Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Những phò mã của An Dương Vương chống Tần kháng Triệu


Sách Việt sử những chuyện hay tích lạ của Lê Thái Dũng có dẫn truyện về một vị tướng thời Thục An Dương Vương như sau:
Theo một tài liệu dã sử “Tình sử Mỵ Châu” thì người con gái cả của An Dương Vương là công chúa Quỳnh Anh. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tần xâm lược, rất nhiều vị tướng đã lập công lớn, trong đó có tổng binh Võ Quốc.
Bấy giờ thấy con gái đã trưởng thành, “xuân xanh tới tuổi, đến tuần cập kê”, An Dương Vương liền tổ chức cuộc thi võ để kén chồng cho công chúa, rất nhiều anh tài võ tướng trẻ tuổi hứng khởi tham gia đua tranh thi đấu quyền cước, đao kiếm, cưỡi ngựa bắn cung. Cuối cùng, người giành chiến thắng trong đám quần kiệt ấy chính là Võ Quốc.
Sách “Tây Hồ chí” cũng có phần nhắc đến sự tích của tướng Võ Quốc, theo đó ông người ở bến Lâm Ấp, trang Long Đỗ, võ nghệ siêu quần lại có tài dụng binh. Nhờ có công dẹp phản loạn ở động Nghê Trà, bộ Dương Tuyền), lại có công đánh giặc Tần nên được vua gả công chúa Quỳnh Anh cho làm vợ.
… Khi Trọng Thủy được ở rể, mua chuộc chia rẽ các Lạc hầu, Lạc tướng và đã nắm hết nội tình triều chính Cổ Loa, phá bỏ được vũ khí thần diệu của nước Âu Lạc là nỏ Liên châu (Linh quang kim trảo thần nỏ) rồi lấy cớ trở về nước thăm cha thì lập tức, Triệu Đà đem quân tấn công Âu Lạc; vì chủ quan, An Dương Vương thua trận. Nghe tin cấp báo, phò mã tổng binh Võ Quốc cùng công chúa Quỳnh Anh dẫn quân về cứu thành Loa nhưng không kịp.
Trong trận chiến ác liệt dưới chân thành, Võ Quốc cùng người em kết nghĩa là dũng tướng Võ Trung tử trận, công chúa Quỳnh Anh được các tùy tướng hộ vệ phá vây chạy về làng Cháy ở đất Đông Ngàn (nay là làng Phù Chẩn, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh).
Giặc kéo đến vây kín, chống không nổi các tướng chỉ huy là ông Đống, ông Vực, bà chúa Quả Cảm… đã tuẫn tiết; công chúa Quỳnh Anh bị giặc bắt nhưng nàng đã dùng cây kim thoa bằng đồng tự sát để giữ lòng trung trinh, tiết hạnh.
Chuyện về vị tướng Võ Quốc (hay Võ Trung) thời An Dương Vương cũng được cuốn Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ của cụ Đăng Xuân Khanh (soạn năm 1956) nhắc tới:
Võ Trung người động Lâm Ấp đất Long Đỗ. Ông võ nghệ cao cường làm quan dưới triều Thục Vương đến chức Chưởng lĩnh tiền quân nguyên soái. Dẹp loạn Phí Công Nguyên được vua gia tặng chức Đô Thống thái bảo, lại gả cho công chúa Quỳnh Anh. Đến năm thứ 41 Triệu Đà sang xâm lược, ông phụng mệnh ra trận…Địa danh Lâm Ấp như thế có từ thời An Dương Vương.
Trong các chuyện trên có một điểm lạ. Tướng quân Võ Quốc (hoặc Võ Trung) có công đánh quân Tần và lấy con gái An Dương Vương là công chúa Quỳnh Anh. Nhưng sau đó An Dương Vương mắc kế của Triệu Đà khi gả công chúa Mỵ Châu cho Trọng Thủy, dẫn đến mất nước.
Các nhà sử học Việt Nam hiện nay đang nghiêng về giả thuyết cho rằng Triệu Đà nổi lên ở Nam Hải (Quảng Đông), rồi tới sau khi Cao Hậu nhà Tây Hán mất (năm 180 TCN) mới đánh chiếm nước Âu Lạc của An Dương Vương. Nhưng nếu vậy tính từ lúc quân Tần đánh Việt, muộn lắm là năm 218 TCN, tới năm Cao Hậu mất có tới gần 40 năm. Hai công chúa Quỳnh Anh và Mỵ Châu hẳn có độ tuổi xấp xỉ nhau, mà công chúa Quỳnh Anh lấy chồng vào thời Tần (phò mã Võ Quốc chống Tần) cho tới thời Hán sau đó 40 năm thì công chúa Mỵ Châu tuổi đã ngoài 50, còn lấy chồng làm sao? Rõ ràng câu chuyện Trọng Thủy – Mỵ Châu phải xảy ra vào thời Tần, cùng thời với tướng Võ Quốc – công chúa Quỳnh Anh.
Một vị phò mã khác của An Dương Vương là Cao Tứ. Thần tích về Cao Tứ vẫn còn lưu giữ ở làng Hương Nghĩa (nay là khu vực đầu phố Đào Duy Từ, Hà Nội) được kể như sau:
Thời An Dương Vương ở châu Vũ Ninh có một dòng họ lớn là Cao Giai lấy bà Mãn người trong huyện… sinh ra Cao Tứ… Thời đó An Dương Vương mở khoa thi, Cao Tứ ứng tuyển, ứng đối lưu loát được sắc chỉ cho làm tham mưu. Ba năm sau làm thập đạo thống lĩnh trông coi thành Đại La. Thấy Kiên Nghĩa và Hương Bài có khí thiêng tốt đẹp ông lấy làm đồn binh hành cung. Năm đó ông 38 tuổi mà vẫn chưa đẹp duyên cùng ai. Vua bèn gả công chúa Phương Minh cho ông (công chúa Phương Minh là em gái công chúa Mỵ Châu), phong tước Tứ dương hầu. Được sau bảy năm quốc gia vô sự.
Sau Triệu Đà sai hiệu úy Đồ Thư đánh Lĩnh Nam. Vua sai phò mã thống lĩnh thủy đạo lãnh 5 vạn quân… chống cự với Triệu bảy tám năm, Quân Triệu thua trận chết vô số. Lần đó Triệu Đà đem đại quân đến Bắc Giang. Ông vâng mệnh vua đến thẳng Bắc Giang đánh một trận lớn. Quân Triệu đại bại chạy về núi Vũ Ninh. Chúng lập mưu gian, giảng hòa xin cho Trọng Thủy làm rể vua. Y dụ dỗ Mỵ Châu lấy trộm nỏ thần ngầm làm hỏng lẫy nỏ rồi lấy cớ trở về nước, bàn mưu với Triệu Đà đem quân đến đánh…
IMG_4635Đền Hương Nghĩa.
Đền thờ Cao Tứ nay vẫn còn, là đền Hương Nghĩa (2 làng Kiên Nghĩa và Hương Bài xưa sát nhập thành làng Hương Nghĩa) ở số 13B Đào Duy Từ, gần Ô Quan Chưởng. Tư liệu khác của đền Hương Nghĩa kể:
Cao Tứ là em Cao Lỗ – người sáng chế ra nỏ thần giúp vua Thục An Dương Vương. Cao Tứ sinh ngày 10 tháng giêng năm Đinh Hợi thời vua Hùng Vương thứ 18. Ông là người tinh tú, sức khoẻ hơn người. Khi vua An Dương Vương mở khoa thi tại Cổ Loa ông đã ứng thí. Văn võ toàn tài được vua phong: “Trấn thủ Đại La thành” sau đổi thành Thăng Long.Cao Tứ giỏi võ nghệ, làm tướng dưới thời vua Thục, đóng quân ở khu Hương Bài, Hương Nghĩa trên bờ sông Tô Lịch và được vua gả con gái là Phượng Minh công chúa. Cao Tứ lập hành cung ở Hương Nghĩa, ông chỉ huy quân thuỷ chống lại quân Tần và đã chiến thắng vẻ vang. Khi Triệu Đà xâm lược nước ta, Cao Tứ đã được phong làm Thuỷ đạo tướng quân lập 5 đồn trên sông Tô Lịch chống lại quân Triệu Đà trong suốt 7, 8 năm trời, quân Triệu Đà đã bị thua. Khi ấy, Trọng Thuỷ lợi dụng việc hoà hiếu gửi rể An Dương Vương rồi đánh cắp nỏ thần đem về nước, sau đó lại đem quân sang cướp nước ta. Cao Tứ được lệnh dàn quân trên sông Tô Lịch, chống lại quyết liệt và tử trận. Công chúa Phượng Minh sau khi biết tin chồng mình hy sinh, tự trẫm mình ở sông Bắc Giang để giữ trọn khí tiết, chung thuỷ với chồng.
Trong đền Hương Nghĩa còn câu đối nói về công nghiệp của Cao Tứ như sau:
閲我南前通鑑遺編水化孤忠標節義
建螺城三名祠峙立地靈勝蹟對馨香
Duyệt ngã Nam tiền thông giám di biên, thuỷ hoá cô trung tiêu tiết nghĩa
Kiến La Thành tam danh từ trĩ lập, địa linh thánh tích đối hinh hương
Dịch:
Xem nước Nam gương sáng xưa còn ghi, sông hóa lòng trung nêu tiết nghĩa
Dựng La Thành ba đền cao sừng sững, đất thiêng vết thánh đượm hương thơm
IMG_4659Bốn chữ Tứ Dương linh ứng 賜陽靈應 trên mái đền Hương Nghĩa.
Thần tích Hương Bài về Tứ dương hầu Cao Tứ đặc biệt có câu: “Triệu Đà sai hiệu úy Đồ Thư đánh Lĩnh Nam”. Các nhà nghiên cứu (Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Duy Hinh) khi dịch thần tích này đã chú thích rằng chi tiết này không đúng với chính sử. Không đúng với chính sử không có nghĩa là sai. Chi tiết này, trái lại, là một chỉ định lịch sử rất chính xác. Triệu Đà trong cuộc chiến với An Dương Vương là người đã sai Đồ Thư đánh Lĩnh Nam. Nói cách khác, Triệu Đà chính là vua Tần vì Đồ Thư là tướng Tần.
2 vị tướng, 2 phò mã của An Dương Vương là Võ Quốc và Cao Tứ đều chống quân Tần rồi sau “vụ án” Mỵ Châu – Trọng Thủy đã hy sinh khi kháng quân Triệu. Không thể nói khác, chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy phải xảy ra vào thời Tần và Triệu Đà – bố của Trọng Thủy chính là vua Tần. Chính sử Việt ngày nay đã nhầm lẫn khi lấy Triệu Đà trong truyền thuyết Việt ghép với Triệu Đà nổi lên vào thời Tây Hán của Sử ký Tư Mã Thiên. Sự chắp nối râu ông nọ cắm cằm bà kia này đã dẫn đến những sự lộn xộn, vô lý về tuổi tác, thời gian của các nhân vật, như tính ra công chúa Mỵ Châu ngoài 50 tuổi mới lấy chồng hay Triệu Đà có tuổi thọ đến 121 tuổi!?
Bản chất của việc Trọng Thủy ở rể là âm mưu chiếm nước Âu Lạc của nước Tần. Nhìn nhận lại thời điểm của mối nhân duyên Tần – Việt Mỵ Châu – Trọng Thủy cho phép sắp xếp lại chính xác chân thực hơn những sự kiện và nhân vật của giai đoạn bản lề khá ngắn ngủi này khi chuyển tiếp giữa các triều đại: Hùng – Thục – Tần – Hán – Triệu và cho đầu mối rõ hơn về bí mật đã mất của chiếc nỏ thần Âu Lạc.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: