Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Đón năm mới với bộ máy liêm chính, trong sạch


Nói gì thì nói, dù còn những ý kiến, đánh giá khác nhau (bao giờ chẳng thế), sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chuyện biếu xén, chúc tết đã gây những chấn động, ấn tượng mạnh trong cộng đồng, dư luận. Hầu hết đều tán đồng với người đứng đầu chính phủ.

Điều đáng lưu ý, Thủ tướng Phúc phát ngôn vấn đề thời sự này không phải với tư cách cá nhân, không phải trong cuộc trò chuyện thường tình nào đó, mà là cương vị người đứng đầu bộ máy hành pháp của quốc gia, trong cuộc họp thường kỳ chính chức của Chính phủ (ngày 30.11) với sự tham gia đầy đủ các vị đứng đầu các bộ ban ngành trung ương. Vậy thì đó không phải là ý kiến chỉ đạo mang tính cá nhân nữa, mà là thông điệp, là mệnh lệnh của quốc gia.

Thủ tướng dứt khoát: “Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành. Yêu cầu lãnh đạo các tỉnh không về Hà Nội chúc tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”.

Dư luận đánh giá “thông điệp” của Thủ tướng được đưa ra rất kịp thời, đúng lúc. Hầu như ai cũng biết tầm thời gian này cả bộ máy xã hội từ trên xuống dưới đang rốt ráo chuẩn bị tết. Và đương nhiên không thể quên chuyện lập danh sách sẽ chúc tết ai, biếu xén cái gì. Lâu nay tục lệ như thế rồi, cả công khai lẫn ngấm ngầm, đố dám coi thường.

Tết là thời khắc đặc biệt trong một năm, là dịp để con người thể hiện, bày tỏ tình cảm của mình với người khác, cháu chắt với ông bà, con cái với cha mẹ, trò với thầy, cấp dưới với cấp trên, làng xóm láng giềng với nhau… Chúc tết, tự bao đời mang ý nghĩa tình cảm, đạo đức, như một thứ giá trị tinh thần, truyền từ đời này qua đời khác. Nhưng trong những thay đổi dâu bể của cuộc sống, có những phong tục, tục lệ cao đẹp bị ai đó biến thành hủ tục, mang nội dung xấu, thực dụng, tầm thường, mất hết cả sự cao quý. Đáng buồn là điều ấy thường xảy ra trong đội ngũ lãnh đạo, có chức có quyền. Chức to thì muốn ban phát ơn huệ, thu lợi; chức vừa thì muốn to hơn; chức nhỏ thì muốn lên cao hơn… Không ít người đã biến chúc tết thành cơ hội lấy lòng cấp trên, để được để ý, được quan tâm thăng quan tiến chức. Bình thường phải chạy cửa sau, phải mưu mẹo, kín đáo, còn dịp tết cứ việc công khai, ngang nhiên, không cần giấu diếm. Những biếu xén, đút lót, mua quan bán chức, hối lộ, chia chác, dọn đường cho mình và con cháu, đệ tử đều có thể nhân cơ hội vàng trời cho này. Nếu người đứng đầu không nghiêm, không dứt khoát với tệ biếu xén, hối lộ dưới màu áo tết thì cấp dưới tha hồ làm bậy. “Tại trên ngồi chẳng chính ngôi/Để cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn”. To hư kiểu to, bé hư kiểu bé, cả một dây chuyền cứ thế lấy lòng nhau để tham nhũng, tiêu cực. Không chấm dứt được tình trạng này, bộ máy sẽ ngày càng hư hỏng, đừng nói gì đến việc xây dựng một chính phủ liêm chính.

Có lẽ nhìn ra thực tế đáng lo ngại ấy cứ kéo dài và tràn lan lâu nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết phải nêu gương. Ông không nói chung chung, không né tránh này nọ, ông tuyên bố “Tôi yêu cầu không chúc tết Thủ tướng, Chính phủ cần làm gương”. Lấy chính mình ra để thực hiện, để đột phá xóa bỏ hủ tục, cụ thể là việc chúc tết, Thủ tướng quyết đi đầu trong việc xây dựng lại bộ máy cho thật liêm chính.

Thực ra thì đây không phải lần đầu Đảng và Nhà nước có thái độ về “tình trạng tiêu cực dịp tết”. Nhớ hồi tháng 1.2014, Ban Bí thư đã có chỉ thị số 21-CT/TW nghiêm cấm cán bộ đảng viên các cấp tặng quà tết dưới mọi hình thức cho cấp trên, nhưng dường như những ban bố mệnh lệnh chung chung ấy người ta chỉ đọc qua rồi quên ngay, với tâm lý “chắc tổ chức chừa mình ra”. Lần này, chính Thủ tướng đã nêu gương, đã kêu gọi cộng đồng giám sát việc thực hiện, những ai lợi dụng Tết để mưu lợi cá nhân chắc chắn phải chờn.

Nhân chuyện Thủ tướng “nói không với chúc tết”, lại nhớ tích xưa về sự liêm chính của ông cha ta. Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 5, kỷ nhà Trần) có chép: Thái sư Trần Thủ Độ là người cầm quyền thời Trần, uy lực còn hơn cả vua Thái Tông. Linh Từ quốc mẫu (vợ ông) một hôm ngồi kiệu đi qua chỗ thềm cấm, người quân hiệu ngăn lại không cho đi. Về nhà, khóc bảo Trần Thủ Độ rằng mụ này làm vợ ông mà bọn quân hiệu khinh nhờn như thế. Thủ Độ giận sai người đi bắt. Người quân hiệu ấy chắc phen này mình phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt. Người quân hiệu đem sự thực trả lời. Thủ Độ nói: Ngươi ở chức thấp mà biết giữ lễ phép như thế, ta còn trách gì nữa. Bèn lấy vàng lụa thưởng cho rồi cho về. Một lần khác, Thủ Độ từng duyệt định sổ hộ khẩu, Linh Từ quốc mẫu thấy vậy xin cho riêng một người làm chức câu đương (chức dịch nhỏ trong làng xã). Thủ Độ gật đầu và biên lấy họ tên, quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi rằng tên đó đâu. Người có tên mừng chạy ra. Thủ Độ nói: Ngươi vì có quốc mẫu xin cho được làm câu đương, thì không thể ví như những người câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác. Người đó kêu van xin thảm thiết, hồi lâu mới tha cho. Từ đấy trở đi không ai dám đến thăm nhà riêng nữa.

Cũng chuyện biếu xén, người xưa thường nhắc nhở con cháu chuyện ông Dương Chấn là Thái thú quận Đông Lai. Lúc ông đi nhậm chức qua đất Xương Ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước nhờ ông được đề bạt, vào yết kiến. Rồi đợi đêm khuya quay lại đem vàng đến lễ. Dương Chấn bảo: “Trước tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng đến cho tôi ư?”. Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho. Lòng tôi thành, vả lại bây giờ đêm khuya, không ai biết”. Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết?”. Vương Mật nghe nói xấu hổ lui ra.

Nhân chuyện Thủ tướng làm gương, nhắc lại những chuyện xưa cũng để nói với “một bộ phận không nhỏ” rằng làm quan phải thanh liêm, trong sạch thì mới đúng là công bộc của dân. Phải luôn biết giữ cho lòng mình chữ “liêm”, đừng “yếu lòng” dịp tết hay bất cứ dịp nào khác (sinh nhật, lên chức, cưới xin…) mà vơ vét cho đầy. Cụ Hồ dạy “Cần kiệm liêm chính” là để cán bộ căn vào đó xây dựng phẩm chất cho mình. Chứ làm quan chỉ cốt vơ vét cho nhiều, chính mình chắc đâu đã giữ được, huống chi còn mong để lại cho con cháu. Thói quen nhận biếu xén dịp tết thực ra là hành vi vô liêm sỉ. “Nhân bất khả vô sỉ”, người ta mà không biết xấu hổ thì không được, làm quan lại càng không được.

Ngày tết mà không có người đến chúc tết, biếu xén, đương nhiên sẽ buồn, cảm thấy thiệt thòi, mất mát này nọ. Nhưng các vị quan chức từ trên xuống dưới cứ làm đúng nghiêm lệnh của Thủ tướng đi, tôi tin là cái được lớn hơn nhiều, tốt hơn nhiều. Khi ấy niềm vui sẽ suốt năm chứ không phải chỉ mấy ngày tết.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: