Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

“Nếu hải sản an toàn cũng không còn để đánh bắt”



Phan Phương - Hữu Anh
(Dân Việt) "Nếu bây giờ cơ quan chức năng nói các loại hải sản tầng đáy đã an toàn, chúng tôi cũng không còn để mà đánh bắt. Chúng tôi nghĩ, biển chỉ an toàn khi cá tôm trở lại…”, một thợ lặn nói.

Chiều 20.9, trao đổi với phóng viên NTNN/Dân Việt về thông tin một số loại hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 13,3 hải lý chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm, ngư dân Lê Hiền ở xã Quang Phú (Đồng Hới, Quảng Bình), một thợ lặn đánh bắt hải sản tầng đáy ở khu vực rạn san hô ven biển Nhật Lệ, cho biết:

Từ khi sự cố môi trường biển được công bố, anh và bạn thuyền đã nhiều lần trở lại nghề lặn biển ở khu vực rạn san hô ven biển Nhật Lệ. Nếu như trước đây mỗi ngày anh kiếm được tiền triệu thì nay hầu như vùng biển này vắng bóng các loại hải sản tầng đáy và nhiều lần anh và bạn thuyền phải đưa thuyền về không. “Nếu bây giờ cơ quan chức năng nói các loại hải sản tầng đáy đã an toàn, chúng tôi cũng không còn để mà đánh bắt. Chúng tôi nghĩ, biển chỉ an toàn khi cá tôm trở lại…”.

Trong khi đó, theo Sở NNPTNT Quảng Bình, khi xảy ra sự cố môi trường biển, các cơ quan chức năng ở Quảng Bình đã yêu cầu ngư dân không đánh bắt ở vùng biển cách bờ 20 hải lý. Tuy nhiên gần đây, ngư dân chuyên đánh bắt gần bờ ở nhiều địa phương đã ra khơi trở lại. “Ngư dân ra khơi để trang trải cuộc sống, vì vậy dù chính quyền địa phương, cơ quan chức năng biết là vi phạm “lệnh cấm” nhưng cũng đành làm ngơ…” – ông Ngô Văn Thủy - Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) chia sẻ.

Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân, lượng hải sản ở các vùng biển gần đã không còn dồi dào như trước mà trở nên khan hiếm, cạn kiệt. “Trước đây mỗi thuyền 2 lao động, mỗi đêm cũng kiếm được hàng tạ, có đêm trúng còn được cả tấn hải sản, nhưng hiện nay nhiều đêm chỉ được lèo tèo vài con cá, đặc biệt là cá tầng đáy hầu như không còn” – ngư dân Trần Văn Liệu (Ngư Thủy Bắc) nói.

Còn tại Hà Tĩnh, anh Chu Văn Thanh ở thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh cho biết: “Ngư dân ở thôn này chủ yếu là dùng thuyền nhỏ đi câu mực và bắt cua ghẹ từ 10 hải lý trở vào. Nay Bộ Y tế công bố các loại hải sản ở tầng đáy chưa an toàn, ngư dân ở đây sẽ rất khó khăn. Rất mong nhà nước sớm hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi tàu nhỏ lên tàu thuyền lớn ra khơi”.  

Một cán bộ xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh thông tin: “Cả xã có trên 10.000 dân nhưng có tới 1.500 tàu thuyền, chủ yếu là tàu công suất nhỏ đánh bắt gần bờ. Nay Bộ Y tế lấy mẫu xét nghiệm và cho thấy các loại hải sản tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý trở vào chưa bảo đảm an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Như vậy ngư dân Kỳ Lợi tới đây vẫn chưa biết làm gì để kiếm sống”.

Ông Thái Hoàng Dương-Phó Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Tĩnh cho biết, trước mắt Chi cục sẽ tuyên truyền để ngư dân hiểu không khai thác hải sản tầng đáy trong vòng từ 13,5 hải lý trở vào. Đồng thời chờ chỉ đạo của tỉnh về hướng giám sát việc khai thác hải sản ở vùng gần bờ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: