Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

GS Đặng Hùng Võ: Đất quốc phòng không được mang ra kinh doanh


>> Ăn hoa quả 'quý tộc': Nhà đại gia tráng miệng 70 triệu/tháng
>> Chính phủ cắt 100% việc khởi công, khánh thành để tiết kiệm


Phương Dung





















Dân Trí - GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện đang có 3 lỗ hổng trong hệ thống quản lý đất đai. Trong đó gồm những vấn đề về chế độ công hữu đất đai trong cơ chế thị trường, cơ chế thu hồi và bồi thường hỗ trợ tái định cư, và các quyết định hành chính về đất đai. Đáng chú ý, ông nói: Đất quốc phòng chỉ được sử dụng trong mục đích bảo vệ đất nước, không được mang ra kinh doanh.

Tại cuộc tọa đàm "Chính sách, pháp luật về đất đai" diễn ra chiều 20/4, nói về thực trạng quản lý sử dụng đất đai hiện nay của Việt Nam hôm qua (20/4), TS Hoàng Xuân Lương (nguyên Thứ trưởng Uỷ ban Dân tộc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc và miền núi) cho rằng, gốc tích vấn đề của đất đai là chưa giải quyết được mối quan hệ lợi ích của người dân trong thuật ngữ sở hữu toàn dân.

"Khi giải quyết vấn đề đất đai chúng ta nặng về giải quyết quyên lợi và nghĩa vụ của các doanh nghiệp, địa phương khi thực hiện dự án lớn mà chưa quan tâm hàng đầu giải quyết người dân chuyển đổi sang một đời sống khác như thế nào", ông Lương nói.

Tại toạ đàm, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện đang có 3 lỗ hổng trong hệ thống quản lý đất đai.

Thứ nhất, theo GS Võ, vận hành chế độ công hữu đất đai trong cơ chế thị trường là cực kỳ khó.

"Sở hữu đất đai là công hữu, nhưng chúng ta phải công nhận vận hành quyền sử dụng đất trên thị trường. Chúng ta phải thay thế bằng quyền sử dụng đất. Lỗ hổng nhạy cảm. Từ năm 1993, lỗ hổng này đến nay càng rộng. Giá quyền sử dụng đất là rất trừu tượng và thậm chí lệch nhiều so với giá trị mảnh đất mang lại", ông Võ nói.

Lỗ hổng thứ 2, được nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra trong cơ chế nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư. Cơ chế này đã được xác lập từ luật đất đai đầu tiên năm 1987 nhưng bồi thường hỗ trợ tái định cư thì chưa có chính sách gì trong giai đoạn đấy. Tức là nhà nước thu hồi đất và nếu ai còn nhu cầu sử dụng đất thì nhà nước sẽ giao đất khác để sử dụng. Trong trường hợp không có nguyện vọng tiếp tục sử dụng thì nhà nước sẽ thu hồi không và không có bồi thường gì.

Đến 1993, chúng ta dùng cơ chế nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Một tiêu chí thu hồi đất rất đẹp nhưng vận dụng trong thực tế là thu hồi tất cả các trường hợp, đối với tất cả các dự án mà được phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tức là cứ trình lên nhà nước phê duyệt là sẽ được thu hồi bất luận dự án gì. Tức là giữa tiêu chí đẹp đó và thực tế lởm khởm kia là vênh nhau.

Đến 2003 đã cố gắng đưa về thực tế tốt hơn, tức là rành mạch ra cái nào nhà nước thu hồi vì mục đích kinh tế, chỉ rõ thu hồi đây là vì lợi ích tư nhân, phát triển kinh tế. Nhà nước thu hồi trong một số trường hợp khu công nghiệp, khu kinh tế, công nghệ cao… Những trường hợp khác không được áp dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất và xác định rõ tiêu chí nào vì lợi ích quốc gia.

"Tức là đất đó được sử dụng để xây dựng các trụ sở của công an nhà nước, các tổ chức chính trị, sự nghiệp của nhà nước, không nhập nhèm. Trong đó, tôi lưu ý không có chuyện dùng đất quốc phòng để kinh doanh. Đất quốc phòng chỉ được sử dụng trong mục đích bảo vệ đất nước, không được mang ra kinh doanh", ông nói.

Về tồn tại của Luật Đất đai năm 2013, theo ông Võ là nếu áp tất cả các dự án đều thuộc Nhà nước thu hồi đất thì khiếu kiện rất nhiều nhưng nhà đầu tư tự thương thảo thì vướng cái là được 70-80% rồi còn lại phát giá trên trời nhà đầu tư không thoả mãn được.

"Đấy cũng là khó khăn của cơ chế thị trường chứ chúng ta không nói rằng cơ chế thị trường là tốt cả. Có đề xuất đưa ra cơ chế trung gian cho việc này là cần có phương án về bồi thường tái định cư theo đa số đối với từng dự án nhưng kiến nghị này không được chấp nhận vì một là theo thị trường, hai là nhà nước can thiệp, không nửa nạc nữa mỡ", ông bình luận.

Lỗ hổng thứ 3 được GS Võ chỉ ra, Việt Nam hiện một trong những nước là quyết định hành chính về đất đai đẻ ra tiền, diện tích càng lớn tiền càng nhiều là nguồn cơn nguy cơ tham nhũng. Đây là cơ chế không tốt.

"Sự thực mà nói cái đích của việc quản lý đất đai là tạo hiệu quả cao về sử dụng đất nhưng luật 2013 tăng cường sự chặt chẽ trong quản lý của nhà nước là không đúng", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Võ cũng cho rằng, ​Luật Đất đai 2013 được quán triệt tốt hơn rất nhiều luật khác. Ví dụ luật này đưa ra người dân có quyền tham gia giám sát trực tiếp. Còn các luật khác đều giám sát thông qua mặt trận tổ quốc hết.

"Nhưng có những câu chuyện đáng lẽ phải đưa ra như thực hiện công khai, minh bạch đối với tất cả những trường hợp giao đất, cho thuê đất, tức là chuyển đất sau khi thu hồi thành đất công hữu và giao cho một dự án nào đấy sử dụng tư hữu thì lại không công khai minh bạch. Tôi cho rằng đây là có ý đồ là có thể minh bạch về quy hoạch, về chuyện khiếu nại tố cáo nhưng không minh bạch về chuyện giao đất, cho thuê đất", ông nói thêm.

Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền (chuyên gia phân tích chính sách công, UNDP), nghiên cứu về phòng chống tham nhũng trong đất đai (năm 2016) cho thấy ghi nhận những hiện tượng tham nhũng trong mua sắm đấu thầu dự án hoặc trong quá trình xây dựng phát triển một dự án nào đó.

Ngoài ra, theo bà Huyền vấn đề gây bức xúc nhất cho dân là không thỏa đáng trong bồi thường diện tích đất bị thu hồi. Một ví dụ được kể tới như, 1.000 m2 đất chỉ được đền bù tái định cư tại chỗ 100m2 cho gia đình 4 người con chủ yếu sinh nhai bằng canh tác trên 1.000 m2 đất. Điều này, khiến người dân có cảm giác chính quyền thông đồng với nhà đầu tư để thu hồi mảnh đất (có dấu hiệu tham nhũng).

"Chúng tôi cũng nghiên cứu, ước lượng những dự án xây dựng phát triển đô thị ở tỉnh có giai đoạn ghi nhận số tiền tham nhũng tính theo đơn vị tỷ đồng tính trên m2", vị chuyên gia nói.

Nói về giải pháp, một chuyên gia tới từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: "Nhà nước không thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai là một lựa chọn chính sách, nếu chúng ta cho rằng không ổn thì chỉ ra, nêu ra phương án chính sách khác".

Tuy nhiên, GS Đặng Hùng Võ thì cho rằng: "Không nên nói kiến nghị ngay chuyển về đa sở hữu đất đai. Tôi không bình luận về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai nhưng có điều, chúng ta vận hành nó thông qua quyền sở hữu sử dụng đất trong cơ chế thị trường mà có nhiều điều phức tạp, không tạo được hiệu quả mà cần thay đổi thì có thể thay đổi theo cách đưa ra cơ chế để bảo đảm…"

"Tôi đề nghị động viên một số nghiên cứu một vài phương án chính sách có liên quan đến quyền sử dụng đất và để chứng minh được phương án nào là tốt nhất", ông nói thêm.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: