Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Hồi ký Lê Phú Khải – Bản đầy đủ (kỳ 18)


Lời Ai Điếu
Lời Ai Điếu
Sau phim đầu tay “Con rắn hổ mang” khá thành công, tôi viết kịch bản phim tài liệu “Nghề nuôi cá ở nước ta”. Lúc đó, đang có phong trào “Ao cá Bác Hồ” rất rầm rộ. Nghề nuôi cá phát triển mạnh sau khi những loài cá mới ở miền Nam như cá rô phi được chuyển cá giống ra Bắc, cá bột mè giống được chuyển vô Nam bằng máy bay vận tải DC. Tôi đã được Bộ Thủy sản mời đi những chuyến chuyển cá giống vào Nam ra Bắc bằng những chuyến bay như thế. Máy bay cánh quạt DC bay 4 giờ đồng hồ từ Gia Lâm mới vô đến Tân Sơn Nhất. Rất vất vả vì phải ngồi chung với những bao ni long bơm ôxy chở cá giống, ướt át, tanh tưởi. Để thực hiện được phim tài liệu 20 phút này, chúng tôi phải quay được các hình thức nuôi cá. Từ cách nuôi cá hồ chứa ở miền núi phía Bắc, nuôi trong ao hồ ở các hợp tác xã đồng bằng Bắc Bộ và cả hình ảnh nuôi cá bè ở Châu Đốc-An Giang v.v… Khi phát sóng, lần đầu tiên khán già miền Bắc được thấy hình ảnh nuôi cá bè ở miền Nam trên sông Hậu rất hấp dẫn. Minh Đại, phóng viên quay phim của ê kíp chúng tôi đã reo lên khi anh quay cận cảnh hàng trăm con cá nhao lên đớp mồi khi các chủ bè cá cho chúng ăn… Cũng trong chuyến đi này, chúng tôi được sang thăm cù lao Mỹ Hòa Hưng, quê hương Bác Tôn và quay được những thước phim tư liệu giá trị. Khi Bác Tôn qua đời, Đài truyền hình trung ương có ngay được những thước phim về quê hương của ông do chúng tôi cung cấp để phát sóng vào chương trình thời sự ngày đưa tiễn bác.
Khi phát sóng phim “Nghề nuôi cá ở nước ta”, có một chuyện đáng nhớ với một người làm báo như tôi. Và, có lẽ cả cho các đồng nghiệp của tôi nữa. Đó là, trước giờ phát sóng chừng vài tiếng, bỗng Tổng biên tập Đài là anh Lý Văn Sáu kêu tôi lên hỏi: con cá tra viết “ch” hay “tr”? Tôi hoảng quá, vì lúc đi làm phim, lúc viết kịch bản tôi không để ý đến chi tiết “nhỏ” này! Lần đầu tiên đồng bào miền Bắc biết đến con cá tra ở Nam Bộ. Phát âm “cá tra” như thế nào? (ch hay tr không ai biết cả). Kể cả Tổng biên tập Lý Văn Sáu người Nghệ Tĩnh cũng không biết. Anh Sáu là một nhà báo dày dạn kinh nghiệm, từng đi học báo chí bài bản ở Liên Xô. Anh thông thạo nhiều ngoại ngữ, nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha. Nghe nói khi anh là phát ngôn viên cho đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ở hội nghị Paris, khi họp báo anh nói rất mạch lạc, từ tốn, dễ nghe, dễ hiểu những vấn đề phức tạp nhất nên các nhà báo phương Tây rất thích. Anh bảo tôi: phài xác minh được từ “tra” có uốn lưỡi hay không uốn lưỡi để phát thanh viên phát âm cho chuẩn. Anh còn nhấn mạnh: cậu nhớ Đài ta là Đài Truyền hình trung ương cơ mà. Trung ương phải làm gương cho các Đài địa phương phát ầm cho đúng từ nghữ tiếng Việt. Tôi xin phép anh Sáu 1 giờ để đi xác minh từ “cá tra”. Anh Sáu lại nói: nếu 1 giờ cậu không trả lời được, tôi sẽ cho thay chương trình khác. Nghe vậy tôi lo cuống cuồng vì đã trót khoe khoang và báo cho nhiều người biết giờ phát sóng chương trình, kể cả báo cho thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Tấn Trịnh biết để xem, vậy mà chương trình bị cắt thì… còn mặt mũi nào! Tôi chạy bang qua ruộng rau muống rất rộng để đi tắt sang Bộ Thủy sản ở ngay khu Giảng Võ, sau lưng Đài Truyền hình. Nếu đi cổng chính thì xa hàng cây số vì “gần nhà xa ngõ”. Nhớ lại, lúc đó tôi quần áo lấm lem đứng bên hàng rào gọi vọng vô tên anh Ánh, vụ trưởng vụ nuôi cá của Bộ. Phòng anh Ánh ở ngay cạnh hàng rào nên anh ra ngay. Anh mời tôi trèo qua hàng rào vô nhà anh uống trà. Thường ngày thì tôi hưởng ứng ngay nhưng  hôm nay tôi không còn bụng dạ nào để trà lá nữa. Tôi chỉ hỏi anh về các viết từ “cá tra” dùng “ch” hay “tr”. Anh cười và bảo: có thế mà cũng phải hỏi, viết “tr” nhà báo ạ. Nghe xong tôi mừng rơn, không kịp chào anh, cứ thế cắm đầu chạy về Đài (chắc là anh Ánh lúc đó cứ tưởng tôi bị lên cơn thần kinh!) Vẫn quần áo lấm lem vì bùn, tôi lên gặp ông Sáu để báo cáo cách phát âm cho con cá là “tr”. Ông Sáu nhìn tôi cười tươi!
Khỏi phải bình luận nhiều. Người làm báo phải có tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng dân tộc trong sự “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Đó là câu chuyện của “ngôn từ” như nhà báo Phan Quang đã viết. Các nhà báo thế hệ trước tôi, các anh đã nêu một tấm gương sáng về sự nghiêm túc của nghề cầm bút. Tôi không “thù” gì anh Sáu cả, trái lại mỗi lần đi qua một hồ nuôi cá tra, được xem là mặt hàng thủy sản xuát khẩu quan trọng sau lúa gạo ở Nam Bộ ngày nay, tôi lại bất giác nhớ đến Tổng biên tập Lý Văn Sáu (giờ này ông đang ở đâu?)
Sau phim tài liệu nghề nuôi cá, tôi viết kịch bản “Cây hồi Lạng Sơn”. Với truyền hình – hình ảnh động – thì làm phim về động vật dễ hơn làm phim về thế giới thực vật (vì khó tạo nên hình ảnh sinh động như con rắn hổ mang múa, con cá quẫy từng đàn). Vì thế, kịch bản phải chuẩn bị kỹ về nội dung khoa học và cảnh quay phải đa dạng phong phú. Chúng tôi phải thuê xe com-măng-ca của Đoàn 12 để đi dài ngày. Để quay được toàn cảnh rừng hồi Lạng Sơn, trời rét như cắt ruột, chúng tôi phải vác máy leo lên tận đỉnh của những quả núi cao. Khi bắt đầu leo núi thì rét run, nhưng khi leo lên đến đỉnh thì phải cởi bớt quần áo ấm vì mồ hôi vã ra như tắm. Nhưng ngồi đợi suốt cả ngày vẫn không quay được thước phim nào vì trời âm u không đủ sáng. Quay phim nhựa là như thế. Cứ thế, mấy ngày trời leo núi mới quay được một cảnh vài giây. Vì vậy khi đi đường số 4 sang Cao Bằng để phỏng vấn ghi hình lãnh đạo tỉnh Cao lạng về chương trình phát triển rừng hồi thì đồng chí chủ tịch tỉnh nói ngay: mấy ngày các anh leo lên núi quay phim, bộ đội biên phòng đều theo dõi và báo cáo chúng tôi, biết các anh vất vả lắm!
Xin mở ngoặc nói thêm, khi hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng sát nhập thành tỉnh Cao lạng theo ý đồ của tổng bí thư Lê Duẩn thì dân tình khốn khổ vô cùng. Thủ phủ của tỉnh mới Cao Lạng đóng ở Cao Bằng nên người dân muốn xin giấy tờ phải đi đường núi số 4 cheo leo vực sâu, vách đá từ Lạng Sơn sang Cao bằng và phải ngủ lại vì không thể về ngay trong ngày. Thằng thực dân Pháp đểu cáng là thế, nhưng chúng có khoa học cai trị. Các tỉnh lỵ trên toàn cõi Đông Dương chỉ cách nhau 60 km. Người dân ở nơi giáp ranh có đi xin giấy tờ cũng chỉ phải đi 30 km là cùng và có thể về ngay trong ngày. Cả nước Việt Nam chúng ta, dưới thời thực dân Pháp, chỉ có 2 tỉnh lỵ là Mỹ Tho và Bến Tre là cách nhau hơn 10 km vì cách con sông Tiền rộng lớn. Nay có cầu Rạch Miễu rồi thì 2 trung tâm Mỹ Tho và Bến Tre chỉ nửa tiếng xe máy là có thể gặp nhau. Về phương diện địa lý, thổ nhưỡng, tập quán canh tác… người Tây khi lập tỉnh họ cũng tính kỹ. Tỉnh Gò Công là vùng nhiễm mặn, tỉnh Mỹ Tho là vùng nước ngọt. Hệ canh tác của 2 vùng này khác nhau. Khi vô cớ sáp nhập 2 tỉnh này thành tỉnh Tiền Giang thì mỗi lần tỉnh họp để chỉ đạo canh tác, cán bộ Mỹ Tho cũ phải nghe cả phần chỉ đạo về vùng mặn Gò Công. Cuối cùng phải triệu tập 2 cuộc họp khác nhau để chỉ đạo hai vùng mặn-ngọt khác nhau…
Có xe hơi mà chúng tôi đi từ Lạng Sơn sang Cao Bằng để gặp lãnh đạo Cao Lạng phải toát mồ hôi hột thì nhân dân, cán bộ trong tỉnh miền núi này đi lại vất vả biết nhường nào. Chỉ sau một giấc ngủ, các nhà lãnh đạo trong thể chế toàn trị độc tài hứng chí lên là có thể sáp nhập các tỉnh trong cả nước một cách vô lối và điên rồ như thế. Sau đó thấy tai hại quá lại chi tỉnh về như cũ, như thời Tây đã làm. Tốn kém nhân dân chịu!
Về chuyện đi từ Lạng Sơn sang Cao Bằng, ba anh em trong ê kíp làm phim chúng tôi đã quyết định đi từ sớm, nhưng cậu lái xe của đoàn 12 mà chúng tôi đã thuê lại bảo để đến tối mới đi. Trời đất thiên địa ơi, đi cả trăm cây số đường núi vòng vèo cheo leo vách đá vực sâu mà ban ngày ban mặt lại không đi, phải đợi đến tối mới đi thì ra làm sao? Chúng tôi vặn hỏi cậu lái xe, cậu ta bảo: các anh là nhà báo thì biết gì, lái xe là việc của em để em lo, khi nào đi thì em sẽ nói. Giục mãi, xế chiều cậu ta mới cho xe lăn bánh. Đi được vài chục cây số thì một chiếc xe tải chở gỗ lao ầm ầm vào chúng tôi khiến xe phải nép sát vào vách đá. Tài xế cho xe đỗ lại và chờ đến tối mịt mới đi. Cậu ta giải thích cho lũ chúng tôi – “các nhà báo thì biết gì” – rằng: ở trên này, các lái xe người dânh tộc đi chở gỗ cho lâm trường, uống rượu xong rồi lên ca bin cầm vô lăng chạy như bay. Xe của họ chở gỗ nặng lấn đường của xe con, hất xe bọn chúng em xuống vực là chuyện thường. Tai nạn xảy ra thường xuyên, bị hất xuống vực là chuyện cơm bữa. Người miền xuôi không ai chịu lên lái xe ở đây cả, nên lâm trường vẫn phải mượn người dân tộc lái vì thế cánh lái xe con chúng em phải đợi ban đêm mới dám đi đường này, khi các xe tải lâm trường nghỉ hết đã mới dám đi. Thì ra là vậy.
Xe chúng tôi bật đèn sáng quắc, dò dẫm đi trên con đường quanh co vòng vèo, có chỗ vừa đi qua lại như vòng lại chỗ cũ vì đường phải men theo các triền núi. Từ ánh đèn của xe, trong đêm tối chúng tôi nhìn thấy nhiều biển chỉ dẫn có dấu chấm than(!), cậu tài xế giải thích đó là những chỗ rất nguy hiểm. Đá từ trên núi có thể lăn xuống bất kỳ lúc nào. Khi xe vào một hang đá, cậu lái xe nhá còi thì một tiếng vang như sét đánh ngang tai làm chúng tôi giật bắn. Cậu ta cười rồi nói, đó là tiếng dội lại của vách đá. Có điều lạ là, tiếng vọng ấy vang lên đủ ba lần mới tôi. Cậu lại cho biết, chỉ có núi đá ở đây mới có tiếng vọng ba lần như thế.
Đi suốt đêm, gần sáng chúng tôi mới đến được thị xã Cao bằng còn đầm đìa trong sương đêm. Chúng tôi phải ngủ gục trên xe chờ đến giờ hành chính mới vào trong Ủy ban nhân dân tỉnh xin làm việc. Chánh văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh tiếp chúng tôi rất niềm nở. Tôi nhìn thấy trên bàn của ông có tờ tạp chí “Thời mới” của Liên Xô bằng tiếng Pháp. Tôi cầm lên khen: đồng chí chánh văn phòng đọc được “Temps Nouveaux” thì giỏi quá rồi. Ông kể với tôi, xưa kia nhà cũng khá giả nên được gia đình cho về Hà Nội học trường Bưởi cạnh Hồ Tây. Tôi nói: vậy là đồng chí cũng học một trường với bố tôi rồi. Chúng tôi trở nên thân mật và chính ông đã bố trí lịch để chúng tôi được gặp, ghi hình, cảnh (dựng lại) Ban thường vụ tỉnh ủy Cao Lạng họp để bàn về việc duy trì và phát triển rừng hồi ở Lạng Sơn. Cũng chính ông là người đã lục lại văn bản từ thời Pháp về quyết định trồng cây hồi ở Lạng Sơn để chúng tôi ghi hình. Nếu hình ảnh con hổ mang bành cổ múa điệu nghê thường với cô y tá mặc blu trắng, đàn cá basa hàng trăm con lao lên đớp mồi ở bè cá Châu Đốc … làm nên sự sinh động hấp dẫn cho phim truyền hình thì những văn bản được giới thiệu trên màn ảnh nhỏ về cây hồi Lạng Sơn tăng thêm chất lượng thông tin cho phim tài liệu mà chúng tôi làm.
Trước khi về, tôi thấy cậu lái xe Đoàn 12 vay được 100 lít xăng của văn  phòng ủy ban tỉnh Cao Lạng một cách ngon ơi. Tôi hỏi cậu ta: xa xôi thế này biết đến bao giờ Đoàn 12 các cậu trả được xăng cho người ta? Cậu giải thích: cán bộ các tỉnh miền núi về Hà Nội họp phải chở theo xăng trên xe, có lần do đường xóc, phi xăng đã nổ tung, gây tai nạn chết người. Vì thế họ đã nghĩ ra cách khi về Hà Nội thì vay xăng của chúng tôi để đi, khi nào chúng tôi chở khách thuê lên làm việc ở trên này thì họ trả lại. Lợi cả đôi đường nên đã thành lệ như thế lâu rồi. Cậu còn phán: “Các anh nhà báo thì biết gì” mà hỏi về chuyện xăng dầu!
Kết thúc công việc, cậu lái xe về Hà Nội bằng đường Thái Nguyên cho gần hơn. Chúng tôi mừng rơn vì không phải quay lại đường 4, phải đi đêm. Nhưng có một sự việc làm chúng tôi nhớ đời: vừa rời thị xã Cao bằng được chục cây số thì thấy một cảnh rợn người. Một chiếc xe tải bị lật xuống ruộng, bốn bánh chổng lên trời. Tài xế và lơ xe mặt mày dính đầy dầu mỡ chỉ còn thấy 2 con mắt. Họ ngồi bên chiếc xe bị lật ngược như 2 pho tượng. Chúng tôi xuống xe và hỏi thăm nhưng không ai trả lời, rồi một người chỉ tay ra mé bờ ruộng. Tôi thất kinh thấy bốn cái xác chết xếp liền nhau. Mặt các nạn nhân được úp cái nón lên. Tôi lần lượt nhấc nón lên thì được biết ba người phụ nữ, một đàn ông, Mặt mũi họ đều lành lặn không chút xây xước. Cả đoàn quay phim chúng tôi đứng cúi đầu 1 phút mặc niệm họ, sau đó tôi bảo Minh Đại quay toàn cảnh tai nạn này để làm tư liệu. Người tài xế thấy chúng tôi có thiện ý như  vậy nên bây giờ anh mới kể: một chiếc xe tải chở gỗ chạy ngược chiều, lấn đường lao rất nhanh về phía xe chúng tôi. Vì vội tránh dạt sang bên, nên bánh xe lọt khỏi mặt đường, xe lật ngược … Bốn người dân tộc đi nhờ xe họ ngồi trên các bao xi măng chất đầy thùng xe ở phía sau. Khi xe lật, cả bốn người bị xi măng đè lên. Lúc đó, tài xế và lơ xe bị choáng ngất đi ít lâu. Khi tỉnh lại cả hai vác xi măng ra để cứu họ như vì va đập mạnh và ngộp thở lâu nên đã tắt thở hết. Tôi hỏi: “Cái xe gây tai nạn đâu rồi?” Người tài xế không nhìn rõ mặt chỉ thấy 2 con mắt than phiền: tài xế gây tai nạn bỏ chạy rồi! Họ đã nhờ người đi đường chạy xe về phía thị xã Cao Bằng báo công an đến làm biên bản nhưng công an chưa tới (!) Tới lúc này thì chúng tôi tin tưởng tuyệt đối vào vốn sống của cậu lái xe.
Chúng tôi đã chia tay các nạn nhân trong buổi sáng ảm đạm đó. Nhưng điều đau xót nhất với chúng tôi là khi phim tài liệu khoa giáo “Cây hồi Lạng Sơn” được phát sóng thì ngày 17/2 năm 1979 bọn Trung Quốc xâm lược tràn sang đã cướp phá, đã san bằng nhà máy tinh dầu hồi Lạng Sơn của ta nhập toàn bộ thiết bị hiện đại từ Pháp vừa mới được xây dựng xong. Cái nhà máy xinh đẹp mà từ xa chúng tôi đã ngửi thấy hương hoa hồi thơm nức cả núi rừng khi đến ghi hình nó. Cả ngôi trường phổ thông cấp 3 Việt Bắc, ngôi trường trung học lâu đời nhất của chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vừa mới xây dựng xong, chờ năm học mới cũng bị san phẳng. Tôi đã chụp được hình ngôi trường này và viết một bài đăng trên báo “Người giáo viên nhân dân” sẽ ra ngày 15/8/1978. Bài có ảnh minh họa ấy, tôi còn giữ đến hôm nay, vừa tròn 34 năm khi tôi viết những dòng hồi ký này (17/2/2013). Bài viết có tên là: Ngôi trường nhiều tuổi nhất và “mới” nhất.
Ngôi trường như tôi viết trong bài: Tên trường do bác Hồ đặt cho trong lễ khai giảng năm học 1946-1947 tại Kéo Kong. Đó là trường cấp 3 đầu tiên của nước Việt Nam mới. Hồi đó trường nhận học sinh của 6 tỉnh chiến khu Cao, Bắc, Lạng, Hà Tuyên, Thái và cả Quảng Ninh, Hải Phòng. Trong kháng chiến chống Mỹ lại dời đi Cao Lộc… Năm 1973 về lại thị xã lạng Sơn. Yêu mến ngôi trường đầu tiên do Bác Hồ đặt tên, nhân dânthị xã Lạng Sơn đã cử cán bộ đi nhiều nơi để nghiên cứu mẫu trường đẹp. Đoàn đã chọn trường cấp 3 Hồng Quang thị xã Hải Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Hưng đã cử một đoàn cán bộ xây dựng gồm 45 người lên giúp thị xã Lạng Sơn xây trường. Năm học 1978-1979 này, học sinh các dân tộc thị xã Lạng Sơn sẽ chính thức làm lễ khai giảng ngôi trường to và đẹp, vừa được xây dựng xong.
 Vậy mà, sau ngày 17/2/1979 ngôi trường vừa xây xong còn thơm mùi vôi vữa đã bị quân Tàu san phẳng. Có lẽ đây là bài viết mang kỷ niệm buồn nhất trong đời làm báo của tôi. Ít lâu sau ngày 17/2 quân Trung Quốc thua trận rút khỏi các tỉnh vùng núi phía Bắc của ta, “sếp” Hán đưa tôi một truyện ngắn mag tên “Người con gái bản Nà Lầu” của nhà văn Hoàng Quốc Hải đăng trên báo Văn Nghệ Hội nhà văn, ông bảo tôi; mày chuyển thể cái truyện ngắn này sang kịch truyền hình để dựng. Tôi đọc kỹ và thấy đây là một truyện ngắn hay, mang tính nhân văn sâu sắc. Câu chuyện về bi kịch của một cặp vợ chồng trẻ, vợ người dân tộc, chồng là người gốc Hoa sống ở một làng biên giới 2 nước Việt-trung. Cặp vợ chồng này đã trở thành nạn nhân rất bi thương khi hai nhà nước có chiến tranh với nhau. Đầu năm 1979, Đài truyền hình trung ương nhập thiết bị truyền hình màu đầu tiên và làm thử chương trình màu. Lúc này Ban khoa giáo Đài truyền hình đã được “sếp” Hán tổ chức thành Trung tâm nghe nhìn trực thuộc Đài, chuyên sản xuất các chương trình văn hóa-xã hội-văn nghệ cho Đài. Chính nó là tiền thân của VTV3 sau này. Vở kịch “Người con gái bản Nà Lầu” được trung tâm nghe nhìn sản xuất. Đây là một trong những chương trình màu đầu tiên của Đài. Khi ghi hình vở kịch này trong trường quay, các chuyên gia kỹ thuật truyền hình màu Cộng hòa Dân chủ Đức – nước giúp ta thiết bị này – cũng có mặt. Vở kịch diễn ra khá sinh động. Đạo diễn Trần Đức, sắm vai tên sĩ quan Trung Quốc xâm lược rút súng bắng đoàng đoàng trên sân khấu… Một vị chuyên gia hỏi “sếp” Hán, ai là tác giả kịch bản này? “Sếp” Hán trỏ tay vào tôi, gã đàn ông gầy còm ốm yếu chưa đến 40 tuổi đang đứng ở một góc trường quay. Vị chuyên gia lại gần, bắt tay tôi, rồi nói (qua phiên dịch): ở đất nước chúng tôi, viết kịch cho Đài truyền hình quốc gia phải là những nhà văn nổi tiếng và đã lớn tuổi. Tôi giải thích: tôi chỉ là tác giả chuyển thể một truyện ngắn cùng tên của một nhà văn cùng tuổi với tôi. Nghe xong ông tỏ ý rất vui và kéo tôi ra hành lang trường quay chụp hình.
(Còn tiếp)
Đọc những phần khác ở trang Lời Ai Điếu

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: