Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

Mỹ-Trung Quốc-Triều Tiên

Yonhap: Giữa tâm bão, Triều Tiên đột ngột triệu tập các đại sứ ở nước ngoài về nước
Yonhap: Giữa tâm bão, Triều Tiên đột ngột triệu tập các đại sứ ở nước ngoài về nước
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un điều hành một cuộc họp. Ảnh: KCNA/Yonhap
Cuộc họp có thể liên quan tới công tác chuẩn bị cho những động thái quân sự của Triều Tiên như thử nghiệm hạt nhân hoặc phóng tên lửa, Yonhap nhận định.
Các đại sứ Triều Tiên ở nước ngoài đã trở về Bình Nhưỡng để tham gia một cuộc họp, hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn nguồn tin quan chức Triều Tiên cho hay. Động thái này diễn ra trong thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ngày càng gia tăng, liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này và lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.
"Có vẻ như Triều Tiên đang chủ trì một cuộc họp gồm trưởng các phái đoàn ngoại giao ở nước ngoài sau khi triệu tập các đại sứ của nước này tại nhiều quốc gia đáng chú ý trở về Bình Nhưỡng", Yonhap đưa tin ngày 14/8.
Được biết, cuộc họp đang diễn ra có sự tham gia của đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae-ryong, đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Ja Song-nam và đại sứ Triều Tiên tại Nga Kim Hyong-jun.
Tuy nhiên không rõ có chính xác bao nhiêu đại sứ tham gia cuộc họp nói trên.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun cho hay, cuộc họp có thể là một hoạt động thường lệ của đại sứ Triều Tiên:
"Triều Tiên đã tổ chức hội nghị đại sứ lần thứ 43 vào tháng 7/2015 và có vẻ cuộc họp gần nhất cũng liên quan tới hoạt động đó".
Dù vậy, theo Yonhap, cuộc họp của các chính khách cấp cao có thể xoay quanh tình hình khó khăn mà Triều Tiên đang phải đối mặt sau 2 cuộc phóng thử tên lửa Hwasong-14 vào ngày 4 và 28/7.
Cuộc họp cũng có thể liên quan tới công tác chuẩn bị cho những động thái quân sự khác, ví dụ như một cuộc thử nghiệm hạt nhân hoặc một vụ phóng tên lửa mới.
------------------------------
"Thế giới đã nhầm to về ảnh hưởng của Trung Quốc với Triều Tiên"
"Thế giới đã nhầm to về ảnh hưởng của Trung Quốc với Triều Tiên"
"Có thể yêu cầu Trung Quốc áp đặt cấm vận một cách hiệu quả hơn nhưng tin rằng điều đó sẽ khiến Triều Tiên thay đổi lập trường thì chỉ là mơ tưởng", bà Town nói với Sputnik.
Chia sẻ với Radio Sputnik, chuyên gia Jenny Town, phó giám đốc viện Mỹ - Hàn tại đại học Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao John Hopkins cho rằng: Mặc dù Bắc Kinh có ảnh hưởng nhất định đối với nền kinh tế của Triều Tiên trong vai trò là đối tác thương mại chính nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể tác động tới nỗ lực phô trương sức mạnh của Triều Tiên.
"Theo quan điểm của tôi, người ta đã đánh giá quá cao tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong tình huống này và mặc nhiên cho rằng tác động về kinh tế đồng nghĩa với tác động về chính trị", bà Town nói.
"Chúng ta có thể yêu cầu Trung Quốc áp đặt những lệnh cấm vận vốn đã tồn tại theo một cách hiệu quả hơn nhưng tin rằng điều đó sẽ khiến Triều Tiên thay đổi lập trường thì chỉ là mơ tưởng".
Đề cập tới tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Triều Tiên và Mỹ, nhà phân tích cho rằng: "Tôi không nghĩ hai bên muốn chiến tranh xảy ra, và việc ông Trump, cũng như chính quyền Mỹ tìm cách đưa ra những phát ngôn gay gắt không kém Triều Tiên chỉ gây phản tác dụng bởi nó khiến Triều Tiên đáp trả một cách mạnh mẽ hơn".
Bà Town nhận định thêm về những phát ngôn gần đây của phía Mỹ:
"Ẩn số của toàn bộ sự việc chính là cái tôi của Tổng thống Trump. Thể hiện sự giận dữ là một phương pháp mới của Mỹ nhưng cách này không hiệu quả, thậm chí còn phá hỏng chính sách mà Ngoại trưởng Tillerson đang cố gắng thúc đẩy (nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng và không gây chiến)".
"Căng thẳng càng tăng cao thì càng có khả năng xảy ra chiến tranh bất ngờ. Đó là lý do vì sao kiểu khẩu chiến này không hề mang lại lợi ích nào cho nước Mỹ".
Căng thẳng quanh vấn đề Triều Tiên đã tăng cao trong vài tháng trở lại đây, đặc biệt sau khi Liên Hợp Quốc quyết định tăng cường cấm vận nhằm vào Bình Nhưỡng.
Động thái này đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của Triều Tiên. Triều Tiên cam kết sẽ sử dụng tất cả những phương tiện có thể để trả đũa Mỹ.
Về phần mình, ông Trump cảnh báo rằng: Nếu hành động, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với "hỏa lực và cuồng nộ" từ Washington. Ngay sau phát ngôn ấy, Bình Nhưỡng tuyên bố: Nước này đang tính tới khả năng tấn công đảo Guam, nơi nhiều căn cứ quân sự Mỹ đang đồn trú.
Theo một bài bình luận trên Hoàn Cầu, Trung Quốc "sẽ giữ vị trí trung lập" nếu Triều Tiên phóng tên lửa răn đe Mỹ, nhưng Bắc Kinh sẽ phản ứng nếu Mỹ, Hàn tấn công trước và tìm cách lật đổ chính quyền Triều Tiên.
----------------------------------------
Tướng hàng đầu Mỹ đến Hàn Quốc, khả năng chiến tranh tăng lên
Tướng hàng đầu Mỹ đến Hàn Quốc, khả năng chiến tranh tăng lên
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Joseph Dunford (ngoài cùng bên trái) dừng chân tại căn cứ không quân Fussa, Nhật Bản, ngày 13.8.2017 để tiếp nhiên liệu.
Các quan chức an ninh quốc gia cao cấp của Mỹ nói rằng một cuộc đối đầu quân sự với Triều Tiên sẽ chưa xảy ra trong thời gian gần, nhưng khả năng chiến tranh đã tăng lên.
Vị tướng hàng đầu của Mỹ đang có mặt ở bán đảo Triều Tiên trong khi các cuộc diễn tập quân sự hàng năm của Mỹ và Hàn Quốc có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng hơn nữa với miền Bắc, VOA ngày 14.8 cho hay.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Joseph Dunford cho biết, chuyến thăm của ông tới khu vực này là để trấn an hai nước đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời xây dựng mối quan hệ với quân đội Trung Quốc để tránh những tính toán sai lầm.
Trong khi đó, các quan chức an ninh quốc gia cao cấp của Mỹ hôm 13.8 nói rằng một cuộc đối đầu quân sự với Triều Tiên chưa xảy ra, nhưng khả năng chiến tranh đã tăng lên.
Giám đốc CIA Mike Pompeo nói trên đài Fox News rằng, nỗ lực của Triều Tiên phát triển một tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công Mỹ "là một mối đe dọa rất nghiêm trọng".
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump - H.R. McMaster - trong chương trình This Week của đài ABC nói rằng: "... Chúng ta không gần với chiến tranh hơn so với một tuần trước, nhưng chúng ta gần với chiến tranh hơn so với cách đây một thập niên".
Ông Dunford cho biết "trọng tâm chính" của quân đội là hỗ trợ chiến dịch ngoại giao và kinh tế của chính quyền để giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên, trong khi chuẩn bị các lựa chọn quân sự trong trường hợp chiến dịch đó thất bại.
"Là một nhà lãnh đạo quân đội, tôi phải bảo đảm rằng tổng thống có các lựa chọn quân sự khả thi trong trường hợp chiến dịch gây áp lực về ngoại giao và kinh tế thất bại", ông Dunford cho biết thêm.
Ông Dunford dự kiến sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng của Hàn Quốc vào hôm nay (14.8) trước khi tới Trung Quốc và Nhật Bản trong tuần này.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: