Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Ông Hàn Đức Long 'không cần xin lỗi lại'


Người nhà và gia đình cháu bé bị hại phản ứng tại buổi xin lỗi
Image captionNgười nhà và gia đình cháu bé bị hại phản ứng tại buổi xin lỗi
Sau buổi xin lỗi đầu tiên hôm 26/4 không thành, ông Hàn Đức Long, người chịu tù vì án oan sai 11 năm, nói ông không cần buổi xin lỗi thứ hai.
Trao đổi với BBC hôm 26/4, ông Long cho biết, hai vợ chồng ông đã rất mong đợi một buổi xin lỗi diễn ra trang trọng nhưng không ngờ mọi việc lại diễn biến theo chiều hướng xấu.
"Ông nhà tôi hôm qua về cũng buồn, huyết áp lên," bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Long cho biết.
Ông Long cho biết sau vụ việc lộn xộn của buổi xin lỗi, ông cũng không có tiếp xúc trao đổi gì với thân nhân cháu bé bị hại.
"Tôi cho rằng có ai đó xúi giục họ làm thế. Bởi từ khi tôi được thả về thì không có ai có ý kiến gì cả. Người hiểu thì biết tôi bị oan, người nào không hiểu thì nghĩ là tôi được tạm tha."
Khi được hỏi ông có suy nghĩ gì về hành động của gia đình cháu bé, ông nói: "Thật ra thì nỗi đau của tôi cũng như nỗi đau của họ thôi."
"Tôi chỉ mong Bộ Công an, Viện Kiểm sát điều tra tìm ra tội phạm thực sự."
"Tôi không đề nghị xin lỗi lại đâu. Tôi không muốn vụ việc lộn xộn như vậy lại xảy ra với tôi và gia đình cháu bé nữa."
án oanBản quyền hình ảnhFACEBOOK NGO NGOC TRAI
Image captionÔng Hàn Đức Long (trái) và luật sư Ngô Ngọc Trai tại nhà riêng hôm 21/12/2016
Theo Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, điểm tối của buổi xin lỗi của Tòa án Nhân dân Tối cao cho thấy việc ép cung, bức cung dùng nhục hình còn khá phổ biến, thể hiện trong trường hợp của ông Long.
"Vì bị ép cung, dùng nhục hình mà ông phải khai những cái không thực tế, sau đó lại không đủ chứng cứ để kết tội, nhưng ông Long đã phải ngồi tù 11 năm qua và 4 lần bị tuyên án tù chung thân."
"Điều này thể hiện sự yếu kém thiếu chuyên nghiệp của ngành tư pháp Việt Nam."
Điểm sáng, theo ông Giang, ngành tư pháp đã đủ sự công minh thừa nhận sai lầm của mình.
"Việc làm này đáng được khen ngợi và cần được thực hiện thường xuyên hơn, minh bạch hơn, công khai hơn."

Phản ứng của người nhà nạn nhân

Về việc gia đình cháu bé bị hại lớn tiếng bất bình, ném dép vào vị phó chánh án TAND, tiến sĩ cho biết việc xác nhận một cá nhân không phải là tội phạm và xin lỗi việc kết án nhầm là một chuyện, còn việc tìm ra thủ phạm là một chuyện khác.
"Việc làm gián đoạn buổi xin lỗi cho người bị oan là không công bằng cho người bị oan, họ không có trách nhiệm tìm ra thủ phạm."
"Người nhà của nạn nhân có thể bày tỏ bức xúc của mình qua luật sư, qua báo chí để nói lên sự thất vọng của mình về sự chậm trễ, thiếu chuyên nghiệp của ngành tư pháp."
Luật sư Trần Hồng Phong, người từng bào chữa cho Hồ Duy Hải nói "có thể thông cảm cho phản ứng mang tính cảm tính của gia đình cháu bé nhưng về mặt văn hoá và pháp luật, làm như vậy là không đúng".
"Sự việc này cho thấy đa số xã hội đã thiếu niềm tin, mất niềm tin vào sự uy tín của ngành tư pháp," ông Phong nhận định.
Hôm 25/4, TAND Tối cao tại Hà Nội đã tổ chức một buổi xin lỗi chính thức cho ông Hàn Đức Long, người bị tuyên án oan sai trong một vụ hãm hiếp và giết hại một cháu bé năm 2005.
Buổi xin lỗi đã bị gián đoạn trong sự hỗn loạn bởi sự phản đối của gia đình cháu bé bị hại.
Video clip gia đình cháu bé phản đối và ném dép vào Phó Chánh án TAND Trần Văn Tuân lan truyền nhiều trên mạng xã hội.
Giới chức Việt Nam đang cân nhắc xem xét lại thủ tục xin lỗi án oan sai, vì vụ việc xảy ra tại Bắc Giang là chưa từng có tiền lệ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: