng bất mãn:
- Nó không cho vay 200 triệu mà chỉ cho mình vay 5 triệu đồng thôi. Đi ăn cắp đâu được ngần ấy tiền còn lại cơ chứ.
Vợ anh đang háo hức đợi chồng về, nghe anh nói thế quắc mắt lên, một thôi một hồi chì chiết:
- Giời ạ, biết ngay cái thứ anh em nhà ông mà. Có mỗi hai mống ruột thịt mà không biết san sẻ đùm bọc nhau thì trông vào chó nó thương à. Đấy, cứ khoe mẽ là giàu nứt đố đổ vách nữa đi, són ra được tí tiền thì mang ơn mang huệ. Đây vay đây giả chứ chưa gì đã giở lối thương xót bố thí cho anh mình như thế… Loạn rồi… Ngừng một lát như để tìm thêm cảm xúc mới, vợ anh lại xối xả:
- Ông học hành đỗ đạt cao nhất họ mà chẳng biết hàng ngày ông làm gì để đến nỗi gần cuối đời cũng chả có đủ tiền để mua cho mình cái nhà cho ra hồn, chẳng thà bẻ bút đi buôn như thằng em cho rồi. Ông cứ bảo như thế là nhục đi. Miếng nhục là cục thịt. Mà bây giờ đã chịu nhục rồi nhưng có cục thịt nào tống vào mồm đâu… Tiền thì thế mà tình thì thế đấy!
Gần đây cơ quan anh có vài suất nhà chung cứ dùng tiền phúc lợi để xây dựng rồi bán giá rẻ cho những cán bộ có nhiều năm công tác. Anh được chấm điểm cao vì là Phó giáo sư, Tiến sĩ nhiều thâm niên. Vài đồng nghiệp cũng đủ tiêu chuẩn nhưng ngại ngần vì số tiền phải trả cũng rất lớn so với thu nhập của họ. Anh nói với họ đầy tự mãn: Ôi dào, chuyện nhỏ, thằng em tớ giàu sụ, chỉ điều một câu là chồng đủ tiền.
Bố mẹ anh sinh có hai người con, gian khổ lam lũ đã nhiều đời, nên cũng cố cắn răng bòn mót củ khoai cái sắn nuôi anh ăn học nên người. Nhưng đến thằng em anh thì gia đình cũng kiệt quệ nên em anh chỉ được cố cho ăn học đến hết lớp bảy trường làng, rồi tần tảo cùng bố mẹ bao nhiêu năm chắt bóp để có tiền gửi lên thành phố cho anh ăn học. Bố mẹ anh tự hào về anh như thần tượng, mà trong mắt thì coi người em như không có gì đáng kể.
Chuyên ngành của anh là giảng dạy nghiên cứu về kinh tế chính trị. Trong những bài giảng và tác phẩm của mình anh từng ghét cay ghét đắng cái nền kinh tế thị trường, cái tư bản chủ nghĩa, cái tư tưởng tiểu thương, cái suy tính con buôn, cái làm ăn cá thể… Anh vẫn thương hại em trai mình và mỗi khi gặp mặt thường chê nhẹ rằng: Trong đầu óc chú chỉ nghĩ có tiền, chả chịu nghĩ đến tương lai, sớm muộn chú cũng phải trả giá thôi… Xã hội đã nhiều đổi mới nhưng nếp nghĩ của anh có vẻ như không thể thay đổi, tuy nhiều khi anh đã biết than thở u uất: Không tiền đến là nhục.
Người em trai xưa đi buôn chuyến, đã từng bị công an bắt vì tội mua hàng trong Nam bán ngược ra ngoài Bắc… Giờ đây trong tay đã có một doanh nghiệp xuất nhập khẩu bề thế hơn trăm con người với hàng đống tiền, kể cũng là giàu có trong thiên hạ.
Khi anh đến vay tiền em để mua nhà, người em bảo:
- Em có tiền, nhưng còn nhiều việc khác cũng phải làm, cũng không dễ mà rút ra khỏi vòng quay hàng ngày của nó. Sao bác không đến ngân hàng mà vay, ở đó có thời hạn có lãi suất, có nguyên tắc do các bác thiết kế ra nó khoa học, rành mạch lắm chứ đâu như bác chỉ hỏi suông như tiền của em là điếu cày của ủy ban ấy? Em không nợ nần gì bác, đấy là chưa muốn nói là bác nợ em nhiều lắm những ngày tháng không được học nai lưng làm lụng kiếm tiền góp vào nuôi bác ăn học được như ngày hôm nay. Các bác quen được dân sẵn sàng cung phụng rồi. Quả thực em cũng chả thấy được việc bác sẽ hoàn trả em như thế nào. Bác vẫn khoe viết nhiều dự án kinh tế cấp Nhà nước lắm và vẫn khinh em là con buôn cơ mà. Tiền của em trong mắt bác nó bẩn lắm, không xứng để bác vay đâu. Lần này cơ quan bán như cho bác cái nhà, có nằm mơ em cũng chả bao giờ được diễm phúc ấy. Em xin tặng bác dăm triệu đây gọi là mừng cho cái lộc của bác.
Anh không nói được gì thêm, cầm mấy triệu mang về, chán cho cái cảnh tiền là bạc, lầm bầm: Biết ngay mà, cái loại người con buôn đó có bao giờ nghĩ đến gì tử tế ngoài tiền đâu cơ chứ! Thôi bán lại cái suất cho người khác kiếm tí chênh lệch vậy.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao vật chất không thể có trước ý thức?

Nguyễn Hữu Đổng
Vật chất hay ý thức có trước là vấn đề gây tranh luận hàng thế kỷ; vấn đề này dẫn đến chủ nghĩa “duy tâm” cho rằng, ý thức có trước vật chất, còn chủ nghĩa “duy vật” lại cho rằng vật chất có trước ý thức… Vậy chủ nghĩa nào thì đúng?
Tranh luận trong khoa học là khái niệm chỉ sự vật, hiện tượng của con người. Nếu không có sự tranh luận, tức là con người sống thiếu tự do, từ đó không thể khám phá ra những điều bí ẩn của Thế giới tự nhiên, xã hội. Sự tranh luận về vấn đề ý thức hay vật chất có trước đã diễn ra nhiều thế kỷ. Do vậy, đây được coi là vấn đề không dễ lý giải để thuyết phục con người. Để lý giải vấn đề bí ẩn này, điều quan trọng là cần phải nhận thức rõ nguồn gốc của “vật chất” (vật thể) và “ý thức” (phi vật thể).
Vật chất và ý thức là các khái niệm chỉ sự vật, hiện tượng khách quan trong thế giới tự nhiên và xã hội. Tức vật chất là biểu hiện của sự vật trong Thế giới tự nhiên, còn ý thức lại là biểu hiện của hiện tượng trong Thế giới xã hội loài người. Mọi sự vật, hiện tượng khách quan trong Thế giới tự nhiên và xã hội loài người đều có các mặt “đối lập”. Mặt đối lập tức là mặt “đứng ở phía đối ngược lại” với mặt kia. Trong Thế giới tự nhiên và xã hội loài người có các mặt đối lập cơ bản, dạng “song - hành” và “nhân - quả”. Các mặt đối lập song - hành (mặt phải - mặt trái, bên này - bên kia,…) được hình hành trên cơ sở sự quay vòng (tròn) của Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất, và Trái Đất tự quay xung quanh nó; còn các mặt đối lập nhân - quả (đằng trước - đằng sau, phần đầu - phần cuối,…) được hình thành trên cơ sở sự quay vòng của Trái Đất, Mặt Trăng quay xung quanh Mặt Trời, và Mặt Trời tự quay xung quanh nó. Chính sự chuyển động không ngừng của Mặt Trời, Trái đất, Mặt Trăng và các hành tinh như vậy là cội nguồn sâu xa hình thành nên các sự vật, hiện tượng (khái niệm) vật chất, ý thức nói riêng, các mặt đối lập của sự vật, hiện tượng trong Thế giới tự nhiên và xã hội loài người nói chung.
Điều đó có nghĩa là, nếu không có sự chuyển động không ngừng của Mặt Trời, Trái Đất và các hành tinh trong Vũ Trụ sẽ không có các sự vật, hiện tượng, cũng như chẳng có khái niệm vật chất và ý thức trong Thế giới tự nhiên và xã hội. Vật chất chính là biểu tượng Mặt Trời, Trái Đất và các hành tinh; còn ý thức là biểu tượng Trái Đất và các hành tinh luôn chuyển động, quay vòng xung quanh chúng và quay xung quanh Mặt Trời - sự vật, hiện tượng luôn tự quay vòng. Giống như các chữ số, chữ số 1 tượng trưng như Mặt Trời quay tròn xung quanh nó; chữ số từ 2 đến 9 tượng trưng như các hành tinh trong Hệ Mặt Trời luôn chuyển động, quay vòng; còn chữ số 0 tượng trưng như Trái Đất luôn tự quay tròn xung quanh nó. Nói cách khác, vật chất và ý thức đều chỉ là các sự vật, hiện tượng có các mặt đối lập. Các mặt đối lập cơ bản của khái niệm vật chất - ý thức là vật chất và ý thức. Vật chất là muốn nói đến khái niệm vật thể (vật, sự vật…) - biểu hiện cơ bản ở sự vật Mặt Trời, Trái Đất và các hành tinh; còn ý thức là muốn nói đến khái niệmphi vật thể (ý niệm, tinh thần… ) - biểu hiện cơ bản ở hiện tượng chuyển động không ngừng của Mặt Trời, Trái Đất và các hành tinh.
Từ việc lý giải theo cách tiếp cận này cho thấy rằng, Mặt Trời, Trái Đất và các hành tinh không thể có trước khi chúng tự chuyển động, quay vòng; cũng như sự chuyển động quay vòng của Mặt Trời, Trái Đất và các hành tinh không thể có trước khi bản thân chúng xuất hiện. Tương tự, vật chất không thể có trước ý thức; cũng như ý thức không thể có trước vật chất. Nói cách khác, Mặt Trời, Trái Đất, các hành tinh và sự quay vòng của chúng là các sự vật, hiện tượng khách quan, cùng đồng thời xuất hiện, tồn tại; không thể có Mặt Trời, Trái Đất, các hành tinh trước rồi mới có sự chuyển động, quay vòng của chúng. Nhìn vào thể trạng con người, chúng ta đều thấy mọi sự vật, hiện tượng khách quan, như đầu, thân, tay, chân, mắt, tai… là đều có các mặt đối lập, và chúng luôn tự vận động (lưu thông máu, cử động,…) không ngừng trong nội tại chúng, từ đó tạo nên sự sống của con người. Không thể nói đầu có trước thân, hay thân quyết định đầu; không thể nói tay phải có trước tay trái, hay tay phải quyết định tay trái; không thể nói mắt phải có trước mắt trái, hay mắt phải quyết định mắt trái,..v..v…
Sự khám phá điều bí ẩn về vấn đề cái gì có trước, có sau giữa vật chất và ý thức được coi là cơ sở quan trọng để con người nhìn nhận đúng đắn hơn bản chất của các sự vật, hiện tượng khách quan trong Thế giới tự nhiên và xã hội. Tức mọi sự vật, hiện tượng khách quan trong Thế giới tự nhiên và xã hội đều bao gồm các mặt (cặp) đối lập; trong đó, các cặp đối lập hoàn hảo nhất chính là Trái Đất - Mặt Trăng, và Trái Đất, Mặt Trăng - Mặt Trời, cùng sự quay vòng của chúng. Các mặt đối lập của sự vật, hiện tượng được coi là cội nguồn hình thành nên sự sống cho muôn loài nói chung và con người nói riêng. Con người có cội nguồn chính là từ sự kết hợp (xung đột) giữa các mặt đối lập của sự vật, hiện tượng trong Thế giới tự nhiên, mà cơ bản là “nóng” và “lạnh” (dương và âm),….
Nhìn nhận các mặt đối lập của sự vật, hiện tượng chữ số cũng cho thấy, nói đến các chữ số nguyên thì không thể không nói đến chữ số 1 - số ít - biểu tượng như Mặt Trời; không thể không nói đến các chữ số từ 2 đến 9 - các số nhiều - biểu tượng như các hành tinh trong Hệ Mặt Trời; không thể không nói đến chữ số 0 - số trung gian - biểu tượng như Trái Đất. Chữ số 1 (Mặt Trời) - số ít (số không có đôi - tự do) được coi là số khởi nguồn cho các chữ số; còn chữ số 2 (cặp đối lập Trái Đất - Mặt Trăng) - số chẵn (số đã có đôi - phụ thuộc) được coi là số khởi nguồn cho các số nhiều - tương tự các hành tinh, các cặp hành tinh trong Hệ Mặt Trời. Không có chữ số 1 sẽ không có chữ số 2, cũng như sẽ không có các số nhiều khác. Điều đó có nghĩa là, không có sự tồn tại của Mặt Trời và các hành tinh, các cặp hành tinh, sẽ chẳng có sự quay vòng của chúng; ngược lại, không có sự quay vòng của Mặt Trời và các hành tinh, các cặp hành tinh, tức là cũng không có chúng tồn tại. Tương tự, không có khái niệm vật chất sẽ không có khái niệm ý thức; không có khái niệm ý thức sẽ chẳng có khái niệm vật chất. Bản thân vật chất và ý thức đều chỉ là các khái niệm do con người nhận thức. Sự đối lập giữa vật chất và ý thức cũng tương tự như sự đối lập trong nhận thức về số ít và số nhiều, số dương và số âm,…với các tính chất, hình thức khác nhau của các chữ số.
Từ các phân tích nêu trên cho thấy rằng, những tranh luận về cái nào có trước, cái nào có sau giữa vật chất và ý thức của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm là không có sức thuyết phục. Vật chất và ý thức chỉ là các khái niệm có các mặt đối lập, cùng tồn tại trong Thế giới tự nhiên và xã hội; khi loài người không tồn tại thì cũng không còn các khái niệm này. Thực tế cho thấy, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm chỉ là hai trường phái (quan điểm) khác nhau, lý giải về sự tồn tại của Thế giới vật chất và Thế giới tinh thần (Thần thánh). Thế giới tinh thần là muốn nói đến Thế giới đã xuất hiện con người với bộ não của mình để phản ánh và nhận thức chính Thế giới. Do vật chất (chất cụ thể - chạm vào được) khi va chạm, xung đột với nhau thường biểu hiện sức mạnh “cứng” (tiếng nổ, bạo lực, quyền lực cứng,…) nên những người thực hiện “cách mạng xã hội” theo chủ nghĩa duy vật thường gắn với tư tưởng sử dụng sức mạnh “bạo lực” (chuyên chính); còný thức khi va chạm, xung đột với nhau thường biểu hiện sức mạnh “mềm” (phi bạo lực, quyền lực mềm,…) nên những người thực hiện cách mạng xã hội theo chủ nghĩa duy tâm thường sử dụng sức mạnh “phi bạo lực” (Thần thánh). Những người theo chủ nghĩa duy tâm thường gắn với chủ nghĩa “Tôn giáo”, tức sùng bái Thần thánh (Chúa quyết định); còn những người theo chủ nghĩa duy vật lại gắn với chủ nghĩa “Cộng sản” (chủ nghĩa xã hội), tức sùng bái vật chất (vật chất quyết định). Thực tế cho thấy, chủ nghĩa nào cũng khiên cưỡng, đó là đều chỉ chú trọng “một mặt” trong các mặt đối lập; những người theo chủ nghĩa Tôn giáo - duy tâm thường gắn với các biện pháp (hành động)cực đoan, độc đoán bởi cá nhân (cá thể), như đang diễn ra tình trạng độc đoán của những người đứng đầu các quốc gia thiếu dân chủ; tình trạng khủng bố của những phần tử người Hồi Giáo cực đoan như đang diễn ra ở một số quốc gia có nhiều người theo Đạo Hồi; còn những người theo chủ nghĩa xã hội lại thường gắn với các biện pháp cực quyền, độc quyền bởi nhóm (tập thể), như đang diễn ra tình trạng chủ nghĩa “nhóm” lợi ích, chủ nghĩa tư bản “thân hữu” ở một số quốc gia có thể chế theo chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa tư bản hình thành vào các thế kỷ XV - XVII, là gắn với chủ nghĩa duy tâm - Tôn giáo; bởi vì, tư bảncó nghĩa là “đầu tư” kinh doanh, do đó, thường phải “mạo hiểm”, tức có thể gặp may (được) - có nhiều lợi nhuận, hoặc rủi ro (mất) - không có lợi nhuận. Nói cách khác, chủ nghĩa Tôn giáo và chủ nghĩa tư bản có những tương đồng với nhau; còn chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội chỉ là các quan điểm khác nhau về phương pháp (thực hành) phát triển xã hội đạt tới “giàu mạnh, bình đẳng, bác ái, văn minh,…”. Trong thực tế, thể chế của chủ nghĩa tư bản chú trọng phương pháp thực hiện các giá trị, lợi ích của quá khứ,hiện tại tương lai, tức chú trọng cả mặt “nhà nước” - tương lai - tương tự phần “đầu” của thể trạng con người, mặt “luật pháp” - hiện tại - tương tự phần “cổ” của thể trạng con người, và mặt “xã hội” - quá khứ - tương tự phần “thân” của thể trạng con người, khi nhìn nhận thể trạng con người như thể chế quốc gia thu nhỏ lại; còn thể chế của chủ nghĩa xã hội lại chỉ chú trọng phương pháp thực hiện các giá trị, lợi ích của quá khứ và tương lai, tức chỉ chú trọng mặt nhà nước và xã hội mà ít chú trọng đến mặt hiện tại - luật pháp.
So sánh giữa chủ nghĩa tư bản - “cá nhân”, tức chủ nghĩa tư bản “hoang dã” (xâm lược, giành thị trường bằng cách chiếm thuộc địa) với chủ nghĩa xã hội – “cộng đồng”, tức chủ nghĩa xã hội “mô hình xô-viết” (chuyên chính, giành quyền thống trị bằng trấn áp giai cấp đối lập) cho thấy rằng, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội là có các quan điểm khác nhau về các mặt đối lập: cộng đồng - xã hội (phần thân con người) và cá nhân - nhà nước (phần đầu con người). Trong thể trạng con người, phần đầu gồm bộ não và các cặp giác quan, tượng trưng như nhà nước (tri thức và văn hóa); phần thân gồm đôi tay và đôi chân, tượng trưng như xã hội (chính trị và kinh tế). Chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa cá nhân là có quan điểm nhấn mạnh (coi trọng) mặt cá nhân - nhà nước, tức coi trọng tri thức và văn hóa gắn với những người lao động (người nghiên cứu, trí thức,…) tạo ra các giá trị tinh thần; còn chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng đồng lại có quan điểm nhấn mạnh mặt cộng đồng - xã hội, tức coi trọng chính trị và kinh tế gắn với những người lao động (người quản lý, công nhân,…) tạo ra các lợi ích vật chất. Do vậy, cả chủ nghĩa tư bản hoang dã và chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết đều không phải là “con đường” tối ưu của nhân loại để đạt tới mục tiêu “tự do, bình đẳng và bác ái”, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”,.v..v.. như hiến pháp của nhiều quốc gia xác định.
Trong thực tế, cũng không có quốc gia nào trên Thế giới lại coi mình là đi theo chủ nghĩa tư bản, hay đặt tên cho thể chế quốc gia là “cộng hòa tư bản chủ nghĩa”. Con đường đi của các quốc gia tới xã hội tốt đẹp, phúc lợi chung đều phải luôn gắn với sự thực hành (phương pháp); tức chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội về thực chất, đều phải coi trọng việc xác định mục tiêu và các phương pháp thực hiện mục tiêu. Điều đó cũng có nghĩa là, con người, các quốc gia muốn đạt được điều ước muốn đều phải xác định rõ các mục tiêu, hay “nói” rõ mục tiêu đặt ra, và đề ra các phương pháp thực hiện, hay “làm” đúng mục tiêu đặt ra; tức nói  làm. Không thể có các tình trạng chỉ nói mà không làm; hoặc nói thì hay, nhưng làm thì dở; tức là khiếm khuyết ở phương pháp thực hiện, như thực tế của chủ nghĩa xã hội đang diễn ra hiện nay. Nói một cách ví von có thể thấy rằng, chủ nghĩa xã hội giống như một “dòng sông” chỉ có “nước” chảy suôi xuống; tức là chủ nghĩa xã hội chỉ phát triển theo chiều hướng đi “xuống”. Còn chủ nghĩa tư bản hiện đại lại giống như một “con đường” có “các phương tiện” đi ngược về suôi; tức là chủ nghĩa tư bản phát triển theo chiều hướng đi xuống hoặc đi lên, phụ thuộc vào quốc gia nào biết xây dựng, hoàn chỉnh, thực thi “dải ngăn cách” (luật pháp) một cách hiệu quả, nhằm tránh xung đột giữa các mặt đối lập (phải - trái) trên con đường đó.
Hiện nay, chủ nghĩa xã hội đang trong giai đoạn khủng hoảng. Sự khủng hoảng này được bắt đầu vào những năm 80 của thế kỷ XX, bắt nguồn từ sự sai lầm về phương pháp thực hiện mục tiêu, tức là các nhà cầm quyền ở các quốc gia này đã sử dụng các phương pháp chuyên chính trong cách mạng xã hội để thực hiện các mục tiêu quốc gia; còn chủ nghĩa tư bản đã diễn ra sự khủng hoảng ngay từ các thế kỷ trước (XIX, XX), nhưng vào các thập kỷ gần đây, do có những điều chỉnh nhất định, như có sự điều tiết nền kinh tế thị trường theo hướng đảm bảo hơn sự công bằng, bình đẳng xã hội bằng vai trò của nhà nước pháp quyền ngày càng được hoàn thiện, nên đã hạn chế sự khủng hoảng.
Điều đó cho thấy rằng, sự khủng hoảng (mâu thuẫn, xung đột) về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong nội bộ các quốc gia, giữa các quốc gia là tất yếu khách quan, không thể tránh khỏi trong Thế giới tự nhiên, xã hội loài người. Các mâu thuẫn, xung đột như vậy có nguồn gốc sâu xa là do sự vận động không ngừng của các sự vật, hiện tượng có các mặt đối lập trong Thế giới tự nhiên và xã hội. Không có sự vận động không ngừng đó, tức tồn tại các mâu thuẫn và xung đột trong tự nhiên, xã hội, sẽ chẳng có xã hội loài người. Do vậy, điều quan trọng là, mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế cần phải biết xây dựng, hoàn thiện luật pháp đảm bảo đúng đắn và thi hành chúng nghiêm minh. Luật pháp (Hiến chương, Hiến pháp và các đạo luật quốc gia, quốc tế) được coi là biểu tượng phần cổ (yết hầu) của thể trạng con người, tức luật pháp là phương tiện trung gian - biểu tượng Trái Đất quay tròn - cán cân công lý của quốc gia và toàn cầu, dùng để điều hòa các mâu thuẫn, xung đột giữa các mặt đối lập khách quan làcon người và tự nhiên, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa quốc gia và cộng đồng các quốc gia,… nhằm duy trì hòa bình, ổn định và sự tồn tại của chính Thế giới tự nhiên và xã hội loài người.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trại Sáng Tác có phải sản phẩm tàn dư của thời bao cấp?



Nhà phê bình Ngô Thảo nhận định: “Trại sáng tác chỉ gây mất thì giờ, bù khú quanh năm, chẳng qua cứ tận dụng cho nó hết, các địa phương đua nhau đi bằng hình thức này hay hình thức khác. Thực tế, từ ở trại sáng tác chưa thấy tác phẩm nào ra hồn cả. Các địa phương đua nhau, một thời khó khăn thì nhu cầu thư giãn là cần thiết, bây giờ đâu cần nữa, thành ra cái nơi lãng phí…. Sự thật là có những người đi trại một cách chuyên nghiệp mà tác phẩm chẳng có gì… Có những hình thức ngày xưa tốt thì bây giờ không tốt nữa. Cuộc sống cái gì cũng cần đổi mới, đừng ôm đồm cái cũ”. Nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng cho rằng: “Bây giờ tôi thấy trại sáng tác không cần thiết. Trại viết biến thành trại an dưỡng cho một số nhà văn già. Họ đến đây chủ yếu nghỉ dưỡng, tán tào lao và trốn cuộc sống tẻ nhạt của các viên chức hưu”.



TRẠI SÁNG TÁC – CẦN HAY KHÔNG CẦN?

Mô hình trại sáng tác đã mở ra từ lâu và vẫn tồn tại, bất chấp sự thay đổi của thời cuộc. Đây là mô hình có tính bao cấp dành cho văn nghệ sỹ thuộc dạng hiếm hoi vẫn còn hoạt động hiện nay trên thế giới. Vẫn còn nhiều người hào hứng khi được “đi trại”. Song nhiều văn nghệ sỹ lại không hứng thú với mô hình này.
Đầu tư ít ỏi
Theo số liệu từ Trung tâm hỗ trợ sáng tác, trong 5 năm qua (2011-2015) đã có 307 trại được mở ra tại 5 Nhà sáng tác thuộc sự quản lí của trung tâm (Nhà sáng tác Vũng Tàu, Nhà sáng tác Đà Lạt, Nhà sáng tác Nha Trang, Nhà sáng tác Tam Đảo, Nhà sáng tác Đại Lải) với tổng số lượt tác giả dự trại là 4.595, với tổng số tác phẩm thu được trên các lĩnh vực của văn học nghệ thuật là 18.011. Không có sự trồi sụt đáng kể về tác phẩm gặt hái được hay lượng tác giả tham gia trại sáng tác qua mỗi năm.
Ông Huỳnh Văn Ngàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng tác cho biết: “Kinh phí hỗ trợ sáng tác do Bộ Văn hóa “rót”. Hiện nay Bộ Tài chính quy định chỉ cho 120 ngàn đồng/ ngày cho mỗi văn nghệ sỹ ở trại. Kinh phí nhìn chung rất khó khăn. Một số hội địa phương như Cao Bằng, Lạng Sơn hay những tỉnh miền núi phía Bắc khác, hoặc các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ chật vật về nguồn vốn, nên văn nghệ sỹ chỉ trông đợi vào nguồn của Bộ Văn hóa rót xuống thông qua Trung tâm hỗ trợ sáng tác, không nhận được đóng góp thêm từ các hội ở địa phương. Đối với các hội ở trung ương do kinh phí dồi dào họ có thể  chi thêm cho anh em”. Theo tìm hiểu, Hội sân khấu hỗ trợ 30 ngàn đồng/ngày cho việc ăn ở của nghệ sỹ và chi thêm 70 ngàn đồng/ngày cho tiền tiêu vặt. Ở Hội Mỹ thuật tình hình có vẻ khả quan hơn. Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tiết lộ: “Mỗi năm Hội Mỹ thuật tổ chức trung bình 2 trại sáng tác. Mỗi trại mời 15 họa sỹ, ăn ở hai tuần với suất ăn theo quy định. Mỗi họa sỹ được hỗ trợ sáng tác thêm 4 triệu đồng, trong đó 2,5 triệu là tiền vật liệu, 1,5 triệu là tiền tiêu vặt”. Trong số khoảng 30 tác phẩm thu được qua trại sáng tác, Hội Mỹ thuật sẽ chọn khoảng 5 tác phẩm để lưu giữ. Tùy theo chất lượng và kích cỡ tranh Hội sẽ tài trợ bổ sung từ 5 đến 8 triệu đồng cho mỗi bức.
Tại đa số thành phố nhỏ, mô hình trại sáng tác giản lược hơn. Theo ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi, các hình thức trại của tỉnh đều không tập trung tức là nghệ sỹ nhận kinh phí hỗ trợ sáng tác rồi về nhà thực hiện. Hội VHNT Quảng Ngãi đượ c chính phủ cấp 460 triệu/ năm cho 210 hội viên trong đó có khoảng 30 họa sỹ. Mỗi họa sỹ tham gia trại được cấp 4 triệu đồng “tưởng nhiều nhưng với nghệ sỹ điêu khắc  lại thành ít vì mỗi khối vật liệu có khi đã 3-4 triệu đồng”.
Nhìn chung, đời sống của anh em văn nghệ sỹ ở các trại sáng tác được ông Huỳnh Văn Ngàn xác nhận: “cực kỳ khiêm tốn!”. Nhiều năm qua, Ban lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ sáng tác cũng muốn kêu, song lại “không dám kêu vì kinh tế khó khăn, Bộ Văn hóa cũng khó khăn”.
 Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng tác công khai con số cụ thể: 11 tỉ 300 triệu đồng là số tiền họ nhận được để duy trì hoạt động của 6 đơn vị bao gồm Trung tâm và 5 nhà sáng tác, tính bình quân mỗi đơn vị một năm được cấp chưa tròn 2 tỉ đồng.
Ít người sáng tác ở trại sáng tác
Nhắc đến trại sáng tác, người ta thường nghĩ ngay tới cánh nhà văn. Chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với nhiều nhà văn có tên tuổi hiện nay ở Việt Nam. Họ đều cởi mở trả lời phỏng vấn. Tuy không đả phá nhưng nhiều vị không mặn mà lắm với việc “đi trại”. Tác giả “Đổ bóng xuống mặt trời” Trần Anh Thái thổ lộ vui vẻ: “Tôi chưa đi trại bao giờ. Tôi chỉ đến chơi chút với anh em ở trại rồi về thôi”. Lí do được Trần Anh Thái đưa ra: “Người ta tạo điều kiện cho anh em gặp gỡ nhau vui vẻ là tốt rồi, lo chỗ ăn chỗ ở nữa, càng tốt. Nhưng tùy tạng người. Có người viết xong tác phẩm muốn đến đó để hoàn thiện, có người đến để viết. Riêng tôi, tôi nghĩ người sáng tác nên “riêng một góc trời”. Tôi không bao giờ sáng tác ở trại sáng tác”.  Đồng quan điểm với nhà thơ Trần Anh Thái, nhà văn Ma Văn Kháng cũng thật thà khai: “Tôi chưa đi trại sáng tác bao giờ”. Những tiểu thuyết nổi tiếng “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú”… hóa ra không được thai nghén từ trại. “Hồi ở trong ban chấp hành tôi có tham gia tổ chức thôi, còn đi với danh nghĩa hội viên thì chả đi bao giờ cả. Tôi cảm thấy hình như môi trường đó không thích hợp với mình. Viết ở nhà cần nhiều tài liệu lắm, đến đấy chỉ có cây bút và mấy tờ giấy, thế thôi. Tôi không có nhu cầu tạo cảm xúc mới từ môi trường, tôi thích một mình lủi thủi làm việc. Viết kín đáo, âm thầm, có góc riêng tư, bí mật không cho ai đọc”, Ma Văn Kháng chia sẻ. 
Tác giả “Bến không chồng” cũng đã 10 năm chưa trở lại trại sáng tác. Nhưng anh khoe, từng hoàn thành tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời” qua hai trại sáng tác ở Đại Lải (do Hội Nhà văn tổ chức) và Trại sáng tác ở Nha Trang (do Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức).  Cũng như nhà văn Dương Hướng, nhà văn Thái Bá Lợi ngót chục năm chưa trở lại trại sáng tác. Với anh, việc đi trại sáng tác hay không cũng… không quá quan trọng: “Thấy gọi thì đi thôi. Còn khi có hứng thì ở đâu chẳng viết được”. Những năm qua, Thái Bá Lợi vẫn được gọi đi trại nhưng “thấy không cần đi. Khi viết được thì ngồi đâu chẳng viết được”.
Tác giả Nguyễn Trí của “Bãi vàng, đá quí, trầm hương” nằm trong số ít nhà văn hào hứng với trại sáng tác, tuy anh chưa từng được tham gia một trại sáng tác nào do Hội Nhà văn tổ chức, vì mới được kết nạp: “Tôi chỉ được đi trại sáng tác của Văn nghệ quân đội. 
Nói chung rất thoải mái, các đồng nghiệp thân thiện, dễ chịu. Không khí tạo cho người ta nhiều cảm hứng để viết. Ở trại văn nghệ quân đội khác một điều, chẳng hạn  họ mời tôi, nhưng không phải đợi tôi có tác phẩm mới mời, song khi đã tới trại thì phải nộp sáng tác cho trại. Khác với ở tỉnh nhà, họ yêu cầu tôi phải nộp tác phẩm trước, tác phẩm đạt thì mới cho đi trại, khi đi trại anh sẽ hoàn thiện tác phẩm đó”. Nhà văn Nguyễn Trí khẳng định đầy tin tưởng: “Không có tác phẩm tôi không đi trại, tôi đã đi thì không vì tình cảm nào hết. Mà dạng như tôi là phổ biến”.
Chỉ “béo” những người rảnh?
Có người nói trại sáng tác chỉ “béo” cho những người rảnh? Ý kiến của nhà văn Thái Bá Lợi: “Cũng tùy người. Có người đến sáng tác thật, cũng có người đến chơi”. Trước câu hỏi này, nhà văn Dương Hướng trả lời: “Cũng khó nói vì khi đi ai cũng bảo sẽ hoàn thành tác phẩm nhưng không hoàn thành thì ai bắt bẻ được đây”.
Nhà phê bình Ngô Thảo thẳng thắn: “Trại sáng tác chỉ gây mất thì giờ, bù khú quanh năm, chẳng qua cứ tận dụng cho nó hết, các địa phương đua nhau đi bằng hình thức này hay hình thức khác. Thực tế, từ ở trại sáng tác chưa thấy tác phẩm nào ra hồn cả. Các địa phương đua nhau, một thời khó khăn thì nhu cầu thư giãn là cần thiết, bây giờ đâu cần nữa, thành ra cái nơi lãng phí. Bây giờ cứ thử đi từng hội, hỏi các văn phòng năm nay có bao nhiêu trại, bao nhiêu tác phẩm, tác phẩm của họ đi đến đâu, tên của các các nhà văn đi trại có khi còn thay đổi chứ tên của các nhà sân khấu lấy đâu ra mà thay đổi. mỗi năm có ông đi mấy trại liền, 5 năm qua thử hỏi ông có tác phẩm gì đi vào dàn dựng thì biết ngay tính lãng phí”.
Kém hấp dẫn người trẻ, thu hút… cánh già
Nhà phê bình văn học Ngô Thảo, người từng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, có tới 3 nhiệm kỳ tham gia BCH Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, 2 nhiệm kỳ là Phó tổng thư ký thường trực Hội, cho rằng nên “xóa” trại sáng tác: “Trại sáng tác là tàn dư của thời bao cấp. Bây giờ điều kiện xã hội được cải thiện rồi, bây giờ không cần chỗ để sáng tác nữa mà vấn đề là vốn sống, cái tích lũy của người ta. Nên chuyển phần tiền đầu tư cho trại sáng tác vào việc khác, ai có những dự án sáng tác, đầu tư cho người ta sáng tác và công bố tác phẩm. Đây là sản phẩm lỗi thời, mức sống của nhà văn đã lên, điều kiện xã hội cần tác phẩm khác, không phải loại tác phẩm đi trại sáng tác mà thực hiện được. Nhiếp ảnh, mỹ thuật, dân tộc học cũng đi trại sáng tác như chia phần, có tác giả sân khấu một năm đi mấy  trại, chỉ đi chơi thôi. Sự thật là có những người đi trại một cách chuyên nghiệp mà tác phẩm chẳng có gì”.
Nhà phê bình kết luận: “Có những hình thức ngày xưa tốt thì bây giờ không tốt nữa. Cuộc sống cái gì cũng cần đổi mới, đừng ôm đồm cái cũ”. Nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng nghĩ như Ngô Thảo: “Bây giờ tôi thấy trại sáng tác không cần thiết. Trại viết biến thành trại an dưỡng cho một số nhà văn già. Họ đến đây chủ yếu nghỉ dưỡng, tán tào lao và trốn cuộc sống tẻ nhạt của các viên chức hưu”.
Hầu như các nghệ sỹ, nhất là những nghệ sỹ còn kiêm trách nhiệm quản lí, đều thấy việc xóa bỏ trại sáng tác là không nên.  Tuy nhiên, họ cũng nhận định như nhà phê bình Ngô Thảo, trại sáng tác ở ta hoạt động chưa hiệu quả. Ý kiến của họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: “Nhiều hoạ sĩ không thể vẽ khi có người khác đứng cạnh nhìn hoặc ăn cơm theo kẻng. Có người than “vừa giơ  cọ lên đã lại tới giờ đi ăn, lên muộn nhà ăn đóng cửa phải nhịn đói”. Từng xảy ra chuyện các thành viên trại xung khắc, cãi cọ, bỏ về sạch. Không phải nghệ sĩ nào cũng có khả năng làm ra tác phẩm đẹp trong không khí sinh hoạt tập trung”.
Có một hiện thực không thể phủ nhận, trại sáng tác rất thu hút những nghệ sỹ rảnh rang (đã về hưu) nhưng không thu hút lực lượng sáng tác trẻ hoặc những tên tuổi đang nổi: “Có một số ông nhàn nhã thì cứ đăng kí đi ầm ầm, những ông tài năng thì bận và hoạt động đơn điệu thì họ không tham gia”, ông Vy Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm, phản ánh hiện trạng  trại sáng tác trong giới hội họa. Nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng “tố” trại sáng tác của giới văn: “Các nhà văn trẻ cũng như các bạn trẻ thuộc các ngành nghệ thuật khác, họ rất bận không có chuyện nhà văn trẻ đi trại để… tán gẫu mất thời gian đâu”.
Chắc chắn phải thay đổi
Nhưng để ra được một đề cương hoàn chỉnh cho sự thay đổi hoạt động của trại sáng tác là một điều “cực khó”, Thứ trưởng Vương Duy Biên thẳng thắn nhìn nhận. Và khẳng định: “Nhưng chắc chắn phải thay đổi”. Thứ trưởng trăn trở: “Tại sao nước ngoài không có trại vẫn có tác phẩm tốt, ngày xưa văn nghệ sỹ sống trong bom đạn, cái chết cận kề vẫn có tác phẩm hay, cho nên tôi nghĩ yếu tố tinh thần là then chốt. Và tinh thần đó phải là tinh thần của xã hội vì không gian sáng tạo của nghệ sỹ chính là không gian xã hội”.
Thứ trưởng cũng chỉ ra sự hạn chế trong thời gian sáng tạo dành cho anh em văn nghệ sỹ ở trại: “Trại sáng tác chỉ tập trung mươi, mười lăm ngày, thời gian đó không đủ để sáng tạo tác phẩm, chỉ là thời gian để gọt giũa, hoàn thiện tác phẩm… Tất nhiên trong nghệ thuật có những tác phẩm chỉ sáng tác trong một phút, song không phổ biến”.
Theo thứ trưởng hướng đi của trại sáng tác trong tương lai gần sẽ là: “Phải tính ngoài việc mời các nghệ sỹ đến đó, mỗi người có không gian riêng để sáng tạo thì còn cần cung cấp thông tin cho họ. Thí dụ, một trại viết về chiến tranh cách mạng chẳng hạn, nên mời cựu chiến binh hay một vài người đã từng vào sinh ra tử ở các chiến trường để người ta kể lại những kỷ niệm, cung cấp thêm cho các nghệ sỹ, biết đâu từ những câu chuyện ấy gợi ra nhiều điều cho người sáng tác”.
Vừa làm công tác quản lý, vừa là họa sỹ, nhà điêu khắc nên ông Vương Duy Biên có cách lí giải riêng khi lực lượng người sáng tác trẻ ngại tham gia trại sáng tác: “Sáng tạo của nghệ sỹ trẻ bây giờ đề cao tính cá nhân rất cao. Tất nhiên trong tác phẩm tính cá nhân bao giờ cũng được đề cao nhưng phải hiểu đây là tính cá nhân trong cộng đồng. Cá nhân muốn làm gì thì làm, chỉ là cái cá nhân trong bốn bức tường, còn cá nhân đã ra với công chúng thì không thể bất chấp những cá nhân  khác”.
Theo ông Vy Kiến Thành, chỉ ở Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại mô hình trại sáng tác: “Không nên nghĩ đến chuyện xóa bỏ nó mà nên nghĩ cách nào để thay đổi cách làm, chứ như hiện tại sẽ gây cảm giác không hiệu quả. Vai trò của nhà sáng tác hiện nay chỉ như một nhà nghỉ, như một khách sạn chỉ cho anh em tiền ăn, tiền ở, còn anh em làm gì, hoạt động gì trong đó thì không tính đến. Nói chung, chưa đúng nghĩa của khu sáng tác, một bà đỡ cho tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời”.
Ông Vy Kiến Thành gợi ý: “Trại không những để sáng tác mà phải có những hội thảo học thuật trong nước hoặc quốc tế, có tranh luận nghệ thuật, có sự tiếp xúc với nghệ sỹ quốc tế mới hấp dẫn… Tại sao không nghĩ tới mời những nghệ sỹ năng lực đến để trao đổi kinh nghiệm sáng tác hay tại trại sáng tác có thể dùng những những ngành nghệ thuật khác bổ trợ làm phong phú thêm kiến thức cho người sáng tạo? Thí dụ nhà văn đến trại sáng tác được xem phim, những bộ phim chất lượng của những nền điện ảnh phát triển. Nhưng một điều quan trọng là, phải chọn  đúng đối tượng tham gia trại, có năng lực để làm, không biến thành chỗ ưu ái anh em đi nghỉ mát”.
Ông Vy Kiến Thành cũng chỉ ra một hiện trạng: “Tôi thấy khu sáng tác ở Nha Trang, Vũng Tàu chỉ có mùa hè có khách, còn lại vắng khách, nên thay đổi hoạt động từ nội dung đến hình thức kinh doanh, vận hành của trại sáng tác”.
Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cho rằng muốn có hiệu quả thực sự cần có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân như mô hình dự án “Nghệ thuật ở rừng” (Art  In The Forest) 2015 tại Flamingo, Đại Lải. Khi tư nhân bỏ tiền đầu tư  trại sáng tác, họ chọn ít nghệ sĩ nhưng tinh tuý và đảm bảo có tác phẩm xứng đáng.
Nhà điêu khắc trẻ Thái Nhật Minh từng là một trong 15 nghệ sĩ điêu khắc tham gia trại điêu khắc Flamingo chia sẻ, ban tổ chức âm thầm chọn, gửi thư mời, rồi đón nhóm nhà điêu khắc lên chơi resort để cảm nhận không gian. Trong vòng 6 tháng, các  nghệ sĩ tự lên ý tưởng, tự quyết phác thảo  để có sự thống nhất cho nhóm tượng, nhà tổ chức hầu như không can thiệp. Sau đó, các nghệ sĩ chỉ cần một tháng ở tập trung tại không gian sáng tác để ra sản phẩm. Nhà tổ chức lo nguyên vật liệu và công thợ, nhuận bút cho mỗi tác phẩm là 90 triệu: “Nhuận bút cao cũng tốt nhưng  cái sướng của nghệ sĩ tìm được không gian cho tác phẩm là không kể xiết. Trước Flamingo, ở Việt Nam chưa có một không gian điêu khắc nào thực sự ăn nhập với cảnh quan”, nhà điêu khắc trẻ nói. 

HỒNG DIỆU – HOÀNG HOA – HẠNH ĐỖ - THANH HƯƠNG
Nguồn: Tiền Phong

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐI TÌM CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI

 
Đỗ Xuân Thọ

Hắn là cháu nội 12 đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm…thông minh tuyệt đỉnh…Từ năm lớp 1 đến năm lớp 12, hắn toàn đứng đầu lớp trong các lớp chuyên toán của các trường Kim Đồng, Giảng Võ, và chuyên toán A0 của trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội…Năm lớp 11 và 12 hắn ở trong đội tuyển thi toán quốc tế của VN…Hắn đều đạt huy chương Vàng Riêng năm lớp 12 hắn đã được Nữ Hoàng Anh mời dự tiệc bởi hắn đạt điểm tuyệt đối và có một cách giải xuất sắc ngoài dự kiến của ban giám khảo…
Hắn học tại một trường nổi tiếng của Đức. Tại đây năm thứ 3 hắn đã bảo vệ thành công luận án Tiên sỹ Ha-bin về Toán Học với luận văn có tựa đề:” Bàn về nguyên lý bất định của Gơ-đen”…Chính cái luận văn TS này làm cho hắn lao vào Triết Học….Ba năm sau hắn sang Ha-vớt Mỹ làm giảng viên Toán nhưng đồng thời nghiền ngẫm…Hắn đã bảo vệ thành công luận ánTiến sỹ triết học Phương Đông về phật học. Đề tài có tên: “Đại Thừa tuyệt đối luận dưới góc nhìn của toán học”.
Về nước, lấy một cô hoa hậu trường đại học Y Hà Nội cực kỳ thông minh , con một ông Phó Thủ Tướng đẻ được một đứa con gái và một đứa con trai xinh đẹp…
….
Thế rồi hắn bỏ hết !!! Tất cả mấy cái luận án TS đó không làm cho hắn tìm được chân lý tuyệt đối!!! Hắn học đánh cờ tướng và quyết tâm tìm được chân lý tuyệt đối trong Cờ Tướng… Huấn luyện viên hàng đầu VN được bố vợ của hắn mời đến dạy cho con rể của mình chỉ một tuần sau đã không thắng được ván nào với hắn nên đã lẩn mất sau khi nhận 500 tr VNĐ… Hắn đọc Quất Trung Bí, Mai Hoa Phổ, Phản Mai Hoa, Tượng Cục, …. Hắn đặt luôn tạp chí Tượng Kỳ….Trên mạng hắn là thành viên tích cực của Thăng Long Kỳ Đạo … Hắn đánh với chương trình cờ mạnh nhất Hành Tinh, phần mêm Itella luôn thắng với tỷ số 7-3. Hắn đánh với các kỳ thủ hàng đầu của VN và thu về hàng tỷ VNĐ…
Chưa hết, hắn nghĩ rằng đánh với bọn vận động viên “mậu dịch” này sẽ cùn cờ nên quyết định đi đánh cờ phủi, tức là đánh cờ giang hồ trên bờ hồ Hoàn Kiếm, vỉa hè Quốc Tử Giám v.v…Tóm lại ở bất cứ chỗ nào mà nghe thấy có một cao thủ cờ tướng ở Việt Nam là hắn phi đến ngay. Đánh và chiến thắng…
Chưa hết, hắn quyết định đi Trung Quốc để gập Hồ Vinh Hoa, Từ Thiên Hồng và những kỳ thủ hàng đầu Trung Hoa… Hắn mang đi 20 triệu USD ....Hắn bôn ba khắp Trung Quốc.... Đánh chính thức, đánh bí mật với Hồ Vinh Hoa, Từ Thiên Hồng và tất cả các kỳ thủ hàng đâu Trung Quốc và chiến thắng tuyệt đôi thu về hàng tỷ Nhân dân tệ....Hắn lê la ở các quán cờ ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Ma Cao, Hồng Kông... Hắn đánh và thắng hết…
Hang ngày hắn luyện đánh cờ “mù” với Intella…
Sau khi có số vốn khủng khiếp, hẵn mở một quán trà với một cái tên: “Thiên Hạ Đệ Nhất Kỳ” và thách đấu với tất cả các cao thủ trên Trái Đất…Hắn luôn thắng và kiếm được không biết bao nhiêu là tiền…Nhưng hắn vẫn buồn bởi chưa tìm được chân lý tuyệt đối mặc dù vẫn tự an ủi: "Ta là người đánh cờ tướng giỏi nhất hành tinh này và đó là chân lý tuyệt đối !!!"
…..
Một buổi chiều mùa Thu hắn gọi cho tôi :
- A lô, anh có phải là TS. Đỗ Xuân Thọ, tác giả thuyết Tâm Vũ Trụ vừa đánh thắng ván cờ 10 tỷ VNĐ với thằng Lãng , phó chủ tịch Hà Nội không ạ ???
- Vâng, tôi đây, tôi đã ủng hộ hết số tiền đó cho trẻ em mổ tim rồi anh ạ
- Trời ơi, em đọc hai câu thơ của anh ở bìa quyển Tâm Vũ Trụ mà em muốn đánh cờ với anh quá. Khoảng bao giờ anh dỗi
- Ngay bây giờ !!!
……
Chiếc xe Cam-ry của Long chở tôi đến một biệt thự ở ngoại thành Hà Nội…
….
Bàn cờ đã được bầy ra…Tôi nhớ như in những điều ghi trong bản giao kèo của ván cờ này mà tôi đồng ý ký:
1) Nếu tôi thắng hắn tôi sẽ được sở hữu 1 biệt thự ở Trung tâm Hà Nội, 1 biệt thự ở Nha Trang, 1 biệt thự ở Đà Lạt và 1 căn hộ cao cấp ở thung lũng Si-li-con ở Hoa Kỳ
2) Nếu tôi thua tôi phải nhượng bản quyền Bộ Lọc Sóng Ý Thức (BLSYT) cho hắn
-Thưa anh, em nghe thiên hạ đồn là anh đã tiếp cận được với chân lý tuyệt đối nên hôm nay em quyết đánh cờ với anh, hắn nói một cách buồn buồn. Em cực kỳ khiêm tốn nhưng thấy không ai là đối thủ của mình trên trái đất này
- Hôm nay ông sẽ thua tôi tuyệt đối
…….
Pháo 2 bình 5 , hắn bốc thăm và được đi trước
Pháo 8 bình 5, tôi quyết định đánh trận thuận pháo mà tôi cực kỳ cảm hứng với Quất Trung Bí
….
Hắn đã đánh như một thằng mới biết chơi cờ…Tôi đã thắng hắn bằng nước tiền mã hậu pháo rất đơn giản
….
Hắn như phát rồ, ngửa mặt lên trời gào lên từng tiếng:
- Sao hôm nay, kẻ bất bại trong mọi cuộc cờ tướng trên trái đất này lại thua đỗ xuân thọ chỉ vì đi toàn những nước “dở hơi” ....
Hắn đập đầu vào tường rồi lăn lộn trên nền nhà rồi hộc lên từng tiếng:
- Chân lý tuyệt đối đâu????
- Hãy nghe đây, tôi thong thả nói, ông sai lầm là ở chỗ : ông xem cái Vũ trụ này chỉ có mỗi loài người ở trái đất là thông minh nhất. Ông nên nhớ trong Vũ trụ này, tôi đã chứng minh chặt chẽ bằng Toán học rằng: có vô hạn nền văn minh mạnh hơn trái đất và cũng có vô hạn nền văn minh yếu hơn trái đât. Lúc đánh cờ với ông vừa rồi, tôi đã dùng sóng ý thức (SYT) mở một số huyệt đạo của ông cho các SYT từ các nền văn minh yếu hơn trái đất 100 lần ùa vào đầu ông trong chốc lát làm ông đi lỗi nước rất nhiều và thua thôi chứ tôi cũng chẳng giỏi cờ tướng đâu
…..
Vợ hắn quỳ dưới chân tôi xin tha…hắn quát vợ : “Đứng lên Lê ! Thế là nhục!!!” (Hệt như “Phát súng” của Puskin)
….
Hắn đưa cho tôi tất cả các giấy tờ sở hữu 4 biệt thự trên ….Rồi quỳ xuống và nói:
- Con xin thầy nhận con làm học trò. bây giờ con mới biết con còn rất nhỏ bé trong cái vũ trụ bao la này...con có cần tiền đâu thầy ...con cần chân lý tuyệt đối !!!!
- Cả hai con hãy đứng dạy đi, ta không lấy của các con cái gì. Chồng con mê lẫn nên ta phải dạy cho một bài học thôi. Còn ta không thể nhận thêm con vì con chưa đủ độ điên rồ để làm học trò của ta. Ta đã có 24 học trò bố trí khắp trái đất. tên lửa syt là bí mật tuyệt đối của dân tộc việt nam nên không thể tiết lộ được.... con hãy quay lai với toán học, bởi đó là công cụ duy nhất của tâm vũ trụ ban cho loài người để tìm thấy người mà không lạc lối. Toán học sẽ dẫn con đến chân lý tuyệt đối – Tâm Vũ Trụ!!!
Nói rồi tôi bước ra cửa. Long đã đỗ chiếc Cam-ry ngay trước cửa nhà hăn…
Qua cửa kính tôi vẫn nhìn thấy hắn và vợ vái theo xe của chúng tôi như tế sao.