Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

Những lần được gặp Anh Việt Phương



Tác giả: Gia Hảo
Đối với vợ chồng tôi, chúng tôi luôn coi Anh Việt Phương chẳng những là người Anh lớn vì về tuổi tác, Anh hơn chúng tôi hơn cả một con giáp, mà với kiến thức uyên bác của mình, Anh là một người Thầy, về quan hệ đời thường, Anh luôn nho nhã, đôn hậu đối xử với mọi người, Anh – một Nhân cách lớn…với tất cả những chữ đáng được viết hoa.
Thế hệ chúng tôi, những học sinh cấp hai, cấp ba của Hà nội vào những năm 50-60 của thế kỷ trước, từng được dự những buổi nghe Anh Việt Phương nói chuyện do Thành đoàn Thanh niên Lao động Hà nội tổ chức tại Nhà hát nhân dân Hà nội, nhà hát ngoài trời mới được xây dựng đơn sơ với những lớp ghế gỗ tại Khu đấu sảo cũ, nay là Cung Văn hóa, về “Nhân sinh quan cách mạng”, với tài hùng biện, Việt Phương đã cùng với những người thầy trực tiếp dạy dỗ chúng tôi, dẫn dắt chúng tôi biết hoàn thiện mình để trở thành những con người có ích cho xã hội…

Riêng với học sinh trường Chu Văn An Hà nội, chúng tôi cảm thấy mình còn có một “đặc ân” vì Anh đã đến trường nói chuyện nhiều hơn, giới thiệu cho chúng tôi những cuốn sách mới, chủ yếu bằng tiếng Pháp, để tìm đọc, trong đó tôi nhớ nhất lần Anh giới thiệu cuốn “Xa Mascơva” (Loin de Moscou), rồi sau này cùng với bài thơ “Lên Miền Tây” của Bùi Minh Quốc, một học sinh Chu Văn An, những cuốn sách như Thép đã tôi thế đấy, Ruồi trâu…, những bài văn như Phong cách cây tùng, Như cánh chim ưng của Đào Chú, Đan cô của Mắc xim Gocky…, những cuốn truyện như Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Vượt Côn đảo của Phùng Quán…với giọng giảng bài hào sảng của thầy Nguyễn Phước Tương (Giáo sư Tương Lai)…nhiều người trong chúng tôi đã sẵn sàng “lao vào lửa” để thử sức trong nhiều lĩnh vực, nhiều người ít nhiều đã thành đạt…. Điều quý nhất, chung ở một điểm, là hầu hết đều trở thành những người tử tế.

Lúc đầu tôi cứ nghĩ, sở dĩ Việt Phương dành cho chúng tôi một sự ưu ái là vì, với cương vị của Anh, trợ lý cho Thủ tướng, trong đó có vấn đề giáo dục, Anh cần một trường để theo sát nhằm có tư liệu đóng góp cho ngành giaó dục, trường tôi lại ở rất gần Trụ sở Văn phòng Chính phủ, hoặc trường tôi có nhiều giáo viên như thầy Tương, thầy Chiêu, thầy Vịnh, thầy Bách…đã từng công tác với Anh tại Khu học xá và đặc biệt, có cô Tú Lan, người bạn đời chia sẻ với Anh mọi niềm vui, nỗi buồn suốt cả cuộc đời, cũng có thời dạy tại Chu Văn An, rồi hơn thế nữa, Anh cũng đã từng là học sinh Trường Bưởi cũ, tại lễ kỷ niệm 100 năm Trường Bưởi-Chu Văn An (1998), nhóm các Anh chưa đủ tới 10 người là nhóm học sinh lớn tuổi nhất của Trường còn lại…

Những suy đoán “thiên vị” trên của chúng tôi hoàn toàn sai đối với con người Việt Phương, vì không riêng gì trường tôi mà các trường khác, các cơ quan khác có yêu cầu, một khi có thời gian, Anh sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết của mình, không hơn không kém; cũng phải nói thêm, hồi đó chưa có cái “văn hóa phong bì” như ngày nay mà có thể nghĩ rằng những người được mời đi nói chuyện lại có chút ít gì tư lợi…, được chia sẻ hiểu biết của mình với người khác đã là niềm vui lớn đối với những trí thức có nhân cách như Việt Phương.

Bẵng đi một thời gian dài, tôi ít có điều kiện để được tham dự các buổi nói chuyện của Anh, nhất là sau cái “tai nạn” mà do những người ấu trĩ, đố kỵ dựng ra, khi Việt Phương thể hiện không phải chỉ là một nhà chính trị, mà còn là một nhà thơ có tư tưởng lớn, có tầm nhìn xa…giờ đây nhìn lại mới thấy Anh đã đi trước thời đại, được bộc lộ trong “Cửa mở” bị thu hồi sau khi xuất bản. Như lẽ thường tình trong xã hội ta, cái gì cấm thì lại càng gợi sự tò mò cho nhiều người tìm đọc, nhiều khi chỉ chuyền tay nhau những bản chép tay… “Cửa mở” đã đến với độc giả như vậy, cho dù nhà thơ, sau vụ “tai nạn” đó, cũng ít xuất hiện trước công chúng như xưa.

Khoảng đầu năm 1993, tôi thực sự ngạc nhiên khi nhận được thư mời của Chánh văn phòng Chính phủ hồi đó là ông Lê Xuân Chinh, triệu tập tôi vào Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tại đây, trong số 60 người, tôi vào loại trẻ nhất, học vấn thấp nhất, chỉ có mỗi tấm bằng cử nhân Ngoại thương, chức vụ thấp nhất, chỉ mới ở cấp vụ…

Đứng trước những người đã từng có chức vụ cao như bác Nguyễn Cơ Thạch (nguyên ủy viên BCT, nguyên Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của CHXHCNVN) , Nguyễn Xuân Oánh (Nguyên phó thủ tướng VNCH), người Việt nam trong lớp đầu tiên tốt nghiệp trường Harvard danh tiếng của Mỹ…, những người có học hàm học vị cao, có bề dầy kiến thức như Đào Xuân Sâm, Tương Lai, Lê Công Tiến, Nguyễn Bút, Trần văn Thọ…, những nhà kỹ trị có ảnh hướng lớn đến việc điều hành những ngành tầm cỡ quốc gia như bác Nguyễn văn Thiệu, Vũ Quang Việt, Huỳnh Bửu Sơn…, những người thao lược dầy dạn kinh nghiệm trên chính trường như Hà Nghiệp, Việt Phương, Trần Đức Nguyên, Nguyễn Trung, Nguyễn Mại… ,vẫn như xưa, thủa những năm 50-60, tôi vẫn chỉ là một cậu học trò nhỏ, đứng từ xa để ngưỡng mộ những thần tượng của mình, không dám đến gần, lại càng không dám chủ động giơ tay ra bắt người lớn hơn mình.

Tại cuộc họp đầu tiên của Tổ Tư vấn được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Đường Lê Hồng Phong), Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các anh trong tổ thường trực trong đó có các anh Trần Đức Nguyên, Việt Phương…đến bắt tay từng người. Lần đầu tiên tôi được bắt tay Thủ tướng và những người mình ngưỡng mộ, riêng Việt Phương, Anh còn hỏi tôi “Hảo phải không?”, “Học trò Tương Lai phải không?” chắc trước đó Anh có thấy tôi khi nói chuyện với GS Tương Lai, tôi đều xưng hộ “Thưa Thầy, em…” như ngày xưa khi còn học thầy, chỉ có điều, lúc đó Anh cũng không nói cho tôi biết Anh cũng là học sinh Trường Bưởi-Chu Văn An, một khía cạnh mà lứa tuổi học trò Chu Văn An chúng tôi thường cứ cộng vào để tăng thêm niềm kiêu hãnh…

Tại cuộc gặp đó, hai chúng tôi còn được được các anh trong Tổ Thường trực giới thiệu với Thủ tướng là chúng tôi là một cặp vợ chồng, Thủ tướng cười và nói hiếm có gia đình nào mà cả vợ và chồng đều làm tư vấn cho Thủ tướng, và cho phép chúng tôi còn được được chụp một kiểu ảnh riêng với Thủ tướng, để kiêng chụp ảnh 3 người, anh Trần Đức Nguyên, Tổ trưởng, đã đứng chụp chung với chúng tôi, tấm hình đó luôn được treo tại nơi trang trọng nhất trong gia đình tôi.

Rồi sau này, tại Văn phòng Tổ Tư vấn Thủ tướng ở phố Bà huyện Thanh quan, chúng tôi thường xuyên được gặp các anh trong Tổ thường trực để nhận việc hoặc trao đổi các vấn đề có liên quan tới cải cách hành chính và kinh tế, kinh tế đối ngoại…Tôi được gặp anh Việt Phương nhiều lần, được thấy Anh đưa ra những ý kiến sắc sảo, những tổng kết đầy đủ và xúc tích các cuộc họp bàn luận về nhiều vấn đề phức tạp…Riêng với tôi, tôi cảm thấy mình có phần nào được ưu ái, nhiều lần được Anh hỏi tới những kiến thức mình đã từng đi dịch cho các lớp quản lý kinh tế do các giáo sư Liên xô giảng tại các lớp đào tạo cán bộ lãnh đạo trung cao cấp của ta những năm sau giải phóng (1975), rồi được học và tham gia tổ chức các khóa đào tạo ngắn ngày về quản lý kinh tế do học viện INSEAD (Pháp) dưới sự tài trợ của UNDP. Qua cách hỏi của Anh, tôi biết, tuy Anh không trực tiếp tham gia các khóa học đó, song kiến thức của Anh còn cao hơn những gì tôi được học và đôi khi Anh còn chỉ ra những điểm mà Anh chưa tán đồng hoặc coi là còn sai cả về lý luận lẫn thực tiễn. Điều đó khảng định rằng, Anh không học, nhưng có đọc và suy ngẫm còn cao hơn người được học.

Hồi những năm 90, bộ sách phổ biến nhất hồi bấy giờ được coi như giáo trình Kinh tế Thị trường (KTTT) mà nhiều người vẫn cứ gọi là Kinh tế Tư bản chủ nghĩa, gồm 2 tập “Kinh tế học” của Samuelson, mỗi tập dầy khoảng trên 500 trang. Để hỗ trợ cho việc tìm hiểu KTTT, ta có mời các giáo sư nước ngoài vào nói chuyện theo các chuyên đề, hoặc tổ chức các lớp đào tạo cán bộ về những kiến thức phổ cặp như các lớp do INSEAD như kể trên thực hiện. Có lần ta mời một giáo sư người Đức vào nói về tài chính-ngân hàng, Tổ Tư vấn có tổ chức hẳn một tuần cho vị giáo sư này nói chuyện (lên lớp) với các thành viên có liên quan, chủ yếu là số anh em ở Miền Bắc, tôi may mắn được tham dự cùng với gần 10 người khác, phần lớn là cán bộ trẻ, còn “i-tờ” về vấn đề này; tôi thấy, dù bận trăm công, ngàn việc, nhưng ngoài bác Thiệu, chuyên gia chính về tài chính- ngân hàng, anh Việt Phương vẫn tham gia đầy đủ, trong phần thảo luận, Anh đưa ra cho giảng viên những câu hỏi sắc sảo, điều đó lại khẳng định rằng sức đọc của Anh thực khó ai bì kịp, chưa nói là đọc một, hiểu mười…

Biết Anh thích tìm hiều những vấn đề mới, nên khi có dịp đi nước ngoài, có sách gì hay, chúng tôi lại gửi cho Anh đọc, ngược lại, Anh cũng chuyển cho chúng tôi, nhất là giới trẻ hơn, đọc những cuốn sách, kể cả sách được tác giả ký tặng riêng Anh cho chúng tôi mượn đọc.

Khi Tổ Tư vấn được cải tổ lại thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng chỉ còn lại 19 người, tôi “ra về” với thư cảm ơn của Văn phòng Chính phủ, đôi khi chúng tôi chỉ còn tham gia dưới dạng cộng tác viên với Ban, khi cần được huy động. Năm 1999, tôi đến tuổi nghỉ hưu, tôi nhận được thư của Anh gọi lên làm việc tiếp ở Ban nghiên cứu, đó cũng là sự ưu ái của Anh đối với tôi. Song, tôi, vì nhiều lý do khác, trong đó phải lo duy trì hoạt động của một công ty tư vấn do một số anh chị em đã theo tôi ra lập công ty riêng mà tôi cảm thấy mình vẫn còn trách nhiệm đối với họ, nên đành cáo lỗi. Sau này, gặp Anh, tôi có cảm ơn Anh về sự quan tâm của Anh đối với tôi và Anh có hỏi cặn kẽ việc chúng tôi làm tư vấn cho các doanh nghiệp, tham gia trình bầy tại các lớp đào tạo, tham gia giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi được yêu cầu, Anh có động viên tôi cố gắng giúp các doanh nghiệp cũng là một việc rất cần thiết…

Những năm gần đây, do sức khỏe, Anh ít có điều kiện gặp gỡ chung các anh em cũ, chúng tôi thường tới nhà thăm Anh, Anh vẫn thường xuyên hỏi thăm công việc của chúng tôi và động viên chúng tôi hãy làm tốt các công việc hiện nay của mình.

Anh không phải chỉ là một người yêu thơ mà là một nhà thơ thực thụ, Anh gieo vần bằng những trải nghiệm thực tế cuộc đời, yêu cái đẹp bình dị chân thành, ghét cái xa hoa, giả dối, hướng về tương lai rộng mở…

Anh quen một nhà thơ ở Hải phòng, một công nhân đóng tầu, người mà Anh cho là làm thơ “lục-bát” hay nhất, nhà thơ ấy đã làm hẳn mô hình một con tầu biển tặng Anh, Anh dành hẳn một chỗ cho mô hình con tàu đó trong phòng khách chắc chỉ rộng hơn 10 M vuông; tôi tin rằng, với Anh, Anh còn nhiều tặng phẩm có thể đẹp hơn, đắt giá hơn, của những người có vị trí xã hội cao hơn gửi tặng, nhưng mô hình con tầu của nhà thơ công nhân “lục-bát” đó vẫn chiếm vị trí trang trọng nhất trong phòng khách của Anh.

Trước đây, khi còn khỏe, Anh còn gửi mail cho mọi người, đôi khi Anh gửi cả những bài thơ Anh mới làm hay thu thập được, kể cả bằng tiếng Pháp. Khi sức khỏe yếu dần, ai đến thăm, nếu có thơ mới Anh đều tặng để gửi gấm những suy tư trong đó. Có lần Anh hỏi tôi thấy thơ Anh thế nào? Thú thực tôi không phải là nhà thơ và bình thơ lại càng kém, tôi chỉ mượn lời của Paul Eluard, một nhà thơ cọng sản Pháp, để nhận xét thơ Anh:

Je dis ce que je vois,

Ce que je sais,

Ce qui est vrais



Tạm dịch :

Tôi nói những gì tôi thấy,

Những điều tôi biết,

Những gì có thực.

Chỉ tiếc rằng, Anh thấy và biết nhiều, nhưng chưa nói và viết ra hết. Đáp lại, tôi chỉ nhận được một nụ cười rất tươi từ phía Anh.

Mỗi đợt Anh nằm bệnh viện, như mọi người yêu kính Anh, chúng tôi đều tới thăm Anh. Và qua mỗi lần, chúng tôi lại lo khi thấy sức khỏe Anh cứ xuống dần, xấu dần…

Đợt cuối cùng, chúng tôi tới thăm Anh 2 lần, lần đầu Anh còn nhận ra chúng tôi và còn cố nói chuyện. Anh còn nhớ những chuyện dung dị nhất đời thường, Anh hỏi tôi:
Hảo vẫn lái xe đưa Lan đi họp đấy chứ?
Các việc hai em làm cho doanh nghiệp rất tốt, các em cố gắng nhé.

Lần thứ hai chúng tôi vào thăm, Anh đã yếu lắm rồi, Anh mở mắt nhìn chúng tôi, tôi cảm thấy Anh vẫn nhận ra người đến thăm, song không thể nói chuyện được. Tôi bóp chân, bóp tay cho Anh mà lòng xót xa vì “cái gì đến sẽ phải đến!” dù cho có nghiệt ngã bao nhiêu mà khó ai có thể tránh được.

Chỉ vài hôm sau, sáng 6/5/2017, chúng tôi được tin báo Anh đã ra đi để lại cho gia đình và bạn bè gần xa, lòng tiếc thương vô hạn.

Tôi viết những dòng trên để nhớ tới Việt Phương, một người Anh, một người Thầy, và trên tất cả, một Nhân cách lớn.

Cuộc đời của nhà thơ Việt Phương, tác giả của “Cửa mở” đã khép lại, hy vọng “Cưả đời” sẽ tiếp tục mở để cho những ý tưởng, những khát vọng của nhà thơ sẽ thanh thoát khi “Cửa đã mở”.

Trong những ngày tổ chức tang lễ anh Việt Phương, tôi đã chia sẻ với bạn bè trên trang Face book vài vần thơ tiễn biệt con người có nhân cách lớn như Việt Phương:
Sống-Chết

Có kẻ sống,

Ôi thây ma rữa chết.

Có Nguời đi rồi,

Vẫn còn trong nhịp đập muôn tim.

Thế gian này,

Oán-Ân?

Dễ mấy ai lường được,

Vinh biệt một CON NGƯỜI,

Tỏ một nhánh hồng trong khói nhang bay.

Âm, Dương đôi đường,

Còn gì?
Oán-Quên,
Ân- Nhớ !

Gia Hảo

Viết những dòng trên, nhớ lại những dịp được gặp, được làm việc với anh Việt Phương, nhất là thời gian ở Tổ Tư vấn của Thủ tướng (Võ Văn Kiệt), nhớ lại những ngày được gần với các anh, các chị có kiến thức uyên thâm, lạc quan yêu đời, nhiều người tuổi cao nhưng tư duy đâu có già, vẫn còn trẻ, vẫn sáng suốt vì luôn cố bắt kịp thời đại…Gần được những người như Việt Phương quả là một may mắn cho tôi.

Tôi viết những dòng này khi “100 ngày” (13-8) kể từ ngày mất của Anh đang đến gần. Xin chị Tú Lan và gia đình, cho phép tôi với những dòng trên, một lần nữa được thắp một nén nhang cho anh Việt Phương, một người Anh, một người Thầy, một CON NGƯỜI (viết hoa) có nhân cách lớn, một nhà thơ “mở cửa” cho mọi ý tưởng bay cao và bay xa. Xin Anh hãy mỉm cười vì còn có những người bạn, người em và nhiều thế hệ sau thực hiện những điều mong ước Anh đã gửi gấm trong những bài viết, những bài thuyết trình và cả trong thơ… của Anh./.

Hà nội 18/7/2017

KD: Hôm nay, tròn 100 ngày mất của nhà thơ Việt Phương, Blog KD/KD nhận được bài viết của chuyên gia kinh tế Nguyễn Gia Hảo- phu quân của bà Phạm Chi Lan. Đó là những kỷ niệm đẹp, chân thành và nhiều xúc cảm . Xin đăng lên Blog để bạn đọc chia sẻ
———– 
https://kimdunghn.wordpress.com/2017/08/13/nhung-lan-duoc-gap-anh-viet-phuong/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: