Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

Tàu sân bay Mỹ vào Việt Nam: trước là kẻ thù, sau sẽ là đối tác


Lần gần đây nhất tàu sân bay Mỹ đã hiện diện gần bờ biển Việt Nam vào mùa xuân năm 1975, tham gia sơ tán cố vấn Mỹ và những người ủng hộ chế độ Sài Gòn.

Nhưng, tình hình đã thay đổi, và bây giờ, như Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh trong cuộc hội đàm gần đây với người đồng cấp Mỹ, Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Tại cuộc hội đàm này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cam kết rằng, đất nước ông một lần nữa sẽ cung cấp sự hỗ trợ quân sự-kỹ thuật nhằm củng cố sức chiến đấu cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Hai Bộ trưởng nhất trí thông qua kế hoạch chuyến thăm Việt Nam, có lẽ trong năm tới, của tàu sân bay Mỹ.


Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis
Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis
Chuyên viên khoa học chính trị Nga Grigory Lokshin cho rằng, các cuộc tiếp xúc giữa Việt Nam và Mỹ phải được xem xét chủ yếu trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik Việt Nam, ông Lokshin nói:

Đáng tiếc, Việt Nam và Trung Quốc có lợi ích khác biệt ở Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với 80% diện tích Biển Đông. Và Việt Nam, một quốc gia muốn bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, có nhiều điểm song trùng về lợi ích với Mỹ, mà mấy năm nay Hoa Kỳ có cuộc đối đầu nghiêm trọng với Trung Quốc trong khu vực này. Mỹ có thể được hưởng lợi từ lập trường của Việt Nam, và Việt Nam, với mỗi bước xích lại gần nhau trong quan hệ với Mỹ, gửi lời cảnh báo đến Trung Quốc.

Chuyến thăm sắp tới của tàu sân bay Mỹ đến Cam Ranh nên được xem xét trong bối cảnh này. Trong mấy năm liền, Việt Nam cho phép để một lần trong năm một tàu chiến lớn của Mỹ và một tàu chiến lớn của Trung Quốc cập cảng Cam Ranh. Các chuyến đi đó cho thấy rằng,  Việt Nam không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Cam Ranh — đây là một bộ phận quan trọng trong chính sách quốc phòng nhằm bảo vệ chủ quyền và độc lập.

Mặt khác, không nên phóng đại quá mức tầm quan trọng của các đợt cung cấp kỹ thuật quân sự của Mỹ cho Việt Nam. Không nên nghĩ rằng, từ nay Mỹ ồ ạt đưa vũ khí vào Việt Nam. Chỉ đơn giản Hà Nội đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự. Vũ khí Mỹ không thể "ồ ạt vào Việt Nam" bởi vì các loại vũ khí Mỹ khá đắt tiền, cũng như bởi vì Việt Nam có một nguồn cung cấp đáng tin cậy — Nga. 90% số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam là đến từ Nga. Đây là các tàu tuần tra và tàu ngầm, máy bay và các phương tiện phòng không. Theo báo cáo gần đây, Nga sẽ cung cấp cho Việt Nam 64 xe tăng hiện đại T-90,  4 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400, cũng như máy bay chiến đấu MiG-35.

Tất nhiên, Trung Quốc không hài lòng với việc Việt Nam đang củng cố ngành quốc phòng, đặc biệt với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Và Việt Nam không hài lòng với những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông. Bây giờ chúng ta chứng kiến đợt căng thẳng mới trong quan hệ giữa hai nước: Trung Quốc đã xác nhận rằng, giao lưu quốc phòng Trung-Việt bị hủy, và ở Manila, tại Hội nghị ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc từ chối gặp gỡ với người đồng cấp Việt Nam. Nhưng, Việt Nam không mắc mưu khiêu khích.

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik-Việt Nam, cựu Tổng biên tập báo "Quân đội nhân dân", Trung tướng Lê Phúc Nguyên cho biết:

"Chuyến thăm Mỹ lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam là sự tiếp nối logic của các chuyến thăm Hoa Kỳ mà những người tiền nhiệm đã thực hiện. Các chuyến thăm này phản ánh và thể hiện chính sách đối ngoại và đường lối quân sự của Việt Nam, nhằm mục đích hợp tác quân sự-kỹ thuật với tất cả các nước quan tâm đến việc duy trì hòa bình. Việt Nam thiết lập sự hợp tác quân sự kỹ thuật với tất cả các nước, trước hết với các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Kết quả của chuyến đi này cho thấy rằng, sự hợp tác Việt-Mỹ, kể cả trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật, có triển vọng tốt đẹp, bởi vì chính sách với Việt Nam của Mỹ dưới chính quyền mới tiếp nối đường lối của ban lãnh đạo cũ. Theo ý kiến ​​của tôi, điều đó phục vụ lợi ích của cả hai nước, góp phần vào việc duy trì hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Mỹ và Việt Nam đã được phát triển mấy năm trước đây, và chúng tôi thấy rằng, chương trình này đang được thực hiện thành công.

Theo ý kiến của cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) John Hamre, "quyết định đưa tàu sân bay thăm cảng Việt Nam là một thông điệp của Mỹ nhấn mạnh sự đánh giá cao quan hệ với Việt Nam. Hai nước sẽ tiến tới giai đoạn quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn. Bước đi này là một dấu hiệu tích cực đối với cả hai bên, cũng như đối với toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Việc tàu sân bay Mỹ thăm cảng Việt Nam là một biểu tượng cho lòng tin ngày càng tăng trong quan hệ song phương". 

(Sputniknews)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: