Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Làng Việt Kiều Cam Bốt



- Sống ở trên đời, cái tên, mặc dù đó chỉ là sự ghép nối những ký tự để phân biệt A không phải là B và B không phải là D, E, F nào đó. Đôi khi một người có hàng chục, thậm chí hàng trăm cái tên, nhưng cũng có người, cần định dạng bằng một cái tên duy nhất cũng không có. Trường hợp những người Việt về từ Biển Hồ, Campuchia về Việt Nam, không có nhà cửa, người lớn không có giấy chứng minh nhân dân (giấy căn cước), trẻ em không có khai sinh, sống lây lất trong những túp lều gió thổi thông thốc bên bờ hồ thủy điện Dầu Tiếng là một ví dụ đau đớn về những người không tổ quốc, không căn cước và không có gì ngoài thân phận của một người ở trọ ngay trên quê hương của mình!
Cận cảnh nhà của người Việt về từ Biển Hồ ở ấp Tà Dơ
Người ta gọi nơi này là xóm Việt Kiều Tà Dơ. Xóm có chừng hai trăm căn lều, độ rách của những căn lều này không chê vào đâu được bởi nó không còn gì để rách hơn. Một xóm lều rách chứa những số phận rách và những tiếng khóc cũng rách chẳng kém…

Từ Biển Hồ đến hồ Dầu Tiếng

Nói là làng Việt Kiều nhưng họ chỉ ‘cắm dùi’ quanh một khu vực nhỏ ở ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, bên bờ hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh. Khi chúng tôi đến đây, trời bất chợt nện một trận mưa (nói theo cách của người ở đây) lớn, gió thổi thông thốc. Chúng tôi không dám bước ra khỏi xe vì mưa quá lớn. Và đó cũng là lúc tôi chứng kiến cảnh người trong xóm “không căn cước” phải đối phó ra sao với mưa gió. Những tấm vải dầu bay phần phật, nhiều người đội mưa để buộc lại các góc vải mà che cho túp lều của gia đình họ khỏi bị tạt nước. Và đương nhiên là không có túp lều nào không bị tạt nước cả, vấn đề là tạt ít lại một chút thôi. Người già, trẻ em ướt mem, không có ai không ướt sau trận mưa.

Bước vào xóm, cảm giác đầu tiên tôi cảm nhận được là ở đây không khí hôi thối, tanh nồng, mùi cá ươn, mùi xương cá, mùi rác… Tất cả tạo thành một phức hợp mùi khó mà chịu cho nổi. Nhưng dường như trẻ con và người lớn ở đây đã quen với mùi này nên mấy đứa trẻ vẫn ngồi ăn cơm thản nhiên, người lớn thì ngồi lặt rau bên cạnh chỗ rác hôi thối. Mà nếu không ngồi lặt rau ở đó thì cũng chẳng biết ngồi ở đâu vì chỗ nào là không có rác hôi thối? Cả một khu lều ổ chuột hiện ra trước mắt với đầy đủ nỗi khốn cùng của nó.

Gặp một phụ nữ trạc ba mươi lăm tuổi, đang bồng con, tôi hỏi thăm: “Chị cho hỏi thăm xóm mình có phải từ Campuchia trở về?”. (Lúc đó tôi cũng không tìm ra câu hỏi nên hỏi cho có).


Bên trong căn nhà của một Việt Kiều Cam Bốt về Việt Nam từ năm 2012, đây được xem là gia đình khá giả nhất xóm Việt Kiều ở Tà Dơ.

“Dạ đúng rồi anh, xóm ở đây là Việt Kiều Campuchia hết đó, tụi em nghèo lắm, chẳng có gì để sống cả. Giờ về đây cũng khổ như bên đó!”.

“Bên đó khổ như thế nào vậy chị?”.

“Dạ bên đó, tụi em sống ở Biển Hồ, không có giấy tờ tùy thân, phần thì sợ người ta cáp duồng (giết người Việt – từ này có từ thời Pol Pốt diệt chủng) mình, phần thì sợ nhà nước vì thỉnh thoảng nhà nước Campuchia họ đi truy quét là cả xóm chài mình phải chạy trốn”.

“Chạy trốn đi đâu hả chị?”.

“Dạ thường thì nói nhà nước truy quét nhưng chủ yếu là chính quyền cấp tỉnh, nên tụi em luôn sống ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh, hễ tỉnh bên này truy quét thì mình chạy sang tỉnh bên kia, dời hết lều trại, ghe thuyền qua tỉnh khác, mai mốt tỉnh khác truy quét thì mình quay về”.

“Có khi nào các tỉnh đều truy quét cùng một lần?”.

“Dạ có chứ, mình lại chạy sang tít tận bên kia bờ hồ, nói chung là sống khổ quá. Chỉ vì mình không có đủ tiền đóng 250,000 riel cho nhà nước nên họ truy quét để bắt mình đi cải tạo. Mà sợ nhất là cảnh này, dễ bị đánh đập lắm, hơn nữa là mình có con nhỏ, biết làm sao để nuôi con khi bị bắt vào trại cải tạo. Cuối cùng rồi mình cũng quay về quê. Mà cũng chẳng có gì ngoài cái cảnh cũ trên Biển Hồ. May mắn hơn là giờ mình có bà con nói tiếng Việt, cùng giọng nói, cùng dân tộc giúp đỡ cho mình. Nhưng cũng khổ quá!”.

“Sao anh chị không chọn chỗ khác mà chọn chỗ này để sống, khi mưa gió thì quá nguy hiểm?”.

“Dạ, vì bên đó đi đánh bắt lâu rồi nên về chỗ này hy vọng sống được. Chứ giờ không có giấy chứng minh nhân dân, không có quyền công dân, có ai dám mướn mình làm việc đâu! Chỉ biết dựa vào cái hồ, con cá mà sống thôi!”. 

Mặt tiền của xóm Việt Kiều Cam Bốt

Ba đời không biết tuổi

Trường hợp người ta không biết mình sinh năm nào có vẻ như chiếm tỉ lệ khá cao trong xóm Việt Kiều Canmpuchia này. Nhiều người nhìn sáu, bảy chục tuổi nhưng hỏi thì họ trả lời là “chắc tôi ba chục tuổi, tui nghĩ là vậy!”. Chuyện này gặp khá nhiều ở đây. Như trường hợp bà Pan, một người phụ nữ không nhớ mình họ gì, tên gì, cái tên Pan là do chồng đặt cho bà. Bà kể:

“Hồi đó cha mẹ chết sớm nên tôi không biết mình tên gì. Tôi có chồng thì chồng đặt cho tên Pan chứ tôi đâu có giấy khai sinh hay giấy tờ gì đâu!”.

“Năm nay bà bao nhiêu tuổi bà có nhớ không?”

“Tôi nghĩ chắc là chừng 30”.

“Ủa, sao lại nhỏ vậy? Bà có nhớ lầm không?”.

“À không đâu, tôi không nhớ lầm đâu. Vì hồi xưa, có lần chồng tôi nói khi sinh xong ba đứa con là tôi khoảng ba mươi tuổi. Mà con tôi bây giờ đã ba đứa, nó còn có vợ, có chồng, sinh con nữa thì tôi phải là 30 tuổi rồi chứ giỡn chơi gì đâu!”.

Bà con chọn bờ hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh làm nơi cư ngụ mới.

“Bà có đếm số được không?”.

“À, đếm được chứ, tôi biết tờ năm mươi ngàn đồng, hai mươi ngàn đồng, một trăm ngàn đồng, bạc bên kia (đồng riel) tôi cũng đếm được mà!”.

“Bà ở bên đó có nhà cửa gì không?”.

“Chú này hỏi nghe kỳ quá! Dân Việt Kiều Campuchia như tụi tôi, cái chòi còn không có để ở lấy gì cái nhà. Mình không có giấy tờ gì hết, lấy đâu nhà mà ở. Trốn chạy không thôi cũng khổ lên khổ xuống rồi!”.

“Vậy bà có biết do đâu mà hồi đó gia đình bà quyết định sang Biển Hồ để sống không bà?”.

“Cái này tôi không biết, thời cha mẹ tôi qua bên đó, nghe đâu trốn chạy chuyện gì đó, qua đó rồi lưu lạc luôn từ đó đến giờ, đâu còn biết bà con, họ hàng gì nữa đâu. Giờ về đây ở nhờ một cái chòi trên đất trồng mì (khoai mì) của người ở đây. Mà ở cũng không lâu nữa đâu vì họ sắp lấy đất lại để trồng mì. Như vậy sắp tới đây chẳng biết ở đâu đây nữa!”.

Nói đến đây, bà Pan lấy tay quẹt nước mắt, gương mặt già nua “ba mươi tuổi” của bà méo xệch, nhúm nhó, khó mà tả cho đặng! Tôi tạm biệt bà, thằng con trai tôi ngồi chơi với cháu ngoại của bà, hai đứa nó coi bộ thân thiết với nhau lắm. Khi tôi đi về, thằng nhỏ không quên mở cái mũ ra nói với đứa bé Việt Kiều “Nè, cho mi cái mũ ni nè! Mai mốt tao vào thăm tao cho mi thêm cái nữa đó!”. Thằng bé Việt Kiều không dám nhận nhưng ánh mắt cho thấy nó rất thích, tôi khuyến khích: “Cầm đi con, bạn tặng con đó!”. Nó cầm cái mũ, nói lí nhí: “Tao cám ơn mày!”. Mấy chữ cám ơn của nó nghe sao mà nặng khó tả, dường như nó còn hiểu chuyện hơn cả người lớn, mặc dù nó chưa được đi học và nó cũng không có áo quần để mặc!

http://baotreonline.com/lang-viet-kieu-cam-bot/


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: