Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

“NGU GÌ MÀ KHÔNG NÓI PHÉT!”



Mấy hôm nay nghe những thông tin từ Bộ Giáo dục qua phát ngôn của ngài Bộ trưởng mà tôi thấy ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì Bộ trưởng bảo, chỉ trong vòng 4 năm nữa (tới 2020) sẽ biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai cho con cháu các vua Hùng; rồi đưa tiếng Trung và tiếng Nga, rồi tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Nhật thành ngoại ngữ thứ nhất, thứ 2, thứ 3, thứ 4, …; rồi người Việt Nam ta phải giỏi ít nhất từ 3 đến 6 thứ tiếng để tham gia chém gió với các bè bạn năm châu, …
Không biết ngài Bộ trưởng dựa vào đâu để đưa ra những viễn cảnh huy hoàng như thế?
Ngài có biết, con dân Việt Nam sau khi cắp sách tới trường 5, 6 năm vẫn có những đứa trẻ không đọc, viết được tiếng mẹ đẻ trừ cái tên riêng của mình?
Ngài có biết, tuyệt đại đa số học sinh Việt Nam sau khi học tiếng Anh 7 năm ở trường Phổ thông vẫn chỉ có khả năng dừng ở mức “vẽ chữ” (kết quả môn tiếng Anh trong kỳ thi gần nhất đã chứng tỏ điều đó)?
Ngài có biết, sau khi học 7 năm, học thêm 4 năm trong các trường chuyên ngoại ngữ, tuyệt đại đa số sinh viên tốt nghiệp vẫn trong tình trạng “vừa câm vừa điếc”?
Ngài có biết, ngay trên địa bàn Hà Nội, trung tâm mọi thứ của cả nước vẫn còn không ít học sinh hàng ngày đang phải theo học một thứ “tiếng Anh” chỉ có ở Việt Nam?
Chắc khi nói ra những lời có cánh ấy, Ngài Bộ trưởng cũng đã xác định đây chỉ là những lời chém gió mua vui và mua những cái khác, chứ làm sao trong 4 năm để có được đội ngũ giáo viên tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Pháp, … đông đảo và giỏi giang để thực hiện những điều ấy.
Dân gian Việt Nam có câu “một tấc đến giời” để chỉ tật “ba hoa khoác lác”. Tật nói phét (nói khoác) chẳng phải mới mẻ gì, nó có từ rất lâu rồi. Tác giả của những lời “Một tấc đến giời” xưa thường thuộc loại ít học nên lời nói thường bất chấp sự thật khách quan (vì cái sự thật, cái quy luật thông thường của đời sống anh ta đâu có hiểu!) Nhưng họ có nói chắc chỉ có hai mục đích hoặc mua vui hoặc tự đề cao, tự khoe bản thân mình. Những lời của anh nói phét nói chung không làm hại đến ai (nghe anh nói phét người ta biết ngay vì nó quá ư vô lý, khác xa với sự thật, chẳng ai tin). Thậm chí, thỉnh thoảng nghe một anh “phét lác” (chắc kết hợp 2 từ “nói phét” và “khoác lác”), người xung quanh cũng có được những phút thư giãn, những tiếng cười sảng khoái, tạm quên đi những lo lắng vất vả đời thường. Có chê trách, người ta cũng chỉ nói “chẳng ai đánh thuế anh nói phét” để phủ nhận những lời ba hoa “một tấc đến giời” ấy.
Nhưng sau tôi mới hiểu, nói phét xưa chỉ mong người ta không đánh thuế, chứ không mong lợi lộc vật chất gì, còn nói phét thời nay (cái thời mà có vị Giáo sư Tiến sĩ gọi là “rực rỡ nhất”, cũng có một vị Giáo sư Tiến sĩ khác gọi là “thối nát nhất” trong lịch sử, cả hai đều không nói lịch sử dân tộc hay lịch sử loài người) thì ra tiền. Mà nói thế chưa đủ, phải nói rằng “ra rất nhiều tiền”. Lời nói phét nào cũng đưa đến một Dự án, Dự án nào cũng cỡ chục nghìn tỷ (nó tương đương với tiền thuế hàng trăm năm của nông dân nước ta). Nhờ những lời nói “có cánh” này, ngài Bộ trưởng cùng các nhóm lợi ích liên quan tha hồ sống cuộc sống phè phỡn, mua sắm biệt thự, nhà đất, thêm vốn đầu tư vào những chiếc “ghế” cao hơn, thả sức đưa vốn và mua quốc tịch nước ngoài sẵn sàng tháo chạy khi nguy cấp.
Thế thì nói theo cách của một đại gia gần đây “ngu gì mà không nói phét”!
( Ông Giáo làng)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: