Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

Văn xuôi thế giới



Maurice Merleau-Ponty


Bóng ma của một ngôn ngữ thuần túy


Từ rất lâu rồi người ta nói năng trên trái đất và ba phần tư những gì người ta nói không được ai thấy.Một bông hồngmưa rồitrời đẹp quángười thì sẽ chết. Đối với chúng ta đây là các trường hợp thuần túy của biểu đạt. Ta thấy dường như nó đạt đến mức độ toàn vẹn khi chỉ định không chút mờ mịt các sự kiện, vật trạng, tư tưởng hoặc liên hệ, bởi vì, ở đây, nó không để phải trông chờ gì nữa, nó không chứa đựng gì mà không bày ra và làm chúng ta trượt về phía thứ mà nó chỉ tới. Đối thoại, câu chuyện, chơi chữ, tâm sự, lời hứa, lời cầu nguyện, hùng biện, văn chương, nói tóm lại là cái ngôn ngữ lũy thừa hai ấy, nơi người ta chỉ nói đến các vật hay tư tưởng nhằm với tới một ai đó, nơi các từ hồi ứng các từ, thứ ngôn ngữ hối hả trong chính nó, tự xây dựng phía bên trên tự nhiên một vương quốc dày đặc tiếng vo ve và bừng sốt, chúng ta coi nó như là biến thể đơn giản của các hình thức quy ước phát ra một cái gì đó. Biểu đạt, khi ấy, chẳng là gì khác ngoài thay thế một tri nhận hoặc một tư tưởng bằng một dấu hiệu thỏa thuận, nó thông báo, gợi lên hoặc rút gọn cái đó. Tất nhiên, không chỉ có các câu có sẵn và một ngôn ngữ có khả năng chỉ đến những gì chưa bao giờ được nhìn thấy. Nhưng bằng cách nào mà nó làm được như vậy, nếu cái mới không được tạo nên từ các yếu tố cũ, đã được kinh nghiệm, nếu chẳng phải cái đó không thể được định nghĩa một cách đầy đủ nhờ tự vị và các mối quan hệ của cú pháp trong ngôn ngữ đang được sử dụng? Ngôn ngữ có một số lượng nhất định ký hiệu nền móng, liên kết theo đường lối võ đoán với các biểu nghĩa then chốt; nó có khả năng tái hình thành mọi biểu nghĩa mới xuất phát từ các biểu nghĩa kia, tức là nói chúng ra trong cùng ngôn ngữ, và xét cho cùng sự biểu đạt biểu đạt được là bởi vì nó đưa mọi kinh nghiệm của chúng ta quay trở về với hệ thống các tương ứng ban đầu giữa một ký hiệu nào đó và một biểu nghĩa nào đó, mà chúng ta đã nắm được khi học ngôn ngữ ấy, và hệ thống đó là tuyệt đối sáng sủa, vì không ý nghĩ nào lẩn quất trong các từ, không từ nào lẩn quất trong suy nghĩ thuần túy về một cái gì đó. Một cách bí mật, chúng ta thành kính trước lý tưởng ấy về một thứ ngôn ngữ, nó, cho tới sự phân tích chung quyết, hẳn sẽ tự giao nộp cho chúng ta bằng cách giao truyền chúng ta đến các vật. Một ngôn ngữ, đối với chúng ta là cái máy huyền hoặc đó, nó cho phép biểu đạt một số lượng vô tận suy nghĩ hoặc vật với một số lượng có hạn các ký hiệu, bởi vì chúng đã được lựa chọn sao cho có thể tái hình thành một cách chuẩn xác mọi thứ gì mới mẻ mà người ta có thể muốn nói, và có thể truyền đến sự hiển nhiên của những cách gọi tên ban đầu các vật.

Công việc ấy có thể được thực hiện, người ta có thể nói và viết, là bởi ngôn ngữ, cũng như niệm năng của Chúa, chứa đựng mầm mống mọi biểu nghĩa khả dĩ, là bởi mọi suy nghĩ của chúng ta đều được dành để được nó nói ra, là bởi mọi biểu nghĩa xuất hiện trong kinh nghiệm con người đều mang, ở trung tâm của nó, công thức của ngôn ngữ, cũng như, đối với những đứa trẻ con của Piaget, mặt trời mang trong trung tâm của nó tên của nó. Ngôn ngữ của chúng ta tìm thấy lại nơi tận sâu các vật một lời nói đã tạo ra chúng.

Những niềm tin ấy không chỉ thuộc về lương tri. Chúng ngự trị ở các bộ môn khoa học chính xác (nhưng không, như chúng ta sẽ thấy, ở ngôn ngữ học). Người ta sẽ không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng khoa học là một ngôn ngữ rất hoàn chỉnh. Như thế cũng có nghĩa ngôn ngữ [langue] là khởi đầu của khoa học, thuật toán là hình thức trưởng thành của ngôn ngữ [langage: có thể hiểu rằng “langue” là khái niệm có mức độ trừu tượng cao hơn so với “langage”]. Thế nhưng, nó buộc các ký hiệu được lựa chọn vào với những biểu nghĩa xác định có chủ ý và không gây nhầm lẫn. Nó thiết lập một số lượng nhất định các mối liên hệ có đặc tính trong suốt; nó tạo ra, nhằm trình hiện chúng, các biểu tượng tự thân thì không nói lên gì hết, như vậy sẽ không bao giờ nói gì nhiều hơn so với những gì người ta đã thỏa thuận khiến chúng phải nói. Bằng cách ấy tự tách khỏi các trượt nghĩa có thể gây lẫn lộn, về nguyên tắc, có thể yên tâm là lúc nào cũng có thể chứng minh các phát ngôn của nó nhờ vào các định nghĩa ban đầu. Chừng nào cần phải biểu đạt trong cùng thuật toán các liên hệ mà nó không được tạo ra để phục vụ, hoặc, như người ta hay nói, các vấn đề “thuộc một hình thức khác”, có lẽ sẽ cần đưa vào các định nghĩa mới và các biểu tượng mới. Nhưng nếu thuật toán hoàn thành công việc của nó, nếu nó muốn là một thứ ngôn ngữ nghiêm ngặt và lúc nào cũng kiểm soát được các phép tính của mình, thì không được phép đưa vào đó bất kỳ thứ gì không hiển ngôn, xét cho cùng các liên hệ mới và cũ cần phải cùng nhau tạo ra một gia đình duy nhất, người ta cần phải thấy chúng được phái sinh từ một hệ thống duy nhất các liên hệ khả dĩ, sao cho không bao giờ có quá những gì người ta muốn nói so với những gì người ta nói hoặc những gì người ta nói so với những gì người ta muốn nói, ký hiệu cần phải tiếp tục là sự rút gọn đơn giản của một suy nghĩ lúc nào cũng có thể được giải thích và chứng minh hoàn toàn. Khi ấy phẩm hạnh duy nhất - nhưng có ý nghĩa quyết định - của biểu đạt là thay thế các ám chỉ rối loạn mà mỗi ý nghĩ của chúng ta có với mọi ý nghĩ khác thông qua các hành động biểu nghĩa, với chúng, chúng ta thực sự có trách nhiệm, bởi vì chúng ta biết chính xác phạm vi, trong việc chiêu hồi cuộc sống các suy nghĩ của chúng ta, và giá trị biểu đạt của thuật toán hoàn toàn nằm ở mối liên hệ không chút mù mờ của các biểu nghĩa phái sinh với các biểu nghĩa sơ khai, và của các biểu nghĩa sơ khai này với những ký hiệu tự thân không mấy ý nghĩa, nơi suy nghĩ chỉ tìm thấy những gì nó từng đặt vào đó.

Thuật toán, dự đồ về một ngôn ngữ phổ quát, là sự nổi loạn chống lại thứ ngôn ngữ có ở đó. Người ta không muốn bị phụ thuộc vào những rối loạn của nó, người ta muốn làm lại nó căn cứ theo sự thật, tái định nghĩa nó tùy theo suy nghĩ của Chúa, tái khởi đầu từ con số không lịch sử của lời nói, hay nói đúng hơn là giật lời nói ra khỏi lịch sử. 



(còn nữa)



Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: