Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Ông Xuân Ba còn chút hy vọng:

Giật thột chuyện 28 năm trước (viết nhân việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức)

XUÂN BA (nhà báo)

Chiều mười tám (18.42017) hóng được cánh đồng nghiệp thạo tin rằng sắp diễn ra việc đối thoại của cấp trên với dân làng Đồng Tâm (Mỹ Đức) tôi bám theo mấy anh em viết trẻ về cái làng quê mấy bữa nay đang nóng trên các phương tiện truyền thông việc bắt giữ người trái pháp luật…Nhưng đến địa phận Đồng Tâm, mọi lối vào làng đã bị chặn cứng!

Tần ngần trước ngã rẽ chắc chẳng phải lối chính vào làng đương bị chặn bởi mấy chiếc xe bò, xe ba gác chổng ngược, loanh quanh mãi rồi cũng gặp được hai đàn ông đứng tuổi với ba thanh nam thanh niên chắc đang làm cái việc canh gác… Năn nỉ cùng trình ra đủ thứ giấy tờ tùy thân nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu kiên quyết kèm câu trả lời gióng một chắc nịch rằng báo ta báo tây, báo trung ương hay địa phương lề phải lề trái gì… đều cấm tiệt vào làng.

Đợi thêm một hồi nữa, hóa ra cái tin đối thoại không có.

Chợt bừng trong trí nhớ chuyện gần ba chục năm trước.

Cụ thể, 28 năm trước, ngày mồng 1 tháng 7 dương lịch. Cái tin dân của thôn Cộng Hòa, xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa bắt giữ 5 cán bộ công an, viện kiểm sát của huyện Triệu Sơn dậy khắp… Ấy là với Thanh Hóa thôi chứ hồi đó đâu đã có internet với điện thoại và mạng viễn thông hiện đại! Thời điểm ấy tôi đang có tí ti chức phận là cơ quan cử biệt phái ở tỉnh Thanh nên nhận được tin ấy khá nhanh.

Bươn bả đến chỗ ông Lê Huy Ngọ vừa mới chân ướt chân ráo về nhậm chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thay ông Hà Trọng Hòa bị kỷ luật để hóng tin. Ông Ngọ, khuôn mặt vốn đăm đăm cố hữu khi ấy ngó lại càng thêm khó coi tợn! Qua trao đổi, ông Ngọ xác nhận có chuyện ấy thực nhưng bảo tôi về để đợi tỉnh giải quyết. Còn giải quyết như thế nào thì ông Ngọ và mấy thuộc hạ tin cẩn của ông chả thấy nói gì!

Nóng lòng muốn biết thực trạng cộng với chút tò mò… Theo phương châm tác chiến hành nghề khi ấy gọi cho oách là tướng ngoài biên ải được quyền quyết trước tâu sau, với lại điện thoại hạn chế, trục trặc xin chỉ đạo ở ngoài Tòa soạn hơi khó khăn nên tôi quyết định mò về Thọ Ngọc.

Nhưng đến Thọ Ngọc không đơn giản. Tìm hiểu thêm, được biết duyên do việc giam giữ 5 nhà chức việc công an và viện KS huyện Triệu Sơn. Suốt cả năm nay, người dân Cộng Hòa có nhiều đơn thư gửi các cấp bức xúc với hiện trạng hà lạm công quỹ của một số cán bộ địa phương xã Thọ Ngọc. Họ tham ô thóc, tiền bán than, gạch ngói… và đặt ra 16 khoản đóng góp vô lý thực ra để gây quỹ đen cho dễ bề chấm mút. Dân kêu mãi không được. Để dằn mặt những người kiên quyết đấu tranh, cán bộ xã báo cáo sai sự thật với huyện. Huyện bênh xã, chỉ đạo cơ quan chức năng khởi tố 6 người dân của Thọ Ngọc. Nhưng khi tống đạt lệnh khởi tố, dân Thọ Ngọc đã bất ngờ phản ứng dữ dội…

Huyện khi đó lại tiếp tục tâu với tỉnh thực trạng sai lạc ấy. Với quyết tâm phải trừng trị bọn cứng đầu dám chống người thi hành công vụ. Sáng sớm ngày 1.7.1989, hàng trăm bộ đội, công an có cả chó nghiệp vụ chia làm 6 mũi đã bất ngờ ập vào Thọ Ngọc. Dân làng nổi kéng báo động và do được chuẩn bị trước đã phản ứng quyết liệt. Và khá bài bản. Suốt từ sáng sớm đến trưa, các mũi tiến công bị khống chế. Dân làng đã quây bắt 5 người. Trong đó có vị Phó Công an huyện và Viện trưởng Viện KSND huyện Triệu Sơn cùng 3 công an huyện. Nhưng súng đã nổ. Hai dân làng bị thương khá nặng và may mắn được chuyển ra Hà Nội điều trị. Các mũi tiến công đành rút chạy. Dân làng tiếp tục giữ 5 cán bộ nói trên. Đặc biệt không đánh đập gì và lo cơm nước chu đáo cho họ. Dân Thọ Ngọc đã rào làng. Mọi lối ra vào đều bị bít kín. Nội bất xuất ngoại bất nhập. Những người lạ vào làng đều không được phép. 

Tôi tìm gặp anh Lê Văn Hạnh, một cơ sở tin cẩn trong những ngày công tác ở Thanh Hóa để triển khai vụ ông Hà Trọng Hòa. Người thứ hai là Lê Nam, Trưởng đoàn kiểm tra 14 của Viện KS Thanh Hóa. Chính là Lê Nam mãi sau này nổi danh với vai trò ĐBQH. Sau một hồi bàn bạc, anh Hạnh và Lê Nam nhất trí lo cho tôi một phương án vào Thọ Ngọc khả dĩ an toàn. Anh Hạnh nhờ một người bà con bên Tỉnh đội mượn một chiếc U Oát mang biển số đỏ như anh Hạnh cho biết đi xe biển ấy mới an toàn(?).

Sáng mồng 3.7, chiếc U Oát mang biển số quân sự trên xe có anh Hạnh (một chú em nữa nguyên là lính đặc công giải ngũ người nhà anh Hạnh, như anh nói là đi theo để làm nhiệm vụ bảo vệ) và tôi tất nhiên bị khựng lại ở lối chính vô làng. Theo hướng dẫn của anh Hạnh, trước đó tôi đã lấy tấm bìa viết dòng chữ theo tuồng chữ in "Nhà báo, xin đừng bắn" để sau tấm kính chắn gió. Một tốp thanh niên ào ra. Báo hả? Báo Thanh Hóa thì không cho vào. Nghe vậy tôi thoáng giật mình và có chút chạnh lòng bởi người dân quê tôi tự khi nào đã sút giảm lòng tin vào đồng nghiệp ở chính quê mình làm vậy?
Tất nhiên tôi trình thẻ nhà báo. Anh thanh niên mặt chi chít vết muỗi chích cầm lấy không nói gì và đi tuốt vào làng. Tôi đâm lo vì lâu lắm chẳng thấy quay lại. Bắt chuyện với tốp thanh niên được biết chưa có báo nào vào Thọ Ngọc tác nghiệp cả. Có lẽ tôi là người đầu tiên? Dễ đến nửa giờ, anh thanh niên kia mới xuất hiện kèm theo mấy người đứng tuổi. May quá, họ cho vào với điều kiện là để ông gác đờ co đặc công lại cùng người lái và chiếc xe ở cổng làng.

Cứ đinh ninh là việc hành nghề của mình sẽ trục trặc này khác. Nhưng qua trao đổi với ông Lê Văn Màn, một người do dân cử ra để lo việc làng trong những ngày khó khăn này và những gì diễn ra sau đó hấu hết đều suôn sẻ. Ông Màn cho tôi tiếp xúc gặp gỡ với 5 hộ dân tại một địa điểm kín như ông Màn nói là tránh để bà con kéo đến làm ầm ĩ. Hóa ra nguyện vọng của bà con khá là đơn giản. Họ giữ 5 cán bộ để cấp trên, nếu trung ương không vô được thì tỉnh phải lên để giải quyết dứt điểm những khiếu nại thắc mắc lâu nay của dân Thọ Ngọc về nạn hà lạm công quỹ và vi phạm quyền tự do dân chủ trong bầu cử cán bộ. Một cụ râu dài như cước bất đồ nắm lấy vai tôi, giọng cụ nghẹn ngào, anh nhà báo coi, có bao giờ công an và bộ đội lại đi làm cái việc xua chó đi lùa dân như thế này không? Bức xúc nhất khi cụ dẫn ra chuyện có chú chó nghiệp vụ nào đó trong khi làm nhiệm vụ đã nhẩy lên bàn thờ chi phái nhà họ Lê của cụ mà như chất giọng rầu rĩ pha chút đau đớn, cụ mếu máo chưa nghĩ ra cách gì để giải cái hạn này cả!

…Nguyện vọng gặp 5 cán bộ đang bị giữ được đáp ứng. Trong căn nhà khá rộng rãi của một hộ dân, hai anh đang nằm ngủ. Còn ba ông chơi tú lơ khơ. Nghe giới thiệu, các ông lộ vẻ vui vui vì từ hôm bị giữ đến nay chưa được tiếp xúc với ai, nữa đây là nhà báo tận… Hà Nội! Ngồi chuyện với vị Viện trưởng và Phó CA huyện, các vị đều cho biết bà con đối xử với họ rất tử tế. Không hề bị đánh đập. Nhưng cũng có bị chửi là cán bộ cốp ở huyện mà thông đồng với quân tham nhũng ở xã… Buổi chiều đầu tiên, ba anh bị mệt không ăn cơm, bà con còn nấu cháo. Và cũng rất nhanh. Hai vị đại diện cho cơ quan pháp luật của huyện đều nhận ngay ra cái điều bất lợi do không nắm không tổ chức điều tra kỹ, rõ tình hình của xã nên đã xảy ra trục trặc. Ân hận nhất là việc xua quân xuống Thọ Ngọc để thực hiện việc khởi tố…

Trong lúc tôi trò chuyện, anh Hạnh đã thực hiện rất đắc lực việc vận hành chiếc máy ghi âm chỉ hơi bé hơn cái tráp của đám lý trưởng thời trước. Và nữa, cái máy ảnh dùng phim Photo-65 anh thao tác hăng quá mới có nửa cuộc gặp đã hết phim. Bây giờ ngồi gõ những dòng này, ngó lại nét chữ anh Hạnh trong sổ biên việc ghi lại nội dung làm việc của tôi với hai vị đại diện cơ quan pháp luật của Triệu Sơn 28 năm trước tự dưng bao nỗi bồi hồi… Nhoáng cái, anh Hạnh mất đã hơn chục năm rồi! 

…Sau chuyến vào Thọ Ngọc ấy, tôi cũng được ông tân Bí thư Tỉnh ủy Lê Huy Ngọ hỏi han nhiều chuyện. Thêm ấm lòng khi nghe truyền đạt lại quyết tâm của tỉnh là sẽ nhanh chóng xuống đối thoại với dân Thọ Ngọc. Sẽ thành lập đoàn thanh tra cấp tỉnh có sự tham gia của Trung ương để giải quyết kịp thời rốt ráo trên cơ sở pháp luật những yêu cầu chính đáng của dân. Những dòng trong cuốn sổ tay của tôi vẫn còn mồn một "Nghiêm cấm bất kỳ hành vi trả thù trù dập những người tham gia đấu tranh chống tiêu cực", v.v..

Hăm hở lia bút hoàn thành bài báo chỉ trong một đêm. Nhưng đáp tàu trở ra Hà Nội, tôi như đụng phải bức tường. Có phải chưa có tiền lệ về những vụ việc na ná như Thọ Ngọc nên BBT thận trọng, đắn đo nhiều lắm?

Ông Đinh Văn Nam, nguyên TBT Báo, khi đó đương làm cố vấn cho BBT đã xui tôi gặp một người quen chung. Đó là ông Thái Ninh, Phó ban Tuyên huấn TW. Găm vào trí nhớ khó phai hình ảnh ông Phó ban đã ngủ còn bật dậy ngồi nghe tôi con cà con kê tình hình và đọc rất kỹ bản thảo bài báo. Mãi gần một giờ sáng, ông bảo tôi về ngủ để sáng nay ông trực tiếp báo cáo ông Trưởng ban Đào Duy Tùng.

Ngay chiều hôm ấy, ông cho người mang bài báo kèm thư tay cho Tổng biên tập với dung quyết định cho đăng bài Cộng Hòa Thọ Ngọc, bài học nhớ đời… Báo Tiền Phong đầu tháng 7 năm 1989 đã đăng bài ấy. Ông Thái Ninh nay đã là người thiên cổ.

Trong xu thế một xứ Thanh ổn định, đã diễn ra sự kiện dối thoại với dân ngay tại Thọ Ngọc và đón 5 nhà chức việc trở về, Cộng Hòa Thọ Ngọc đã yên hàn trở lại. Nhưng tôi từ đó không dám trở lại cái làng quê rất dấu ấn trong đời viết của mình. Bởi không hiểu cơ sự ra sao, vài người dân Thọ Ngọc trong đó có ông Màn, ít lâu sau đã bị khởi tố và vướng vòng lao lý vì cái vụ Thọ Ngọc ấy!

…Và bây giờ không vào được Đồng Tâm! Lủi thủi quay về ngậm ngùi chuyện buồn 28 năm trước ở xứ Thanh lại tái hiện na ná ở đất Thủ đô. Như cái tên bài báo thuở ấy Cộng Hòa, Thọ Ngọc, bài học nhớ đời… Hy vọng Đồng Tâm sẽ chẳng rơi vào cảnh phân tâm rã rượi chia ly của lòng người, lòng dân? Và nữa, sẽ là suôn sẻ và tránh được trục trặc của Thọ Ngọc thuở nào?

Xuân Ba

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: