Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Tình hình Biển Đông: Mỹ "nối giáo" cho Trung Quốc?


Minh Thu (lược dịch)
Infornet - Tình hình Biển Đông ngày 26/8: Chính sách hiện thời của Mỹ trên Biển Đông chưa thể tạo ra những thay đổi lớn ở vùng biển chiến lược châu Á. Thậm chí còn giúp Trung Quốc chiếm ưu thế và mở rộng tầm ảnh hưởng sang khu vực Tây Thái Bình Dương.

Bình luận về tình hình Biển Đông ngày 26/8, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết, phán quyết hồi tháng Bảy của Tòa trọng tài quốc tế phủ nhận chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông là ví dụ điển hình cho những giới hạn pháp lý của Tòa quốc tế. Ngay cả khi phần lớn các quốc gia lên tiếng ủng hộ phán quyết của Tòa quốc tế song Trung Quốc vẫn tuyên bố không công nhận. Trong khi đó, hoạt đông tuần tra trên biển của Hải quân Mỹ cũng chưa thể tạo ra những thay đổi lớn trên Biển Đông. 

Ông Jonathan Holslag, tác giả cuốn sách “China’s Coming War with Asia” (tạm dịch: Trung Quốc sắp chiến tranh với châu Á”, còn cho rằng chính sách của Mỹ lại đang giúp Trung Quốc giành ưu thế và đẩy các quốc gia láng giềng vào cảnh bất an. Và trong bối cảnh sức mạnh của Mỹ đang bị co hẹp dần, Trung Quốc sẽ nhanh chóng giành quyền kiểm soát Biển Đông và tiếp tục chiếm thế thượng phong của Washington tại khu vực Tây Thái Bình Dương. 

Trung Quốc có nhiều lý do để mở rộng tầm ảnh hưởng và sức mạnh quân sự trên các vùng biển châu Á. Bắc Kinh cũng từng thừa nhận an ninh quốc gia này được đảm bảo một khi tầm ảnh hưởng trên biển được mở rộng.

Điều đáng nói sau phán quyết của Tòa trọng tài, phản ứng của cộng đồng quốc tế có phần bị giới hạn. Điều này khiến Bắc Kinh càng thêm tự tin. Ngay cả một số nước từng xuất hiện các đoàn biểu tình phản đối Trung Quốc, cũng tuyên bố tăng cường hợp tác với Bắc Kinh bên lề cuộc họp Á – Âu. Cụ thể, Indonesia chấp nhận dự án đầu tư trị giá 100 triệu USD của Trung Quốc. Singapore hợp tác sâu rộng hơn với Trung Quốc trong lĩnh vực ngân hàng và đường sắt cao tốc. Thậm chí, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng không thể đưa ra được tuyên bố chung của hội nghị liên quan tới các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã còn lớn tiếng tuyên bố hoạt động tuần tra trên không ở Trường Sa (vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough sẽ được tăng cường sau khi Bắc Kinh xây dựng trái phép đường băng tại Đá Chữ Thập.

Nhiều nghi vấn cho rằng hoạt động tuần tra trên không của Trung Quốc sẽ là tiền đề để nước này đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhiều lần cảnh báo một số quốc gia như Nhật Bản không nên can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông. Còn tướng lĩnh Hải quân Trung Quốc tuyên bố các cuộc tuần tra dưới danh nghĩa đảm bảo quyền tự do hàng hải mà Mỹ tiến hành, có thể đối mặt với bi kịch.  

Ông Holslag nhận định hoạt động tuần tra trên không và trên biển của Mỹ sẽ không thể đe dọa tham vọng lâu dài của Trung Quốc và cũng chưa thể làm bùng phát một trận đối đầu trong tương lai gần. Ngoài ra, tình cảnh kinh tế bất ổn hiện nay cùng hành động can thiệp của Mỹ còn giúp giới lãnh đạo Trung Quốc thu hút sự ủng hộ lớn của người dân trong nước với danh nghĩa chống lại kẻ thù bên ngoài.

Sự xuất hiện của Mỹ trên Biển Đông đặt ra hai sự lựa chọn cho các nước trong khu vực. Một là nhận lấy sự bảo vệ từ Mỹ. Hai là ủng hộ Bắc Kinh bằng cách bán nguyên liệu thô cho nước này và mua hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc.

Đây cũng là cơ hội để Bắc Kinh điều động thêm các thiết bị quân sự hiện đại nhằm thay đổi cán cân sức mạnh. Trong tiến trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng, Trung Quốc đã đưa vào biên chế 30 chiếc tàu ngầm cả truyền thống lẫn hiện đại, 14 tàu khu trục, 22 kinh hạm và 26 tàu hộ tống cùng hệ thống vệ tinh, radar, tên lửa đạn đạo hỗ trợ. 

Việc trang bị hàng loạt hệ thống vũ khí mới cho thấy tham vọng bá chủ của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Biển Đông mà còn vươn xa sang Tây Thái Bình Dương để ngăn chặn các cuộc tấn công tầm xa từ lực lượng tàu ngầm và tàu sân bay của Mỹ vốn được đặt tại các cơ sở quân sự ở Nhật Bản và đảo Guam. Tuy nhiên, Washington cho rằng tham vọng của Trung Quốc là viễn tưởng trước sức mạnh của Hạm đội 7 của nước này. Còn hiện nay, mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc không chỉ là ngăn chặn Mỹ tiếp cận Biển Đông mà còn trở thành một “ông lớn” ở Thái Bình Dương. 

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tờ báo tiếng Anh đầu tiên của Hong Kong. Ấn bản đầu tiên của tờ báo này được phát hành vào ngày 6/11/1903.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: