Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Hồ Quý Ly- Nhân và Quả

Lịch sử Việt Nam 


Vĩnh Liêm
Hồ Quý Ly là nhân vật lịch sử được bàn luận nhiều trong giới học thuật, người khen kẻ chê với những ý kiến trái chiều. Sử học truyền thống thì chê Hồ Quý Ly bất trung, bất nghĩa, ác với dân, hèn với giặc; kẻ theo quan điểm Mác xít lại khen ông thức thời, có nhiều cải cách táo bạo hữu ích cho đất nước.
Chúng ta hãy ngược dòng lịch sử để tìm hiểu gốc gác và bối cảnh lịch sử đã dẫn đến sự xuất hiện cuả Hồ Quý Ly trên chính trường Đại Việt vào nửa cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV. Cần đánh giá như thế nào về vai trò cuả Hồ Quý Ly trong lịch sử?
I/ BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ SỰ XUẤT HIỆN CUẢ HỒ QUÝ LY TRÊN CHÍNH TRƯỜNG ĐẠI VIỆT: 
Nhà Lý chuyển giao quyền lực cho nhà Trần bằng cuộc đảo chính nhẹ nhàng do sự sắp đặt cuả Trần Thủ Độ và Trần Thị với cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh lúc cả hai mới lên bảy. Sau đó Trần Cảnh được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi để trở thành vị vua đầu triều Trần, tức Trần Thái Tông. 
Triều đại nhà Trần (1226-1400) có tục cha nhường ngôi cho con khi còn sống để làm thái thượng hoàng. Ưu điểm cuả nó là giúp vị vua trẻ có dịp  thực tập vai trò cuả mình dưới sự dìu dắt cuả vua cha để khi thực sự lãnh đạo đất nước sẽ không bị quyền thần lấn át. Nhưng mặt khác, nếu đã nhường ngôi mà thái thượng hoàng vẫn tham quyền cố vị thì rất dễ bị nịnh thần khuynh loát. Nhà Trần còn có tục “nội hôn” (hôn nhân diễn ra trong dòng tộc) nhằm mục đích bảo vệ vững chắc triều đại. Ngoài Trần Thái Tông kết hôn với Lý Chiêu Hoàng sau đó với Thuận Thiên công chúa (chị cuả Chiêu Hoàng và vợ cuả Trần Liễu) là anh em cô cậu, thì từ thời Thánh Tông trở đi các ngôi vị hoàng hậu đều thuộc dòng dõi nhà Trần: Thánh Tông lấy Thiên Cảm hoàng hậu (con cuả An Sinh vương Trần Liễu, chị em chú bác ruột), Nhân Tông lấy Khâm Từ hoàng hậu (con cuả Tĩnh Quốc vương Quốc Khang, chị em chú bác họ), Anh Tông lấy Thuận Thánh hoàng hậu (con cuả Hưng Nhượng vương Quốc Tảng, chị em chú bác họ), Minh Tông lấy Lệ Thánh hoàng hậu (con cuả Huệ Võ vương Quốc Chân, anh em chú bác ruột)… Kết quả đã làm luân thường đạo lý đảo lộn, cuộc sống vương triều dâm loạn, dòng giống bị thoái hoá.
 Do vậy nhà Trần chỉ hưng thịnh với bốn vị vua đầu là Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông. Kể từ khi Minh Tông lên cầm quyền (1314)1 nhà Trần bước vào thời kỳ rối ren suy yếu vì các vị vua cuối đời đều tầm thường: Minh Tông quá tin dùng Trần Khắc Chung , gây nên cái chết oan nghiệt cho Trần Quốc Chân (vừa chú ruột vừa quốc phụ) nội bộ nhà Trần phân hoá; Hiến Tông (1329-1341) không có gì nổi bật; Dụ Tông (1341-1369)  ham mê tửu sắc ăn chơi sa đoạ, loạn lạc nổi lên khắp nơi, Chiêm Thành dưới sự lãnh đạo cuả Chế Bồng Nga (1360-1390)2 thừa dịp sang quấy phá nước ta suốt gần 30 năm (1361-1390) nhằm tái chiếm những phần đất đã mất vào tay Đại Việt thời Lý, Trần.
 Sau biến cố Dương Nhật Lễ (1369-1370)3, ngày 21 tháng 11 năm Canh Tuất (1370) Cung Tĩnh Vương tên huý là Phủ, con thứ ba cuả Minh Tông lúc bấy giờ đã 49 tuổi được đưa lên ngôi tức Trần Nghệ Tông (ở ngôi 2 năm – 1370-1372, làm thái thượng hoàng 22 năm – 1372-1394). Nghệ Tông tuy nhân từ nhưng nhu nhược, thiếu dũng khí, thiếu sáng suốt, thích nịnh hót, không phải một minh quân. Đây là cơ hội ngàn vàng để Quý Ly tham dự và thao túng triều chính rồi cướp ngôi nhà Trần. 
Toàn Thư cho biết: Quý Ly tên tự là Lý Nguyên, tự suy tổ tiên là Hồ Hưng Dật vốn người Triết Giang, đời Hậu Hán thời Ngũ Quý (947-950) sang làm thái thú Diễn Châu. Sau đó làm nhà ở hương Bào Đột châu này, rồi là trại chủ. Đến đời Lý (có người) lấy công chúa Nguyệt Đích, sinh ra công chúa Nguyệt Đoan. Đến đời cháu thứ 12 là Hồ Liêm dời đến hương Đại Lại, Thanh Hoá, làm con nuôi tuyên uý Lê Huấn, từ đấy lấy Lê làm họ mình. Quý Ly là cháu bốn đời…(TT trang 293 bản điện tử). Nói tóm lại Hồ Quý Ly là cháu 16 đời cuả Hồ Hưng Dật, gốc người Triết Giang Trung Quốc.
 Ông có hai người cô đều được vua Minh Tông lấy vào hậu cung, một người là bà Sinh Từ sinh ra vua Nghệ Tông, một người là bà Đôn Từ sinh ra vua Duệ Tông. Quý Ly với Nghệ Tông, Duệ Tông là anh em họ ngoại. Quý Ly rất được Nghệ Tông tin dùng.
II/ TẠO THẾ LỰC VÂY CÁNH, TRIỆT HẠ ĐỐI THỦ, KHUYNH LOÁT TRIỀU ĐÌNH:
Theo Việt Sử Tiêu Án thì “Quý Ly lúc trước đỗ thi Hương, lại thi trúng khoa Hoành từ, cho nên mới dám xính thông minh…” (trang 109 bản điện tử). Các sách sử khác như Cương Mục, Toàn Thư cho biết lúc nhỏ Quý Ly học võ với Nguyễn Sư Tề. Như vậy văn võ Quý Ly đều am tường nhưng không thuộc loại xuất chúng. Thế nhưng do quan hệ gần gủi với nhà vua và có lẽ Quý Ly biết cách lấy lòng Nghệ Tông nên đã có vị trí lớn trong triều đình. 
Tháng 3 nhuận năm Tân Hợi (1371) nhân mẹ cuả Dương Nhật Lễ chạy sang cầu cứu, quân Chiêm Thành vào cướp kinh đô Thăng Long, vua phải chạy sang huyện Đông Ngàn (tức là huyện Từ Sơn, nay là huyện Tiên Sơn tỉnh Bắc Ninh) lánh nạn, dân tình thống khổ. Nhà Trần suy yếu, Nghệ Tông trông cậy vào Quý Ly:  
Tháng 5 Tân Hợi (1371) Quý Ly được thăng từ chức Chi hậu tử cục chánh chưởng lên khu mật  đại sứ, vua lại đem em gái mới goá chồng là công chúa Huy Ninh gả cho ông ta (Huy Ninh trước là vợ cuả tôn thất Nhân Vinh bị Nhật Lễ giết hại). 
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nhân Vinh chết vì thù nước, Huy Ninh để tang chồng mới được 6 tháng mà vua đã đem gả cho Quý Ly. Thế là làm hỏng nhân luân bắt đầu từ vua, mà kẻ làm chồng, người làm vợ cũng không có nhân tâm. Phá bỏ lẽ chồng vợ, đảo loạn đạo tam cương, thì làm sao mà chẳng sinh loạn?(TT trang 265 bản điện tử).
Tháng 9 Lê Quý Ly được gia phong làm Trung tuyên quốc thượng hầu. Chỉ trong thời gian bốn tháng Lê Quý Ly đã thăng tiến rất nhanh về hoạn lộ và quan tước. Sự thăng tiến này không dựa trên tài năng và sự trung thành tận tuỵ cuả Quý Ly mà do Nghệ Tông quá mù quáng đối với người ngoại thích này.  
Nghệ Tông chỉ làm vua 2 năm (cuối 1370 đến cuối 1372) thì nhường ngôi cho em là hoàng thái tử Kính4 (tức Duệ Tông) để làm thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm quyền bính. Theo sử sách sở dĩ Nghệ Tông nhường ngôi cho em dù các con vua như Húc hay Ngạc tuổi cũng đã lớn vì nhờ công sức cuả Kính đã chiêu nạp quân lính nổi dậy mà lấy được nước trong tay Dương Nhật Lễ. Duệ Tông tuy có dũng khí hơn Nghệ Tông, nhưng theo Toàn Thư “vua ương gàn cố chấp, không nghe lời can, khinh thường quân giặc nên mang họa vào thân…”.(trang 266 bản điện tử)
 Duệ Tông là con thứ 11 cuả vua Minh Tông, do bà Đôn Từ sinh ra. Bà phi họ Lê, em họ nhà chú (tụng muội) cuả Quý Ly được lập làm hoàng hậu. Địa vị cuả Quý Ly càng được củng cố.
Tháng giêng Ất Mão – 1375 Duệ Tông gấp rút chuẩn bị lực lượng để đối phó Chiêm Thành. Quý Ly làm tham mưu quân sự, binh quyền nhà Trần nằm trong tay cuả Quý Ly,  giúp Quý Ly từng bước tạo vây cánh. Nhưng Quý Ly không phải vị tướng tài hết lòng phò vua giúp nước mà là kẻ tham sống sợ chết, bỏ trốn khi tình thế lâm nguy: 
Tháng 5 Bính Thìn (1376) quân Chế Bồng Nga vào cướp Hoá Châu. Tháng 6 Duệ Tông xuống chiếu cho quân sắm sửa khí giới chuẩn bị chiến tranh. Ngự sử trung tán Lê Tích dâng sớ can ngăn nhưng vua không nghe5.Tháng 12 vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành, kết quả sa vào ổ phục kích cuả giặc, Đỗ Tử Bình cầm hậu quân không đến cứu viện, vua chết tại trận tiền, Quý Ly nghe tin bỏ trốn về nước. Thượng hoàng chỉ phạt Tử Bình (bắt đi làm lính, sau được phục chức và thăng tiến), còn Quý Ly vẫn được trọng dụng.
Thấy vua chết vì nạn nước, Thượng hoàng lập con trưởng cuả vua là Kiến Đức đại vương Hiện6 lên làm vua xưng là Giản Hoàng tức Đế Hiện (tháng 5 Đinh Tỵ-1377). Con gái Thượng hoàng là Thiên Huy công chúa được lập làm hoàng hậu (chị em chú bác ruột).
Nghệ Tông vẫn nắm quyền hành.  Theo TT vua (Đế Hiện) u mê nhu nhược, không làm nổi việc gì, uy quyền ngày càng về tay kẻ dưới (Quý Ly) (trang 272). 
Sau khi Duệ Tông mất, Chiêm Thành càng trở nên lộng hành, hầu như năm nào cũng vào cướp phá Đại Việt, thậm chí vào tận kinh đô Thăng Long, bắt người cướp cuả. Tình hình nguy cấp, ngân khố trống rỗng, triều đình gia tăng thuế má khiến đời sống nhân dân thêm cơ cực. Ngoài việc lựa chọn những người khoẻ mạnh, am tường võ nghệ bổ sung làm vệ sĩ (tháng 10 Mậu Ngọ 1378), Nghệ Tông còn sai quân dân chở tiền đồng giấu vào núi Thiên Kiện (còn có tên là núi Địa Cận, ở xã Thiên Kiện, nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) tháng 8 Kỷ Mùi (1379); Tháng 10 giấu tiền ở khám Khả Lãng, Lạng Sơn vì sợ người Chiêm đốt cung điện. (Ngô Sĩ Liên phê:…sợ nạn Chiêm Thành đốt cướp, đem chở tiền cuả giấu tận hang cùng núi thẳm làm kế tránh giặc, thực là nhử giặc đến, chuốc lấy tiếng chê cười cuả đời sau..TT trang 273 bản điện tử ). Thậm chí  triều đình còn huy động các tăng nhân trong nước và các tăng nhân không có độ điệp (giấy chứng nhận đã được miễn thuế má và sưu dịch) ở miền rừng núi tạm làm binh lính đi đánh giặc (tháng 3 Tân Dậu 1381). Điều này chứng tỏ nhà Trần đã quá suy yếu và Chiêm Thành trở thành mối đe dọa thường trực cho đất nước. Thế nhưng những người trung nghĩa với đất nước như An phủ sứ Lê Giốc7 thì dần mai một, trong khi kẻ thâm độc nham hiễm như Quý Ly lại được trọng dụng. Quý Ly tìm mọi cách tạo vây cánh, củng cố thế lực để chờ dịp cướp ngôi nhà Trần:
Tháng 2 Kỷ Mùi  (1379) Đế Hiện dùng Quý Ly làm Tiểu tư không kiêm Hành khu mật đại sứ. Quý Ly tiến cử con Nguyễn Sư Tề (thầy dạy võ cuả Quý Ly) là Nguyễn Đa Phương làm tướng quân, Phạm Cự Luận thường hay vẽ mưu bày kế cho Quý Ly cũng được Quý Ly tiến cử làm quyền đô sự. Bấy giờ người ta thường bảo Quý Ly có “Phương viên tá lự”8 ám chỉ Đa Phương và Cự Luận là hai cánh tay đắc lực cuả Quý Ly.. Nhờ sự giúp sức cuả hai người này mà tháng 3 Canh Thân (1380) khi quân Chiêm vào cướp Thanh Hoá, Quý Ly chỉ huy quân thuỷ đối phó đã đẩy lui quân địch. Từ đó Quý Ly chuyên lãnh chức Nguyên nhung hành Hải Tây đô thống sứ (Hải Tây là vùng đất từ Thanh Hoá trở vào đến Thuận Hoá), uy quyền rất lớn. Đến nỗi tư đồ Chương Túc Quốc thượng hầu Nguyên Đán9 là tông thất nhà Trần cũng tìm cách kết thân với Quý Ly, đem con trai là Mộng Dữ gửi gắm cho Quý Ly.
Sự mù quáng cuả Thượng hoàng đối với Quý Ly ngày một tăng, tháng 3 Đinh Mão (1387) Nghệ Tông lấy Lê Quý Ly làm Đồng bình chương sự (tức tể tướng), ban cho một thanh gươm, một lá cờ đề 8 chữ “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức”, Quý Ly làm bài thơ quốc ngữ tạ ơn. Sự tin yêu cuả Nghệ Tông đã giúp Quý Ly đưa tay chân thân tín cuả mình vào những địa vị thích ứng: Tháng 5 Mậu Thìn (1388) lấy Trần Đỗ10 làm cung lệnh (đứng đầu một cung). Tháng 6 lấy Lê Quý Tỳ (em cuả Quý Ly) làm phán thủ Tri tả hữu ban sự (một chức hầu cận, ở gần vua).
Trước tình hình trên, vua (Đế Hiện) bàn mưu với Thái uý Ngạc (Trang Định Vương Ngạc là con cuả Nghệ Tông) rằng: “Thượng hoàng tin yêu ngoại thích là Quý Ly, cho hắn mặc sức làm gì thì làm, nếu không lo trước đi thì sau sẽ khó chế ngự”. Nhưng vua không ngờ tai mắt cuả Quý Ly ở khắp nơi, con cuả Vương Nhữ Chu là Nhữ Mai hầu vua học, đã tiết lộ cho Quý Ly biết. Đa Phương khuyên Quý Ly lánh ra núi Đại Lại (ở Thanh Hoá), nhưng Phạm Cự Luận là người đa mưu túc kế khuyên Quý Ly nên tâu với Thượng hoàng câu ngạn ngữ “Chưa ai bán con nuôi cháu, chỉ thấy bán cháu nuôi con” (trước đây Đế Hiện giết Quan Phục đại vương, con cuả Nghệ Tông, Nghệ Tông rất căm giận), xui Thượng hoàng bỏ Đế Hiện lập Chiêu Định vương Ngung lên làm vua. Quả nhiên Nghệ Tông nghe theo.
Tháng 12 ngày mồng 6 Mậu Thìn (1388) Thượng hoàng vời vua vào cung rồi sai người đem giam vua ở chùa Tư Phúc, giáng làm Linh Đức đại vương (phế đế). Các tướng chỉ huy các quân cũ như Nguyễn Khoái, Nguyễn Văn Nhị, Nguyễn Kha, Lê Lặc.v.v…định đem quân vào cứu vua, nhưng vua viết hai chữ “Giải giáp” (giải tán quân lính) đưa cho các tướng bảo họ đừng trái ý Thượng hoàng. Sau đó Thượng hoàng sai đưa vua xuống phủ Thái Dương thắt cổ chết. Các tướng liên lụy đều bị giết hoặc bị đày đi xa. Thẩm hình viện Lê Á Phu bí mật tâu vua giết Quý Ly, cơ mưu tiết lộ cũng bị giết. Lúc chết Đế Hiện 28 tuổi.
Toàn Thư cho biết …Trước đây bà lê Thị, hoàng hậu cuả Duệ Tông, là mẹ cuả Linh Đức vương, em họ cuả Quý Ly. Duệ Tông đi đánh phương nam không trở về, bà cắt tóc làm ni cô. Khi Nghệ Tông lập Linh Đức lên ngôi, hậu từ chối không được, bèn khóc lóc với những người thân tín: “Con tôi phúc bạc khó lòng gánh vác nổi trách nhiệm lớn, nó phải tai họa vì việc đó thôi.  Tiên hoàng xa lìa cõi thế, kẻ chưa chết này chỉ muốn chết theo, không muốn trông thấy việc đời, huống chi lại phải nhìn thấy con mình sắp bị nguy hiểm nữa. Bà mất được hai năm thì Linh Đức bị hại.
Điều này chứng tỏ ngay người trong dòng họ còn sợ tính thủ đoạn nham hiễm cuả Quý Ly huống hồ người ngoài, thế nhưng Nghệ Tông vẫn lầm lạc tin dùng.
Ngày 27 tháng 10 Mậu Thìn (1388) Thượng hoàng lập con út là Chiêm Định vương Ngung, 12 tuổi làm Hoàng đế, tức Thuận Tông. Thánh Ngâu, con gái lớn cuả Quý Ly (với Huy Ninh công chúa) được lập làm hoàng hậu (anh em cô cậu ruột). Thuận Tông chỉ làm vì, Nghệ Tông thì gìà yếu, Quý Ly mặc sức khuynh loát triều đình.
Trong nước loạn lạc nổi lên khắp nơi, mạnh nhất là Phạm Sư Ôn ở Quốc Oai, bên ngoài quân Chiêm tiếp tục xâm phạm. Tháng 10 Kỷ tỵ (1389) quân Chiêm vào cướp Thanh Hoá, Thượng hoàng sai Quý Ly đem quân đi chống giữ. Thế giặc mạnh, quân ta  tan vỡ, tướng chỉ huy bị giặc bắt sống, 70 tướng còn lại đều tử trận, Quý Ly bỏ trốn để tỳ tướng Phạm Khả Vĩnh và Nguyễn Đa Phương11 ở lại chống giặc. Quý Ly về kinh đô xin thêm thuyền chiến nhưng Thượng hoàng không cho, nhân đấy Quý Ly xin thôi giữ binh quyền. Nguyễn Đa Phương tạm chỉ huy quân Thánh Dực, đánh thắng giặc ở Ngu Giang.
Từ sau trận Ngu Giang, Đa Phương tự cho mình có công, thường chê bai Quý Ly bất tài.
Vì thế Quý Ly gièm pha với Thượng hoàng rằng việc đánh Chiêm Thành thất bại là do Đa Phương, Nghệ Tông bảo cần trị tội nhẹ để răn bảo. Quý Ly nói “thả cọp ra sẽ dễ họa về sau, chi bằng giết đi là xong”. Bèn hạ lệnh bắt Đa Phương phải tự tử (tháng 11 Kỷ Tỵ 1389). Ngay tâm phúc bè đảng mà Quý Ly còn xử sự độc ác như thế huống hồ người không ăn cánh.
 Đô tướng Trần Khát Chân12 phụng mệnh đem quân đi chống giặc. Nhờ có hàng thần Ba Lậu Kê chỉ điểm, quân ta tập trung hoả pháo bắn vào thuyền chỉ huy giết chết Chế Bồng Nga ở sông Hải Triều (thuộc tỉnh Hưng Yên). Quân Chiêm Thành thua to phải trốn chạy về nước (23 tháng giêng Canh Ngọ -1390). Trần Khát Chân được phong tước Vũ Tiết Quan nội hầu. Tuy việc giết được Chế Bồng Nga là do may mắn nhưng đã làm uy tín  Trần Khát Chân lên cao, mâu thuẩn giữa Quý Ly và Khát Chân càng sâu sắc.
Giữa Quý Ly và Trang Định Vương Ngạc có hiềm khích (Ngạc cùng phe với Đế Hiện). Sau khi loại trừ Đế Hiện, Quý Ly tìm cách khống chế Ngạc, nhiều lần Ngạc bị Quý Ly gièm pha sinh lòng lo sợ nên trốn ra Vạn Ninh. Thượng hoàng sai Nhân Liệt đuổi theo bắt về, Quý Ly ngầm ra lệnh Nhân Liệt đánh chết Ngạc, nói dối với Thượng hoàng là Ngạc bạo ngược với người Vạn Ninh nên bị họ giết, Nghệ Tông giận truất Ngạc làm Mẫn vương (tháng 5 Tân Mùi (1391). Sau biết ra, ăn năn hối hận thì đã muộn.
Tháng 8 Tân Mùi (1391) Quý Ly giết hai tướng quản lĩnh quân Hoá Châu là Phan Mãnh và Chu Bình Khuê vì hai vị tướng này có những câu ngụ ý Quý Ly lộng quyền, tâm phúc cuả Quý Ly là Đặng Tất và Hoàng Hối Khanh ngầm gửi thư báo. (Phan Mãnh nói “’Trời không bao giờ có hai mặt trời, dân không bao giờ có hai vua”,  Chu Bình Khuê nói “Dương Liễu lắm điều, mọi người đều khoá miệng”)  
Tháng 2 Nhâm Thân (1392) giết tôn thất Trần Nhật Chương vì Nhật Chương mưu giết Quý Ly. 
Tháng 4 Nhâm Thân (1392) Bùi Mộng Hoa dâng sớ lên Thượng hoàng về câu đồng dao “Thâm tai Lê sư” (thâm hiểm thay thái sư họ Lê) ám chỉ Quý Ly có ý dòm ngó ngôi báu. Thượng hoàng xem tờ tâu lại đưa cho Quý Ly. Mộng Hoa phải ẩn lánh không làm quan nữa.  
Tháng giêng Quý Dậu (1393) Quý Ly ngầm tìm được dòng dõi họ Hồ là Hồ Cương (người Diễn Châu) lấy làm tâm phúc, cho coi quân Tả Thánh Dực để thêm vây cánh. 
Mãi đến khi gần mất Nghệ Tông mới tỉnh ngộ, lo sợ sự tiếm quyền cuả Quý Ly, vì vậy tháng 2 Giáp Tuất (1394) Thượng hoàng sai thợ vẽ hình Chu Công giúp Thành vương, Hoắc Quang giúp Chiêu Đế, Gia Cát  Lượng giúp Hậu Chúa, Tô Hiến Thành giúp Lý Cao Tông làm bức Tứ phụ đồ (4 vị giúp vua) ban cho Quý Ly  căn dặn rằng khanh giúp quan gia (vua Thuận Tông) cũng nên như thế. 
Theo sử sách một hômThượng hoàng nằm mộng thấy Duệ Tông đọc một bài thơ: 
“Trung gian duy hữu xích chuỷ hầu
Ân cần tiếm thượng bạch kê lầu
Khẩu vương dĩ định hưng vong sự
Bất tại tiền đầu tại hậu đầu”

( Ở giữa chỉ có loài mỏ đỏ 
Lăm le lấn lên lầu gà trắng
Khẩu vương đã định việc hưng vong
Không ở trước mà ở về sau”).
Khi tỉnh giấc Thượng hoàng chiết tự thì biết chắc chắn Quý Ly sẽ cướp ngôi nhà Trần. Do vậy tháng 4 sau hội thề13 Thượng hoàng triệu Quý Ly vào cung đại ý bảo rằng thế nước đã yếu, nếu có thể giúp quan gia được thì giúp, bằng không khanh cứ nhận lấy ngôi vua. Quý Ly khóc lóc thề sẽ không bao giờ có mưu đồ gì khác.
Thế nhưng sau khi Nghệ Tông băng (tháng 12 Giáp Tuất – 1394) Quý Ly tiếp tục tàn sát những kẻ chống đối: tháng 2 Ất Hợi (1395) cho giết Nguyên Uyên và Nguyên Dận (đều là tông thất nhà Trần) và sĩ nhân Nguyễn Phù vì trong khi để tang Nghệ Tông họ thường bàn tán chuyện Nhật Chương (bị giết năm 1392).  
Lấy danh nghĩa vua Thuận Tông, Quý Ly tự bổ dụng giữ chức Nhập nội phụ chính thái sư bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc đại vương, đồng thời tự xưng là phụ chính cai giáo hoàng đế (có nghĩa giúp vua giữ chính quyền trong nước kiêm cả việc dạy bảo vua – chú thích cuả CM trang 317). Với một vị vua không chút quyền hành như Thuận Tông, việc cướp ngôi nhà Trần chỉ là vấn đề thời gian.
III/ CHUẨN BỊ CƯỚP NGÔI
Sau khi nắm toàn quyền Quý Ly cho tiến hành một loạt cải cách mà giới sử học Mác xít đã ca ngợi là tiến bộ hữu ích cho đất nước, nhưng thực chất hoặc là để giải quyết những khó khăn trước mắt sau chiến tranh (với Chiêm Thành), hoặc để thâu tóm cuả cải, tài nguyên quốc gia trước đây nằm trong tay nhà Trần, đồng thời chuẩn bị mọi mặt cho việc cướp ngôi: 
1/ PHÁT HÀNH TIỀN GIẤY:
Tháng tư Bính Tý (1396) bắt đầu phát hành tiền giấy Thông bảo hội sao, cứ 1 quan tiền đồng đổi lấy 1 quan 2 tiền giấy (Thể thức: tờ 10 đồng vẽ rong, 30 đồng vẽ sóng, 1 tiền vẽ mây, 2 tiền vẽ rùa, 3 tiền vẽ lân, 5 tiền vẽ phượng, 1 quan vẽ rồng). Kẻ nào làm giả bị tội chết, ruộng đất, tài sản bị tịch thu. Cấm chỉ dân gian không được dùng tiền đồng, bao nhiêu tiền đồng đều thu về kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các xứ, nếu người nào tàng trữ hoặc tiêu dùng riêng cũng phải tội như người làm giả tiền giấy.
Trên thực tế giá trị tiền giấy thấp hơn tiền đồng rất nhiều. Nhưng tại sao có sự thay đổi tiền tệ? Chúng ta biết trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt với Chiêm Thành, Nghệ Tông đã sai đem giấu tiền ở núi Thiên Kiện (Hà Nam) và khám Khả Lãng (Lạng Sơn) vào tháng 8 và tháng 10 Kỷ Mùi –1379 (đã nói ở trên). Khi Chế Bồng Nga tử trận (đầu năm Canh Ngọ – 1390), Chiêm Thành không còn là mối đe dọa đến an nguy cuả Đại Việt, tháng 10 cùng năm triều đình sai thợ đá đào mở hang núi Thiên Kiện và hang núi Khuẩn Mai để lấy tiền cuả chôn ở đây nhưng cả hai núi đều bị lở, cửa hang bị lấp kín, đào mãi không được, đành phải bỏ (TT trang 283 bản điện tử). Như vậy việc phát hành tiền giấy chẳng qua chỉ là giải pháp tình thế, mục đích để giải quyết tình trạng ngân khố trống rỗng đồng thời chiếm dụng tiền cuả nhân dân. Chính sách này là đề nghị cuả Vương Nhữ Chu chứ không phải sáng kiến cuả Quý Ly. Một số người khen ngợi rằng tiện dụng, táo bạo, đi trước thời đại. Thực tế loại tiền giấy này không có giá trị vì kỹ thuật in ấn còn thủ công, không được bảo chứng bằng quý kim, dễ rách nát, dễ làm giả14 vì thế vấp phải sự chống đối cuả dân chúng, họ thường dùng hàng hoá để trao đổi thay vì dùng tiến giấy, đến nỗi sau khi lên ngôi, Hán Thương phải lập điều luật để xử tội người không tiêu tiền giấy (1403). Chính sách tiền giấy cuả Quý Ly đã thất bại và các triều đại sau trở lại dùng tiền đồng. 
2/ DỜI KINH ĐÔ:
Thanh Hoá là quê quán cuả Quý Ly vì vậy Quý Ly muốn dời kinh đô vào đây để chuẩn bị cho việc cướp ngôi.(có ý kiến cho rằng để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Minh, xem ra không được thuyết phục cho lắm).  
Tháng giêng Đinh Sửu (1397) Quý Ly sai Lại bộ thượng thư Đỗ Tĩnh đi Thanh Hoá dựng kinh đô mới, nhiều quần thần dâng sớ can ngăn nhưng không được. Thậm chí Nguyễn Nhữ Thuyết có nhắc đến cổ  ngữ có câu “cần ở đức, không cần nơi hiểm trở”, đến kỳ xét công trạng các quan, thấy tên Thuyết, Quý Ly bảo “Anh này là người nói ‘cần ở đức, không cần nơi hiểm trở’ đây”, rồi bỏ không dùng.(CM trang 319, TT trang 290 bản Điện tử). Đến tháng 3 thì công việc hoàn tất. Tháng 11 cùng năm (CM ghi tháng 10) Quý Ly bức Thuận Tông dời kinh đô đến phủ Thanh Hoá. Cung nhân Trần Ngọc Cơ và Trần Ngọc Kiểm nói mật với vua dời kinh đô thế nào cũng có chuyện cướp ngôi. Quý Ly nghe được cho rằng Lê Hợp, Lương Ông cũng đồng mưu, đem giết hết.
Vì việc xây dựng quá gấp rút (chỉ trong vòng từ 2 đến 3 tháng) nên sau một thời gian ngắn đã có dấu hiệu hư hỏng, buộc phải sửa chữa. TT cho biết năm Tân Tỵ (1401) “Hán Thương hạ lệnh cho các lộ nung gạch để dùng vào việc xây thành. Trước đây xây thành Tây Đô, tải nhiều đá tới xây, ít lâu sau lại bị sụp đổ, đến đây mới xây trên bằng gạch, dưới bằng đá.” (TT trang 298 bản điện tử). Từ đấy ta có thể suy đoán việc xây Tây Đô ở  Thanh Hoá  (rất xa Thăng Long) mục đích chỉ để dễ bề cướp ngôi mà không sợ phản ứng bất lợi cuả người dân Bắc Hà.
(Hiện nay Tây Đô tức thành nhà Hồ ở Thanh Hoá còn sót lại một vài di tích, được Unesco công nhận là di sản văn hoá thế giới).                                            
3/ BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HẠN ĐIỀN:
Tháng 6 Đinh Sữu (1397) xuống chiếu hạn chế danh điền (ruộng tư): đại vương và trưởng công chúa thì số ruộng không hạn chế, thứ dân hạn chế là 10 mẫu, số ruộng thừa phải hiến cho nhà nước. Người phạm tội được phép đem ruộng chuộc tội.
Năm sau hạ lệnh cho dân, người nào có ruộng phải khai báo số mẫu ruộng, trên mặt ruộng phải cắm thẻ ghi rõ họ tên cuả mình, các quan ở lộ, phủ, châu và huyện phải kiểm xét đo đạc 5 năm mới xong. Ruộng nào không có người khai báo thì sung làm ruộng công. Lúc ấy hành khiển Hà Đức Lân nói kín với người nhà “Đặt ra phép này chỉ để ăn cướp ruộng cuả dân đấy thôi”. Quý Ly nghe biết liền giáng chức Đức Lân làm Hộ bộ thượng thư. (TT trang 293 bản điện tử).  Thật đáng sợ khi tai mắt cuả Quý Ly ở khắp nơi, bầu không khí nguy kỵ lo lắng bao trùm Đại Việt, mọi người đều không dám hở môi. 
4/ ÉP THUẬN TÔNG NHƯỜNG NGÔI CHO HOÀNG THÁI TỬ AN VÀ BỨC TỬ VUA: 
Vì trót thề với Nghệ Tông không có mưu đồ cướp ngôi, Quý Ly ngầm sai đạo sĩ Nguyễn Khánh ra vào cung thuyết phục Thuận Tông bỏ ngai vàng đi tu tiên. Vua bèn nhường ngôi cho hoàng thái tử An (có sách ghi là Án) mới 3 tuổi (tức Thiếu Đế), ra ở cung Bảo Thanh (CM ghi là quán Ngọc Thanh) phía tây nam núi Đại Lại (tháng 3 Mậu Dần 1398). Sau đó Quý Ly sai người bức tử Thuận Tông: ban đầu sai Nguyễn Cẩn đầu độc vua bằng nhiều cách nhưng vua không chết, cuối cùng sai Xa kỵ thượng tướng quân Phạm Khả Vĩnh đem thắt cổ cho chết (tháng tư Kỷ Mão – 1399), khi bị bức tử Thuận Tông 22 tuổi. 
5/ THƯỢNG TƯỚNG TRẦN KHÁT CHÂN VÀ THÁI BẢO TRẦN NGUYÊN HÃNG MƯU GIẾT QUÝ LY BẤT THÀNH: (tháng 4 Kỷ Mão -1399)
Trước sự lộng quyền và tàn ác cuả Quý Ly, thái bảo Trần Nguyên Hãng và thượng tướng Trần Khát Chân bàn mưu giết Quý Ly ở hội thề Đốn Sơn (ngọn núi ở xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) tháng 4 Kỷ  Mão (1399) nhưng bất thành vì sự do dự cuả Trần Khát Chân: khi Quý Ly ngồi trên lầu nhà Khát Chân để xem, cháu Khả Vĩnh là Phạm Tố Thu và thích khách Phạm Ngưu Tất cầm gươm định lên, Trần Khát Chân trừng mắt ngăn lại, Quý Ly chột dạ đứng dậy, vệ sĩ hộ vệ xuống lầu. Ngưu Tất vất gươm xuống đất nói “chết uổng cả lũ thôi”. Kết quả Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hãng, thích khách Phạm Ngưu Tất, Phạm Khả Vĩnh…đều bị giết, hơn 370 người liên can đều bị hại, gia sản bị tịch thu, không khí khủng bố bao trùm khắp nơi, ra đường không ai dám chuyện trò với ai. Hội thề từ đó cũng bãi bỏ.
IV/ VIỆC CƯỚP NGÔI  VÀ TRIỀU ĐẠI NHÀ HỒ (1400-1407)        
1/ CƯỚP NGÔI NHÀ TRẦN: Sau khi loại bỏ được phe nhóm cuả Trần Khát Chân và trấn áp được dư luận chống đối, tháng 6 Kỷ Mão (1399) Quý Ly tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng, mặc áo màu bồ hoàng  (màu vàng như nhụy hoa xương bồ), ở cung Nhân Thọ, ra vào theo lệ thiên tử, dùng 12 chiếc lọng vàng. Con là Hán Thương xưng là Nhiếp thái phó, ở bên hữu điện Hoàng Nguyên, Nguyên Trừng (con trưởng) làm tư đồ.
Năm Canh Thìn (1400) Tháng 2 ngày 28, Quý Ly, lúc này 65 tuổi, bức Thiếu Đế (5 tuổi) nhường ngôi, buộc tôn thất nhà Trần và các quan ba lần dâng biểu khuyên lên ngôi, giả vờ cố tình từ chối nói “ta sắp xuống lỗ đến nơi rồi còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất nữa?”. Nhưng rồi tự lập làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, quốc hiệu là Đại Ngu (Quý Ly tự nhận mình là dòng dõi họ Hồ, con cháu Ngu Thuấn).
Phan Phù Tiên nói “…Là vì họ hàng xa xôi, các đời biến đổi, khó mà tin chắc được. Quý Ly lại nhận là dòng dõi xa cuả Hồ Công Mãn, tế Ngu Thuấn làm thuỷ tổ, thì cái tội dối đời để tiếm ngôi thực không gì to bằng” (TT trang 296 bản điện tử).
Đế An bị phế làm Bảo Ninh Đại Vương, vì là cháu ngoại nên không giết.
Nhà Trần kể từ vị vua đầu là Trần Thái Tông (1226-1258) đến  vị vua cuối cùng là Trần Đế An (1398-1400) trị vì được 174 năm truyền được 12 đời. Nếu trước đây nhà Trần đã cướp ngôi và tiêu diệt nhà Lý bằng những thủ đoạn vô cùng nham hiễm mà kẻ chủ mưu là Trần Thủ Độ, thì 174 năm sau nhà Trần lại mất nước vào tay nhà Hồ bởi những thủ đoạn thâm độc cuả Hồ Quý Ly. Âu cũng là luân hồi nhân quả.
Quý Ly chỉ làm vua đến tháng 12 cùng năm, rồi bắt chước nhà Trần nhường ngôi cho con là Hán Thương (Hán Thương là con cuả Quý Ly và Huy Ninh công chúa), tự xưng là thượng hoàng, cùng coi chính sự (thực tế Hán Thương chỉ làm vì), sai sứ sang báo nhà Minh ( thay thế nhà Nguyên từ năm 1368) nói rằng họ Trần đã tuyệt tự, Hán Thương là cháu ngoại, tạm trông coi việc nước. Đến tháng 2 Quý mùi (1403) khi Minh Thành Tổ lên ngôi, Hán Thương sai sứ sang mừng và xin phong tước, đệ nộp tờ cam đoan cuả bồi thần và phụ lão những lời tâu trước đây cuả Hán Thương, vua Minh tin là thực, phong Hán Thương làm An Nam quốc vương. Từ đấy Sứ thần nhà Minh qua lại như mắc cửi, yêu sách đủ điều khiến Hán Thương phải khổ sở vì sự thù tiếp. 
2/  CHÍNH SÁCH ĐỐI NỘI:
Ngoài chính sách hạn điền và phát hành tiền giấy đã thực hiện vào cuối thời Trần, nhà Hồ còn có những chính sách cải cách quan trọng như:
 -Làm sổ hộ tịch (tháng 4 Tân Tỵ (1401): biết nhà Minh dòm ngó Đại Việt, Quý Ly từng nói “Làm thế nào có trăm vạn quân để địch với giặc Tàu”, Hoàng Hối Khanh dâng kế sách này, biên nhân khẩu từ 2 tuổi trở lên, dân đinh ngụ những nơi khác thì đuổi về nguyên quán, làm 2 nơi Diễn Châu và Thanh Hoá tính số người từ 15 tuổi trở lên, 60 tuổi trở xuống gấp bội so với trước.
-Chính sách hạn nô (tháng 4 Tân Tỵ -1401): quy định tuỳ theo phẩm cấp mà có số lượng khác nhau, nhằm hạn chế số gia nô cuả quý tộc và quan chức, số thừa phải dâng lên sung vào quân ngũ. Các gia nô đều thích vào trán các hình khác nhau để đánh dấu. Bọn đại sĩ phu mong được lòng Quý Ly, dâng thư khuyên giết hại con cháu nhà Trần, giảm bớt số ruộng và nô để nén bớt thế lực cuả họ.
-Định lại các lệ thuế và tô ruộng (tháng 8 Nhâm Ngọ 1402) có phần giảm nhẹ cho các đối tượng khó khăn như gia đình nghèo, phụ nữ goá bụa….
-Cải cách thi cử: có nhiều tiến bộ, phỏng theo lối văn tự ba trường cuả nhà Nguyên, lại có kỳ thi viết chữ và toán pháp, do đó đã tuyển chọn được nhiều nhân tài: Nguyễn Trãi đỗ kỳ thi thái học sinh năm Canh Thìn (1400). Tháng 12 năm Tân Tỵ (1401) lấy Nguyễn Phi Khanh (tức Nguyễn Ứng Long) cha cuả Nguyễn Trãi làm Hàn lâm học sĩ…
Ngoài ra nhà Hồ còn sửa sang đường sá, khai thông sông ngòi, mở mang hải cảng, đóng chiến thuyền, chỉnh đốn quân ngũ, đắp thành .v.v… để chuẩn bị chiến tranh với Chiêm Thành và đối phó với nhà Minh.
Tuy vậy nhà Hồ không được lòng dân vì sự độc đoán tàn bạo cuả Quý Ly. 
 3/  CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI:
Chiến tranh với Chiêm Thành:
Khi Thượng hoàng Nghệ Tông còn sống thường đến nhà riêng cuả Nguyên Đán hỏi việc nước, ông thưa “Xin bệ hạ kính nước Minh như cha, yêu Chiêm Thành như con, thì nước nhà vô sự, tôi dầu chết cũng được bất hủ”(TT trang 284). Đó là chính sách ngoại giao hoà bình khôn khéo, liên minh với các nước nhỏ láng giềng, nhún nhường thần phục nước lớn cuả các triều đại trước để tránh tổn hại cho đất nước, cho nhân dân, để khỏi đối đầu cùng một lúc với nhiều kẻ thù mà đáng sợ nhất là Trung Quốc. Nhưng Quý Ly thì ngược lại, với bản chất tham lam độc ác, thiếu tầm nhìn xa trông rộng, sau khi cướp ngôi nhà Trần, Quý Ly đã gây chiến với Chiêm Thành để mở rộng bờ cõi: 
Năm Tân Tỵ (1401), Quý Ly sai Trần Tùng (TT ghi Hồ Tùng) đi đánh Chiêm Thành nhưng không thành công phải rút về. 
Tháng 7 Nhâm Ngọ (1402) sai tướng Đỗ Mãn đem đại quân đi chinh phạt. Vua Chiêm Thành là Ba Đích sai cậu là Bố Điền sang dâng đất Chiêm Động (phủ Thăng Bình, Quảng Nam) để xin bãi binh. Quý Ly bắt phải dâng thêm đất Cổ Luỹ (Quảng Ngãi) rồi phân thành 4 châu Thăng, Hoa, Tư và Nghĩa. Qua năm Quý Mùi (1403) đưa  dân ở các nơi chưa có ruộng mà có cuả dời vào đây, biên chế thành quân ngũ. Người ở châu nào thì thích chữ tên châu ấy vào cánh tay để làm dấu hiệu. Đến năm sau đưa vợ con đi theo, giữa đường, bị bão chết đuối, dân phần nhiều ta thán.  
Năm Quý Mùi (1403) nhà Hồ lại sai Phạm Nguyên Khôi đem 20 vạn quân thuỷ bộ vây thành Chà Bàn, quân đi đã 9 tháng, hết lương ăn, không thắng được đành phải rút về. Chiêm Thành cầu cứu nhà Minh, Minh đem 9 chiến thuyền sang cứu, gặp quân Hồ ở biển. Người Minh bảo Nguyên Khôi phải mau rút về không được ở lại lâu. Khi Nguyên Khôi trở về đã bị Quý Ly quở trách vì không giết hết quân Minh.
Mặc dù chiếm thêm một số đất đai cuả Chiêm Thành, nhà Hồ phải đối đầu  với hai thế lực quân sự: phía bắc (Trung Quốc) và phía nam (Chiêm Thành) trong tình hình không mấy thuận lợi. 
Chiến tranh với Nhà Minh:
Trước đây Trần Khang là bè đảng cuả Trần Tôn (giữ chức thiếu bảo triều nhà Trần) thông đồng với Chiêm Thành, bị Thuận Tông hạ chiếu bắt trị tội, Tôn nhảy xuống nước tự tử, còn Khang thì chạy sang Lão Qua. Sau đó Khang chạy qua Yên Kinh, đổi tên là Thiêm Bình nói dối là con cuả Nghệ Tông, kể rõ sự tình Quý Ly tiếm nghịch. Vua nhà Minh sai ngự sử Lý Kỳ sang nước ta tra hỏi thì quả đúng như vậy. Nhà Minh nhân cơ hội muốn gây chuyện binh đao, tháng 2 Ất Dậu (1405) sai sứ sang đòi cắt đất Lộc Châu. Quý Ly sai Hoàng Hối Khanh làm cát địa sứ, Hối Khanh đem 59 thôn trả cho nhà Minh, bị Quý Ly trách mắng là cắt đất quá nhiều, rồi ngầm sai đánh thuốc độc giết chết những thổ quan do nhà Minh đặt ra để giữ đất mới nhượng ấy.
Tháng 9 Ất Dậu (1405) Hán Thương một mặt sai sứ sang nhà Minh tạ tội, nói rằng xin đón Thiêm Bình về tôn lên làm chúa, một mặt gấp rút chuẩn bị việc chống giặc, sai đắp thành Đa Bang (ở xã Cổ Pháp, huyện Tiên Phong, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Tây); xuống chiếu họp các quan An phủ sứ các lộ cùng các quan kinh đô bàn kế sách chiến hay hoà. Người thì bảo nên đánh, kẻ lại bàn nên hoà, riêng Tả tướng quốc Trừng nói: “Thần không sợ đánh nhau, chỉ sợ lòng dân không theo thôi”. Quý  Ly đem cái hộp trầu bằng vàng ban cho Trừng (CM trang 333, TT trang 305 bản điện tử). Câu nói cuả Hồ Nguyên Trừng đã trở thành bất hủ, khái quát một chân lý  “mất lòng dân là mất tất cả”. Thế nhưng có lẽ Quý Ly thưởng cho Trừng vì vế đầu “thần không sợ đánh nhau” chứng tỏ quyết tâm đánh giặc cuả Trừng phù hợp với chủ trương cuả Quý Ly, mà không lưu ý vế thứ hai “chỉ sợ lòng dân không theo”.  Quý Ly chủ quan cho rằng dân ta vốn có truyền thống chống ngoại xâm, nên sẽ giốc lòng ủng hộ cuộc kháng chiến cuả nhà Hồ? Thật sự câu nói cuả Nguyên Trừng hàm ý ông không hy vọng cuộc chiến đấu sẽ được dân ủng hộ. Quả nhiên cuộc chiến đấu cuả nhà Hồ đã thất bại vì thiếu yếu tố “lòng dân”, bởi dân đã quá chán ghét sự tàn bạo cuả Hồ Quý Ly.
Tháng 4 Bính Tuất (1406) nhà Minh cho người đưa Trần Thiêm Bình về nước, Quý Ly sai tướng lên đón ở Chi Lăng đánh quân Minh, bắt được Thiêm Bình giết đi, rồi một mặt sai sứ sang biện bạch việc Thiêm Bình nói dối, xin theo lệ tiến cống như cũ, một mặt chuẩn bị khắp nơi cho cuộc kháng chiến. 
Nhà Minh đã có dã tâm đánh lấy nước ta từ lâu, nên nhân cơ hội này sai Chu Năng làm đại tướng, Trương Phụ, Mộc Thạnh làm tả, hữu phó tướng cùng các viên tướng khác chia ra hai đạo sang đánh: đạo quân cuả Trương Phụ đi đường Quảng Tây , đạo cuả Mộc Thạnh ở Vân Nam theo đường Mông Tự tiến xuống. Bọn chúng biết dân ta không phục nhà Hồ bèn làm hịch kể tội họ Hồ, tuyên truyền quân Minh sang để cứu dân Việt, lập lại nhà Trần. Khi đến Long Châu Chu Năng chết, Trương Phụ thay, sai viết hịch vào những mảnh ván nhỏ thả xuống sông, quân ta bắt được ai nấy đều bỏ quân Hồ về hàng quân Minh. Quân Hồ thua phải lui về giữ thành Đa Bang, cuộc chiến ở đây diễn ra khốc liệt, nhưng cuối cùng thành cũng thất thủ, quân Hồ bỏ chạy về Hoàng Giang. Quân Minh vào Đông Đô (Thăng Long) cướp bóc, bắt đàn bà con gái, thiến hoạn nhiều con trai nhỏ tuổi, thu lấy tiền đồng ở các xứ cho chở về Kim Lăng (tháng 12 Bính Tuất – 1406). 
Nhà Hồ bị quân Minh đánh cho tan tác, đi đến đâu cũng không được ai giúp. Quân lính phần thì hàng giặc, phần thì bị chết trận hoặc chết đuối, lực lượng ngày một hao mòn: 
Tháng 2 Đinh Hợi (1407) quân Hồ thua to ở sông Mộc Hoàn (Hà Nam), phải rút lui giữ cửa biển  Đại An (thuộc phủ Nghĩa Hưng bây giờ). Hồ Nguyên Trừng đón Quý Ly và Hán Thương từ Tây Đô đến, lại tiến quân đóng ở Hoàng Giang cầm cự với quân Minh.
Tháng 3 Hồ Nguyên Trừng tiến quân đến cửa Hàm Tử (Hưng Yên), quân Minh đón đánh, quân Hồ thua, chết rất nhiều. An phủ sứ Bắc Giang là Nguyễn Hi Chu bị bắt đã không tiếc lời mắng chửi Trương Phụ, Phụ sai đem giết.
 Bị thua ở Hàm Tử, Quý Ly và Hán Thương đem liêu thuộc theo đường biển chạy lui vào Thanh Hoá. Ngày 29 tháng 4 quân Minh tiến đánh Lỗi Giang (một nhánh cuả sông Mã ở Vĩnh Lộc-Thanh Hoá), quân Hán Thương tự tan vỡ. Ngụy Thức15 xin hai cha con Hồ tự thiêu, ông nói “Nước sắp mất, bậc vương giả không chết bởi tay người khác”. Quý Ly giận chém chết Ngụy Thức rồi chạy vào Nghệ An.
Lúc hai cha con nhà Hồ chạy đến Kỳ La, có phụ lão ra bái yết, nói “Chỗ này tên là “Ky Lê”, ở trên kia có núi “Thiên Cầm”, đấy đều là điềm không tốt, xin đừng lưu ở đây”16 Họ Hồ nổi giận chém chết người phụ lão ấy. (Quả nhiên sau bị bắt trói ở đây).
Trương Phụ biết Hán Thương trốn chạy vào Nghệ An, bèn cùng phó tướng Thạnh theo đường bộ tiến quân, phái Liễu Thăng đi đường thuỷ đuổi theo, đến cửa biển Kỳ La đánh quân Hồ thua to, bắt được Quý Ly, hôm sau bắt được Hán Thương cùng con là thái tử Nhuế ở núi Cao Vọng (thuộc Kỳ La). Các tướng tá như Hữu tướng quốc Quý Tỳ (em Quý Ly) và con là Phán trung đô Vô Cữu, Tả tướng quốc Nguyên Trừng, tướng quân Hồ Đỗ, Phạm Lục Tài, Nguyễn Ngạn Quang và Đoàn Bồng đều bị bắt.  Những người khác như Trần Nhật Chiêu, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Cẩn và Đỗ Mẫn thì đã hàng quân Minh từ trước. Duy chỉ có Hành khiển hữu tham tri chính sự Ngô Miễn  và viên trực trưởng Kiều Biểu nhảy xuống nước tự tử, vợ Ngô Miễn là Nguyễn Thị cũng chết theo.(CM trang 337 bản điện tử). 
Nếu cái chết anh hùng cuả những người nghĩa khí như Nguyễn Hi Chu, Ngô Miễn, Kiều Biểu, đặc biệt là cuả Nguyễn Thị, vợ cuả Ngô Miễn khiến chúng ta cúi đầu nể phục thì ngược lại thái độ hèn hạ, tham sống sợ chết cuả Hồ Quý Ly, một thời từng đứng trên đầu thiên hạ, tàn ác, coi  mạng sống cuả dân như cỏ rác mà đến khi lâm vào thế đường cùng lại không dám tự xử, thật dáng khinh bỉ.
Cuộc kháng chiến chống Minh cuả nhà Hồ hoàn toàn thất bại. Nhà Minh thống kê các thứ đã thu được: 48 phủ, châu, 168 huyện, 3.129.500 hộ, 112 con voi, 420 con ngựa, 35.750 trâu bò, 8.865 chiếc thuyền. Tháng 6 nhà Minh đổi An Nam làm Giao Chỉ, lập phủ, huyện, đặt quan lại, miễn tô thuế trong 3 năm. Đất nước ta rơi vào thảm cảnh đô hộ cuả nhà Minh trong  mười năm (1407-1417).
V/ KẾT CỤC CUẢ HỒ QUÝ LY VÀ NHÀ HỒ – MỐI QUAN HỆ NHÂN QUẢ
Theo “Lộ bố Hiến phù”(Bố cáo thắng trận cùng dâng hiến tù binh)17 được dâng lên vua Minh lúc bấy giờ thì danh sách tù binh gồm 22 nhân vật chủ chốt cuả triều đình nhà Hồ và con cháu thân thích cuả Hồ Quý Ly bị giải về Kim Lăng gồm có: Quý Ly và các con là Hán Thương, Trừng, Triết, Uông; các cháu là Nhuế, Lô, Phạm, cháu nhỏ là Ngũ Lang; em là Quý Tỳ; cháu gọi bằng bác là Nguyên Cữu, Tử Tuynh, Thúc Hoa, Bá Tuấn, Đình Việp, Đình Hoàng; Các tướng thần là Đông Sơn hương hầu Hồ Đỗ, Hành khiển Nguyễn Ngạn Quang, Lê Cảnh Kỳ; các tướng quân là huyện bá Đoàn Bồng, đình bá Trần Thang Mộng, trung lang tướng Phạm Lục Tài.
 Minh thực lục quyển 71 trang 988 ghi như sau:  
“…Thiên tử ngự tại cửa Phụng Thiên, các quan văn võ quần thần hầu xung quanh, khi nghe viên Binh bộ thị lang Phương Tân đọc bản văn đến đoạn “Giết vua lấy nước, tranh ngôi với họ Trần; thay đổi kỷ nguyên”; Thiên tử bèn sai người hỏi Lê Quý Ly rằng “Đó có phải là đạo cuả bề tôi không?” cha con Hồ Quý Ly không đáp được. Sau khi Tân đọc xong, xuống chiếu giam bọn Quý Ly, con là Thương, ngụy tướng Hồ Đỗ vào ngục, và xá bọn con cháu là Trừng, Nhuế; mệnh ty sở quan cấp đồ ăn mặc…”18. Như vậy theo văn bản này, trừ Hồ Nguyên Trừng và Hồ Nhuế (con cuả Hán Thương, nguyên thái tử nhà Hồ) được tha ra, còn lại đều bị giam vào ngục. 
Cương Mục trang 339 bản điện tử có một số chi tiết: bổ sung “…Sau, Quý Ly ở trong ngục được tha ra, bắt đi thú thủ ở Quảng Tây; Trừng vì lành nghề chế binh khí, dâng phép chế súng lên vua Minh, nên được tha ra để dùng”. 
Việt Sử Tiêu Án trang 115 bản điện tử cho biết thêm:”…. Xét trong sử Minh và Toàn Việt thì chép rằng: Quý Ly bị giam ở nhà ngục, con y là Trừng dâng phương pháp làm súng thần (công), được chức Thượng thư, Trừng xin ân xá, Quý Ly được tha, rồi sau mới chết, cùng với lời sử cuả nước ta hơi khác, vậy lục ra đây để sau khảo cứu.”
Như vậy có sự khác nhau giữa  VSTA và Cương Mục::
 -Theo VSTA, do Nguyên Trừng chế được súng thần công, vua Minh ân sũng ban quan tước làm đến chức thượng thư (Hồ Bạch Thảo cho rằng chỉ đến Hữu thị lang bộ Công thời Tuyên Tông năm Tuyên Đức thứ ba – 1428)19, Trừng xin ân xá cho cha nên Hồ Quý Ly  đã được tha ra.
 -Theo Cương Mục thì sau  một thời gian bị giam trong ngục, Quý Ly bị bắt đi thú thủ (đi làm lính thú)  ở Quảng Tây.  
Chi tiết cho rằng Quý Ly bị bắt đi thú thủ ở Quảng Tây e không đúng vì lúc này tuổi cuả Quý Ly đã cao (khi bị bắt đã 72, thì lúc này phải trên 75)20. Hơn nữa con là Hồ Nguyên Trừng làm quan trong triều đình nhà Minh, vua Minh tỏ ra ưu ái đối với Trừng21 thì việc Trừng xin ân xá cho cha  xem ra hợp lý hơn. Có lẽ người bị bắt đi thú thủ ở Quảng Tây là Hồ Hán Thương cùng đám họ hàng thân thuộc và quan lại nhà Hồ.
Nhưng dù sao Hồ Quý Ly cũng mang một nỗi nhục lớn thác xuống tuyền đài vẫn chưa tan, đó là từ tột đỉnh vinh hoa phú quý, quyền uy tối thượng -chỉ sau 7 năm ngắn ngủi –  đã trở thành tên tội đồ cuả ngoại bang, bị đọa đày trong ngục tù tối tăm lúc tuổi đã cao, sức đã yếu.
***
Trong tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly” (xuất bản năm 2006), nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã xây dựng Hồ Quý Ly như nhân vật đứng đầu phe cải cách  trong triều đình nhà Trần để vực dậy đất nước đã quá mục ruỗng bởi sự tham nhũng thối nát cuả bọn quan lại thủ cựu mà thượng hoàng Nghệ Tông đã bất lực dung túng. Tác giả miêu tả Hồ Quý Ly với những tính cách đầy mâu thuẩn, đầy phức tạp: vừa là người giàu tham vọng, độc đoán, kiêu ngạo lại cũng là người biết lắng nghe những lời khuyên cuả các bậc hiền triết; vừa là người hết lòng thương yêu gia đình vợ con, hiếu thuận với các bậc trưởng thượng, mến chuộng người có tài đức, lại cũng là người độc ác, tàn sát không gớm tay những kẻ chống đối cản trở con đường đi cuả mình, kể cả đó là con rể (vua Thuận Tông). Phải chăng tác giả muốn dùng nhân vật Hồ Quý Ly để minh chứng chủ thuyết “cứu cánh biện minh phương tiện”? Kết quả tham vọng đã đạt được cuả Hồ Quý Ly là gì? Không phải chỉ là cảnh máu đổ đầu rơi khủng khiếp cuả phe thủ cựu thất thế mà còn là bi kịch ngay chính trong gia đình Hồ Quý Ly: Thánh Ngâu, con gái cuả Quý Ly với Huy Ninh công chúa, hoàng hậu cuả Thuận Tông, phải khóc chồng khi tuổi còn quá trẻ; Hồ Nguyên Trừng, con trai trưởng cuả Quý Ly, suy sụp tinh thần khi người yêu cuả mình, nàng Thanh Mai, con gái nuôi cuả Trần Khát Chân bị liên lụy trong vụ mưu sát Hồ Quý Ly bất thành. Tiểu thuyết đã dừng lại ở cảnh chia tay vĩnh viễn giữa Hồ Nguyên Trừng và Thanh Mai trên bến đò sông Mã mà không cho độc giả biết thêm kết cục về sau cuả Hồ Quý Ly và triều đại nhà Hồ như thế nào. Đây là thiếu sót đáng tiếc hay là chủ ý cuả tác giả?
Thực tế qua lịch sử chúng ta thấy Quý Ly đã lợi dụng sự tin yêu cuả Nghệ Tông để leo dần lên bậc thang danh vọng, dùng mánh lới quỹ quyệt để hãm hại người vô tội, hiếu sát tàn bạo, giết vua, cướp nước, nhưng lại tham sống sợ chết, không có sĩ khí cuả đấng anh hùng. Quý Ly còn một tội lớn đối với dân tộc khi để mất nước vào tay nhà Minh – một vết nhơ lịch sử khó gột rửa – mà phải đợi đến hai mươi năm sau đất nước ta mới được giải phóng hoàn toàn nhờ tay người anh hùng áo vải Lê Lợi với cuộc kháng chiến Lam Sơn mười năm trời gian khổ (1418-1427).
  Hồ Quý Ly gieo gió tất phải gặt bão.

Vĩnh Liêm Dalat
Chú thích:
  1. Làm vua 15 năm (1314-1329) làm thái thượng hoàng 28 năm (1329-1357)
  2. Năm 1336 vua Chế A Năng từ trần, con rể là Trà Hoa Bồ Đề và con ruột là Chế Mỗ tranh ngôi vua trong 6 năm, đến 1342 Chế Mỗ bị đuổi sang Đại Việt, Trà Hoa Bồ Đề chính thức lên ngôi. 1360 Trà Hoa Bồ Đề qua đời, em cuả vua Chế A Năng là Po Binasor được triều thần tôn làm vua hiệu Chế Bồng Nga (Che Bonguar) –Theo Nguyễn Văn Huy, “Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam” (nguồn: “Lần theo dấu vết một thời ngang dọc cuả Chế Bồng Nga “ – Hồ Bạch Thảo) .Từ 1361 đến 1390 Chế Bồng Nga liên tục đem quân tấn công  Đại Việt, có khi  vào tận Thăng Long, đẩy Đại Việt vào tình thế bị động đối phó, dân tình hết sức thống khổ.
  3. Nhật Lễ là con cuả người làm trò tên là Dương Khương. Mẹ Nhật Lễ khi đóng trò vào vai Vương Mẫu trong tuồng “Vương Mẫu hiến bàn đào, đương có thai, Cung Túc vương Dục thấy nàng xinh đẹp nên lấy làm vợ và khi đẻ ra Dục nhận Nhật Lễ làm con. Khi Dụ Tông băng, bà thái hậu đón Lễ lập làm vua. Nhật Lễ tiếm vị chỉ ăn chơi rượu chè dâm dật, lại đang tâm giết bà thái hậu là người đã đưa Nhật Lễ lên ngôi.. Thiên Ninh công chúa cùng một số tông thất nhà Trần lập mưu giết được Nhật Lễ rồi đón Cung Tĩnh Vương Phủ, con thứ ba cuả Minh Tông đưa lên ngôi, tức Nghệ Tông.
  4. CM ghi là Cảnh
  5. Trước đây vua sai hành khiển Đỗ Tử Bình đem quân trấn giữ Hóa Châu. Chế Bồng Nga dâng 10 mâm vàng lên vua nhưng Đỗ Tử Bình ỉm đi, cướp làm cuả riêng, nói dối Chế Bồng Nga ngạo mạn vô lễ, xui vua đánh, vua giận lắm, quyết chí thân chinh. 
  6. VSTA ghi là Nghiễn
  7. Lê Giốc bị  Chiêm Thành bắt ở trận Đại Hoàng, giặc bắt lạy, Lê Giốc trả lời “Ta là quan cuả nước lớn, sao phải lạy chúng mày” và luôn miệng chửi chúng. Giặc nổi giận giết ông (1378). Việc tâu lên Giốc được truy phong  là Mạ tặc Trung Vũ Hầu
  8. “Phương” là “Đa Phương”, cũng có nghĩa là vuông, “viên” là tròn, ám chỉ “Cự Luận” (chữ “luận” có chữ “luân” bên cạnh nghĩa là tròn. “Phương Viên Tá Lự” có nghĩa có người phò tá nghĩ giúp mưu kế cả mặt vuông lẫn mặt tròn (theo CM và TT).
  9. Trần Nguyên Đán dòng dõi cuả Trần Quang Khải, ông ngoại cuả Nguyễn Trãi
  10. Đỗ là con Thượng vị hầu Tông, mẹ Đỗ cải giá lấy Quý Ly, Sau Đỗ đổi sang họ Hồ
  11. Năm 1382 Đa Phương thắng quân Chiêm ở Thanh Hoá được thăng chức Kim ngô vệ Đại tướng quân
  12. Trần Khát Chân là dòng dõi  danh tướng Trần Bình Trọng.
  13. Hội thề có  từ thời nhà Lý tổ chức hàng năm vào ngày mồng 4 tháng tư, vua quan đến đền thờ thần núi Đồng Cổ- Thanh Hoá, họp nhau uống máu ăn thề, đọc lời thề “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, thần minh giết chết”
  14. tháng 8 Kỷ Mão – 1399 có tên cướp Nguyễn Nhữ Cái trốn vào núi Thiết Sơn làm giả tiền giấy tiêu dùng. Khi Thuận Tông bị giết, Khát Chân bị chém, tên này mới dụ dân lành được hơn vạn người làm loạn, hoạt động, cướp bóc ở nhiều nơi mãi đến tháng 12 mới dẹp yên được.(CM trang 323,TT trang 295 bản điện tử)
  15. Ngụy Thức giữ chức ngự sử trung tán triều Hồ Hán Thương
  16. Chữ “ky Lê” có nghĩa là “trói họ Lê”, “Thiên Cầm”là “đàn trời” nhưng cũng có nghĩa “trời bắt”, ý dân làng không muốn họ Hồ lưu lại đây nên nói trại như thế. Kỳ La thuộc huyện Kỳ Anh, tĩnh Hà Tĩnh
  17. Theo Hồ Bạch Thảo “Tìm hiểu thêm một vài chi tiết về tiểu sử Hồ Nguyên Trừng, tác giả “Nam Ông mộng lục”
  18. Theo Hồ Bạch Thảo, tài liệu đã dẫn.
  19. Theo Hồ Bạch Thảo, tài liệu đã dẫn.
  20. CM trang 333 và TT trang 304 bản điện tử cho biết: tháng 9 năm Ất Dậu (1405) Quý Ly thấy mình đã 70, nên ban cho phụ lão các lộ từ 70 tuổi trở lên mỗi người hưởng tước 1 tư, đaà bà thì ban tiền ở kinh thành thì ban tước và ban tiệc rượu. Vậy khi bị bắt (1407) Quý Ly đã 72.
  21. Theo Hồ Bạch Thảo, tài liệu đã dẫn

____________

Tài Liệu Tham Khảo:
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, viết tắt Toàn Thư (TT)
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, viết tắt Cương Mục (CM)
Việt Sử Tiêu Án, viết tắt VSTA
Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim
Lần theo dấu vết một thời ngang dọc cuả Chế Bồng Nga- Hồ Bạch Thảo
Tìm hiều thêm một vài chi tiết về tiểu sử Hồ Nguyên Trừng, tác giả “Nam Ông mộng lục”- Hồ Bạch Thảo
-Tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly (bản điện tử) – Nguyễn Xuân Khánh


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: