Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

Làng lạ!


Truyện ngắn

Chiếc tàu nhỏ chở khách du lịch đang xuôi theo dòng nước của con sông rộng bỗng chựng lại, rồi máy tàu gầm lên như muốn tăng tốc. Cô hướng dẫn viên yên lặng nảy giờ bỗng bật nói: “Quý khách chú ý, chúng ta đang tiến vào địa phận của một ngôi làng rất đặc biệt. Chúng ta sẽ ghé lại để quí khách tham quan nhưng lưu ý đây là ngôi làng rất đặc biệt!”.

Có lẽ cụm từ “rất đặc biệt” được nhắc lại hai lần trong một câu nói ngắn đã làm nhiều du khách chú ý. Họ như tỉnh cơn buồn ngủ vì tốc độ chạy tàu rì rầm nảy giờ và nhất loạt nhìn về phía hai bờ con sông. Ngoài chuyện con sông uốn quanh như chữ S thì cũng không có gì "đặc biệt" khi hiện ra dưới bóng những hàng dừa, bụi tre là những ngôi nhà lá tuềnh toàng, một vài khoảnh ruộng với con trâu và người nông dân áo nâu. Thế nhưng khi ánh mắt du khách vượt qua một đoạn đường quê, bỗng hiện ra một khoảng trống khang trang, có những dinh thự lớn. “Chúng ta sẽ ghé tại đây một vài giờ để quí vị tìm hiểu phong tục và sản vật địa phương”- cô hướng dẫn viên lại lên tiếng và chiếc tàu du lịch bẻ lái, hướng mũi và một cầu tàu có cắm hai dãy cờ đuôi nheo đủ màu phấp phới.

Tàu cập bến, du khách lần lượt lên bờ. Bất chợt họ nhìn thấy trên con đường trải đá dăm một đám tang đang di chuyển về phía bến tàu. Đám tang đã đến gần nhưng tiếng cười đùa của đám thanh niên làm du khách ngạc nhiên. Có sáu người đàn ông khiêng một chiếc quan tài lớn và phía sau khá đông người đi tiễn nhưng nhìn mặt không thấy ai lộ vẻ u buồn. Một du khách đứng tuổi, có lẽ từ nước ngoài về tò mò tách đoàn du lịch, bước theo những người đưa tang làm một cuộc “phỏng vấn” được ghi lại như sau:
-          Xin lỗi chị, chị đi đưa tang?
-          Đúng rồi! Người chết là anh trai tôi!
-          Xin lỗi chị, nhưng nhìn chị không có vẻ đau buồn. Có thể cho tôi biết vì sao anh của chị qua đời không ạ ?
-          Anh tôi mất vì ăn no, và chết trong bồn tắm !
-          Ô, vậy à. Tại nhà của anh ấy ?
-          Không, tại cơ quan công quyền. Chúng tôi được cho biết là anh ấy bị tạm giữ. Anh được cơ quan bảo vệ pháp luật ân cần mời ăn trưa, ăn no anh ấy lại được mời vào phòng tắm và xui xẻo là anh ấy bị chết đuối. Cơ quan điều tra họ thông báo vậy và chúng tôi tin chắc là vậy!
-          Trời ! Chết đuối trong bồn tắm? Tại cơ quan công... à công quyền? À, xin lỗi... Vậy giờ gia đình đưa anh ấy ra... nghĩa trang?
-          À, chúng tôi đưa ra Ủy ban trước để cám ơn chính quyền đã truy tặng anh tôi chức "hiệp sĩ" và "hỗ trợ" một số tiền khá lớn. Vì vậy gia đình vui lắm!

Cuộc “phỏng vấn” bị đứt đoạn tại đây, có lẽ do lúc đó du khách bị chen lấn quá dữ khi đám tang bắt đầu tiến vào sân Ủy ban. Vừa qua là phần âm thanh, giờ chúng ta cùng tiếp tục theo chân người khách tò mò này qua những ghi chép của ông ta...

“Cô hướng dẫn viên nói rằng chúng tôi có thể tự do đi lại và cô ấy muốn ngủ một chút trong khi con tàu nằm đợi dưới bến. Chúng tôi đồng ý và thử thăm thú vài nơi ngôi làng đặc biệt vừa gây ấn tượng với cái đám tang vui nhộn này. Sau khi lướt qua những dinh thự khang trang mang bảng công quyền, nơi đó có những người đàn ông mặt bự như có mỡ, những người đàn bà phởn phơ son phấn, chúng tôi theo con đường chính dẫn vào làng. Đường sá quá tệ, lầy lội nhưng có gắn nhiều biển đỏ chót mang chữ “chào mừng” các sự kiện nổi bật trong địa phương. Có một cái chợ tồi tàn ngay trên lối đi, vài gian hàng bày bán trái cây. Một khách nữ trong đoàn muốn mua vài ký xoài nhưng không hiểu sao cô lại cãi cọ với người bán. Tôi bước lại xem sự tình thì được biết cô có đem theo một chai nước suối loại 500ml chưa dùng, nghĩa là nó nặng hơn 1/2kg kể cả vỏ chai. Thế nhưng khi cô để lên cái cân của người bán xoài để so sánh thì nó nặng 2kg, vì vậy cô không đồng ý mua 4kg xoài mà cô cho rằng nó chỉ nặng có 1kg này. Cuộc mua bán bất thành và may là không có xích mích gì lớn. Chúng tôi đi qua một cái trường học rách nát mà tôi chỉ nhận ra nó qua tấm bảng ngoài cổng trường và những đứa trẻ đang hát đồng ca. Những đứa trẻ ở đây đặc biệt gầy ốm nhưng mắt sáng ngời rạng rỡ đang gân cổ (chữ dùng này theo nghĩa đen, nghĩa là nhìn thấy rất nhiều đường gân trên cổ các em) hát một bài ca tụng về một vị già làng đã quá cố. Qua khỏi ngôi trường, có một cái trạm xá nhỏ có dấu hiệu chữ thập đỏ. Một bà trạm trưởng có lỗ mũi to đầy lông và một cái nốt ruồi bự nhìn chúng tôi chăm chăm trong khi người bệnh lèn chặt nhau trên những chiếc giường 80cm và cả dưới nền đất, ngoài sân trạm xá nên chúng tôi không dám bước vào. Sau cái trạm xá đó là những khoảng ruộng, vườn nhưng cảnh vật rất buồn tẻ. Không còn gì để xem, chúng tôi quyết định quay về tàu và gần như không tiêu tốn xu nào... ”

Tôi, người viết lại cái truyện nho nhỏ này, hỏi ông bạn từng là du khách:
-          Vậy thôi sao ? Anh có thấy nó quá đặc biệt hay bị cô hướng dẫn viên lừa?
Ông bạn tôi cười :
-          Hihi, chắc bị lừa. Vì cô ta là người dân làng này !
-          Sao anh biết ? Cô ta thú nhận vậy ?
-          Ừ, thấy cô ta trẻ trung, nói năng cũng lưu loát, tôi muốn mời cô ta về làm việc cho công ty du lịch của tôi (quên kể ông bạn tôi đi du lịch để nghiên cứu thị trường) nhưng cô ta không đồng ý.
-          Cô ta nói sao ?
Người bạn lại cười vang :
-          Cô ta trả lời : Không, tôi chẳng dại. Chúng tôi đang sống một nơi hạnh phúc nhất thế giới và nói về quyền làm chủ thì gấp triệu lần hơn những ngôi làng khác! Mà ông là ai ? Đi du lịch sao hỏi nhiều vậy ? Là gián điệp hay thế lực thù địch đây?

6.2013

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: