Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

NGƯỜI MANG TÓC GIẢ



Truyện ngắn của HG

Lần cuối cùng người ta thấy lão xuất hiện ở xóm Cây Bàng cách nay hai tháng. Hôm đó phải khó khăn lắm mới nhận ra lão. Không phải hôm đó tối trời hay mưa gió, bụi cuốn mu mít mỗi lần có xe chạy ngang qua làm ảnh hưởng đến tầm nhìn. Trời rất xanh và cao. Cái nắng đầu hè rực rỡ, tầm nhìn xa có khi hơn mười cây số. Lão ngồi ngay sát bờ đường, chỗ hành lang chỉ rộng hơn hai mét thì có gì mà khó nhìn?
Người ta khó nhận ra lão vì lần này mặt lão nom hốc hác, không béo tốt phương phi như mọi lần từ tỉnh Bắc sang đây. Cái áo phông mỏng cộc tay lại càng như phô diễn đám xương sườn rõ từng chiếc một. Không thấy mái tóc dày đen nhánh, bóng nhẫy trên đầu lão như mọi khi. Thay vào đó là mái tóc lưa thưa màu hung húc, hói từ trán lên đến đỉnh đầu, nom rõ từng sợi tĩnh mạch màu thâm thẫm.
Thì ra, mọi khi lão mang tóc giả, nhiều người cứ ngỡ là thật do nhuộm thuốc, nhất là với các ông bà già kém mắt của thị trấn này. Một thị trấn nhà cao tầng xây khá nhiều, mốt mới, rất hiện đại, nhưng dân trí thì vẫn như xưa, chả chịu nhúc nhích.
“Trong các mục tiêu “phấn đấu” xây dựng văn hóa, xã hội thì cái anh “dân trí” là cái khó thúc đẩy, khó “xây” nhất. Người ta không thể dùng sức người, sức của, “đốt cháy gian đoạn” mà nâng nó lên ngay được. Nó là cái tiệm tiếm, ngấm từ từ, cần có không gian và thời gian, cần có môi trường thích hợp nó mới khá lên dần dần và định hình được”- Có lần chuyện vãn, lão tâm sự với tôi như thế.
Tôi đánh giá cao “trình” của lão. Rõ ràng lão không phải con người bình thường. lão là người có lý luận, có trình độ, có hiểu biết hẳn hoi. Ít nhất là so với mặt bằng tri thức ở một nơi như thị trấn “Con Sóc” này!
Lúc đầu thấy người ta thì thào câu chuyện về lão, nói thực tôi không để ý. Ở nơi tôi ở thiếu gì chuyện kì lạ và kỳ cục?
Một cậu phó chủ tịch vừa lãnh bằng tốt nghiệp cao học ra, tiền đồ đang độ thăng hoa, hứa hẹn nhiều thành công lớn trong đời, bỗng dưng giở chứng, gặp chuyện chẳng ra làm sao. Cậu này kẻng trai, đẹp mã, nhà khá giả vợ dáng dấp như người mẫu thời trang. Không hiểu tại sao lại phải lòng một cô giáo đã có chồng, người ngắn một mẩu.
Chuyện chỉ thế thôi cũng chẳng đáng nói làm gì bởi sự đời dù cắc cớ đến đâu, mãi cũng thành quen.
Nhưng chuyện chàng phó này không như thế. Người ta có thể phải lòng gái bởi nhiều lý do. Cái này chỉ có giời mới biết, mới hiểu là vì sao?
Khi con người ta sẵn điều kiện, nhất là có nhiều tiền kiếm được một cách quá dễ dàng, quá vô lý, điều gì cũng có thể xảy ra. Vì một lẽ nông cạn, một ham muốn rồ dở nào đó vào những lúc những người nghiên cứu tâm lý xã hội cho rằng: “Có khi, có lúc con người tiết ra cái chất không ra người”..
Thời nay những chuyện đại loại như thế không hiếm, thậm trí tràn lan xứ sở, nơi nào cũng có thể gặp.
Thiên hạ bàn: Lòng thòng thì cứ lòng thòng, đạo lý và ngay cả đến luật lệ cũng không cho phép, vì lẽ bí hiểm, được che dấu, nó vẫn thường diễn ra. Ăn vụng phải biết chùi mép vv..
Nhưng lòng thòng kiểu tay phó này thì có một không hai ở đất này. Anh ả bàn nhau cho người chồng “lấp lỗ” bằng cách lén bỏ vào cốp xe cả một gói ma túy mấy mươi “tép”..Rồi báo nhà chức năng. Suýt nữa thì anh chồng mang họa lớn. Không dựa cột cũng chắc chắn ngồi tù không biết bao giờ mới ra?
May mà giời có mắt. Kẻ châm lửa đốt trời thì lửa lại rơi trúng mình. Thời nay những kẻ gắp lửa bỏ tay người khó thành được âm mưu. Những người lập kỷ cương, trật tự xã hội mau chóng tìm ra kẻ thủ ác. Anh phó vào trại và sau đó ra tòa..
Rồi chuyện một cô gái lấy ông chồng già hơn cô những bốn mươi tuổi, gần bằng tuổi của ông nội mình! Người ta lại bảo: “Ý chừng cô ả đón lõng, chờ ông lão về chầu tiên tổ rồi sau đó thừa hưởng cái gia sản to lớn mà nhiều năm lăn lộn quan trường ông này kiếm được nhờ vào có đăng ký kết hôn hẳn hoi”. Cũng có kẻ cho rằng cô gái ở vào tình cảnh quá khó khăn muốn nương tựa vào cuộc hôn nhân này để tìm lối thoát.

Óc suy diễn của thiên hạ thật vô cùng, chuyện gì cũng có thể nghĩ ra và có lý cả.
Nhưng áp vào hoàn cảnh của ông đại úy già này vẫn thấy khó giải thích. Ở tuổi của ông người ta coi trọng sự yên ổn thảnh thơi. Không ai lại mua thêm phiền phức, rắc rối về mình. Phải thế nào đấy ông ấy mới chịu kết hôn với bà Lan Béo. Một bà đã trải qua mấy đời chồng. Ông chồng thứ nhất bỏ nhau vì sự ghen tuông. Hai người chia tay một thời gian, sau khi bán hết cơ nghiệp chuyển ra phố ở. Ông này vẫn còn sống, đến bây giờ chưa lấy ai. Ông thứ hai là cán bộ ngành điện. Bà quen ông này lúc mở quán ăn sáng gần cổng cơ quan. Ông này “già nhân nghãi, non vợ chồng”. Bà vợ ông ấy chỉ tạm thời ly thân mà chưa ra tòa. Việc to việc nhỏ trong gia đình bà, ông này đều hết lòng. Ngay đến vợ chồng bằng thật chưa chắc đã được như thế. Căn nhà và miếng đất bà đang ở bây giờ là do ông ấy lo liệu. Bà chỉ việc đứng tên chứ không phải mất đồng nào.
Người tốt việc tốt thường không có nhiều và kéo dài lâu. Ông cán bộ ngành điện không may bị tai nạn thảm khốc trên đường. Tối hôm đó trời cuối tháng xe cộ chạy nhiều, ông từ thành phố chạy ngược lên thị trấn này bằng xe máy. Đến cua tay áo sát bờ sông bị lóa đèn hay do quán tính, xe chạy tốc độ cao, không làm chủ được tay lái, cả người và xe văng xuống bờ sông, nơi vực thẳng đứng.. Sáng ra người ta phát hiện thì ông này đã chết cỏng từ khi nào không ai biết!
Sau đận ấy người ta thấy bà Lan Béo đi ngược về xuôi với nhiều người. Đàn bà con gái khi còn trẻ son phấn đã đành. Nhưng bà ngoài năm mươi, tô son điểm phấn thì ngộ lắm. Nhất là thứ son phấn rẻ tiền ( có thể do tình hình tài chính đang khó khăn? ).
Dưới gầm trời này, hãn hữu mới có người muốn và có đủ can đảm  sống một mình, ngay cả khi con cái có cả đàn, đã ra ở riêng. Bà Lan cũng vậy.
Người ta xì xào một thời gian, chán rồi cũng thôi. Mà có phải có mình bà đâu? Ngay sát nhà bà cũng có một bà như vậy.
Có lẽ chưa có thời nào người ta hồi xuân kinh khủng như thời bây giờ. Bà gần nhà bà vừa nói đến cũng xấp sỉ tuổi bà, cháu nội cháu ngoại cả đống, vẫn tấp tểnh với đủ hạng đàn ông. Có người còn kém bà đến hơn chục tuổi, vẫn “anh anh em em” ngọt xớt.
Khi bà Lan dẫn được ông cựu đại úy về, bà này cũng đột nhiên có ông ôm quần áo cùng vài trăm triệu đến, rồi ở hẳn ở lại đấy.
Ông này cứ một hai đòi ra chính quyền đăng ký vì cả hai đều chết vợ, chết chồng không còn vướng mắc. Bà “số hưởng”, theo cách nói của dân xóm, xấu hổ hay có ý gì khác, ngại con cái phẫn nộ chẳng hạn, nhất định không chịu nghe.
Giá như mươi năm trước, chắc chắn thế nào người ta cũng hỏi hộ khẩu hộ tịch dù người lạ già hay trẻ. Bây giờ chính quyền việc tồn chất cao như núi, chả ai rỗi hơi hỏi đến những việc vớ vẩn như chuyện này.
Ông mới đến sau ông cựu, không chịu thua người đồng cảnh, chồng hờ của bà Lan. Ông khoe trước từng là đặc công. Gì chứ võ vẽ ông đầy mình. Ông đã từng có chức vụ cao trong ngành an ninh. Ông về nghỉ  một cục theo cái nghị định, nghị điếc gì đấy quy hoạch về bằng cấp trong chiến dịch “Chuẩn hóa” của cơ quan nhà nước.
Riêng chuyện vợ con ông im thin thít, không đả động gì. Nhưng cũng không giấu được lâu. Mắt, miệng thiên hạ tinh lắm và khó quản lý. Cuối cùng người ta cũng hay: Ông và bà vợ cũ vừa ra tòa li dị vì cái tội ông không đàng hoàng với con dâu. Số tiền ông mang đến đây là tiền “cưa đôi” tài sản với bà vợ cũ..
Hàng ngày ông đánh cái xe máy tàu chở cám đi, chở cám về bán cho khách tới tận nhà. Bà chủ tiệm bán tạp hóa kiêm cám lợn từ đó thôi không phải mướn xe ôm.
Ông cựu đại úy không ở lỳ như cái nhà ông thừa tiền mà lại thiếu tình cảm kia. Ông chỉ đi đi về về. Mỗi lần từ tỉnh bắc sang chỉ ở độ đôi ba ngày, sau đấy lại về.
Một bận sang nhà tôi chơi ông ấy bảo: “ Tôi không ở lâu bên này được vì vẫn có việc phải lo. Con cái đã riêng tây cả, tôi vẫn còn cái trang trại, vẫn phải thuê người làm. Mình ở lâu, người ta làm không đến nơi đến chốn, tiền công vẫn phải trả, nên phải về..”
Cả hai ông khách vãng lai này đều không uống rượu, không hút thuốc. Ngay cả nước trà cũng không.
Tôi thì bận nhiều việc, lại nghiện thuốc, nghiện trà chả có chung sở thích gì với các ông. Có ngồi với nhau cũng không có gì để nói. Chuyện chiến trường, chuyện B chuyện C nghe nói nhiều, nói mãi rồi cũng chả còn mấy hứng thú. Chuyện sách vở, viết lách các ông ấy lại không quan tâm. Vậy có chuyện gì để nói với nhau? Chuyện yêu đương trai gái nói vào tầm tuổi này là không được rồi. Hơn nữa, ông nào ông nấy cũng muốn tỏ ra trước người bạn khác giới của mình rằng mình đoan trang, đứng đắn không ưa chuyện gái gú, ướt át. Vậy thì cách tốt nhất, cơm ai nhà ấy ăn, việc ai người ấy lo. “Kính nhi, viễn nhi” cho nó lành!
Tuy nhà đối diện nhau, không xa nhưng có nhẽ hàng tháng nay chả ai đến nhà ai. Có gặp giữa đường cũng chỉ qua loa chiếu lệ.
Thôi thì “nửa quê nửa tỉnh” thế cũng có cái hay, đỡ mất thời giờ!

Dù cố tình tỏ ra không để ý, có một việc làm tôi bất ngờ và sửng sốt. Đó là một buổi sáng như mọi buổi sáng ở thị trấn này. Chỉ có khác ngồi trên chiếc ghế dựa có tựa lưng hình như không phải lão Cựu hàng ngày, mà là một con người khác? Nhác thấy tôi người ấy gọi, giọng lại quen quen:
- Bưu tá vừa đến gọi không thấy cậu. Anh ta đưa cho tôi cái công văn này, nói là khi nào cậu về đưa giúp.
Tôi không thể từ chối, bèn sang bên kia đường gặp lão. Đến gần tôi tá hỏa: Đầu lão trọc lông lốc, nhẵn bóng chả có sợi tóc nào. Nếu có cạo trọc đầu như mốt mới gần đây của một số người thì vẫn phải còn chân tóc chứ. Ai lại nhẵn nhụi như nhổ tóc tận gốc thế kia? Ngay cả mớ tóc lơ thơ hung húc ngày nào giờ cũng biến đâu mất?
Tôi hỏi. Thì ra trước nay lão mang tóc giả. Mà tóc giả làm theo mốt bao giờ chả đẹp hơn tóc bình thường? Tôi vẫn thường khen bộ tóc lượn sóng điệu nghệ của lão, mà lão cứ chỉ cười mỉm, không nói gì cả.
Bây giờ mới vỡ lẽ ra, từ lâu nay thỉnh thoảng lão có đi trị xạ ở viện K. Lần này lão nói người không được khỏe. Đeo thêm bộ tóc giả vào khó chịu, phát ốm lên, đành phải cất đi. Lão nói khi nào khỏe lại, sẽ mang tiếp. Tôi thì tôi nghĩ, lão có đeo hay không, không quan trọng. Tai tóc chỉ là hình thức bề ngoài. Tâm tính, tư cách không giả là được. Suýt nữa tôi buột miệng nói ra điều này. Người ta đang mang bệnh, không có lời an ủi thì thôi, nói ra điều chạm vào chỗ đau của người khác là việc rất, rất không nên!
**
Cái quán bán hàng ăn sáng của bà Lan béo đột nhiên đóng cửa. Cánh cửa kéo hàn bằng sắt sơn xanh của nhà bà móc khóa đến cả tuần nay. Ông Cựu thì cũng lâu không thấy sang.
Người ta đoán bên tỉnh Bắc đã vào mùa thu hoạch vải thiều, ông cựu có thể do bận không sang được. Nếu bà Lan béo không vào miền nam thăm ông bồ cũ có nhẽ bà ấy sang bên tỉnh Bắc cũng nên?
Ông chạy cám của chủ nhà có tiệm tạp hóa cũng đột nhiên biến mất. Hỏi bà chủ nhà chỉ nói: “Không rõ ông ấy đi đâu”. Có người ngờ rằng vào một đêm đã khuya có cái xe bít bùng đỗ trước cửa nhà bà Ninh bán tạp hóa này. Không phải xe chở hàng đến, hàng đi như mọi bận. Xe chở hàng ít ai đến vào những giờ như vậy. Người ta bán hàng ngay thẳng, chính đáng chứ có phải hàng buôn lậu đâu vào lúc đêm hôm như thế. Chỉ có một giả thiết thuyết phục: Sự xuất hiện của chiếc xe bịt kín đó có liên quan đến sự vắng mặt từ hôm ấy của ông chạy cám hàng bà Ninh! Ông ta “được” hay “bị” cái gì đến nay cả tôi và dân của thị trấn này đều chưa biết!
Thị trấn vắng đi hai người đàn ông đáng kể. Những người chẳng giống ai ở đất này. Người ta cũng chỉ xôn xao ít bữa, rồi quên hẳn. Không ai có đủ kiên nhẫn để quan tâm bàn luận mãi về người khác. Nhất là trong thời buổi thông tin loạn cào cào này. Ngay đến hạn hán miền Cao nguyên, ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long, ô nhiễm cá chết hàng loạt ngoài bể, người ta cũng chỉ bàn tán dăm ba bữa. Thì cái chuyện vặt vãnh của hai ông cựu quân nhân kia có đáng gì mà nói?
 Thờ ơ và lãnh đạm không biết từ khi nào đã ăn mòn trí não con người không trừ nơi nào. Ngay cả đến cái thị trấn heo hút này cũng không có ngoại lệ. Cuộc sống thực dụng, áp lực, ham muốn vì đồng tiền có lẽ là thứ dung môi thích hợp cho loại vi rút thờ ơ lãnh đạm sinh sôi nảy nở.
Ông chủ tịch thị trấn rất lấy làm lo ngại về việc này, nhưng chưa biết làm cách nào. Sự sa sút của ông phó cho ông làm ông thêm lúng túng. Biết nói thế nào với trên với dưới lúc này đây?
Một bận tình cờ gặp nhau ở nhà đám ông có “bật mí” với tôi tí ti. Không hiểu hôm ấy do thói quen giữ gìn hay do lo ngại cái gì tôi lại nói với ông: Chuyện vớ vẩn ấy tôi không quan tâm?
Không khéo ông ta sẽ không thích mình vì câu nói này. Mặc kệ, cũng chả tội tình gì, nghĩ như nào là việc của ông ta!
Bà Lan béo đột ngột trở về nhà, trên đầu chít khăn tang. Các cụ thân sinh quy tiên đã lâu, thân nhân quanh thị trấn này có ai mất? Hay ở dưới quê có chú bác họ hàng hang hốc vừa qua đời?
Tôi không phải thắc mắc quá lâu. Ngay chiều hôm ấy bà Lan béo qua nhà báo tin ông Cựu, chồng bà, hàng xóm của tôi vừa mất cách đây mấy ngày. Đó là lý do vì sao nhà bà cửa đóng then cài những ngày vừa qua. Vì quá gấp bà không kịp biến báo cùng ai, nhận được tin vội vã thuê xe sang tỉnh bắc, hy vọng gặp người chồng mới giây phút cuối cùng. Rất tiếc sang đến nơi, người nhà ông ấy đang bàn giờ giấc phát tang. Thi thể chưa nhập quan đã được trang điểm lại theo cung cách văn hóa mới thời bây giờ. Bà thấy người ta đã lại mang cho ông bộ tóc thật đẹp ngày nào, buổi bà gặp và làm quen với ông trên chuyến tàu từ nam ra bắc. Đôi môi ông khép vẻ nghiêm nghị, rất có dáng quân nhân, tuy có thoa chút son hồng. Hai mắt như người say ngủ..
Kể xong vài chi tiết như trên, bà Lan béo mời tôi vào sáng hôm sau sang nhà, cùng với gia đình bà và xóm làng làm lễ báo tang cho ông ấy. Dù sao thì ông cũng là dể của đất này, không thể ra đi âm thầm không ai hay biết. Bà có xin phép gia đình ông ấy bên tỉnh bắc để lập án thờ, lập bài vị vì lý do đường xá xa xôi không sang thường xuyên bên ấy được. Là bà nói vậy. Giả dụ bà có xin phép hay không người nhà ông ấy đâu có biết/ Dù có biết thì cũng không ai nỡ bắt bẻ.
Người ta chết là hết, nhiễu sự thêm để làm gì? Từ nay, sẽ chẳng còn ai được thấy người đàn ông mái tóc lượn sóng, mặc đồ quân nhân ngồi trước cửa quán cháo lòng. Cái ghế nhựa có lưng tựa không để bên gốc cây bàng như mọi khi. Nó đã được mang vào nhà, hay mang tới đâu, không ai biết?

Nước ngoài sông đang cạn, mây trời rối và mỏng, đang trôi.
Nắng và nóng hình như là cái còn lại dài lâu, mãi mãi ở đất này?

===============





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: