Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Ngu ngơ chuyện đời.


Truyện ngắn HG
Dạo này có vài người hay thì thầm với nhau:
-Không biết nó có việc gì, hay phượt lên H lắm. Có bồ, buôn lậu, hay bắt mối với bọn Khựa ở bên kia biên giới? Thấy bảo bên AN đang đặt nó vào vòng ngắm đấy..”
Tôi giật mình. “Nó” ở đây chính là thằng bạn tôi. Cái thằng X gàn gàn dở dở mà cực kỳ hay. Đã nói là làm “Chả ngại bố con thằng nào”.
Nói mồm thì thế, chứ nó nhát lắm. Có lần chạy xe máy, chỉ là mấy tay cảnh sát giao thôngvẫy dừng lại, mặt nó đã biến sắc, cập cà lập cập trình bày. Mấy anh “Tôn hành giả” mặc áo vàng này cũng phải phì cười. Các anh liền dơ cây gậy như ý phẩy ra hiệu cho đi. Được đoạn khá xa, nó còn nghoảnh lại. Chắc chắn không còn ai dượt theo nữa mới cười mêu mếu “ Hay nhỉ, người ta có đụng vào ai đâu mà vẫy? Có lẽ mấy anh này đứng từ sáng ở đây chưa bắt được con mồi nào!”. Tính nó thế, hay gỡ thể diện theo cách chả giống ai. Trước mặt người ta có dám nói gì đâu? Cứ im thít như rắn mồng năm. Giờ thì lại phàn nàn thế này thế nọ. Chả khác mấy với chuyện có lão nhà văn già nói với tôi rất chí lý: “Người ta cứ hay lo xa, chứ mấy gã làm thơ, làm thiếc dở người kia dát như cáy. Nổ vài phát súng kíp là chạy đứt cả dép chứ tinh tướng gì!”
Ấy, nó cũng vào hạng như thế, ngu ngơ chuyện đời lại hay ý kiến, ý cọ. Rõ là vớ vẩn.
Bảo nó xổng miệng nói xằng bị người ta để ý, tôi có thể tin. Nhưng bảo hắn buôn gian, bán lậu, hay tham gia hội kín tôi không nghe. Ai chứ thằng ấy không có gan làm những việc như vậy. Sở dĩ tôi ngờ nó bị vạ miệng như vừa nói là tôi có cái lý của tôi:
Một hôm đông đủ anh em, nhóm “Trí thức củ hành” chúng tôi ngồi nhậu ở quán “Bồ đề”( Hài hước quá nhỉ, quán thịt chó mà lại gọi là quán “Bồ đề”), nó nói một câu khiến cả bọn đang cầm ly trên tay suýt rơi xuống sàn nhà: “Thời nào cũng vậy, nếu họ không bị theo dõi công khai, cũng bị theo dõi bí mật, các nhà thơ luôn bị khốn khổ thế đấy các bác ạ!”. Trời đất, tự dưng tự lành lại nói câu nhạy cảm chết người này là sao. Ấy là hôm mấy anh em nghe tin NVC được ra tù, trở về cơ quan cũ, một tờ báo đang lừng danh.
Ông đại tá AN (đã về hưu) ngồi gần tôi cau mày. Câu nói vô tình của nó có vẻ làm ông khó chịu. Tôi phải đính chính ngay : “ Cái thằng luôn tỏ ra là con mọt sách, đọc nhiều, biết nhiều, nó nói huyên hoang thế thôi, chứ không có bụng dạ nào đâu”. Ông đại tá không nói gì. Nhưng từ đấy nếu anh em có mời ông đều hỏi “Có thằng ấy ở đó không?” nếu mọi người bảo có, ông sẽ cáo lý do: Bận họp tổ các cụ, dự đám tang, ăn cưới, hay là bị ngã xe máy, đau chân không đến được..” Theo ông thằng này là thằng mất lịch sự. Chẻ tre không ghé đầu mặt. Không gì, nói vậy là vơ đũa cả nắm. Ta khác, địch khác chứ, cách đối xử với giới văn nghệ là khác nhau hoàn toàn. Làm gì có chuyện khủng bố hay theo dõi? Thật là mất lập trường, đi ngược lại đường lối lãnh đạo văn nghệ của đảng”.
Tôi không dám nói gì. Tôi mà tranh luận với ông có khác nào bọn trẻ hay ví von: “Muỗi đốt cột điện?” Phỏng có ích gì?
Về tuổi đời, tuổi trải nghiệm, bản lĩnh công tác, bề dày kiến thức, trình độ lý luận.. thứ gì ông cũng gấp mấy lần tôi!
Hơn nữa “Miệng kẻ sang, luôn có gang có thép” tôi chẳng dại gì mà mó vó ngựa!
Tôi chỉ gỡ gạc: “Để hôm nào em bảo nó đến tận nhà xin lỗi anh, theo em nó không có ý như thế đâu ạ!” Vẻ mặt ông chùng xuống, nhưng vẫn tỏ ra dứt khoát: “Không cần, mình nói đây là giữ uy tín chung, chứ đâu phải sĩ diện của riêng mình? Phát ngôn bừa, tai vạ có ngày”.
Việc đó xảy ra đã lâu lâu rồi.
Nhân có dư luận rì rầm kia, tôi mới nhớ lại. Biết đâu, câu nói hôm nào của ông đại tá lại ứng vào nó bây giờ?
Tôi liền rà lại mọi chuyện, rồi hỏi thêm nó, nghĩ ngợi mấy ngày, chả biết dùng cái “Vốn” này để làm gì. Bèn viết câu chuyện này. Chuyện chẳng có gì ly kỳ, hay bí mật nào cả. Chỉ là “Ngu ngơ chuyện đời” của nó và vài người có vẻ giống như nó, trong đó có tôi.
Bọn người luôn bị người ta bảo: “ Hâm hấp, chập cheng, rỗi hơi những chuyện chả dính gì đến mình. Đã lơ ngơ lại thích và hay tranh luận..”
**
Cái tên nhóm “Trí thức củ hành” này thực ra ban đầu không phải thế. Mà là nhóm “Củ Riềng”. Một nhóm hay tụ tập nhau rượu thịt chó vì luôn thiếu chất đạm, thiếu nội lực, thường viết ra những trang sách èo uột, nhợt nhạt cách rất xa với thực tế đời sống hàng ngày. Luôn lấy chủ trương “An toàn là bạn, tai nạn là kẻ thù”. Một cách diễu nhại do một vị có danh tiếng đặt cho. Theo cái kiểu một bà phụ trách một hôm huỵch toẹt vào mặt cả đám, rằng, thì, là, mà: “ Nhà này, nhà nọ gì mấy anh, lều còn chưa đáng”!
Cái tên gọi đó, lúc đầu anh em phản ứng dữ lắm. Chẳng gì mình cũng có tý chữ nghĩa, xem thường nhau thế đâu có được? Phải tìm cách chơi lại cho quan khách ấy bẽ mặt.
Nhưng rồi bàn kỹ, xem ra lợi bất cập hại. Nói gì thì nói, ông ta cũng tỏ rõ một sự thật không sai. Lần trong ý nghĩ mà xem, cả bọn đã viết được cái gì ra hồn chưa? Chắc là chưa chứ gì?
Nói thật nha: Không nhiều thì ít, miếng cơm manh áo của các vị đều có liên quan đến sự thích thú hay chán ghét của vị quan khách này. Ông ta mà phật ý, khối anh bế mạc, treo niêu.
Nhưng gọi là “Nhóm củ Riềng e là lộ liễu và thô tục quá”.
Văn nhân bao đời đều ghét sự thô bạo, tục tĩu..
Vì thế, một ý kiến nữa được ra đời, vừa giữ được sự diễu nhại của cấp trên vừa thể hiện được mình. Tên nhóm được chuyển thành nhóm “Củ hành” như trên vừa nói. Hành thì có nhiều lớp, “Hành” cũng có nghĩa là đang đi. Rất ý nghĩa!
Ý kiến này của nhà thơ Vũ Huy. Một cán bộ gộc, biết nhiều tư liệu lịch sử về một vùng biên rộng lớn phía bắc. Kể cả những tư liệu chỉ có những người có trách nhiệm mới được ngâm cứu.
Nhắc đến ông là vì qua ông, thằng bạn tôi mới để ý đến H. Một tỉnh vốn khó đi lại một thời, giá cả sinh hoạt lại đắt đỏ, nhiều thành phần dân tộc, với y lại ngôn ngữ bất đồng.
Một hôm nhân nói về cuốn sách vừa được giải thưởng của Đoàn Hữu Nam, ông nói:
- Tớ có món tư liệu rất quý. Nếu so với bối cảnh trong “Thổ Phỉ” của Đoàn Hữu Nam thì vừa rộng, vừa phong phú hơn nhiều. Nếu viết được thành tiểu thuyết tin chắc rằng sẽ là tác phẩm đồ sộ, để đời. Chỉ tiếc mình có tuổi, lại bị cao huyết áp với lại năng lực có hạn, không thể viết. Cậu nào muốn thử, tớ cung cấp cho? Bây giờ đã mấy chục năm, tài liệu này đã giải mã rồi, không cần giữ kín nữa, không có gì phải e ngại”.
Hôm ấy ngồi chơi ở nhà ông. Trong lúc chờ bà vợ ông đi chợ, mấy anh em tán tếu với nhau. ( Sở dĩ có cuộc họp mặt này là vì cựu lãnh đạo tổ chức ăn mừng sau cái vụ giải phóng mặt bằng. Ông thiệt hại không mấy, mà tài sản lại có phần gia tăng về giá trị, nhờ có lớp kế cận thân tín của mình )
Nghe ông nói vậy, ai cũng có ý tò mò muốn xem tư liệu ấy như thế nào? Nhưng lại ngại. Nhỡ nhận về đọc lại chẳng viết được cái quái gì thì sao?
Văn học “Hiện thực xã hội chủ nghĩa” đòi hỏi phải có vốn sống thực tế. Phải ăn dầm, ở dề trong cái khung cảnh của tác phẩm mình sắp và sẽ viết ra. Bao nhiêu bậc lưng lửng đi trước còn phải khoác ba lô xuống cơ sở, suốt ngày dò hỏi, ghi chép mới viết được dăm cái truyện ngắn, vài bài thơ. Người biên tập nhiều lúc vẫn phải đau đầu, tác phầm mới được chấp nhận để nó ra mắt. Còn công chúng có chấp nhận hay không chưa thể kết luận ngay được.
Công chúng ngày nay thật khó tính. Nhất là bây giờ các món ăn tinh thần lại quá nhiều, tiết mục giải trí lại cũng quá lắm. Tác phẩm không có giá trị, không hay, người ta bỏ qua ngay.
Chưa bao giờ người viết khó khăn như lúc này, thời cơ thuận lợi nhiều, thử thách cũng không ít. Viết theo kiểu “VKG” ( Viết kiếm gạo ) không nói làm gì. Viết để đến với người đọc để người ta cảm động, có ấn tượng, ghi nhớ chút ít là chuyện không đơn giản.
Hơn nữa viết tiểu thuyết là công việc vô cùng nặng nhọc, tốn nhiều tư liệu, vốn sống, vốn hiểu biết và nhất là vốn cảm súc nữa. Đâu có phải nói viết là viết được ngay?Và vân vân và vân vân..
Không ai nói gì. Ông Vũ Huy chẹp miệng “ Vầy, tiếc quá nhỉ, không lẽ bỏ phí một tư liệu quý thế này. Năm ngoái có tay đạo diễn chuyên làm phim truyền hình đến đây, vật nài mãi mình không cho. Nói thật, lâu nay mình không thích phim Việt. Phần nhiều chuyện nông và nhạt quá. Chỉ cần xem đoạn đầu đã biết đoạn sau nói gì, chủ yếu nhờ vào gợi dục, kỳ kỳ để câu khán giả.. Nên mình giữ lại, không đưa cho hắn. Nếu biết thế này biết đâu tư liệu này đã lên phim rồi?”
Không biết nghĩ thế nào, lúc ấy thằng bạn tôi lúc ấy bạo mồm, đứng lên:
- Chú cho cháu thử sức xem sao!
Tôi ngồi gần nó mà phát hoảng. Không kịp nữa rồi. Lời nói như mũi tên, đã phóng ra khó lấy lại. Chẳng biết nó có lượng sức mình không. Lỡ nói là phải làm. Liệu nó xoay sở ra sao?
Mấy ngày sau, thấy nó đi sửa xe. Xem ra anh chàng quyết tâm rồi.
Nó lên lên, xuống xuống vài lần.. Chính là cái cớ để sinh ra những lời thì thầm của một vài người vốn quen thân tôi và nó.
Của đáng tội, không có lửa thì làm sao có khói? Nó thu thập được những gì ngay cả đến tôi, bạn thân của nó còn không rõ hết. Nhưng có một điều chắc chắn là các chuyến đi của nó, không nhiều thì ít, nhuốm màu “ phức tạp”.
Thiên hạ không bao giờ bỗng không đổ tội cho ai..
***
Không có gì chán bằng đi chơi xa chỉ có một mình. Lọ mọ một mình mãi nó chán, tìm cách rủ tôi đi một chuyến cho bằng được.
H. tôi cũng đã được đi vài lần. Lần thì người ta tổ chức cho đi, có hội họp, gặp gỡ, bia rượu, cưỡi ngựa xem hoa chỗ nọ chỗ kia. Nói chung những chuyến đi như thế thu hoạch không đáng kể. Hình như mình bị liệt dây thần kinh cảm xúc, hay bởi đi theo lối bầy đoàn đông vui, cảm xúc bị pha loãng hay sao ý. Về ngồi lại chẳng làm được cái gì cho ra hồn. Mà “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”?
Vào nam ra bắc, nhân tình thế thái đâu đâu cũng na ná giống nhau. Bản sắc, bản xiếc cũng không khác nhau là mấy. Chỗ nào cũng thấy nhà Uỷ ban, hội trường, nhà văn háo xây cùng một kiểu. Cái gì lặp đi lặp lại mãi cũng chán. Sao người ta không làm mỗi nơi một dáng kiểu khác nhau? Thể hiện rõ hơn đặc trưng của mỗi nơi, mỗi vùng miền?
Một dạo ra đường, già trẻ, lớn bé ai ai cũng đều bận quân phục, đơn điệu và tẻ nhạt. Thời đó qua rồi, cách ăn mặc giờ đã khác nhau, nhưng nhà cửa vẫn cứ y như cùng một mốt.
Ở đâu cũng thấy kẻ giàu người nghèo, chung một tỷ lệ: hai phần trăm trên chín tám. Ái oăm ở chỗ hai phần trăm này, chiếm tới tám mươi phần trăm của cải và lợi tức xã hội. Đã bao nhiêu cố gắng để khoả lấp cái khoảng cách này mà vẫn như muối bỏ bể, vỗ tay lên sóng..
Người nghèo vẫn lo ăn từng bữa, còn người giàu không biết tiêu gì cho hết tiền.
Lên H. kỳ ấy với nó, tôi đã bắt gặp một lão phốp pháp, đường vanh của lão phải tới hơn một trăm. Lục tục theo sau lão ba đệ tử. Bọn chúng khệ nệ khiêng một cây cảnh từ trong ngôi nhà gần đường lên xe. Những người đứng quanh đấy cứ xuýt xoa khen cây có thế đẹp, giá hơn tỷ đồng. Đúng là Khen phò mã tốt áo, khen cây, khen chó nhà đại gia lắm tiền.
Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến, nên lấy làm lạ. Nó cười nhạo vào mũi tôi : “ Mày nhà quê bỏ mẹ, một tỷ chưa là cái đinh gì. Hôm tao đi trại sáng tác ở Đại Lải ghé vào hội chợ cây cảnh ở Vĩnh Yên còn thấy trái ổi giá năm triệu đồng, còn cây của nó mày biết bao nhiêu không?..”. Trời đất, thời buổi có nhiều giá trị ảo, càng nghe càng hoang mang.
Vậy mà sáng hôm ấy, trước lúc tôi đi cùng với nó, bà cô tôi hớt hải chạy sang. Bà bảo “Cho tao mượn nóng hai chục”. Tôi rút ví đưa bà hai chục ngàn. Bà trợn mắt kêu lên: “ Hai chục là hai chục triệu kia kìa, hai chục ngàn tao mượn làm gì?”. Hỏi ra mới biết ông chú dượng tôi đang nằm ở viện một linh ba. Ông bị u đường tiết niệu, phải mổ. Bệnh viện bây giờ giải quyết bất cứ trường hợp nào, kể cả cấp cứu đều phải đóng tiền cọc mới được nhập viện. Còn việc mổ xẻ, đương nhiên phải tiền tươi, thóc thật rồi. Người ta sợ thanh toán sau, con bệnh bỏ trốn. Sự kiện này đã từng xảy ra trước đây quá nhiều rồi. Người ta phòng xa thế, cũng phải.
Hai chục triệu là số tiền không nhỏ. Không biết cô tôi vay được thì trả bằng cách nào?
Tôi cũng làm gì có để cho vay?
Đôn đáo suốt ngày, lúc đi lấy thuốc cho người, lúc quay phim, chụp ảnh đám cưới, đám ma tôi cũng chỉ có thể đủ để nuôi mình và “nuôi thơ”.
Nuôi mình thì đơn giản, đạm bạc qua ngày thế nào cũng xong. Nhưng nuôi thơ không đơn giản. Phải như thế nào mới có được bài thơ chứ? Không biết người khác thì sao, chứ tôi phải mất hàng năm trời mới đủ tiền in lấy một tập thơ..
Không vay được, cô tôi có vẻ không bằng lòng.
Chạy xe trên đường tôi cứ ái ngại mãi. Cô tôi đối với tôi tốt chừng nào, giờ tôi khổ tâm chừng ấy. Giá tôi chậm lại ít ngày, đừng in thơ vội, có lẽ tôi đã giúp được cô rồi. Thơ phú mà làm gì so với tính mạng con người, người đó lại là người thân trong gia đình tôi?
Gặp cái cảnh mua bonsai vừa rồi, tôi cay đắng mà nghĩ rằng: “ Có lẽ bọn này rồ rồi. Phải như tôi có mua về làm thuốc đau mắt, hay chữa bệnh nan y tôi chưa chắc đã mua. Chừng ấy tiền, có thể làm được bao nhiêu việc? Con gái tôi đang đi học. Bốn năm đứa sinh viên phải ở trọ chung một cái phòng bé tý, hễ động mưa là ngập. Ngày nắng nóng như lò bát quái, chỉ vì không đủ tiền thuê chỗ sạch sẽ, rộng rãi hơn và nhất là việc cấp kỳ của cô tôi đang chưa biết tính cách nào?..
Tâm trạng không tốt, nên chả còn hứng thú gì quan sát quang cảnh hai bên đường. Qua cái cổng oai nghiêm phân cách hai tỉnh, qua đền thờ Thác Cái, Thác Con.. Mọi khi qua những nơi này tôi hay dừng lại, nghỉ ngơi chụp lấy vài kiểu ảnh cho Anbum phong cảnh của mình. Nhưng lúc này chả thấy hứng thú gì nữa.
Đi một lèo như thế, chúng tôi lên đến H. mới vừa quá trưa. Tôi bảo nó vào quán làm bát phở cho chắc dạ. Phở H. đương nhiên là không bằng phở Hà Nội hay các nơi rồi. Nhưng nó là món dễ nuốt cho người đường xa mệt nhọc, vừa bình dân lại không phải chờ đợi lâu.
Tôi có kinh nghiệm là đi đâu ít muốn phiền hà người khác. Vừa chủ động theo ý mình, tự do thoải mái hơn. Quán xá bây giờ ở đâu cũng đầy dẫy, có phải mất công tìm kiếm như ngày xưa nữa đâu?
Nhưng nó không nghe. Nó bảo vào nhà bạn thân của nó, hôm nay có cuộc hội ngộ rất thú vị!
Chưa biết là thú vị gì? Nhưng tính tò mò như là một phần mềm tự động, chưa kịp suy tính, tôi.. gật đầu.
****
Rất dễ nhầm với một cửa hàng spa, chăm sóc sắc đẹp. Nhà của bạn nó ngay mặt tiền, bên cạnh cái dốc vào các loại cơ quan của tỉnh. Gian ngoài kê những chiếc bàn chuyên dụng cho việc matsa, gội đầu. Thấp thoáng gian phía trong căn nhà là những gian nhỏ căng riđô các màu. Bên ngoài có đến năm cô gái trẻ, chân dài, váy ngắn đi lại bên các tủ kính chứa dầy đủ loại mỹ phẩm. Những chiếc gương lớn gắn tường phản chiếu mọi góc độ, gây cảm giác như số người ở đây rất đông.
Chủ nhân dáng người chầm chập, đầu múp, bụng xệ, những ngón tay dài, mềm uột, chốc chốc lại đưa lên hất mớ tóc rất kiểu cách.
Anh ta có vẻ vừa quen quen lại vừa lạ. Hình như tôi đã gặp ở đâu rồi.. Đôi mắt nhỏ tròn, hay nheo lại một bên khi muốn gợi ý riêng với một ai đó. Người ta bảo đàn ông miệng rộng mới sang.
Tôi nghĩ không phải. Tay này miệng đồng xu, môi nhỏ, đỏ như môi con gái. Tướng mạo không có gì đặc biệt. Cung cách giống như một nhân viên văn phòng hơn là một
“ chuyên viên” theo lời anh ta giới thiệu.
Trong giai đoạn “quá độ”này, nhìn bề ngoài người ta sẽ rất khó đoán được người nào đó là ai, nghề nghiệp gì? Tôi đã gặp không ít các vị bác sĩ có dáng ông hàng thịt. Các vị lãnh đạo mang bề ngoài của ông chuyên thổi kèn đám ma vì đôi môi dày , thâm xịt, mặt cau có, khó hiểu...
Hoặc có gã trắng trẻo đẹp trai, luôn mang kính trắng, dáng như thày giáo, nhà thơ hoá ra lại là anh chuyên đi đánh giống lợn. Các cô mắt tô chì, móng tay đỏ, đầu tém nom như “ nhân viên”nhà hàng, hoá ra lại là cô giáo dạy trường làng.
Có lẽ sự xáo trộn bề ngoài ấy khiến cho những người quản lý xã hội bây giờ cảm thấy sự cần thiết phải phân biệt đối tượng bằng các kiểu sắc phục.
Ngoài công an, bộ đội ra, bây giờ có thêm rất nhiều kiểu sao vạch, trang phục các loại. Từ anh quản lý thị trường, anh bảo vệ, đến anh cán bộ thú y .. Cũng đều có riêng kiểu sắc phục của mình. Nếu không phải người trong ngành khó biết họ là ai. Xanh, đỏ, tím vàng..
Đủ màu.
Nhưng dù vậy, cũng vẫn rất khó khăn khi ta muốn nhìn nhận, tìm hiểu về một con người.
Có phải càng văn minh, càng phức tạp một cách “dã man” hơn không?
Tôi cho rằng chủ trương chuẩn hoá hình thức trước khi chuẩn hoá nội dung như vậy là kịp thời và cần thiết, là việc phải làm nếu muốn hội nhập với thế giới!
Đừng có ai mà lo bò trắng răng, sợ nó chẳng có nội dung gì?
Chỉ riêng các vị làm hành chính sự nghiệp là chưa có sắc phục riêng. Tôi chưa thể biết chủ nhà cụ thể đang làm việc gì là vì nhẽ đó. Nhưng tôi không bận tâm lắm. Anh ta làm nghề gì, tính cách ra sao mặc anh ta. Mình chủ trương đi chuyến này chơi là chính, vui vẻ, khoẻ người là được.
Hơi đâu nghĩ vớ vẩn thêm đau đầu, cái tật khó bỏ của hạng rỗi công, rồi nghề, hay để tâm vào chuyện không đâu!
Định thế, nhưng rồi tôi vẫn không bỏ được thói quen đó, khi thấy mấy cô gái trẻ thu dọn đồ đạc, kê bàn. Hình như có cuộc đón tiếp long trọng đang được chuẩn bị. Tự nhiên thấy mình vô duyên, chẳng biết nhà người ta có đình đám, giỗ chạp gì, không mời, mình lại đến?
“Mượn trâu lúc chủ nhà có cỗ” là sao?
Có lẽ không nên kể lể dài dòng về sự ăn uống hôm đó làm gì. Thời buổi này với các đại gia chuyện ăn uống không thành vấn đề! Các vị đều no xôi, chán chè cả rồi, đến gan giời chưa chắc đã thèm chứ đừng nói đến “ lợn tên lửa”, “Gà đôì”.
Nhưng thỉnh thoảng vẫn phải gặp nhau như vậy, còn giải quyết một số việc khác. Rất nhiều dự án, công trình được ký kết từ những cuộc gặp gỡ như thế.
Nếu ở Sài Gòn, Hà Nội hoặc các thành phố khác người ta sẽ tiến hành công việc này tại nhà hàng, khách sạn. Còn ở đây thường tại gia.
Nói là cho ấm cúng, thực ra là để cho nó kín đáo. Các vị không muốn công việc của mình ở nơi công cộng. Các nhà hàng, khách sạn không thiếu, tuy thành phố mới thoát thai từ thị xã lên, cũng có đủ nơi du hí, giải trí các loại.
Nhưng những nơi ấy dễ lọt tai mắt thiên hạ. Người ta sẽ đồn ầm lên sự ăn tiêu của giới quan chức..
Đây chính là sáng kiến của tay “Chuyên viên” chủ nhà này. Sáng kiến ấy được cấp trên chấp nhận như một thói quen. Y vừa lo ăn, hoặc chơi cho từng loại đối tượng khác nhau.
Không mở cửa hàng, y vẫn kinh doanh rất phát đạt, tuy số lượng khách vào ra đây rất hạn chế. Sự hạn chế ấy là cố ý, khác hẳn với nhà hàng chuyên nghiệp, luôn mong mỏi khách đông.
Sau này, mấy lần nó nhờ tôi đi cùng đến đòi nợ tôi mới biết Thằng cha này chỉ là tay môi giới, chăn dắt.
Chữ nó viết nát như gà bới, lỗi chính tả rất khó đọc thì “chuyên viên” gì nó.
Chẳng nhẽ người tài ở cái tỉnh quan trọng về việc giữ gìn cương thổ này không có, hoặc mất hết rồi sao?
Nhưng nghe nó nói, giọng kim chuẩn, cứ lọt vào tận xương, mới gặp ai cũng tin..
Mới biết cái lưỡi, nhiều khi hơn hẳn con tim, khối óc rất nhiều!
***
Xong tiệc. Chủ nhà gọi, đưa chúng tôi lên tầng áp mái nghỉ. Hãy đang còn sớm, nhưng y làm như thế vì chúng tôi là khách không mời mà đến, vòng ngoài.
Bên dưới còn ồn ào một lúc khá lâu.
Tường cách âm, cửa kính thuỷ lực, có thức đến sáng cũng không ảnh hưởng gì đế xung quanh.
Tôi hơi tự ái..chả khác nào nó đuổi khéo mình. Men bia Haniken rừng rực bốc lên đầu, không ngủ ngay được. Tôi mò lên sân thượng.
Trước mắt tôi là những tấm gương cực lớn của thiết bị điện năng nhiệt mặt trời, trong đêm phản chiếu ánh đèn thành phố một cách ma quái.
Tôi nhìn ra phía bờ sông cách đấy không xa. Những chiếc cầu beton đang xây dở, ánh đèn hèn chấp chới loé sáng một khúc sông. Khu chợ trung tâm về đêm im lìm, nhưng người đi lại ngoài đường vẫn còn đông..
Khung cảnh ban đêm của thành phố miền rừng có vẻ duyên dáng rất khó tả.
Cột truyền hình đứng dạng hai chân bắc ngang qua đường giữa hai dãy phố. Một lối thiết kế công nghiệp phản nhân sinh, phản khoa học. Có lẽ tay kỹ sư nào đó nặng về hình thức bề ngoài, muốn biến nó thành vật trang trí phố xá kiểu cách nên đã chọn chỗ này để xây trụ phát sóng. Anh ta không biết, hay không quan tâm đến sự ảnh hưởng sức khoẻ con người do sóng vô tuyến tạo ra?
Đang linh tinh nghĩ, Nó gọi tôi vào. chủ nhà vừa cho người mang lên nước uống và ít hoa quả. Có lẽ anh ta ái ngại vì sự sắp xếp chỗ ngủ hơi sớm cho hai thằng nghi ngoe viết lách, lại quen biết nhiều, bực lên là rất không hay.
Thằng bạn tôi bảo:
- Mày có biết lão ban nãy ngồi bàn đối diện là ai không?
Câu hỏi vô duyên của nó, tôi chưa trả lời. Là ai thì việc chó gì đến tôi? Nó đã nói:
- Khách Víp đấy. Một ông có cỡ ở tỉnh mà mày không biết à?
- Có phải cái ông đang được báo chí quan tâm không?
- Đúng ông ta đấy, nhưng báo chí thì làm quái gì các ông ấy. Đấy mọi chuyện vẫn như không có gì xảy ra. Bất quá hạ cánh an toàn là cùng chứ gì?
Những chuyện như thế này tôi không thích tham gia. Không phải nó nhạy cảm, đụng chạm, hại đến mình. Mà nó nhàm, thời nay không còn là chuyện mới mẻ, kết thúc đều có một đáp số giống nhau. Chả mang lại ý nghiã giáo dục, nhân văn nào cả. Chỉ làm hỏng tâm trạng mình.
Thấy tôi không quan tâm, nó bảo:
- Tao lên chuyến này là việc có liên quan đến sự có mặt của lão ta đấy.
Tôi không hiểu. Một thằng ngu ngơ, cả tin, khờ như nó thì liên quan quái gì đến vị quan chức này?
Mà nếu liên quan, nó phải được có mặt để tham gia vào sự vụ gì đó liên quan đến mình chứ?
- Mày ngu bỏ mẹ. Tao thì liên quan gì trực tiếp được với lão? Tất cả là do thằng Y đạo diễn cả. Nó muốn tao chỉ chứng kiến sự có mặt của lão để mình tin thôi.
Nó nói thế, tôi bắt đầu chú ý.
Không biết cái thằng nhà thơ quê mùa dở hơi này định liên kết làm ăn gì ở tỉnh này? Bọc tiền nó mang theo tôi biết chắc chắn nó vay ngân hàng chứ nhà nó làm gì có? Không biết thì thôi, biết đến đây rồi, tôi có nghĩa vụ phải can ngăn nó. Với những mối quan hệ như này có khác gì gưỉ trứng cho ác?
Một mực nó không nói, lại còn bảo:
- Mày hơi coi thường thằng này đấy. Tao đã tính kỹ rồi, không nghiêm trọng như mày nói đâu. Dù là thời buổi lòng tin cậy hiếm hoi, vẫn có người để mình tin chứ. Hoài nghi là thứ tội lỗi, mày hiểu không? Nếu nghĩ như mày không ai còn có thể làm ăn được với ai và chẳng dám làm việc gì !
Nó nói vậy, còn gì để nói? Nhưng tôi vẫn nghĩ thắc mắc, không biết việc mẹ gì mà nó lại dấu cả thằng bạn thân như tôi?
Tắt đèn. Hai thằng lăn ra ngủ.
Nửa đêm thấy có người gõ cửa, nó xuống nhà một lúc rồi quay lên. Đi vệ sinh không phải rồi, tầng nào cũng có toalet riêng. Chắc là nó gặp chủ nhà để cụ thể hoá công việc mà không muốn tôi có mặt. Nghĩ thế tôi không hỏi, vờ như đã ngủ say..
Mấy cô gái gặp lúc chiều từ dưới nhà cũng lục tục kéo nhau lên hai phòng bên cạnh.
Một cô vào phòng chúng tôi làm như tìm vật gì đó để quên, thấy nó còn ngồi hút thuốc hỏi:
- Các anh có còn cần hỏi gì không ạ? Bọn em ở gần bên này, có gì anh cứ bảo.
Nó nói lấp lửng:
- Cần thì bọn anh cần nhiều, nhưng không phải lúc này. Em cứ đi nghỉ đi!
Tôi ngạc nhiên, một thằng ngù ngờ, nhát như cáy mà lại nói những câu quá ẫm ờ. Chả trách người ta bảo “Không biết ma ăn cỗ”.
May. Đêm đó không xảy ra chuyện gì!
*****
Chừng đến hơn một năm sau chuyến lên H, tôi mới vỡ ra chuyến đó chúng tôi lên xảy ra chuyện gì.
Nó là thằng ruột để ngoài da, chưa hề giấu tôi chuyện gì, riêng chuyện này nó kín như hũ nút. Có vài ba lần hé lộ ra trong lúc vui chuyện, nó kịp thời lảng sang chuyện khác. Tôi đoán hẳn là nghiêm trọng hay bí mật gì đây, nó mới giữ kín như thế.
Nếu không bị ông chú và bà chị gái dồn đến chân tường, chắc nó chưa cầu cứu đến tôi.
Một hôm nó mời tôi đi ăn sáng. Cũng không có gì ngoài bún chả như mọi khi. Nó lấy thêm chai rượu ngô, khác với mọi ngày. Uống rượu buổi sáng tôi thường tối kỵ, vì cả buổi sáng sẽ không làm được gì nên hồn. Nói nhiều, nghĩ ít, thường là không hay.
Nó cứ lặng lẽ rót, “Cả cái” này, “Cả cái” khác.
Tôi đoán chừng nó có chuyện buồn. Một thằng lòng dạ ống bương như thế này, chả để được cái gì lâu trong bụng, giờ lại có vẻ đắn đo như thế này?
Hay là hôm vừa rồi nó lấy tiền tiết kiệm của vợ nó đi in thơ?
Sách in ra không bán được, vợ nó đay nghiến?
Đàn bà thường thích có chồng danh giá, nhưng khi đụng vào túi tiền quá quá một chút thường hay phản ứng.
Tôi đã từng gặp phải cảnh ngộ này, nên tôi biết. Ngay tìm cho đủ số người để tặng hết số sách đã là chuyện khó khăn.
Người ta có đọc đâu mà biết hay dở thế nào?
Người có thế lực, in được cuốn sách nào là langxê, quảng cáo, họp báo om tỏi. Có cuốn còn được chuyển sang phim truyền hình. Sách dở thành sách hay!
Người Việt mình có tính hay a dua. Thấy ông này ông nọ có chút danh tiếng đứng ra giới thiệu là tin ầm ầm. Chả cần biết có thực thế hay không?
Dạng tôi với nó, có khác gì áo gấm đi đêm? Có lần mang ra mấy hàng sách, ký gưỉ không đòi hỏi trả tiền ngay, người ta còn chối. Thân phận cái anh viết văn tỉnh lẻ nhiều nông nỗi lắm..
Nghĩ lan man một chút, tôi càng cám cảnh cho nó, cho mình.
Đã có lúc chán nản muốn bỏ cuộc. Cảm thấy mình đang trò chuyện với bức tường, trải lòng cùng cục đá cuội.
Chưa có thời đại nào người ta dửng dưng lãnh đạm với tâm tư, tình cảm của người khác như bây giờ.
Thời thừa thông tin và thiếu lòng tin tưởng. Nếu không mang lợi lợi ích thiết thực, người ta không quan tâm.
Người ta có cái lý của người ta. Liệu những trang sách giúp ích gì cho họ? hay chỉ làm họ càng phân tâm, bối rối hơn?
Người viết không có quyền bắt người khác phải đọc sách hoặc chú ý đến mình nếu anh ta viết không hay. Những câu chuyện của anh không mang lại ý nghĩa nào để họ cảm động.
Văn chương như bị cớm nắng, xói mòn, thiếu sức sống, thiếu sáng tạo, hèn hèn, bé mọn thế nào ấy.. ai bận tâm mà làm gì?
Nhưng cũng phải có chừng, gay gắt quá, thật quá, sâu sắc quá Kiểu Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh.. chưa chắc đã được hoan nghênh.
Cách tân theo lối Evăn, hay Tiền Vệ có khi còn bị nghi là văn chương phản động, người ta sợ chưa chắc đã dám đọc.
Có lẽ trên thế giới này, giới trí thức Việt Nam và giới người đọc các loại lành hiền, tử tế và nhan nhát nhất thì phải?
Ngay cả các trang mạng, lúc đầu các nhà quản lý rất e ngại. Nhưng rồi chẳng có chuyện gì. Ngoài mấy anh phản động lưu vong nói trắng trợn ra còn toàn chuyện tào lao chi khươn cả..
Những trang đứng đắn, có chút học thuật lại là những trang vắng vẻ, ít người đọc nhất. Chỉ có thể lôi cuốn người đọc bằng cách dung tục, bỗ bã. Nhiều thứ nhảm nhí lại được nồng nhiệt đón nhận.
Thật là buồn cho sự tha hoá của văn chương, sự bào mòn của văn hoá nước nhà.
Có cảm giác như mình đang làm một việc vô ích. Một việc thừa, trong khi mình nào có rửng mỡ, thừa ăn thừa tiêu để làm trò thiên hạ không thèm coi?
Tôi đang mải nghĩ như thế khi bàn bên cạnh tôi có mấy vị phốp pháp tắng trẻo, dáng bệ vệ thỉnh thoảng cứ cười rú lên. Họ sung sướng, vô tư.. Chắc họ không bị nhiễm sách vở và mang cái của nợ khát vọng khốn khổ như mình. Tôi thấy thương tôi, thương nó hơn bao giờ hết. Nếu muốn mình dư sức làm được như các vị nhơn nhớt kia mà? tại sao không?
Đột ngột nó bảo :
- Tao bị lừa rồi mày ạ!
- Lừa gì?
- Lừa tiền chứ lừa gì nữa? Người như tao chẳng lẽ còn có đứa nào lừa tình?
- Mày làm đéo gì có tiền mà bảo thiên hạ lừa?
- Không phải tiền của tao. Của ông Sơn, và chị Tuyết..
Ông Sơn là chú họ nó. Chị Tuyết là chị gái nó. Nhưng họ thì có liên quan gì đến việc nó bị lừa?
Nó bảo ở đây không tiện nói. Mày không bận gì hôm nay lên H một lần nữa với tao, dọc đường tao sẽ kể để mày nắm được. Nhưng bây giờ mày phải về lấy cái máy quay phim và cái ghi âm của mày. Tạo cho tao cái bằng chứng để tao dễ đòi nợ.
Tôi hỏi: “Ai nợ mới đựoc chứ”. Nó bảo: “Đấy cái thằng KH, chuyên viên ở trên H ấy”.
Có nhiều không?- Gần hai trăm- Không biên nhận gì à? – Làm gì có biên nhận! Những việc như thế làm gì có ai biên nhận đâu?- Nhưng là việc gì?- Rồi mày sẽ biết, cứ hộ tao cái đã”.
Chết thật, sao lại vướng vào đến hai trăm triệu? Quả thật tôi thấy rất hoang mang và lo cho nó. Đời tôi chưa đi làm “nặc nô”, đòi nợ thuê bao giờ và cũng không biết cách làm.
Giờ nó nhờ chẳng lẽ không đi?
Nghe nói ở H dạo này tình hình quan giới rất phức tạp. Ông chủ tịch dính vào vụ xâm phạm tình dục trẻ vị thành niên. Các phe phái đang “đánh nhau” kịch liệt. Không biết cái thằng KH kia có dị dính vào mớ lục bục ấy không? Nếu chẳng may nó vướng phải, ngồi tù chỉ có nước đến chùa con chim mà hỏi! Ngay cả khi nó không làm sao cũng khó đòi.
Dùng vũ lực với nó không được rồi. Đất nào chứ H là nơi nhiều cao thủ “Võ lâm”. Đấy là nơi xa xưa, các bậc hảo hán lánh nạn, các trùm phỉ nương náu. Họ đã thành người của quá vãng rồi, nhưng không phải không để lại chút ảnh hưởng đến đời sau? Chưa nói đến là đất đang đứng chân của cái thằng “Chuyên viên” khốn nạn kia..
Nó đã chủ tâm hẳn sẽ có đề phòng và tay chân của nó chắc không ít..
Không đi thì bạn bè còn có nghĩa gì nữa? Mình vẫn thường nghĩ và nói ra miệng : “Bạn bè là nơi chia sẻ ngọt bùi, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chịu, đâu phải chuyện nắm mớ, xoèn xoẹt cái mồm, thấy bạn khó ngoảnh mặt đi”
Chả lẽ chỉ là nói suông? Nhưng đi thế nào cũng có nhiều phức tạp, thậm chí nguy đến bản thân.
Đành vậy. Chứ tính sao bây giờ. Mình chửi nó là thằng ngu nga ngu ngơ, thì mình có hơn gì nó đâu? Rõ ràng đứng ngoài cuộc mà chẳng có lấy một tý sáng suốt, cơ mưu nào!
Hai thằng quyết định sẽ khởi hành vào sáng hôm sau. Hôm nay không kịp, vì máy chưa nạp Pin. Chờ nạp xong e muộn, khi về không kịp, tối dọc đường..
****
Hình như trong nhà Kh. đang có việc gì, tụ tập đông người, toàn người lạ chúng tôi chưa gặp bao giờ.
Mấy cô nhân viên làm matsage không còn có mặt nữa. Các tủ kính bày hàng mỹ phẩm, ghế, bàn gội đầu, salon sửa móng tay cũng đã dọn dẹp đi đâu hết.
Chỉ còn lại chiếc tủ đứng làm bằng gỗ công nghiệp, chiếc bàn, bộ ghế giả cổ đã tróc lớp vecni bên ngoài. Chỗ góc phòng, vợ Kh đang bế một đứa trẻ sơ sinh.
Thấy chúng tôi đến, Kh biến sắc mặt. Y bảo mấy người nhà đang đứng ngồi lố nhố trong phòng lên gác.
Vợ y vẫn ngồi trên giường đút sữa cho đứa bé.
Y phân trần:
- Em hẹn bác LM ( tên của nó, bạn tôi) lên hôm nay, nhưng đột xuất nhà có tý việc, các bác thông cảm cho em thư thư một chút..
LM đúng là thằng ngu ngơ, tự nhiên hỏi một câu rất ngớ ngẩn:
- Cô ấy mới sinh cháu à?
Kh đỏ mặt, y trả lời trong khi mắt lại lảng nhìn đi chỗ khác:
- Vâng cháu mới được hơn một tháng..
Tôi hơi ngạc nhiên, y đã có hai đứa con, đang là công chức nhà nước, sao lại có chuyện sinh con thứ ba? Nhưng chỉ thoáng nghĩ thế thôi, chuyện riêng của gã, mình to mo làm gì?
( Mãi đến tối hôm đó, khi chúng tôi đến chơi một người bạn của LM, mới được biết : Cáh đây hai hôm, có một cô gái trẻ bế đứa bé, không nói không rằng đặt nó ngay trước cửa nhà Kh. Cuộc tụ tập hôm nay của mấy người đến trước chúng tôi là người nhà của Kh. Nhà y đang có cuộc họp gia đình để bànbạc, giải quyết sự có mặt bất ngờ của đứa trẻ sơ sinh như thế nào. Bạn của Kh còn cho biết thêm Kh vừa phải trải qua một vụ sicangđan xôn xao cả thành phố. Ông chủ tịch tỉnh sau màn thách thức báo chí và công luận đã bị dồn đến chân tường. Đã có nhiều bằng chứng ông không thể chối cãi về hành vị nhơ nhóp của mình. Người ta tạm thời cho ông miễn nhiệm để điều tra tiếp.
Cái sảy nảy cái ung, chuyện không chỉ dừng ở phạm trù đạo đức. Nó còn liên quan đến nhiều việc mờ ám khác về nội vụ, về kinh tế..
Hậu quả là đám đàn em của ông, trong đó có Kh khốn đốn. Chưa biết ông sẽ bị xử lý ra sao, đám thân tín đã gặp hoạ. Khung cảnh ta vừa thấy ở nhà Kh vừa rồi, các cô gái xinh đẹp, đồ đạc, xe cộ quý giá vắng đi là do dư chấn ấy tạo nên.)
Nhưng ngay lúc ấy chúng tôi chưa “nắm bắt tình hình”, Kh đã rào trước như vậy.
Tôi thấy không nên mào đầu dài dòng, đi thẳng vào vấn đề. Trước đó, tôi đã quan sát được chỗ đặt cái túi nhỏ bên trong đựng Camera. Đây là loại máy nhỏ, cầm tay, có điều khiển. Nếu vô tình người ta sẽ không để ý. Nhưng Kh là một con cáo và hình như y đã có ý đề phòng, y làm như không có chủ ý hỏi “ trong túi có gì không? nếu có tiền bạc để em cất, nhà đang đông người cẩn thận vẫn hơn”. Nói rồi y lấy cái túi bỏ vào trong tủ, ngay gần chỗ chúng tôi ngồi. Tình huống này ngoài dự kiến của tôi. Đúng là muốn theo dõi, thám thính, tìm bằng chứng là phải có nghề.
Ngu ngơ như bọn tôi làm sao biết tác nghiệp một cách chắc chắn, an toàn được? Nhưng chẳng lẽ chịu bó tay?
Mình dù có ngu ngơ chốn quan trường, nơi chợ búa vẫn còn chút minh mẫn, óc tưởng tượng của thằng cầm bút.
Sau một hồi suy tính, có thể rất hú hoạ, “ năm ăn năm thua” tôi bảo Kh:
- Ông bạn tôi đây đã nói hết với tôi về sự vụ của ông với ông ấy. Theo ý tôi ông nên thu xếp số tiền bạn tôi đã đưa cho ông. Tiền đó là của người ta, để lâu sẽ bất lợi với cả hai người..
Tôi chưa hết câu, Kh đã cắt ngang:
- Ông nói tiền nào tôi chưa hiểu?
Tình huống này tôi đã dự liệu, tôi chỉ khẽ “Hừ”, bảo y:
-Ông đưa cho tôi cái túi ban nãy ông vừa cất vào tủ. Tôi muốn cho ông xem lại cái này, trước khi chúng ta nói chuyện.
Y đứng dậy lấy túi đưa cho tôi. Tôi lôi cái máy để lên bàn, nói:
- Có lẽ ông không nghĩ là buổi tôi gặp ông đầu tiên ở đây, bạn tôi có nhờ một việc ông không ngờ tới. Đây là chiếc máy hôm đó tôi đã ghi lại cuộc trao đổi của hai người vì sự lo ngại một số tiền khá lớn, cần có đảm bảo. Ông có muốn xem lại tôi sẽ cài vào máy tính của ông để xem cho rõ hơn. Nhìn qua màn hình của máy e nhỏ quá và nếu cần ông có thể cóp vào máy tính để xem lại..
Trời không nóng, mồ hôi Kh vẫn rịn ra khắp mặt. Tình huống này quá bất ngờ, khiến y lúng túng. ( Kẻ gian bao giờ cũng vậy). Y vội xua tay:
- Không cần đâu, chỗ tôi với ông ấy cần gì phải như thế. Ông ấy có nhờ tôi, việc không thành, tôi trả lại tiền ông ấy là việc đương nhiên. Chỗ bạn bè ông giúp là cái tốt, nhưng việc này cứ để hai chúng tôi giải quyết với nhau..
Tôi hỏi LM:
- Ý ông thế nào?
LM ầm ừ như kẻ ăn nói khó khăn, kể hết lại đầu đuôi sự việc. Nghe xong “Chuyên viên”ngần ngừ một lúc mới nói:
- Thôi được rồi, không cần phải nói nhiều, tôi công nhận sự việc có đúng như vậy. Thực tình là tôi không muốn. Các ông xem Tivi, đọc báo cũng biết tình hình ở H này rồi. Nếu không xảy ra việc đó, chắc chắn công việc tôi nhận giúp ông LM đã xong từ lâu rôi. Không nói các ông cũng biết xin việc cho các cháu bây giờ rất khó khăn, không phải cứ có tiền mà được đâu. Đột xuất xảy ra chuyện, tôi còn ngồi ở đây được còn là may cả cho tôi và cho ông LM. Thôi thì các ông nán lại cho một thời gian, số tiền lớn thế ngay bây giờ tôi chưa có ngay được.
Tôi bảo :
- Thôi được, vậy ông viết cho tôi cái giấy hẹn.
Y ngẫm nghĩ một lúc rồi viết. Đủ “ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.. Biên nhận, hẹn ngày giờ..”
Mồ hôi y vã ra nhỏ cả vào tờ giấy. Viết xong y đưa cho LM nói:
- Ông yên tâm rồi chứ?
Tôi cười, gật đầu rồi lấy cái máy bỏ vào túi.
Có lẽ đến lúc này, y có ý nghi hoặc nên bảo tôi đưa máy cho y xem, y cũng là một tay quay phim có nghề, đã từng làm bên đài truyền hình.
Đến lúc này tôi cũng không dấu y nữa, nói cho y biết chẳng có đoạn băng nào hôm trước cả, chỉ có đoạn quay hôm nay ghi lại toàn bộ câu chuyện hôm nay thôi. “Thành thật xin lỗi ông vì đã nói không thực về điều này”.
Y ngớ người ra không nói câu nào. Đôi mắt chuột dái của y ánh lên tia hằn học, căm thù muộn mằn hắt về phía tôi.
Y bảo:
- Các ông thật quá đáng, làm thế các ông đã xúc phạm tôi rồi đấy. Nhưng khỏi lo đi, kể cả không có bằng chứng gì, tôi vẫn trả. Danh dự con người mới là lớn, tiền bạc là cái gì chứ?
Tôi vội xoa dịu y, (không nên căng thẳng vào lúc này):
- Tôi cũng tin ông là người đứng đắn, chẳng qua là phòng xa thế thôi. Sau khi hoàn tất số tiền, tôi hứa sẽ xoá đoạn băng này và nhất định không nói với ai. Sẽ không có bất cứ điều gì ảnh hưởng đến uy tín và nhân cách của ông.
Cái miệng đồng xu của y chẫu ra, đôi mắt có ý nghi ngờ.. Y nghĩ gì đó là quyền của y, tự do tưởng mà, tôi không quan tâm!
Đúng hẹn, LM nhận lại số tiền. Kh bảo viết giấy biên nhận đôi bên không còn vướng mắc, nó đồng ý và làm theo. Cũng lại “ Cộng hoà xã hội..”
Hôm ấy nó đi một mình. Về đến dốc Thác Cái tự dưng có chiếc xe trong đường rẽ tông vào xe nó.. Nó ngã văng xuống đường, không biết gì nữa..
Tôi lên H vào bệnh viện thăm nó. Nó nói khi tỉnh lại mất hết tiền nong, may mà giấy tờ không mất nên người ta đã kịp báo về nhà.
Tôi an ủi nó:
- Còn người là còn của, vậy là may lắm rồi. Nhưng tao thấy việc này có cái gì đó khó hiểu? Tai nạn tình cờ hay thằng kia bố trí? Mày cứ nghỉ ngơi cho lành vết thương đã rồi tính tiếp..
Mấy ông bạn hay thì thào về nó, hôm nay biết chuyện cũng cùng đi với tôi. Các ông ấy cho quà, chỉ nghe không nói gì.
Tôi thì nói như vậy, nhưng trong lòng vẫn ngu ngơ chưa biết tính thế nào? Báo công an, chính quyền hay chơi lại theo kiểu xã hội đen với đối tượng không cần nói ra cũng biết là ai?
Nhưng lần này sẽ cực khó khăn để có được bằng chứng. Một thứ công cụ bất cứ toà án nào cũng sẽ hỏi đến.
Đúng là vận may rất ít có dịp gặp trong đời.
Chẳng qua nói để an ủi nó thôi..
Ai bảo ngu ngơ, chưa chết là phúc còn lớn lắm, còn cái cớ để mừng cho nó !
Nó còn sống tức là còn cơ hội. Còn làm sáng rõ và tan biến đi những lời thị phi, như một thứ rác rưởi mà vì cớ nào đó người ta thảy vào đời sống này, một cách tuỳ tiện..

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: