Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Nền Du Lịch Kỳ Quái

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư du lịch rất kỳ quái. Trong khi thế giới họ ngày càng thiên về các sản phẩm du lịch gần gũi với thiên nhiên, khám phá, mạo hiểm… thì chúng ta lại đầu tư vào các sản phẩm trọc phú và ăn sẵn, sẵn sàng tàn phá thiên nhiên để phục vụ lợi ích kinh tế, tuy nhiên cái lợi ích kinh tế đó thực ra chỉ phục vụ một nhóm người, không hề mang lại lợi ích lâu bền cho cộng đồng và dân bản địa.
Việt Nam đang dần cáp treo hóa các đỉnh núi, các khu di tích lịch sử, biến những nơi đơn thuần là thiên nhiên thành tổ hợp du lịch “tâm linh”, xây chùa chiền vô tội vạ nhằm tạo nguồn thu từ nhóm du khách “bạ đâu cúng đấy”. Người ta không cần quan tâm tín ngưỡng bản địa là gì, khu rừng đó là nơi sinh sống của các loài động thực vật quý nào. Voọc chà vá, một loài linh trưởng tuyệt đẹp chỉ có ở bán đảo Sơn Trà, đã phải lui sâu vào khu vực khác khi Sun Group xây dựng Intercontinental Đà Nẵng, và sắp tới sẽ không còn chỗ dung thân khi người ta đang tiếp tục phá rừng để xây dựng các công trình “du lịch”.
Con nai vàng ngơ ngác ở Rừng quốc gia Wilpattu, Sri Lanka. Đi xe jeep qua những con đường đất gập ghềnh, nhìn thấy nhiều chim cò và thú (tất nhiên là bản địa), vì họ đang thực sự bảo tồn động vật của đất nước họ.
Con nai vàng ngơ ngác ở Rừng quốc gia Wilpattu, Sri Lanka. Đi xe jeep qua những con đường đất gập ghềnh, nhìn thấy nhiều chim cò và thú (tất nhiên là bản địa), vì họ đang thực sự bảo tồn động vật của đất nước họ.
Chúng ta cứ hô hào “bảo tồn động vật hoang dã”, nhưng ngay loài voọc quý bản địa kia còn không được ai quan tâm bảo vệ, trong khi đó lại hồ hởi nhập thú hoang dã từ một quốc gia khác về, cho vào chuồng, hoặc thả trong một vùng kiểm soát nhất định, rồi tự tiện đặt cho một cái tên mỹ miều: “Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã”. Cách bảo tồn động vật tốt nhất là để chúng sống ở nơi chúng được sinh ra, bảo vệ môi sinh của chúng, đồng thời triệt tiêu mối nguy hại lớn nhất với chúng là xự xâm hại của con người. Nếu làm vườn thú, thì hãy trung thực với mục đích làm tiền trên thân xác động vật, đừng cố gắng tô vẽ cái khuôn mặt đẹp đẽ bằng ngôn từ, vì điều đó chỉ lừa phỉnh được những người mông muội.
NB01
Những bức tượng bê tông vô duyên và không ăn nhập gì với cảnh vùng quê thanh bình xanh mướt ruộng lúa nương khoai ở núi Múa, Ninh Bình
Những bức tượng bê tông vô duyên và không ăn nhập gì với cảnh vùng quê thanh bình xanh mướt ruộng lúa nương khoai ở núi Múa, Ninh Bình
Bên cạnh quá nhiều yếu tố về con người ảnh hưởng trực tiếp tới sức hút du lịch của Việt Nam, người ta ít khi chú ý tới các sản phẩm du lịch lai căng kệch cỡm và kém hấp dẫn của chính các nhà đầu tư lớn. Có thể mục tiêu của họ chỉ hướng tới khách nội địa và khách Tàu, nhưng đó cũng là sự cổ súy cho lối du lịch hời hợt và thiếu nhân văn. Thang máy lên Ngũ Hành Sơn, thang máy lên đỉnh Thác Damb’ri, lâu đài trên đỉnh Bà Nà, cáp treo Fansipan, quần thể tâm linh Fansipan…, các con thú bê tông lấp ló khắp ngóc ngách của hàng ngàn khu du lịch sinh thái, danh lam thắng cảnh rải rác khắp đất nước… chỉ là một số ít những dẫn chứng cho một miếng ghép nhỏ trong bức tranh bô nhếch của du lịch Việt Nam.
Nền du lịch sẽ nhân văn và đẹp nếu thị hiếu du lịch của dân ta nhân văn hơn, khi tri thức và cái tâm của những nhà đầu tư thực sự được khai sáng và cải thiện. Đến một ngày, chẳng ai muốn ngắm nhìn những quanh cảnh đầy bê tông cốt thép, và những con thú xi măng vô hồn không hiểu sao lại ngự ở chốn này…

Không có nhận xét nào: