Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Trang Hạ: Loa phường không cho ai 'cãi' lại mình

>> Khai trừ Đảng, niêm phong đồ đạc của ông Vũ Đình Duy

>> Tổng thống Đài Loan được 60 xe môtô Harley hộ tống khi quá cảnh lần 2 ở Mỹ
>> Gạc Ma: Phải công bố sự thật lịch sử với nhân dân
>> Đề nghị quốc tế phản đối hoạt động uy hiếp an toàn bay của Trung Quốc


Dương Thùy (Ghi)
VNN - Nếu không muốn xem ti vi, đọc báo mạng, bạn có thể tắt đi. Nếu muốn bày tỏ ý kiến về một vấn đề nào đó, bạn có thể gửi bình luận. Đó là sự tương tác. Thế nhưng, loa phường thì không cho ai cơ hội “cãi” lại mình...

Trong tác phẩm “Làng trong phố” đã xuất bản của mình, tôi có một chương viết về loa phường, kể chuyện ông hàng xóm tìm mọi cách để trốn loại hình truyền thông này.

Ông sống một mình, hàng ngày có hàng chục tờ báo đọc tại cơ quan, về nhà máy tính của ông đọc được cả chục tờ báo điện tử. Ti vi nhà ông xem được hàng trăm kênh trong và ngoài nước. Đó là chưa kể điện thoại, thiết bị cầm tay, tin nhắn, tờ rơi nhét vào tận cổng sắt…

Nhưng khi cột điện trước cửa nhà ông được “tặng” thêm một chiếc loa phường, thì ông thấy mình trở thành "nạn nhân bất đắc dĩ"...

Bởi vì nếu báo giấy, truyền hình, báo mạng giúp ông tiếp nhận thông tin một cách chủ động, thì với loa phường, ông trở thành người bị động hoàn toàn, vừa phải chịu tiếng ồn, vừa phải nghe những thông tin mà ông đã biết từ lâu (những kiến thức, kỹ năng, thông tin địa phương...).

Câu chuyện này ở trong nội đô Hà Nội, và ông chỉ là một cá nhân. Nhưng tôi tin là nó tiêu biểu cho không ít tâm tư của những người khác đang sống ở trong thành phố.

Nhà tôi có 3 con, con gái lớn của tôi nói thế này khi nghe loa phường: “Con ghét bài hát này”. Bởi vì cháu phải nghe đi nghe lại hàng ngàn lần bài hát mở đầu và kết thúc chương trình truyền thanh mỗi ngày. Nó trở thành một sự ám ảnh về âm thanh, giai điệu. Và, tôi đã không biết giải thích với con mình như thế nào!

Với truyền thông hiện đại, người ta đánh giá rất cao sự tương tác giữa công chúng với thông điệp truyền thông. Nghĩa là không phải anh nói cái gì, mà là anh được đón nhận thông tin như thế nào. Nếu không muốn xem ti vi, đọc báo mạng, bạn có thể tắt đi. Nếu muốn bày tỏ ý kiến về một vấn đề nào đó, bạn có thể gửi bình luận. Đó là sự tương tác. Thế nhưng, loa phường thì không cho ai cơ hội “cãi” lại mình.

Vì thế, nhiều người cho rằng, loa phường làm ô nhiễm tiếng ồn trong đô thị, từ đây, tạo ra phản xạ từ chối và tiêu cực trong công chúng...

Tôi cho rằng, chúng ta có thể dành số tiền duy trì hệ thống truyền thông này trở thành một kênh phù hợp tại nơi nào thực sự phù hợp như: Vùng xa, đất rộng, nông thôn nghèo, miền núi cao hẻo lánh, nơi dân chúng không có nhiều cơ hội để đón nhận truyền thông, không có nhiều tiền để chi trả cho truyền thông đại chúng.

Năm 2012, tôi từng có một dự án xây dựng tủ sách nói theo cấp lớp, các kiến thức, sách truyện, tài liệu tham khảo để chuyển tải thành các gói nội dung phù hợp cho loa phường, để dịch chuyển hệ thống loa phường thành kênh truyền thông tri thức, cánh cửa tri thức cho cộng đồng vùng sâu vùng xa.

Vì tôi tin rằng hình thức truyền thông “loa phường” vẫn có ích nếu ta sử dụng đúng nơi, cho đúng đối tượng. Những tình nguyện viên tâm huyết cùng tôi (khi đó đã thu âm một số sách nói của Trang Hạ) giờ đều đã đi làm cho một công ty nào đó, có bạn đã ra nước ngoài.

Tôi vẫn cho rằng, UBND TP Hà Nội cần có một số cố vấn truyền thông, cố vấn văn hóa, cố vấn chiến lược truyền thông cộng đồng, cố vấn văn hóa truyền thống, cố vấn mỹ thuật đô thị, cố vấn chiến lược phát triển con người. 

Đó là những chuyên gia độc lập không ăn lương nhà nước. Như vậy, Hà Nội mới thực sự có cơ hội để trưởng thành trong truyền thông đại chúng cũng như trong phát triển đa dạng các nguồn lực văn hóa.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: