Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

Làm vợ vua thua làm vợ dân!

HẠ TỬ CHÂN VỢ BA MAO TRẠCH ĐÔNG

Thượng Văn



In bài viết
Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai trong cuộc Vạn lý trường chinh - Ảnh: Hulton Archive
 Hạ Tử Trân sinh vào tháng 8.1909, mất ngày 19.4.1984, có tên thật là Hạ Quế Viên, người Vĩnh Tân (tỉnh Giang Tây), xinh đẹp và can đảm, được mệnh danh là “Vĩnh Tân nhất chi hoa”. Đây là người vợ thứ ba của Mao Trạch Đông. Hạ Tử Trân 10 lần mang thai, sinh 6 người con, sau chỉ còn 1 gái là Lý Mẫn.
Tháng 6.1928, Mao Trạch Đông chỉ huy quân cách mạng đánh xuống Vĩnh Tân, quen biết Hạ Tử Trân và nhanh chóng nên duyên chồng vợ (lúc này người vợ thứ hai của Mao Trạch Đông là Dương Khai Tuệ đang đấu tranh ở Hồ Nam).
Năm ấy Hạ Tử Trân 19 tuổi còn Mao Trạch Đông 38 tuổi. Hạ Tử Trân 10 lần mang thai, sinh 6 người con, sau chỉ còn 1 gái là Lý Mẫn.
Sau này Mao Trạch Đông lấy Giang Thanh cũng sinh 1 gái đặt tên là Lý Nột (Nạp). Hai chữ “Mẫn” và “Nột” là do Mao Trạch Đông đặt theo lời Khổng Tử trong sách Luận ngữ “Quân tử dục nột ư ngôn nhi mẫn ư hành” (người quân tử muốn chậm chạp trong lời nói mà mau lẹ trong việc làm).

Mao Trạch Đông và Hạ Tử Trân
Con gái đầu lòng Mao Kim Hoa
Tháng 3.1929, Hạ Tử Trân sinh con gái đầu lòng là Mao Kim Hoa tại Long Nham (Phúc Kiến), vì hoạt động cách mạng, đề phòng bất trắc nên đổi theo họ mẹ là Dương Nguyệt Hoa.
Lúc này Hồng quân đang hành quân gấp, Quốc dân đảng đang truy lùng nên Mao Kim Hoa mới chào đời được nửa tháng đã phải gửi lại cho một nông dân địa phương nuôi dưỡng.
Hơn 1 năm sau Mao Trạch Đông trở lại tìm thì không ai biết, nghe nói là cô bé đã chết. Nhưng câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Mãi đến những năm 1970 người ta nói có người phụ nữ họ Dương ở Long Nham rất có thể là Mao Kim Hoa.
Anh trai của Hạ Tử Trân là Hà Mẫn Học tìm đến nơi và xác định đúng là cháu ngoại của mình. Nhưng vì nhiều lý do mà mãi đến khi Mao Trạch Đông và Hạ Tử Trân qua đời cũng không gặp được người phụ nữ ấy để xác định có đúng là con mình không.
Năm 1930, Hạ Tử Trân sinh 1 trai nhưng vừa ra đời đã chết. Năm 1932, bà lại sinh 1 con trai khỏe mạnh, đặt tên là Mao Ngạn Hồng, còn gọi là Tiểu Mao Mao.
Mao Trạch Đông rất yêu đứa bé này, thường nói: “Người ta gọi ta là lão Mao, con trai ta là Tiểu Mao Mao, mao (lông) còn nhiều hơn ta, chắc hẳn tiền đồ vượt cả ta”.
Thất lạc người con Mao Ngạn Hồng
Đến năm 1934, cuộc Vạn lý trường chinh của Hồng quân bắt đầu, hàng vạn gia đình cán bộ Hồng quân đều ở lại vùng cánh mạng biên giới Liên Xô-Trung Quốc. Hạ Tử Trân là trưởng ban cơ yếu chính phủ, buộc phải gửi con lại để hành quân, toàn quân có 30 người là nữ.
Mao Trạch Đông lúc này cũng đang bị Trung ương đảng phê phán (không tiếp thu kế sách “Phản sào cộng” của ông, dẫn đến thất bại nặng nề trong trận “sào cộng” lần thứ 5 của Quốc dân đảng), nhưng nhờ em trai của Mao Trạch Đông là Mao Trạch Đàm đang nắm đại quyền về kinh tài khu cách mạng Xô-Trung nên mới được tham gia trường chinh.
Hạ Tử Trân gửi con cho Mao Trạch Đàm rồi ra đi. Để bảo đảm an toàn, Trạch Đàm đem cháu gửi cho một vệ sĩ thân tín của mình, không bao lâu thì ông hy sinh. Do không ai biết người vệ sĩ kia còn sống hay đã chết nên những manh mối về Mao Mao tuyệt hẳn. Tuy vậy, nỗ lực tìm kiếm vẫn tiếp tục.

Năm 1934, cuộc Vạn lý trường chinh của Hồng quân bắt đầu
Đầu những năm 1950, có 1 thiếu niên tên là Hạ Tiểu Thanh (còn gọi là Chu Đạo Lai) có những đặc điểm rất giống Mao Mao. Nhưng sau khi xem ảnh và tài liệu, Mao Trạch Đông nói: “Không giống Tiểu Mao Mao, nhưng đã là thế hệ sau của Hồng quân thì đảng sẽ nuôi dưỡng”.
Bất ngờ là cuối năm 1960, Hạ Tiểu Thanh đang học ở Đại học Nam Kinh thì bị đột tử, nguyên nhân vẫn chưa rõ. Từ đó đến nay không còn nghe nhắc đến việc tìm tung tích “Tiểu Mao Mao” nữa.
Bé gái và 30 đồng bạc trong lều hoang
Khoảng tháng 2-1935, Hồng quân thực hiện cuộc trường chinh đến Qúy Châu, lúc vượt sông Xích Thủy thì Hạ Tử Trân chuyển dạ sinh 1 bé gái.
Lúc này quân địch đang truy kích phía sau rất gắt, các cán bộ cốt cán đành phải quyết định để đứa bé lại trong một lều cỏ của đồng bào dân tộc thuộc địa khu Bạch Miêu (Qúy Châu). Địa điểm ra đời và kết cục của đứa bé này vẫn còn là một nghi án.
Theo hồi ức của nhà cách mạng lão thành Hầu Chính, trưởng ban điều dưỡng cán bộ tham gia Vạn lý trường chinh thì hôm ấy đến sông Bạch Sa, trời mưa, tiếng súng vang rền, bất ngờ Hạ Tử Trân chuyển dạ, xung quanh là đồng không mông quạnh, bỗng đâu tìm thấy một lều hoang bèn đưa vào đấy.
Phu nhân của Chu Ân Lai là Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân của Mao Trạch Dân là Tiền Hy Quân vào trong đỡ đẻ. Hạ Tử Trân chỉ nhìn thấy con 1 lần duy nhất rồi được khiêng đi ngay.
Đổng Tất Võ cùng Hầu Chính dùng vải trắng bọc đứa bé, kẹp vào 30 đồng bạc, viết một mảnh giấy rằng “Hành quân quá gấp, không thể mang hài nhi theo. Đứa bé này xin gửi lại nhờ ông bà nuôi dưỡng làm con, sau này có dịp đáp đền”.
Sau khi giải phóng, khắp vùng Bạch Sa lưu truyền câu chuyện về bà Trương Nhị nuôi dưỡng con Hồng quân. Các cán bộ nghiên cứu lịch sử đảng tìm về đến nơi khảo sát, kết quả đúng là bà Trương Nhị nhận nuôi đứa con thứ bảy của Mao Trạch Đông, đặt tên là Vương Tú Trân, nhưng chỉ 3 tháng sau thì bé bị bệnh độc qua đời.
Như vậy, cho đến lúc này ngoài hai đứa con mất tích, Mao Trạch Đông chưa có đứa con nào bên mình.

Mao Trạch Đông và Lý Mẫn
Con gái Mao Giảo Giảo tại Liên Xô
Mùa đông năm 1936, Hạ Tử Trân sinh hạ một bé gái tại 1 hang động nhỏ thuộc huyện Bảo An, Thiểm Bắc, đặt tên là Mao Giảo Giảo theo ý của Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân của Chu Ân Lai.
Do trong cuộc trường chinh, Hạ Tử Trân nhiều lần bị thương, mảnh đạn găm ở đầu, phổi, lưng thường gây đau đớn nên phải sang Liên Xô trị thương. Tháng 10.1938, Hạ Tử Trân sinh một trai ở Moscow (Liên Xô). Đây là đứa con thứ 9 của Mao Trạch Đông, nhưng chỉ sống được 10 tháng thì bị viêm phổi qua đời.
Để an ủi Hạ Tử Trân, năm 1941 Mao Trạch Đông đồng ý gửi Mao Giảo Giảo sang Moscow ở với mẹ. Tại đây Giảo Giảo được học Trường Thiếu nhi quốc tế Ivanop, được gặp hai người anh cùng cha khác mẹ là Mao Ngạn Anh và Mao Ngạn Thanh (con của Mao Trạch Đông với Dương Khai Tuệ).
Trong trường tuy có lễ đường đặt tượng Mao Trạch Đông và tướng Chu Đức nhưng cả ba đều không biết cha mình là ai, không tin cha mình là lãnh tụ cách mạng Trung Quốc. Đến năm 1947 do liên lạc với đệ tam quốc tế, Hạ Tử Trân bị buộc phải về Trung Quốc. Nhưng lúc này Mao Trạch Đông đã sống chung với Giang Thanh nên Hạ Tử Trân và Giảo Giảo ở tại Cáp Nhĩ Tân thuộc vùng đông bắc Trung Quốc.
Mùa hè năm 1949, em gái của Hạ Tử Trân là Hạ Di đến Cáp Nhĩ Tân thăm và đưa Giảo Giảo về Bắc Kinh.
Lúc này Giảo Giảo vẫn không tin Mao Trạch Đông là cha mình, cô bèn viết một bức thư gửi lên Mao Trạch Đông như sau: “Mao Chủ tịch, mọi người đều nói người là cha đẻ của con, con là con đẻ của người, nhưng tại Liên Xô con chưa từng gặp người, cũng không rõ về chuyện này. Thật ra người có phải là cha ruột của con không? Xin mau gửi thư nói cho con biết”.
Mao Trạch Đông đọc xong cười lớn, vội hồi âm: “Giảo Giảo, nhận được thư con, ta mừng lắm. Con là con gái ruột của ta, ta là cha đẻ của con. Bây giờ chắc con lớn lắm rồi nhỉ, ta rất nhớ con và mong con về bên ta”.

Lý Mẫn (giữa) hiện tại, người con còn lại duy nhất của Mao Trạch Đông và Hạ Tử Trân
Đổi tên Mao Giảo Giảo thành Lý Mẫn
Đến khi cha con gặp nhau, Mao Trạch Đông chính thức đổi tên Giảo Giảo là Lý Mẫn (do năm 1937 Tưởng Giới Thạch tấn công Diên An, Mao Trạch Đông cùng đảng Cộng sản phải rút lên Thiểm Tây, lấy bí danh là Lý Đắc Thắng).
Mao Trạch Đông tuy rất nghiêm trong việc dạy con cái nhưng về hôn sự thì chủ trương tự do. Khi lên đại học, Lý Mẫn quen với bạn học thời tiểu học là Khổng Lệnh Hoa, muốn tiến tới hôn nhân. Mao Trạch Đông chỉ hỏi cha của bạn trai tên gì, làm gì, Lý Mẫn ấp úng liền bị mắng: “Con kết hôn mà không biết cha người ấy là ai thì không được”.
Lý Mẫn vội tìm Khổng Lệnh Hoa hỏi rõ, biết cha Lệnh Hoa là Khổng Tùng Châu là phó tư lệnh pháo binh quân giải phóng, Mao Trạch Đông gật đầu.
Ngày 28.8.1959, Lý Mẫn kết hôn với Khổng Lệnh Hoa, năm 1962 sinh con trai là Khổng Kế Ninh, năm 1972 sinh con gái là Khổng Đông Mai, cả hai sau này đều theo đường kinh doanh.
Lý Mẫn nay vẫn còn khỏe, năm 2006 bà sang Triều Tiên làm lễ tưởng niệm người anh Mao Ngạn Anh tử trận ở đây.
Riêng về Hạ Tử Trân, sau khi nước Trung Hoa mới thành lập năm 1949, do bị Giang Thanh cản trở nên không được về Bắc Kinh, phải về công tác tại Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hàng Châu (Triết Giang), sau về Thượng Hải dưỡng bệnh.
Năm 1950, Hạ Tử Trân được xác nhận là thương binh tàn tật loại 3A, nhưng đến cuối đời vẫn không nhận được một đồng trợ cấp, cũng không gặp Mao Trạch Đông. Chỉ có Lý Mẫn làm cầu nối giữa hai người.
Năm 1984, Hạ Tử Trân qua đời tại Thượng Hải, thọ 75 tuổi.
Thượng Văn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: