Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

nguyễn phi khanh- nhà nho khoáng dật, sầu muộn và lỡ thời- phần 2/4



Rồi mọi việc cũng ổn, mọi người đoàn tụ tại kinh thành. Nguyên Đán từng mời con rể dự tiệc Trùng cửu, tiếp tục an ủi chàng nỗi đau công danh lận đận (Xem Thơ văn Lý – Trần III, 161). Trong tiệc ngà say, Nguyễn ca hát váng trời.
Nguyên Đán đối đãi chàng rể bình dân bằng lòng quý trọng tài năng thật sự, ông cho chàng một chú ngựa để có phương tiện đi làm. Ứng Long xúc động cảm tạ bằng thơ:
謝冰壼相公賜馬
早歲才名泛不羈, 
驪黃偶幸駿圖披。 
長途每恨加鞭策, 
空谷何心受縶維。 
伯樂廄邊頻賞識, 
王良範內更驅馳。 
東風快踏朝天路, 
希冀深懷答所知。
Tạ Băng Hồ tướng công tứ mã
Tảo tuế tài danh phiếm bất ky, 
Ly, hoàng ngẫu hạnh tuấn đồ phi. 
Trường đồ mỗi hận gia tiên sách, 
Không cốc hà tâm thụ trấp duy. 
Bá Nhạc cứu biên tần thưởng thức, 
Vương Lương phạm nội cánh khu trì. 
Đông phong khoái đạp triều thiên lộ, 
Hy ký thâm hoài đáp sở tri.
Cảm tạ Tướng công Băng Hồ cho ngựa
Tuổi trẻ, mang tiếng buông tuồng như ngựa thiếu dàm, 
(Chẳng mong) ngựa ô, ngựa vàng, bỗng may được tuấn mã đẹp như tranh. 
Trên đường dài, thường giận người thúc giục, 
Nơi lũng không, lòng nào chịu buộc ràng! 
Bên chuồng ngựa Bá Nhạc, nhiều lần được khen ngợi, 
Trong khuôn phép Vương Lương, càng ra sức ruổi giong. 
Nhanh đạp gió xuân trên đường đi chầu trời, 
Tận đáy lòng mong có ngày đáp đền tri ngộ.
Bài thơ chồng chất những điển tích ẩn chứa tâm sự riêng của Ứng Long và tình cảm trân trọng đối với nhạc phụ. Hai câu 3, 4 tác giả nói về ngựa, cũng là nói về mình. Vị “quan lang” Tiến sĩ buồn bực khi bị cấp trên, chắc trình độ kém thua, gây sức ép trong công việc. Mỉa mai hơn, Ông cố gắng cũng vô ích vì chẳng ai quan tâm đến nổ lực đó. Vợ họ Trần nhưng bản thân bị Nghệ tông ghét, đó chính là bi kịch đời Ông. Câu 4 lấy ý từ bài ca Bạch Câu, Kinh Thi, trong đó có đoạn tương tự cách đối xử nồng ấm của Nguyên Đán đối với chàng Nguyễn:
皎皎白駒,賁然來思。 
爾公爾侯,逸豫無期。 
慎爾優游,勉爾遁思。
Hiệu hiệu bạch câu, bôn (bí) nhiên lai tư.
Nhữ công nhữ hầu, dật dự vô ky.
Thận nhữ ưu du, miễn nhữ tuần tư.
Ngựa trắng rực rỡ, nếu ghé thăm ta. 
Mày sẽ là công hầu, hạnh phúc sẽ vô biên. 
Hãy cẩn thận việc rong chơi nhàn nhã, hãy cố chống ý muốn ẩn dật.
(Trích Bạch Câu, Kỳ Phụ chi thập, Kinh Thi)
Chúng ta từng bắt gặp ý này qua bài thơ “Ký tặng Nhị Khê Kiểm chính Nguyễn Ứng Long”, Gửi tặng Kiểm chính Nguyễn Ứng Long người Nhị Khê.
Chú ngựa trắng được đối xử rất tốt:
皎皎白駒,食我場藿。 
縶之維之,以永今夕。 
所謂伊人,於焉嘉客。
Hiệu hiệu bạch câu, thực ngã tràng hoắc.
Trập chi duy chi, dĩ vĩnh kim tịch.
Sở vị y nhân, ư diên gia khách.
Ngựa trắng rực rỡ, ăn trên đồng lá đậu của ta. 
Buộc chân buộc vòng cổ mày, để kéo dài buổi tối nay. 
Bảo người kia biết, cứ làm khách quý ở đây.
(Trích Bạch Câu, Kỳ Phụ chi thập, Kinh Thi)
Một đoạn khác nói giúp tâm tình bất mãn dày vò viên quan trẻ đồng thời xiển dương cách nhìn và ứng xử với nhân tài của cha vợ:
皎皎白駒,在彼空谷。 
生芻一束,其人如玉。 
毋金玉爾音,而有遐心。
Hiệu hiệu bạch câu, tại bỉ không cốc.
Sinh sô nhất thú, kỳ nhân như ngọc.
Mưu kim ngọc nhữ âm, nhi hữu hà tâm.
Ngựa trắng rực rỡ, tại hẻm núi trống không kia. 
(Ôm) Một bó cỏ tươi, người ấy lấp lánh như ngọc. 
Chớ để âm hao hiếm như vàng như ngọc, chớ mang lòng cách xa.
(Trích Bạch Câu, Kỳ Phụ chi thập, Kinh Thi)
Chú ngựa Ứng Long đang ở trong hẻm núi thiếu cỏ. Không cao lương mỹ vị hà cớ gì tuấn mã phải chịu buộc ràng? Suy nghĩ của chàng Nguyễn thiên về cá nhân như giới trẻ ngày nay; mạnh mẽ hơn, Ông dám nói điều khó nói. Quả là hiện tượng lạ trong xã hội xưa vốn thiên về nghĩa vụ.
Bá Nhạc, theo huyền thoại Hoa Hạ cổ, là thần cai quản ngựa trên trời. Về sau, ai giỏi xem tướng ngựa đều được gọi là Bá Nhạc. Ứng Long mượn chuyện xưa tôn vinh nhạc phụ ở kỹ năng nhìn ra nhân tài và tạo cơ hội để người tài phát triển. Nịnh bố vợ nhưng chàng cũng tỏ ý cao ngạo ngầm.
Vương Lương, người đời Xuân Thu, tài điều khiển ngựa. Ứng Long muốn nói sẽ cố gắng hết mình dưới sự điều khiển của nhạc gia.
Nguyễn thực hiện đúng cam kết của mình. Nhiệm vụ nối liền Thăng Long – Thiên Trường được viên quan nhỏ ở Sảnh thực hiện cần mẫn. Xa nhà thường xuyên khiến chàng trai chín chắn chạnh tình thương nhớ vợ:
天長舟中其二
一篷煙雨泛晴春, 
紫閣鶯花夢裡人。 
湖海四年多病疾, 
扁舟愁殺未歸人。
Thiên Trường chu trung kỳ 2
Nhất bồng yên vũ phiếm tình xuân, 
Tử các oanh hoa mộng lý nhân. 
Hồ hải tứ niên đa bệnh tật, 
Thiên chu sầu sát vị quy nhân.
Trong thuyền ở Thiên Trường kỳ 2
Kẻ dạn dày trên chiếc thuyền phiêu bồng trong xuân tươi, 
Chính là người trong mộng của oanh hoa gác tía. 
Bốn năm hồ hải nhiều bệnh tật, 
Trong thuyền con, khách chưa về buồn chết được!
Ứng Long có xu hướng trầm trọng hóa điều mình chịu đựng, ngoài thủ pháp văn chương, nó phản ánh tâm hồn quá nhạy cảm theo hướng tiêu cực. Hai câu đầu đưa chúng ta ngược về bài hành Lũng Tây nổi tiếng, khi Trần Đào (812 – 885) nhìn thấy đống xương bên sông Vô Định, di cốt lương nhân của nhiều phụ nữ xuân sắc, những người vẫn ngỡ chồng mình sẽ trở về. Ông chỉ nhiều bệnh, gắn kết mình với đống xương trắng làm người đọc kinh hoảng. Dựa vào thông tin “bốn năm hồ hải”, suy đoán bài thơ ra đời khoảng năm 1378.
Ông có nhiều thơ tả tâm trạng khi dưỡng bệnh tại quê nhà, đa số sáng tác vào mùa thu như “Thu dạ tảo khởi ký Hồng châu Kiểm chính”, Đêm thu dậy sớm viết gửi quan Kiểm chính người Hồng châu; “Bệnh trung hoài Hồng châu Kiểm chính Nguyễn Hán Anh ‘Thu dạ’ vận”, Đương bệnh, nhớ vần bài thơ ‘Thu dạ’ của quan Kiểm chính người Hồng châu Nguyễn Hán Anh; “Thôn cư”, Ở quê. Quá trình làm quan của Ông do bệnh hoạn nên nhiều lần gián đoạn.
Có lẽ sau bài thơ “bốn năm hồ hải” trên, Ông phát bệnh nên phải về quê tĩnh dưỡng. Mùa hạ năm 1379, Toàn Thư ghi nhận hạn hán lớn gây nạn đói. Năm 1384, có đợt hạn khác nặng tới mức triều đình phải làm lễ cầu mưa. Tuy nhiên, trong đợt hạn sau Ứng Long chứng kiến cảnh sửa soạn cầu đảo tại triều đình nên ta có thể đoán bài thơ dưới đây được sáng tác nhằm đợt hạn 1379.
村居感事寄呈冰壼相公
稻畦千里赤如燒, 
田野咻嗟意不聊? 
后土山河方滌滌, 
皇天雨露正迢迢。 
吏胥網罟渾多竭, 
民命膏脂半已消。 
好把新詩當奏牘, 
只今臥病未能朝。
Thôn cư cảm sự ký trình
Băng Hồ tướng công
Đạo huề thiên lý xích như thiêu, 
Điền dã hưu ta ý bất liêu? 
Hậu thổ sơn hà phương địch địch, 
Hoàng thiên vũ lộ chính thiều thiều! 
Lại tư võng cổ hồn đa kiệt, 
Dân mệnh cao chi bán dĩ tiêu. 
Hảo bả tân thi đương tấu độc, 
Chỉ kim ngoạ bệnh vị năng triều.
Ở quê, xúc động trước sự việc viết trình tướng công Băng Hồ
Ruộng nước khô đỏ như cháy kéo dài nghìn dặm, 
Đồng quê dậy tiếng than van không biết sống cậy vào đâu? 
Núi sông của thần đất đang trơ trụi, 
Mưa móc tự trời cao còn xa vời! 
Quan lại dùng hình pháp vét kiệt nơi nơi, 
Mỡ dầu của dân đã bị ép mất một nửa. 
Xin dâng bài thơ mới thay cho tờ tấu, 
(Vì người) Hiện đang nằm bệnh chưa thể vào triều.
Tình trạng xã hội rối loạn khởi đầu từ nạn đói kém, mất mùa liên tục trong ba năm 1343, 1344, 1345 chứ không đơn thuần do các vua Trần cai trị tồi. Nhờ những tìm tòi gần đây, chúng ta có thêm phương tiện để quan sát diễn biến thời cuộc giai đoạn này từ góc độ tự nhiên, qua đó suy nghĩ khoan dung hơn với triều đại.
Để tìm hiểu nguyên nhân sụp đổ của đế quốc Angkor từ góc nhìn mới, Brendan M. Buckley cùng cộng sự đã dùng phương pháp phân tích vòng tăng trưởng của thông pơ mu (lấy mẫu ở Lâm Đồng, Việt Nam) và đưa ra thông tin về sự thay đổi thời tiết khác thường trong quãng thời gian từ giữa đến gần cuối thế kỷ XIV và quãng thời gian ngắn hơn vào đầu thế kỷ XV (3). Sự thay đổi gây hạn hán nặng nề xen kẽ mưa nhiều quá mức. Gió mùa rối loạn, thời tiết có xu hướng lạnh giá. Đối chiếu với kết quả trên, có thể tóm lược ghi nhận thiên tai từ giữa đến gần cuối thế kỷ XIV trong Toàn Thư như sau:
– Năm 1343: mất mùa, đói kém, nhiều người dân trở thành trộm cướp, nhất là gia nô các vương hầu.
– Năm 1344: Ngô Bệ, người Trà Hương, họp đảng ở núi Yên Phụ để đi trộm cướp. Năm ấy mất mùa, đói kém, nhiều người đi làm tăng và làm gia nô cho thế gia.
– Năm 1345: mùa hạ, tháng 4 và tháng 5 đại hạn.
– Năm 1346: Chiêm Thành sang cống, lễ vật rất ít.
– Năm 1348: mùa hạ đại hạn, mùa thu nước to.
– Năm 1351: mùa thu, tháng 7, nước to.
– Năm 1352: vỡ đê Bát Khối, ruộng lúa bị ngập, năng nhất tại Hồng châu, Khoái châu và phủ Thuận An.
– Năm 1354: vì đói kém, dân gian khổ bởi trộm cướp. Tên Tề, xưng là cháu ngoại Trần Hưng Đạo, tụ tập gia nô các vương hầu cướp bóc Lạng Giang và Nam Sách. Mùa thu, tháng 9, có sâu lúa,
– Năm 1355: tháng 3 đến tháng 6 đại hạn, tháng 7 lại mưa to, nước lớn.
– Năm 1358: đại hạn và sâu ăn lúa, cá chết nhiều.
– Năm 1359: mưa lớn, nước to trôi cả nhà cửa, thóc lúa bị ngập.
– Năm 1360: nước to. Ngô Bệ bị giết.
– Năm 1362: sao chổi mọc. Đại hạn. Lại mưa to. Tha tù, giảm phân nửa tô thuế. Đói to.
– Năm 1369: mưa to gió lớn.
– Năm 1374: đại hạn.
– Năm 1379: đại hạn, đói to.
– Năm 1382: có nước to.
Dù Toàn Thư không đề cập thiên tai trong năm 1384, ta được biết năm này bị hạn qua bài thơ “Giáp Tí hạ hạn, hữu sắc chư lộ đảo vũ, vị đảo nhi tiên vũ”, Nhân hạn mùa hè năm Giáp Tí, có sắc chỉ cho các lộ cầu mưa, chưa cầu đã mưa, của Nguyễn Ứng Long.
Hạn hán đi kèm nước to sau đó diễn ra nhịp độ cao từ năm 1342 đến năm 1362. Có khoảng mưa thuận gió hòa kéo dài 7 năm sau đó. Chỉ năm 1369 có mưa to gió lớn nhưng thời tiết ổn định trở lại đến giữa năm 1374. Sau đó, thiên tai có xu hướng diễn biến ở nhịp độ thưa dần.
Thay đổi thời tiết không chỉ làm hệ thống thủy lợi khu vực Angkor bị thoái hóa, sản lượng nông nghiệp sụt giảm, dẫn đến sự suy yếu của đế quốc lừng lẫy một thời. Đại hạn xen lẫn lụt lội khác thường cũng phá vỡ nền tảng xã hội Đại Việt thời mạt Trần. Hoạt động của Chiêm Thành như cống lễ vật đạm bạc, thường xuyên cướp phá lân bang cũng phản ánh sự đói kém của xứ này. Thời tiết tương đối ổn định từ năm 1362 đến 1369, là thời gian vua Dụ Tông buông tuồng phóng túng, có thể do việc thu thuế của triều đình có khả quan hơn. Từ năm 1370 đến giữa năm 1374, sau biến loạn Dương Nhật Lễ, thiên tai tạm vắng bóng khiến thịnh thế thời “trung hưng” xuất hiện. Câu thơ “Triệu tính âu ca lạc thịnh thì”, Dân chúng ca hát vui đời thịnh trị, của Trần Nguyên Đán được sáng tác ngay sau khi hoàn tất khoa thi Tiến sĩ, chỉ hai tháng trước thời điểm xuất hiện kỳ đại hạn mới.
Ứng Long dưỡng bệnh, ghi nhận sự kiện và sẽ vào triều. Ông gián đoạn công việc chứ không phải về quê do bị biếm hay xin thôi chức.
Ngoài hạn hán, chiến tranh diễn ra liên miên, trải dài từ biên giới phía nam đến tận kinh thành trong quãng 1379 đến 1384. Năm 1384, nhà Minh lại bắt đầu đánh Vân Nam, yêu cầu Đại Việt cung cấp quân lương. Kinh tế đã lao đao càng thêm bế tắc.
Thời gian Duệ Tông chuẩn bị chiến dịch đánh Chiêm Thành (1377), nguồn lực quốc gia bị vét kiệt. Dĩ nhiên, người chịu đựng là dân thường chứ không phải quý tộc. Mặt khác, cũng như vào thời suy của bất kỳ triều đại nào, hệ thống quan lại hủ bại trở thành môi trường nguy hiểm cho người lương thiện. Sau khi Duệ Tông thất trận, đại quân tan rã, tình hình an ninh các phủ lộ cực nam vô cùng rối loạn. Ngự Câu Vương Húc bị bắt trong trận thua của Duệ Tông ở Đồ Bàn, nay lại theo quân Chiêm Thành cướp phá Nghệ An, tiến thẳng đến kinh sư. Bài thơ dưới đây có lẽ được làm ra ít lâu sau vụ Thăng Long thất thủ lần thứ 2 (1378) khi Ông cùng Hán Anh công vụ tại Thiên Trường.
洪州檢正以余韻作術懷詩
見復用其韻以贈
其一
萬姓嗷嗷待哺裘, 
誰家金玉亞高丘? 
人情艱險君方轂, 
世路風濤我亦舟。 
帝里客懷逢暮雨, 
書房舊話念英遊。 
西風刮夢傳邊信, 
腸斷南壖四五州。
Hồng Châu kiểm chính dĩ dư vận tác thuật hoài thi, kiến phục dụng kỳ vận dĩ tặng
Kỳ I
Vạn tính ngao ngao đãi bộ cầu.  
Thuỳ gia kim ngọc á cao khâu!  
Nhân tình gian hiểm, quân phương cốc,  
Thế lộ phong đào, ngã diệc châu.  
Đế lý, khách hoài, phùng mộ vũ,  
Thư phòng, cựu thoại, niệm anh du. 
Tây phong quát mộng truyền biên tín,  
Trường đoạn nam nhuyên tứ ngũ châu.
Quan Kiểm chính Hồng châu dùng vần của tôi làm thơ thuật hoài,
nay tôi cũng dùng vần ấy làm thơ tặng lại.
Kỳ 1
Muôn họ xao xác chờ cơm áo,  
Nhà ai vàng ngọc chất như gò cao?  
Anh như trục xe lăn trong tình người gian hiểm,  
Tôi giống con thuyền xuyên qua sóng gió đường đời.  
Làm khách ở quê vua, lòng nhớ nhung lại gặp cơn mưa chiều.  
Chuyện cũ trong thư phòng, gợi hoài niệm thuở rong chơi thời trẻ.  
Gió tây mang tin tức từ biên cương làm tỉnh giấc mộng,  
Buồn đứt ruột về bốn năm châu duyên hải phía nam.
Năm 1378, Đỗ Tử Bình đề nghị các đinh nam mỗi hộ nộp 3 quan để bù ngân sách trống rỗng. Năm 1379, hoàng gia sai quân dân tải tiền đồng đi dấu ở núi Thiên kiện và khám Khả lãng thuộc Lạng Sơn. Nghệ Tông trở thành ông nhà giàu chạy giặc, không xứng tí nào cương vị hoàng đế đứng đầu đạo quân từng chiến thắng người Nguyên. Hành động này xác nhận sự bất lực của quân đội và chắc chắn dấy lên phong trào tẩu tán tài sản của quý tộc, trưởng giả đến nơi ngoài tầm quân Chiêm. Hình ảnh tương phản giữa tài sản tầng lớp thống trị chồng chất trên các chuyến xe với áo cơm khan hiếm của dân chúng đã đông lại mãi trong thơ Ứng Long.
Điểm lại quá trình suy thoái của quân đội Trần, ta thấy nổi bật các mốc thời gian và sự kiện sau:
Năm 1370, mùa thu, Thái tể Nguyên Trác cùng nhiều tôn thất đang đêm xâm nhập cấm cung định giết vua Đại Định. Quân túc vệ rõ ràng thông đồng với nhóm thích khách. Việc thất bại, 18 tôn thất bị Nhật Lễ hành quyết, kèm theo chắc chắn là bộ phận cấm quân không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ hoàng đế.
Năm 1370, mùa đông, quân còn trung thành do Nhật Lễ sai đi bắt Cung Định vương Trần Phủ ở Đại Lại nhiều người không trở về. Họ gia nhập nhóm binh biến.
Cuối năm 1370, Nghệ hoàng nhập triều. Dĩ nhiên, bộ phận quân ngự lâm quanh Nhật Lễ phải bị giết hoặc giải tán.
Phục hồi nhờ chỉnh đốn của Trần Duệ tông, quân chính quy lại bị tiêu diệt triệt để trước chân thành Đồ Bàn vào mùa xuân năm 1377.
Năm 1377, mùa hạ, Chiêm Thành chiếm Thăng Long. Phần quân tinh nhuệ còn lại tan rã nốt.
Năm 1378, chủ lực được tái tổ chức bởi Đế Hiện lại tan vỡ dưới sức tấn công của Chế Bồng Nga. Kinh thành thất thủ.
Qua bao thất bại, Nghệ tông mất lòng tin nơi quan quân. Dân chúng cũng thế.
Năm 1380, dân Tân Bình, Thuận Hóa theo dẫn dụ của người Chiêm đi cướp phá Nghệ An, Diễn Châu. Rõ ràng, Ứng Long cảm thấy thất vọng trong buổi loạn lạc. Thời này không thuộc về Ông.
Suy nghĩ hướng ra xã hội nhanh chóng quay lại tâm tình cá nhân trong bài thứ nhì cùng chủ đề:
謾曾一第詫鄉鄰, 
誰道清風不療貧。 
霜後菊花還酒客, 
雪中梅意可詩人。 
吟邊客舍雙蓬鬢, 
夢裡天門八翼身。 
城月浦雲相望處, 
故人來地欲清春。
Kỳ II
Mạn tằng nhất đệ sá hương lân, 
Thuỳ đạo thanh phong bất liệu bần. 
Sương hậu cúc hoa hoàn tửu khách, 
Tuyết trung mai ý khả thi nhân. 
Ngâm biên khách xá song bồng mấn, 
Mộng lý thiên môn bát dực thân (a). 
Thành nguyệt phố vân tương vọng xứ, 
Cố nhân lai địa dục thanh xuân.
(a) Bát dực thân: Đào Khản (259 – 334), danh tướng nhà Đông Tấn, nằm mơ thấy thân mọc ra 8 cánh, bay qua chín tầng cửa trời. Đến cửa cuối cùng bị gác cửa dùng gậy đánh rơi xuống đất, các cánh bên trái đều gãy. Ở đây, Ứng Long thể hiện ước mong làm quan to.
Kỳ 2
Uổng công từng thi đậu làm kinh ngạc xóm làng, 
Ai bảo phong cách thanh tao không giải tỏa được cảnh nghèo? 
Sương tan, hoa cúc lại về cùng khách rượu, 
Giữa mùa tuyết, ý hoa mai thật hợp với người thơ. 
Tàn cuộc ngâm, hai đám tóc mai rối rắm nơi quán khách, 
Trong giấc mộng, tấm thân tám cánh bay lên cửa trời. 
Ngóng trông nhau chỉ còn cách ngắm trăng trong thành, mây trên bến, 
Cầu mong nơi cố nhân sắp đến có mùa xuân trong sáng.
Cách sống từ tốn phong lưu đậm chất nho gia được Ứng Long giữ gìn trong thời chiến. Tuy nhiên, Ông thoáng luyến tiếc vì việc đỗ đạt không giúp thoát khỏi cảnh nghèo. Mộng làm quan to tiếp tục dày vò, tuy vậy, Ông hết sức vô tư, không nghĩ ngợi nhiều đến đại sự mà một đại quan phải đối đầu.
Tiếp tục xướng họa với Nguyễn Hán Anh, nhân trình bày việc dựng nhà cạnh phủ Tướng để tiện vào triều, Ứng Long một lần nữa cho biết Ông làm quan trong Sảnh, có vẻ an phận chứ không nghĩ là tạm thời như bài thơ trước:
洪州復前韻,復寄答之
槐府西邊晚卜鄰, 
翛然一室樂清貧。 
床頭金劍酬知己, 
枕畔黃梁夢故人。 
湖海當年天下士, 
風流此日省郎身。 
客程歲暮寒砭骨, 
最愛冰壼別樣春。
Hồng Châu phúc tiền vận, phục ký đáp chi
Hoè phủ tây biên vãn bốc lân, 
Tiêu nhiên nhất thất lạc thanh bần. 
Sàng đầu kim kiếm thù tri kỷ, 
Chẩm bạn hoàng lương mộng cố nhân. 
Hồ hải đương niên thiên hạ sĩ, 
Phong lưu thử nhật sảnh lang thân. 
Khách trình tuế mộ hàn biêm cốt, 
Tối ái Băng Hồ biệt dạng xuân.
Hồng Châu phúc đáp bài thơ trước, xin lại trả lời
Muộn màng chọn chỗ ở phía tây tướng phủ, 
Dựng ngôi nhà thong dong tự tại, vui với cảnh nghèo. 
Gươm báu để đầu giường, tạ người tri kỷ, 
Giấc kê vàng đến bên gối, tưởng đến cố nhân. 
Khách giang hồ ngày xưa hiện là danh sĩ trong thiên hạ, 
Kẻ phong lưu hôm nào nay làm thuộc quan ở sảnh. 
Trên đường đất khách cuối năm trời lạnh buốt xương, 
Hết sức ngưỡng mộ nét xuân riêng của Băng Hồ.
Câu 3 Ứng Long nói về nhạc gia, câu 4 và 5 về Hán Anh. Câu 6 nói về mình. Lúc này, có thể Ông đã có nhiều con nên phải làm nhà. Cũng có thể, trước khi về hưu chính thức, quan Tư Đồ dành thời gian lưu lại Côn Sơn nhiều hơn nên tùy tùng và người phục vụ phải đi theo. Do vậy, Ứng Long cùng gia đình phải sinh hoạt riêng.
Ứng Long rất bận rộn, chưa có dịp về động Thanh Hư thăm nhạc phụ. Ông trần tình hoàn cảnh qua lời dẫn 2 bài thơ “Trình Thanh Hư động chủ” như sau:
Tôi vì bận việc, chưa kịp theo đi thăm núi Côn Sơn, vẫn nặng lòng cảm nhớ, viết thành hai bài thơ bát cú luật Đường, một là để tụng đọc khi việc miếu đường rảnh rỗi mà được cái vui nhàn tản; một là để tả cái sẵn có trong lòng mà phát lộ ra âm thanh ca vịnh; xin chép lại đệ trình Chủ nhân động Thanh Hư (Thơ văn Lý – Trần III, 403)
Nguyên văn: 走以多事,未即陪昆山遊,感念之深,因成八句律二首,一以頌廟堂之暇而有閒適之趣,一以寫胸懷之素而播歌詠之聲,因錄呈清虛洞主 (Thơ văn Lý – Trần III, 402)
Tẩu dĩ đa sự, vị tức bồi Côn Sơn du, cảm niệm chi thâm, nhân thành bát cú luật nhị thủ; nhất dĩ tụng miếu đường chi hạ nhi hữu nhàn thích chi thú; nhất dĩ tả hung hoài chi tố nhi bá ca vịnh chi thanh; nhân lục trình Thanh Hư Động chủ.
Lời dẫn này phải được viết trước khi Ông hoàn tất “Thanh Hư động ký”. Điều lạ là dù bài ký ghi rõ năm sáng tác 1384, nội dung lại biểu hiện sinh hoạt nhàn dật của Băng Hồ như thể cụ đã về hưu:
Sau khi Người từ giã triều đình lui về nghỉ ở đây, có khi rong ngựa chơi vùng Gia Lâm, có khi chèo thuyền dạo miền Bình Than (Thơ văn Lý – Trần III, 497).
Nguyên văn: 公朝之退,匹馬嘉林,扁舟平灘。(Thơ văn Lý – Trần III, 493)
Công triều chi thoái, thất mã Gia Lâm, biển châu Bình Than. (Thơ văn Lý – Trần III, 496)
Như vậy, vài năm trước khi nghỉ chính thức, Nguyên Đán chủ yếu sống ở Côn Sơn, khi cần thiết mới lên kinh.
Ứng Long thực sự là rất bận trong các năm 1381, 1382, 1383, 1384. Triều đình có vô số sự kiện quan trọng phải huy động toàn bộ nhân lực, cụ thể:
Năm 1381, Thượng hoàng ra lệnh rước thần tượng các lăng ở Thái Bình và Nam Định về Yên Sinh, Đông Triều để tránh Chiêm Thành. Cuối năm, Đế Hiện lập kế giết con Thượng hoàng là Trần Húc.
Năm 1382, quân Trần dành thắng lợi trước người Chiêm tại Ninh Bình và Thanh Hóa.
Năm 1383, quân Trần xuất thủy sư đánh Chiêm nhưng gặp bão phải quay về. Giữa năm, Chiêm phản công bức bách kinh thành, Nghệ tông phải lánh sang cung Bảo Hòa (nay thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Đầu năm 1384, Ngài tổ chức thi Thái học sinh tại đây sau khi quân Chiêm rút lui.
Chúng ta thấy dấu vết Ứng Long phục vụ Thượng hoàng qua bốn bài thơ đề cập các địa điểm thuộc Bắc Ninh là “Du Phật Tích sơn đối giang ngẫu tác”,Dạo núi Phật Tích nhìn ra sông ngẫu nhiên làm thơ, “Bạc Nguyễn gia lăng”,Đậu thuyền nơi lăng nhà Nguyễn, “Đề Tiên Du tự”, Đề chùa Tiên Du, “Thiên Thánh hựu quốc tự tảo khởi”, Dậy sớm ở chùa Thiên Thánh hựu quốc. Dưới đây xét riêng bài “Du Phật Tích sơn đối giang ngẫu tác” vì trong đó Ứng Long có nói đến tuổi mình.
遊佛跡山對江偶作
半生塵土負登臨, 
光景蹉跎便到今。 
浮世百年真一瞬, 
古人片樂值千金。 
前川午日傍花興, 
沂水春風與物心。 
仰止高山懷曩哲, 
澗河路次正幽尋。
Du Phật Tích sơn đối giang ngẫu tác
Bán sinh trần thổ phụ đăng lâm, 
Quang cảnh tha đà tiện đáo câm. 
Phù thế bách niên chân nhất thuấn, 
Cổ nhân phiến lạc trị thiên câm. 
Tiền xuyên ngọ nhật bàng hoa hứng, 
Nghi thuỷ xuân phong dữ vật tâm. 
Ngưỡng chỉ cao sơn hoài nẵng triết, 
Giản hà lộ thứ chính u tầm.
Dạo núi Phật Tích nhìn ra sông ngẫu nhiên làm thơ
Nửa đời bụi bặm phụ cảnh núi non, 
Hoài phí thời gian mãi đến hôm nay. 
Cuộc thế trăm năm thực như chớp mắt, 
(Nên) Người xưa quý niềm vui chốc lát đến ngàn vàng. 
Cái hứng bên hoa buổi trời trưa ngắm dòng nước, 
(Tựa như) Tấm lòng hòa cùng gió xuân bên sông Nghi. 
Ngước nhìn núi cao nhớ bậc hiền xưa, 
Tìm được thanh tịnh chính vào lúc dừng lại trên con đường bên suối.
“Bán sinh”, nửa đời theo ý niệm xưa là nửa chu kỳ 60 năm, tức 30 tuổi ta. Với tính chất mềm của văn, ta xác định bài thơ ra đời khi tác giả khoảng 29, 30 hay 31 tuổi, tức khoảng năm 1383, 1384, 1385.
Tắm sông Nghi, hóng gió đài Vũ Vu là lý tưởng cuộc đời của Tăng Tích, môn đệ Khổng Tử. Liên tưởng sông Nghi và triết nhân xưa giúp thu hẹp thời điểm bài thơ ra đời vào năm 1384, dịp Nghệ tông tổ chức cuộc thi Nho học tại cung Bảo Hòa, chùa Vạn Phúc trên núi này (a). Nhà Nho Ứng Long có thể thuộc nhóm nhân sự phục vụ cuộc thi.
(a) Giáp Tý [Xương Phù] năm thứ 8 (1384), (Minh Hồng Vũ năm thứ 17). Mùa xuân, tháng 2, Thượng hoàng cho thi Thái học sinh ở chùa Vạn Phúc núi Tiên Du, [lấy đỗ] bọn Đoàn Xuân Lôi, Hoàng Hối Khanh… 30 người (Toàn Thư II, 181).
Nguyên văn: 甲子八年明洪武十七年春二月上皇於僊遊山萬福寺試太學生段
春雷黄晦卿等三十名 (Toàn Thư IV, 251) Giáp Tí bát niên Minh Hồng Vũ thập thất niên xuân nhị nguyệt Thượng hoàng ư Tiên Du sơn Vạn Phúc tự thí Thái học sinh Đoàn Xuân Lôi Hoàng Hối Khanh đẳng tam thập danh.
Nhà thơ rất thanh thản thưởng thức thiên nhiên. Chiến tranh gây xáo trộn toàn xã hội chẳng lưu dấu vết nào trong văn chương khoáng dật. Giữa năm Giáp Tý 1384, Ông ở kinh đô quan sát công tác chuẩn bị cầu mưa, tinh thần vẫn tráng kiện.
Tuy nhiên khi trời trở lạnh, tâm trạng Ông buồn bã khác thường lúc lênh đênh trên Hoàng giang, gần Thiên Trường. Ông biết tin nhạc phụ sắp về hưu chăng?
黃江夜雨
蓼浦三秋雨, 
筠篷半夜聲。 
孤燈明又滅, 
湖海十年情。
Hoàng giang dạ vũ
Liễu phố tam thu vũ, 
Quân bồng bán dạ thanh. 
Cô đăng minh hựu diệt, 
Hồ hải thập niên tình.
Mưa đêm trên Hoàng giang
Mưa thu xuống trên bến mọc đầy rau đắng, 
Nửa đêm lộp độp mui thuyền tre. 
Đèn côi khi mờ khi tỏ, 
Cám cảnh mười năm phiêu bạt giang hồ.
“Mười năm hồ hải” giúp ta xác định bài thơ ra đời vào mùa thu năm 1384.
Nỗi lo lắng về tương lai bất định khi mất sự đỡ đầu của Tướng quốc hiện lên thê thiết trong bài “Cửu nguyệt thôn cư độc chước”, Tháng chín, ở quê uống rượu một mình. Cùng với tiếc nuối hội “Long Sơn”, tình trạng hoa cúc không nở được vì ít mưa giúp chúng ta có cơ sở đoán thời điểm tác phẩm hình thành cũng vào năm 1384.
九月村居獨酌
村醪酌罷自談詩, 
欲把幽懷更向誰? 
荒徑人行秋色少, 
故園雨勒菊花遲。 
龍山後會知何日? 
彭澤歸心最此時。 
萬事悠悠拚一醉, 
了知身到鳳凰池。
Cửu nguyệt thôn cư độc chước
Thôn lao chước bãi tự đàm thi, 
Dục bả u hoài cánh hướng thuỳ? 
Hoang kính nhân hành thu sắc thiểu, 
Cố viên vũ lặc cúc hoa trì. 
Long sơn (a) hậu hội tri hà nhật? 
Bành Trạch (b) quy tâm tối thử thì. 
Vạn sự du du phiên nhất tuý, 
Liễu tri thân đáo phụng hoàng trì.
(a) Hội Long Sơn: tiệc mừng tết Trùng dương ở núi Long Sơn do Hoàn Ôn (312 – 373) chủ trì với câu chuyện “Long Sơn lạc mạo”, Rơi mũ ở Long Sơn, rất phổ biến. Nguồn gốc điển tích lấy từ Tấn Thư, Mạnh Gia truyện. Ở đây, chỉ các buổi tiệc nhân ngày chín tháng chín do Tư Đồ Nguyên Đán tổ chức.
(b) Bành Trạch: nơi Đào Tiềm ở ẩn.
Tháng chín, ở quê uống rượu một mình
Uống hết rượu đục quê mùa, tự mình ngâm thơ, 
Muốn giải tỏa u hoài biết nói cùng ai? 
Người đi qua lối hoang, vẻ thu phai nhạt 
Mưa ít rơi trên vườn cũ, hoa cúc muộn mằn. 
Sau hội Long Sơn biết ngày nào nữa? 
Lòng về Bành Trạch chính giữa lúc này! 
Muôn sự dài dằng dặc ném hết vào cuộc say, Mới biết mình đã đến ao Phượng Hoàng!
Trùng cửu thường là ngày Tướng quốc uống rượu thưởng cúc với tri kỷ và các con rể. Ngày vui như thế sẽ vĩnh viển không còn. Ý noi bước Đào Tiềm lại dấy lên trong lòng nhà thơ sầu muộn. Ông muốn Bành Trạch, nhưng khi đủ say, lại thấy hồn mình đến nhiệm sở. Dằng co giữa Nho và Đạo kéo dài hầu như suốt đời thư sinh họ Nguyễn.
Khi cha vợ tại vị, Ứng Long vẫn bị điều tiếng thị phi. Nay tướng quốc nghỉ quan, hẳn tương lai bất ổn khiến Ứng Long phải nghĩ ngợi nhiều. Cùng làm việc với vị thái học sinh Đạo Khê nhân dịp xét duyệt sổ sách các quan văn võ đầu năm 1385 (a), Ông thổ lộ can tràng như sau:
酬道溪太學春寒韻
渺渺春城雪正漫, 
東風牢鑽未全乾。 
宦情細惹楊煙薄, 
客緒偏隨杏雨殘。 
流水高山琴下韻, 
紅旗赤幟夢將闌。 
鄰渠萬姓皆吾與, 
此屋誰家面面寒。
Thù Đạo Khê thái học "Xuân hàn" vận
Diểu diểu xuân thành tuyết chính man, 
Đông phong lao toản vị toàn can. 
Hoạn tình tế nhạ dương yên bạc, 
Khách tự thiên tuỳ hạnh vũ tàn. 
Lưu thuỷ cao sơn cầm bất vận, 
Hồng kỳ xích xí (b) mộng tương lan. 
Lân cừ vạn tính giai ngô dữ, 
Thử ốc thùy gia diện diện hàn.
(a) Ất Sửu, [Xương Phù] năm thứ 9 (1385), (Minh Hồng Vũ năm thứ 18). Mùa xuân, tháng giêng, xét duyệt sổ sách quan văn võ (Toàn Thư II, 181).
Nguyên văn: 乙丑九年明洪武十八年春正月閲定文武從官帳籍 (Toàn Thư IV, 251).Ất Sửu cửu niên [Minh Hồng Vũ thập bát niên] xuân chính nguyệt duyệt định văn võ tòng quan trướng tịch .
(b) Hồng kỳ xích xí: chỉ mộng lập công danh bằng chiến tích.
Dùng vần bài thơ “Xuân hàn” đáp Thái học Đạo Khê
Tuyết phủ trùm, thành xuân mờ mịt,  
Gió xuân vừa lách khỏi nơi giam giữ nên trời chưa khô hẳn.  
Vướng vít quan trường, (mới biết) tình người mỏng như mành liễu,  
Sự nghiệp nơi đất khách nghiêng theo mưa hạnh tiêu tan.  
Đàn lạc nhịp “cao sơn lưu thủy”,  
Mộng cờ hồng cờ đỏ cũng hầu tàn.  
Muôn họ nơi chòm xóm đều là đồng bào ta,  
Dưới nếp nhà này gia đình nào trú ngụ mà mọi khuôn mặt đều giá buốt?
Đạo Khê có thể là vị Thái học sinh vừa qua kỳ thi năm 1384 tổ chức tại cung Bảo Hòa và chưa nhận chức tước. Ứng Long nhẹ nhàng thông tin cho vị tân khoa biết nghiệt ngã trong nghề làm quan. Người sắp ra chào đón kẻ bước vào bằng bài ca u ám.
Tinh nghĩa hai câu 3, 4 tụ lại các chữ “tình 情”, “bạc 薄”, “tự 緒”, “tàn 殘”.
Tình đời bạc nên sự nghiệp lụn tàn. Người vốn “bạc”, tập hợp người nơi quan trường phải “rất bạc”. “Dương yên” là mành liễu rũ mong manh như khói, tương tự nghĩa “dương yên” trong câu từ Ngọc Lâu Xuân lừng danh “Lục dương yên ngoại hiểu hàn khinh 綠楊煙外曉寒輕”, Hơi buổi sớm se lạnh bên ngoài mành liễu xanh của Tống Tử Kinh (998 – 1065). Chữ “tế nhạ” khơi gợi suy nghĩ mông lung, Ứng Long tự trách mình dây dưa công danh khiến cuộc đời khó tính. Chúng ta hiểu rõ tác giả hơn nếu biết nguồn cơn chữ “nhạ” từ câu thơ “Triêm nhạ hư danh ngộ thử thân 霑惹虛名誤此身”, Dây vào hư danh khiến thân này lầm lỡ của Vương Vũ Xứng (954 – 1001).
Trong mùa xuân phất phơ dương liễu, Tử Kinh hạ câu tuyệt bút chấn động văn đàn đến bây giờ: “Hồng hạnh chi đầu xuân ý náo 紅杏枝頭春意鬧”, Ý xuân nôn nao trên đầu cành hồng hạnh. Đứng từ niềm “nôn nao” của ý xuân sẽ nhìn thấy trọn vẹn sự “tàn lụi” công danh của Ứng Long nơi đất khách.
Câu chuyện Bá Nha – Tử Kỳ đặt ra ở câu 5 cho biết người hiểu, đánh giá cao tác giả sắp không còn chức vụ, cũng hàm ý Thượng hoàng và Vua không nhìn thấy khả năng của Ông xuyên qua đàm tiếu. Chính câu này củng cố giả định thời điểm bài thơ hình thành là vào mùa xuân năm 1385.
Xuất thân bình dân, Ứng Long có điều kiện gần gũi và thông cảm dân thường. Ông thường đặt tình cảnh khó khăn của riêng mình trong bối cảnh bất hạnh chung của dân đen. Thời tiết thêm lạnh lẽo khi mộng công hầu tan vỡ. Ông không làm quan, lấy ai cứu rỗi trăm họ?
Tỏ lòng thương xót lê dân, cầu mộng quan tước để có điều kiện ưu quốc, con người tự hào suốt đời “đi trên tơ trắng” rồi cũng đến nơi cần đến. Nhưng Ứng Long đủ khí phách, tài năng để hiện thực hóa tâm nguyện của mình hay không lại là chuyện khác.
Theo dòng mạch trên, bài thơ dưới đây lại lần nữa than thở hoàn cảnh công danh dang dở.
三月初一日曉起
已無畫燭醉裙紅, 
更倚青燈照鬢蓬。 
破屋吟殘紅杏雨, 
清都夢醒紫薇風。 
一身九竅七情內, 
萬事千憂百慮中。 
慌底不知寒食過, 
啟窗花又折梧桐。
Tam nguyệt sơ nhất nhật hiểu khởi
Dĩ vô hoạ chúc tuý quần hồng, 
Cánh ỷ thanh đăng chiếu mấn bồng. 
Phá ốc ngâm tàn hồng hạnh vũ, 
Thanh Đô mộng tỉnh Tử Vi phong. 
Nhất thân cửu khiếu thất tình nội, 
Vạn sự thiên ưu bách lự trung. 
Hoảng để bất tri hàn thực quá, 
Khải song hoa hựu chiết ngô đồng.
Ngày mùng một tháng ba, sáng dậy
Không có đuốc hoa để mê đắm khách quần hồng, 
Chỉ nhờ ngọn đèn xanh soi tóc mai bù rối. 
Nhà dột nát, mưa hồng hạnh khiến khúc ngâm lụi tàn, 
Chốn kinh đô, gió tử vi làm chiêm bao bừng tỉnh. 
Chín khiếu bảy tình gom vào một thân, 
Trăm nghĩ ngàn lo chìm trong vạn sự. 
Cập rập, không biết tiết hàn thực đã qua, 
Mở cửa sổ hoa, lại bẻ thêm cành ngô đồng.
Qua “Băng Hồ di sự lục”, Chuyện cũ về Băng-Hồ Tiên sinh (4)Nguyễn Trãi cho biết mẹ Ông mất trước ông ngoại. Không rõ bà mất năm nào, nhưng ở đây Ứng Long cho thấy căn nhà một thời hạnh phúc đã trở nên vắng lạnh, hoang tàn. Dù làm quan nhỏ, khó nói rằng Ông nghèo đến mức thiếu phương tiện chỉnh trang nhà ở cho tươm tất. Chỉ có thể hiểu rằng Ông không định lưu lại kinh đô khi cha vợ từ giã triều đình nên bỏ mặc nhà cửa. Mặt khác, bà Thái có thể đã về Côn Sơn chuẩn bị nơi chốn nghỉ ngơi cho cha. Mưa hồng hạnh rơi từ bài thơ thù tạc với Đạo Khê dai dẳng mãi đến tác phẩm ngậm ngùi này. Làn “Tử Vi phong”, gió từ cung nội, đánh thức cơn mê danh vọng hàm ý nhà vua không nhiệt thành tiếp tục dùng Ông.
Ngô đồng là nơi phượng hoàng tìm đậu, hành động bẻ cành ngô đồng biểu trưng nỗi bất bình của Ứng Long với quan niệm tổ chức của hoàng gia.
Dường như tựa đề có điểm bất ổn vì hàn thực là ngày mồng ba tháng ba, nếu Ứng Long viết thơ vào sáng ngày mồng một, khó bảo rằng đã qua tiết này.

(còn tiếp)


Tài liệu tham khảo:
A. Bản chữ Hán thơ văn Nguyễn Phi Khanh, Trần Nguyên Đán được lấy từ quyển Thơ văn Lý-Trần tập III của Viện Văn học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Hà Nội (1978).
B. Các chi tiết lịch sử đều trích từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (tái bản 2004). Dịch giả: Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long. Để chú thích đỡ rườm, thông tin từ sách này được chú là (Toàn Thư – Tập – Trang) ngay tại đoạn trích.
C. Các ghi chép của người Minh đều trích từ bộ Minh Thực Lục, quan hệ Trung quốc – Việt Nam thế kỷ XIV – XVII (bản dịch Hồ Bạch Thảo), Nhà xuất bản Hà Nội (2010). Để chú thích đỡ rườm, thông tin từ sách này được chú là (Minh Thực lục – Tập – Trang) ngay tại đoạn trích.
D. Bản chữ Hán các đoạn kinh Thi trích từ phần “Shijing” thuộc trang web http://ctext.org/book-of-poetry.
(1) Đoàn Trung Còn (dịch), Tứ Thư, phần Luận Ngữ, Nhà xuất bản Thuận Hóa (Huế 2013), trang 134.
(2) Xem Phạm Đình Hổ & Nguyễn Án, Tang Thương Ngẫu Lục (bản dịch Trúc Khê), Nhà xuất bản Hồng Bàng – Pleiku (tái bản 2012), trang 116.
(3) Để rõ hơn thông tin về biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á trong giai đoạn này, tham khảo Brendan M. Buckley et al (2010). Climate as a contributing factor in the demise of Angkor, Cambodia. http://www.pnas.org/cgi/doi/10.1073/pnas.0910827107.
(4) Xem Viện Sử học, Nguyễn Trãi toàn tập, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Hà Nội (1976), trang 91.

bài đã đăng của lê tư



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: