Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Duterte "bỏ Mỹ thân Trung" như đã nói?


Thi Anh 
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Duterte "bỏ Mỹ thân Trung" như đã nói?
(Ảnh minh họa)

Thăm Trung Quốc, Duterte đã đưa ra hàng loạt phát ngôn khiến đồng minh Mỹ hoang mang và nếu tất cả thành sự thật thì...

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố "chia tay" Mỹ trong chuyến thăm cấp nhà nước tại Trung Quốc vào 20/10.
Phát biểu tại Bắc Kinh, ông Duterte nói: "Có thể tôi sẽ tới Nga để trao đổi với Tổng thống Putin và nói với ông ấy rằng 3 nước chúng ta - Trung Quốc, Philippines và Nga - sẽ sát cánh đương đầu với thế giới. Đó là cách duy nhất".
Ngay sau đó, các chính trị gia Philippines đã ra thông cáo xác nhận Philippines không quay lưng với phương Tây và nói thêm rằng việc thắt chặt quan hệ với châu Á là kế hoạch đã chậm trễ từ lâu.
Tuy nhiên, trong trường hợp Mỹ và Philippines chấm dứt mối quan hệ lịch sử của mình, thì theo CNBC, bối cảnh địa chính trị châu Á và nền kinh tế Philippines có thể sẽ phải trải qua những thay đổi sâu sắc.
"Chia tay" thì sao?
"Cắt đứt quan hệ với Mỹ không có nghĩa là chấm dứt tất cả các mối quan hệ. Đơn giản chỉ là những mối quan hệ đặc biệt, không công bằng kết thúc", Ramon Casiple, giám đốc điều hành Viện Cải cách Bầu cử và Chính trị đặt tại thành phố Quezon, Philippines nhận định.
Quy trình xin thị thực là một ví dụ. "Người Mỹ có thể nhập cảnh Philippines bất cứ lúc nào mà không cần visa. Vì sao ư? Sao chúng ta không biến nó thành cơ chế hai chiều nhỉ?", ông Duterte nói trong bài phát biểu tại Bắc Kinh.
Như vậy, yêu cầu nhập cảnh ngặt nghèo hơn đối với người Mỹ có thể được cân nhắc, ông Casiple đánh giá.
Theo ông Casiple, có thể sẽ có những biện pháp khác bao gồm: Thay đổi trong việc tiếp cận nguồn tài nguyên, các khoản khấu trừ đặc biệt và các mức thuế quan ưu tiên đối với những ngành công nghiệp mà người Mỹ đang kiểm soát. Thậm chí, những quy định liên quan tới việc giam giữ những quân nhân Mỹ bị truy tố hình sự cũng có thể sẽ khác.
Ngoài ra, quyết định của ông Duterte có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở Đông Nam Á.
Theo nhà nghiên cứu Joseph Franco tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), giờ đây, nếu Washington không coi Manila là đồng minh "trước sau như một" tại Đông Nam Á thì Bắc Kinh sẽ có cơ bành trướng tầm ảnh hưởng, khiến khu vực vốn đang mắc kẹt trong cuộc tranh chấp biển Đông thêm phần căng thẳng.
"Hãy chờ xem, Indonesia sẽ tăng cường hiện diện tại quần đảo Natuna (nơi tàu hải cảnh và tàu cá hai nước thường xuyên đụng độ) hoặc Malaysia sẽ đẩy mạnh tuần tra các khu vực mà nước này yêu sách".
Philippines thu lợi từ Mỹ quá nhiều, Duterte chỉ làm màu?
"Một phần, tôi vẫn nghĩ rằng tất cả chuyện này chỉ là để làm màu. Sau cuộc bầu cử Mỹ, anh có thể sẽ thấy Chính quyền Duterte quay trở lại với Washington. Duterte và tâm phúc của ông ta còn xa mới trở thành những kỳ thủ cao cờ như họ vẫn tưởng. Họ chỉ đang gây xáo trộn", Joseph Franco nhận định.
Tính đến thời điểm này, giới phân tích vẫn cho rằng: Xét về mức độ chiến lược trong quan hệ đồng minh với Mỹ, chuyện Philippines "chia tay" dù ở dạng thức nào, nhiều khả năng sẽ không xảy ra.
"Các công ty Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào công nghiệp điện năng. Số kiều hối từ Mỹ là rất lớn. Ngoài ra lượng công việc "thuê ngoài quy trình kinh doanh - BPO" (outsourcing) của các công ty Mỹ tại Philippines cũng rất lớn", Trinh Nguyen, nhà kinh tế học làm việc cho ngân hàng Pháp Natixis nhận định.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Duterte bỏ Mỹ thân Trung như đã nói? - Ảnh 1.
BPO đang là những cột trụ chính cho nền kinh tế Philippines.
Dòng tiền kiều hối và dịch vụ BPO đang là những cột trụ chính cho nền kinh tế Philippines, đóng góp lần lượt là 10% và 6% vào GDP hàng năm.
Cụ thể, ngành công nghiệp BPO là nguồn thu lớn thứ hai cho người Philippines, tạo ra 1,2 triệu việc làm và thu về 22 tỉ USD trong năm 2015. Ước tính, 77% đến từ các công ty Mỹ.
Trong khi đó, nguồn kiều hối từ Mỹ chiếm tới 35%, ở mức mà Gary C. Alejano, nghị sĩ Philippines cho rằng "Trung Quốc không thể xứng nổi".
Vì thế, nếu ông Duterte chấm dứt mối quan hệ kinh tế với Mỹ như ông nói thì quyết định này sẽ ảnh hưởng rất nặng nề tới nền kinh tế trong nước trên phương diện thương mại và phong trào lao động.
Mỹ vẫn chưa nhận được thông báo chính thức cắt quan hệ từ phía Philippines nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này rất "hoang mang" trước các phát ngôn của ông Duterte. 
Các quan chức trong Chính phủ Philippines thì khẳng định Duterte chỉ muốn nhấn mạnh tới chuyện "chấm dứt sự phụ thuộc" vào Mỹ. Dù vậy, vẫn chưa rõ ông Duterte liệu có hành động như những gì mình đã nói hay không.
"Chúng ta hãy cùng chờ xem những phát ngôn của ông ấy là nhằm kết thêm bạn mới hay tách khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ. Ta đừng vội kết luận", Nguyen nhấn mạnh. 
theo Trí Thức Trẻ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: