Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Luận thi ca



Nguyễn Duy Long
(TBKTSG) - Công chúng đến sau cứ ngỡ chỉ có Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan độc sáng trên nẻo đường phê bình văn học thời tiền chiến. Văn giới ít nhiều nhắc đến Đặng Thai Mai, Hải Triều, Thiếu Sơn, Trần Thanh Mại... Nhưng đâu chỉ bấy nhiêu. Bên cạnh đó, còn những gương mặt chìm khuất trên hành trình tư tưởng nửa đầu thế kỷ 20. Như Lương Đức Thiệp với Việt Nam thi ca luận (Khuê văn Xuất bản cục, Hà Nội, 1942).

Một khoảng lặng ròng rã đến ba phần tư thế kỷ. Quý vật phủ lớp bụi thời gian vẫn âm thầm hướng đến đời sống hiện tại. Năm 2016, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn đưa Việt Nam thi ca luận trở lại cho độc giả thưởng ngoạn (1).

Vì sao Việt Nam thi ca luận lạc lõng bên lề sinh hoạt tri thức? Có lẽ chính là do vài uẩn khúc trong cuộc đời trầm luân của ông chưa được phép đưa ra bàn thảo và chiếu sáng. Nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn lý giải ngay trên nhan đề lời bạt bản in lần này Sự thất thế của “luận”: Vì không phù hợp với khuôn thưởng thức của số đông. Phải chăng, nếp nghĩ khác lạ bị sức ỳ quán tính của xã hội nặng về cảm tính và nhẹ về lý tính trói buộc? Chữ “luận” không dừng lại ở thưởng ngoạn như chữ “bình” mà đem lý lẽ vào phân giải mọi thứ. Ưu thế là đấy và nhược điểm có khi cũng là đấy. Nghịch lý đó giảm đi phần nào ma lực và cản trở tập sách đến với công chúng.

Cảm tưởng chung là một Lương Đức Thiệp hùng hồn và thẳng băng khác hẳn một Hoài Thanh thâm trầm “lấy hồn tôi hiểu hồn người”. Âm điệu Việt Nam thi ca luận nghe cứng cỏi, ngang ngạch mà không một chút thẹn thò, diệu vợi như Thi nhân Việt Nam. Nhưng viết phê bình thì lẽ nào giọng văn cợt nhả và khinh bạc lại không thể đạt chuẩn đức hạnh nghề nghiệp?

Tiếng nói trọng yếu trong Việt Nam thi ca luận là gì? Là điểm mặt chặng đường hình thành, vận động và tiếp nối của thơ Việt xưa nay (dẫu chưa được rõ nét). Là nhận diện thực trạng phân hóa cũng như đánh giá thành tựu và hạn chế của các dòng thơ (dẫu chưa thực sự hệ thống). Là tiếp cận lộ trình hiện đại hóa nền văn hóa đất nước, vạch ra sinh khí mới cho đường lối thực hành thơ ca và hy vọng xóa mờ khoảng cách giữa ứng dụng thực tiễn với nguyên lý sáng tác. Và rồi khám phá chiều kích nghệ thuật của tác phẩm, phân tích chí hướng và phẩm cách từng nghệ sĩ.

Chẳng hạn, với phái tả chân xã hội mà Tố Hữu đại diện định thể nghiệm một con đường thơ ca khác xưa nay, nhà phê bình điểm dẫn mấy câu thơ: “(...) Em sẽ cùng tôi đi bốn phương/Lâng lâng cất giọng hát vang lừng/Ngờ đâu giông tố dường như đã/Giam hãm thân tôi giữa bốn tường (...)”. Ông “châu phê” đây chỉ là ý nghĩ nhất thời đem gửi vào dòng chữ, vần điệu chứ chưa phải là xúc cảm thuần nhiên và tạo được giá trị nghệ thuật vĩnh viễn. “Con mắt tinh đời” của người xưa đáng để người đọc hôm nay giật mình và bâng quơ tự hỏi. Đâu là cảm xúc, tình tự kín đáo trong thơ? Đâu rồi suy tư, liên tưởng xa xôi trong thơ?

Dưới nhãn quan triết thuyết Marxist, Lương Đức Thiệp ghé soi cội nguồn giai cấp (mà ông gọi là đẳng cấp) của nghệ thuật. Thi ca phải định hướng tư tưởng thẩm mỹ quần chúng. Nhà văn không thể nào thoát ly khỏi được thời đại. Văn chương không nằm ngoài đời sống xã hội, lệ thuộc vào điều kiện kinh tế sinh hoạt bởi “dân sinh có quan hệ mật thiết đến nghệ thuật, đến văn hóa”.

Nhà phê bình dừng lại ở quan niệm giai cấp chứ không tuyệt đối hóa như tính giai cấp trong đường lối văn nghệ Marxist sau này. Ông nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát về đường biên tương giao giữa nghệ thuật với chính trị. Làm gì mặc lòng, nhà văn phải có tư thế độc lập, không nên hùa theo định hướng của phe phái nào. Vì “(...) một khi xã hội đã thay đổi, ý kiến con người cũng thay đổi, các phe phái không còn đủ lẽ để tồn tại nữa”.

Không chỉ Việt Nam thi ca luận, Lương Đức Thiệp còn là chủ nhân của Văn chương và xã hội (1944) phân tích sự vận động xã hội theo quan điểm giai cấp.

Từ góc nhìn khác nhau sẽ là những đúng sai, những phải trái đôi khi mang tính quy ước mà không thể phân định thành chân lý tuyệt đối. Không có pha lê nào mà không tì vết. Kinh nghiệm thẩm mỹ năm xưa có thể phiến diện và ngộ nhận nhưng mời gọi lớp sau vươn mình tiếp cận vẻ đẹp thơ ca đích thực. Và không phải nhà phê bình nào cũng làm được điều đó.

(1) Việt Nam thi ca luận và Văn chương và xã hội (Đại học Thư xã 1944) (cũng của Lương Đức Thiệp) in chung dưới nhan đề Việt Nam thi ca luận và văn chương xã hội.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: