Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Quốc hội Việt Nam cần ra tuyên bố về Biển Đông?


>> “Trùm phát xít Hitler” bước ra ánh sáng sau 72 năm?
>> Tư pháp Mỹ rất khác tư pháp Việt Nam?















VOA - Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ngày 21/6 nói ông ủng hộ ý kiến trước đây của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, đề nghị Quốc hội Việt Nam ra tuyên bố về Biển Đông, vì nó "thể hiện tiếng nói của nhiều người" và vì “sự sống còn của dân tộc”.

“Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông thì tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ nghẹn lời trước những ý kiến chất vấn của cử tri”, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trương Trọng Nghĩa phát biểu như vậy sau khi “xin lỗi” Quốc hội để chen vào những ý kiến về Biển Đông trong phiên thảo luận hôm 19/6/2014.

Theo LS. Trần Quốc Thuận, trong bối cảnh Trung Quốc vừa thông báo sẽ đưa giàn khoan từng gây sóng gió trong quan hệ Việt-Trung vào hoạt động ngay gần cửa vịnh Bắc Bộ từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 9 năm nay, việc cơ quan được coi là có quyền lực cao nhất đưa ra một tuyên bố chính thức về Biển Đông là rất cần thiết.

“Tôi cho rằng tiếng nói đó là tiếng nói cần thiết và cũng thể hiện ý kiến của nhiều người, những người dân Việt Nam mà tôi biết khi nói về Biển Đông. Từ trước tới giờ về Biển Đông, Quốc hội chưa có tiếng nói nào chính thức, riêng rẽ, độc lập cả”.

Điều đó, theo LS. Trần Quốc Thuận, cho thấy Quốc hội Việt Nam chưa đặt vấn đề Biển Đông lên đúng tầm quan trọng của nó.

“Bởi vì theo nghị quyết của Đảng, đến năm 2020 - 2030, GDP của Việt Nam sẽ lệ thuộc vào biển, hơn một nửa là từ tài nguyên biển. Mà nếu bây giờ không xác định là giữ biển, thì những nghị quyết đó không có ý nghĩa gì. Cho nên vấn đề là phải giữ Biển Đông. Đó là sự sống còn của dân tộc”.

Trong bài phát biểu không nằm trong danh mục thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng nếu Quốc hội không ra tuyên bố hay nghị quyết về Biển Đông, “dư luận thế giới chắc sẽ bình luận rằng: Một hành vi xâm phạm và đe dọa chủ quyền của Việt Nam trắng trợn đến thế mà Quốc hội nước này không có phản ứng chính thức gì thì việc gì mà nghị sĩ và nhân dân các nước khác phải lên tiếng. Và đây có thể là một cái cớ để phía Trung Quốc tiến hành những việc làm hiếu chiến và nguy hiểm hơn nữa”, vẫn theo báo Tuổi Trẻ.

Những phát biểu từ năm 2014 của ông Trương Trọng Nghĩa đã được chia sẻ lại trên mạng xã hội những ngày gần đây, sau khi xuất hiện những động thái cho thấy căng thẳng trở lại trong mối quan hệ Việt-Trung.

Dù bày tỏ sự ủng hộ, nhưng nhiều người tỏ ra không hy vọng về khả năng sẽ có bất cứ một tuyên bố nào từ phía Quốc hội về vấn đề Biển Đông.

LS. Trần Quốc Thuận phân tích sự hoài nghi, thậm chí thất vọng của công chúng:

“Theo luật và Hiến pháp quy định, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Việt Nam. Nhưng thực sự, ai cũng biết trong Quốc hội, tỷ lệ đảng viên hầu hết trên 90%. Cho nên những gì mà đảng chưa thể hiện ý kiến chính thức của mình, thì rõ ràng Quốc hội cũng rất khó biểu quyết được. Đó là câu chuyện mà tôi cũng không biết mấy người đó thảo luận và đánh giá thế nào. Nhưng theo những người dân, những người mà chúng tôi gặp thường ngày, mà trên dư luận báo chí mà tôi tiếp xúc, thì hầu hết đều rất bức xúc và muốn có một tiếng nói chính thức về Biển Đông”.

Theo LS. Trần Quốc Thuận, Quốc hội Việt Nam từng để vuột mất những cơ hội lên tiếng chính thức hay đưa ra những quyết định về Biển Đông.

Chẳng hạn, sau vụ Tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, Việt Nam đã có thể khởi kiện Trung Quốc, ít nhất là về quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, người dân Việt Nam đã “chờ mãi mà vẫn không thấy kiện”, theo LS. Trần Quốc Thuận.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: