Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

GIÓ THOẢNG QUA ĐỒI


Truyện ngắn của HỒNG GIANG

Nàng rũ bỏ bụi trần, một dạo nàng đi hát văn, nàng đã là con người khác, không giống như hồi đầu tôi gặp.
Mấy lần tôi đi tìm, đều không biết nàng bây giờ đang ở đâu?
Ngôi nhà gỗ xoan ba gian đã cũ của mẹ nàng vẫn ở nguyên chỗ đó, bên cánh đồng ngô xanh rờn mùa này, cũng không có nàng ở đó. Chỗ ấy gần cái lò gạch suốt ngày phun khói bụi mờ mịt, có những cáng gạch dài sắp hàng thẳng tắp, che phên nứa chỉ bỏ ra những khi trời nắng ráo.
Nàng bảo cả thời thiếu nữ của nàng gắn bó với cái sân cáng gạch này. Buổi sáng đi học, còn buổi chiều và các ngày nghỉ, chủ nhật nàng thường ra đây đóng than, vác gạch cho người ta ra, vào lò.
Không biết cái khuôn than cũ bây giờ có còn ai dùng nó nữa không?
Nàng thuộc nó đến nỗi nhắm mắt lại, cũng hình dung ra. Đấy là cái khung đóng bằng gỗ trai, thứ gỗ chịu nước, chịu nóng, lạnh không bị biến dạng như các loại gỗ khác. Nàng khắc ở một cạnh mặt trên của nó tên của nàng. Sau này nàng cứ hay tự thắc mắc với mình vì sự việc vớ vẩn ấy.
Khắc tên ở đâu không khắc, sao lại khắc tên mình vào cái khuôn than?
“Có lẽ vì thế mình cứ hay lận đận mãi, lọ lem mãi có phải là do sự nông nổi này không?
Cả sự nghiệp, tình duyên, chả cái nào xuôn sẻ”..
Cho đến khi gặp tôi, nàng vẫn còn “quá lênh đênh” như nàng bảo vậy!

Là nàng nhớ lại thế, chứ bây giờ lò gạch đã cải tiến nhiều rồi. Ống khói lò gạch bây giờ làm theo kiểu hạn chế ảnh hưởng môi trường, công nghệ mới, xây rất cao. Lối ra vào và ghi lò thiết kế cũng rất khác. Xe ô tô có thể ghé sát cửa lò, không phải vác bộ leo dốc ra vào lò như khi không phải đóng than, nàng vẫn làm. Người ta đã chạy bằng máy đúc than, một giờ ra cả ngàn viên..Không đóng bằng tay như ngày nàng còn làm ở đấy..
Kiểu người mảnh mai, óng như lá mạ của nàng chẳng qua vì nhà nghèo, chứ làm ở đây, cho dù hiện đại như bây giờ, cũng không mấy thích hợp.
Vậy mà cứ như thế cũng có cả năm sáu năm trời, từ lúc nàng mười bốn mười lăm cho đến ngày đi lấy chồng. Một gã sơn tràng chuyên nghề kiếm củi, một bữa bè củi của gã lênh bênh ghé vào bến gần nhà nàng.
Tôi đứng nhìn khói từ ống khói cao ngất, thẳng đuỗn tuôn lên trời xanh mà cảm thấy lòng hẫng hụt.
Một người làng thả bò đứng gần đó cho tôi hay: Nàng đã đưa đứa con gái nhỏ ra ngoài thành phố. Nghe nói mở tiệm gội đầu hay sơn móng gì đó. Công việc này nghe ra có vẻ hợp với nàng hơn.
Nhưng đó là chỗ nào nhỉ? Thành phố miền sơn cước chả to tát mấy, sao tôi chưa có lần nào gặp? Hay lại giống như cái tiệm gội đầu năm nào ở tút lút trong ngõ. Lối đi đó qua một con ngõ nhỏ ngoằn ngèo, một khu phố hẹp xây sát chân đồi.
Đi trong ngõ ấy không cẩn thận rất dễ chạm tay lái vào hai bức tường rào xây cao ở hai bên. Có hôm đi được một quãng phải dắt xe quay lại vì vướng xe đi ngược chiều mà đường thì nhỏ không đủ chỗ tránh nhau.
Kinh doanh ở một vị trí như thế nói về mặt đón khách, không mấy kết quả. Nó chỉ là hình thức cho hợp với mắt nhìn của xung quanh, những dòm nom xăm soi ngoài xã hội.
Nghề chính là nhờ giọng hát và dáng eo thuôn của nàng về đêm. Những quán karaoke rất cần những “nhân viên” có thể hình và giọng hát như nàng.
Thực là xấu hổ khi kể ra điều này. Tôi đã gặp nàng ở một nơi như thế. Sự chủ động là do lão người Đài Bắc yêu cầu trong khi chờ đóng đủ hàng, hồi tôi đi buôn lâm sản phụ.
Chính tôi cũng không ngờ cuộc gặp bất ngờ, không dự định ấy lại mang lại cho tôi nhiều ấn tượng về nàng. Bởi tiếng cười khúc khích lúc nàng ra mắt bọn tôi trong một hoàn cảnh không có gì đáng cười cả!
Tình trạng ấy kéo dài mãi quan hệ của tôi với nàng sau này, đúng vào khi gia đình tôi có sự xáo trộn hôn nhân giữa tôi và vợ mình.
Nhưng thôi, đấy là câu chuyện buồn. Không nên kể ra ở đây. Nó đâu phải chủ đề chính của câu chuyện này?
Điều mà tôi ngạc nhiên khi ông lão chăn bò kể lại là chuyện khác. Về đứa con gái của nàng.
Nó có từ bao giờ nhỉ? Có phải có được nó từ sau cái lần tôi đưa nàng đến bốc thuốc chỗ vị danh y, “Thuốc gia truyền” số 13, phố Bà Triệu Hà Nội năm nào không? Và ai chính thực là bố của con bé?
Câu hỏi này càng thôi thúc tôi đi tìm nàng, để hiểu thấu đáo hơn câu chuyện. Và cũng để thanh thản trong tâm thế của mình.
Dù sao thì tôi cũng là một tác nhân ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc đời nàng, một phần là trước đây, một phần là hậu quả của bây giờ.
Tôi không thể làm ngơ, vô cảm vô tình như không biết, không có trách nhiệm gì.
Tôi quyết định trước tiên đến gặp mẹ nàng, người mà theo tôi nghĩ, dù có thế nào nàng vẫn còn giữ mối liên hệ.
Con người ta dù có ra sao vẫn tìm đến mẹ mình, tình nghĩa là một chuyện, còn có trách nhiệm không thể dứt bỏ. Mẫu tử tình thâm là điều con người ta dù thế nào chăng nữa vẫn phải giữ trong thẳm sâu ý thức của mình.

Mẹ nàng đã sang ở với người chị gái. Chị vừa ở viện 103 về sau khi phẫu thuật dạ dày. May mà là khối u lành nên chị đã hồi phục rất nhanh. Tuy vậy chị vẫn chưa thể đến nhà máy xi măng, đứng máy đóng gói bao như trước. Là mẹ nàng nói như thế chứ chị không nói câu nào, ngoài cái gật đầu lặng lẽ.

Thấy tôi đến chị không có biểu hiện gì vui hay buồn, chỉ lặng lẽ ôm chiếc gối đi vào trong buồng, để mặc tôi với bà mẹ ngồi uống nước bên cái bàn đã cũ.
Cái bàn này mấy năm trước tôi đã cùng nàng kê nó ở đây. Đó là cái bàn nàng mua thanh lý từ một quán ăn ngoài thành phố khi người ta thay bộ bàn ghế mới, có khung bằng sắt, mặt bàn bằng gỗ công nghiệp đôi chỗ đã tróc lớp mê ca dán phủ lên trên. Nàng nhờ tôi chở cái bàn đó đến đây. Nó vẫn được kê ở chỗ này, dù rằng nhiều việc đã diễn ra, đã thay đổi. Cái bàn chẳng cũ thêm bao nhiêu, gần như khi mới mang về.

Chỉ qua cử chỉ của chị, tôi biết chị không bằng lòng, không mấy thiện cảm. Có lẽ chị nghĩ tôi cũng như những gã đàn ông khác, từng là nguyên nhân trong nỗi bất hạnh của em mình.
Ý nghĩ ấy khiến tôi buồn. Tôi nghĩ có lẽ chị đã không hiểu, mức độ và sự thân thiết của tôi đối với nàng? Nhưng nói ra điều đó lúc này, phỏng có ý nghĩa gì? Hơn nữa, chừng mực nào đó cũng không hẳn sai hoàn toàn. Tôi cũng có phần trách nhiệm của mình kia mà.
Dù sao thì đối với tôi nàng không phải người hoàn toàn xa lạ. Cho dù sự gặp gỡ thực ra chỉ là do ngẫu nhiên.
Lại nữa, suốt trong thời gian sống bên nàng tôi như một người bạn, không hơn không kém.
Nói ra điều này hẳn nhiều người không tin.
Chúng tôi là hai người khác giới, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén kia mà? Không có chuyện tình yêu xa rời tình dục, đó là thứ đạo đức giả, đối với người rụt rè, đơn giản, ngay ngắn còn khó tin, nữa là kẻ như tôi. Một kẻ mang tiếng là quăng quật, va chạm nhiều,  tính cách bạo dạn, có lúc dại dột, coi trời bằng vung, bất chấp tất cả?
Nhưng sự thực là như thế.
Ngay buổi tối đầu tiên gặpnhau, nàng đã nói với tôi về bí mật của nàng. Một điều đối với người khác nàng không bao giờ nói, bởi hoàn cảnh sống lúc bấy giờ.
Nàng bảo nàng đang mang căn bệnh nan y, hiểm nghèo. Sự gần gũi đàn ông đàn bà nếu có, sau này tôi sẽ phải hối hận!
Thoạt đầu tôi không tin lắm. Nói dối cũng là vũ khí lợi hại tự vệ bản thân trong hoàn cảnh các cô gái như nàng, nếu họ thật sự không thích, không muốn vì một tình cảm vô tư không mang tính thương mại.
Về đến chỗ ở của nàng, nhìn khung cảnh gian phòng nàng ở và nhất là có một thứ mùi rất khác, linh cảm nhắc tôi nên tin điều đó là thực.
Ở trên mặt tủ cá nhân, tôi thấy có mấy gói thuốc. Hỏi. Nàng bảo đấy là thuốc chữa “bệnh kín”, chả biết tên cái “bệnh kín” ấy là gì? Nàng bảo đời nàng bây giờ đã hết mọi nguồn hy vọng. Sau này nếu có lấy ai đi nữa cũng chỉ làm khổ người ta, sẽ chẳng thể nào sinh con được nữa rồi!  Rồi nàng hỏi lại:
-          Bây giờ anh đã tin lời em nói hay chưa?
Thực ra tôi chưa hiểu mấy, còn ngờ ngợ, nhưng vẫn nói:
-          Anh tin!
Như một cách gượng nhẹ, đỡ cho nàng tổn thương..
Vậy là quan hệ của tôi với nàng có vệt ngăn cách ấy, không thể đi quá xa, dù cả hai đều mong muốn vượt qua nó, theo lẽ thường tình.

Có một câu chuyện mà cả mẹ lẫn chị gái của nàng không biết sau đó ít ngày. Ngay cả đến bây giờ tôi vẫn chưa kể cho họ nghe, bởi tôi nghĩ là không cần thiết nữa. Hoặc giả đó là sự kể lể công ơn về việc vì sao sau đó nàng khỏi bệnh, trở lại người phụ nữ bình thường, hơn nữa lại có con, điều mà khi ấy nàng hoàn toàn tuyệt vọng. Cũng là nguyên nhân vì sao nàng chọn cách sống hoang sơ, được nhìn nhận là vô lý trong mắt nhiều người.
Tôi nhìn dáng già nua, phúc hậu, hiền lành đến tội nghiệp của mẹ nàng và quyết định không nói ra điều ấy. Vì như thế là xúc phạm, tổn thương đến bà.
Giờ thì mẹ nàng đang kể về bất hạnh của nàng. Do đâu và vì sao nên nỗi?
Câu chuyện này mười năm trước khi nàng đưa tôi về thăm nhà, tôi đã được nghe. Có thể bề dày của nỗi buồn che khuất, mẹ đã quên là đã kể ra với tôi. Cũng có thể bà muốn nhắc lại câu chuyện không vui ám ảnh bà suốt bao năm tháng:
- Nó học giỏi, hát hay. Những mong sau này thi vào trường âm nhạc. Năm nào cũng được nhà trường cho giấy khen..Nhìn nét mặt tươi tỉnh của nó, ai cũng bảo sau này số của nó chẳng đến nỗi nào, nếu thi vào trường năng khiếu, chắc chắn thế nào cũng đỗ. Nếu năm ấy tôi không ốm, không phải đi viện mấy tháng trời, nó không phải nghỉ học chăm mẹ, có lẽ điều ấy đã thành rồi..Bệnh viện nói bệnh của tôi phải phẫu thuật mới mong chữa lành. Một phần dạ dày phải cắt bỏ. Có lẽ căn bệnh này mang tính di truyền, bây giờ lại đến lượt chị gái nó mang, y như tôi ngày nào..
Bà ngừng kể, lặng lẽ lấy khăn chấm hai khóe mắt. Tôi đã định đứng dậy xin phép bà để về, cũng là cách chấm dứt câu chuyện buồn, khơi lại chỗ đau cũ trong lòng bà, nhưng mẹ nàng không nghe, tôi đành phải nán ngồi lại.
- Ai ngờ đâu nó lấy phải người chồng như thế? Nhà anh ta nghèo khó đã đành, mặt mũi không đến nỗi nào, có ai biết ngoài tươi trong héo đâu? Hôm nó từ bệnh viện về trên nhà tìm tiền để lo cho tôi thì gặp anh ta.
Người này mọi khi vẫn cặp bè ngoài bến gần nhà. Khi thì anh ta lên quán mua vài thứ đi đường sông, khi chờ đến giờ cầu phao mở luồng, bè mới qua được. Một đôi lần thành quen, tôi cũng coi như chỗ thân tình. Cũng có hôm không xuôi bè, anh ta đạp xe vào chơi, cho ít măng chua, đôi gà hay vài thứ sản vật đồng rừng. Có lần ở lại ăn cơm, có lúc chỉ ở uống nước một chốc, rồi đi ngay.
Anh trai nhà này quý người này lắm, coi như anh em ruột. Không bận công việc nhà máy, hay được nghỉ vài ngày là tút lên chỗ anh ta. Bố mẹ anh ta cũng khéo, lại quý người. Anh trai nó lần nào lên trên ấy, thế nào lúc về cũng có mảng củi xuôi cải thiện thêm. Rồi gạo, rồi gà, lỉnh kỉnh lắm..
Người như thế ngỏ lời muốn giúp đỡ, ai chả tin? Con bé cầm của anh ta số tiền đóng cho bệnh viện..
Rồi việc gì phải đến đã đến.
Tôi ở viện về được vài tháng thì xảy ra chuyện.
Thấy nó có vẻ bất thường, hay thảng thốt như đang lo lắng việc gì ở đâu đâu. Có khi hỏi nó chuyện nó đơ đẫn rất lâu, không mau mắn như thường ngày. Nhìn cái lưng hơi ngay,chân mày dựng, tôi đã nghi nghi.
Gặng mãi nó mới nói thực, nó đã “có” với anh chàng đi bè này!
Thực như nghe sét đánh ngang tai. Ai ngờ một đứa tinh khôn, nhanh nhạy như nó lại mắc phải điều tệ hại nhất đối với người con gái?
Hai mẹ con tính chán không biết giải quyết bằng cách nào, uống đủ thứ thuốc mà cái hậu quả của nó không khắc phục được.. Cuối cùng thì cũng đành nhắm mắt đưa chân. Nó đi lấy chồng.
Nói để trả ơn người ta cũng không phải.
Không thể đền ơn bằng cuộc hôn nhân, điều này dẫu ít chữ như tôi, cũng phải hiểu. Nhưng việc lỡ rồi, muốn không để miệng tiếng thế gian, chỉ còn duy nhất cách như vậy.
Có ai ngờ khôn ba năm dại một giờ? Cuộc đời thật lắm éo le và lắm bất ngờ. Vậy là ước mơ học lên của nó không còn bao giờ được thực hiện. Nghĩ thương con mà cay đắng trong lòng.
Chỉ tại bổn phận làm cha mẹ của mình không đầy đủ, nghèo khó mà khổ lụy đến con. Nghĩ vậy tôi cắn răng không dám day dí nó câu nào. Thôi thì có phúc có phận, cầu mong sao nó làm dâu nhà người êm ả, dần dà qua khó khăn, nghèo túng mà đi lên. Cốt sao có người chồng tử tế. Không tài ba, sắc sảo có quyền có chức hơn người thì cũng ăn ở hiền lành biết quý vợ, thương con..

Đoạn sau của câu chuyện bà mẹ nàng không kể nữa. Có thể vì bà đã mệt, người không được khỏe. Cũng có thể câu chuyện có điều khó nói, mẹ nàng không muốn nhắc đến. Nhưng nó đã được chính từ miệng nàng kể cho tôi nghe.
Người ta bảo: “Chớ tin cave, chớ nghe thằng nghiện”, nhưng với nàng thì tôi tin. Lòng tin ấy không phải mơ hồ không có cơ sở, hay vội vã mà tin người. Có đủ thời gian để tôi có thể yên tâm như thế về điều này, khi nàng kể cho tôi nghe cuộc hôn nhân thứ nhất của nàng.
Hơn nữa chính tôi đã gặp và nghe kể từ người chồng cũ của nàng. Đó là lần nàng nhờ tôi  đưa nàng xuống thăm gã ở trại cai nghiện, dù đã ra tòa. Gã đã khóc và kể cho tôi nghe về cuộc sống trước đây của hai người và rất lấy làm tiếc về việc hai người đã  ly dị.
Một thằng nghiện như gã có thể tin được trong câu chuyện này?
Lúc đó nàng chỉ ngồi im lặng, không nói câu nào.
Tôi nghĩ nàng phải như thế nào hắn mới nói như vậy?
 Hắn hoàn toàn có thể miệt thị hay đổ lỗi cho nàng trong trường hợp ấy. Bản tính cố hữu hẹp hòi của con người là thường tìm cách đổ lỗi cho người khác, ít khi dám nhận trách nhiệm về mình. Nhất là kẻ như gã, một người đã mất hết tự chủ, rơi vãi đã nhiều nhân cách và lòng tự trọng.
Cảm giác ấy không hiểu sao cứ lẩn quẩn mãi trong đầu tôi. Tôi nhớ lại hình ảnh mấy gói thuốc treo trên tường, trong phòng ở của nàng. Nghĩ đến vẻ mặt xanh xao, nét cười gượng của nàng mỗi khi bị cơn bệnh hành hạ. Tự cảm thấy mình bất nhẫn nếu cứ như người ngoài cuộc, mặc dù khi đó tôi cũng chẳng có gì ràng buộc với nàng. Và khả năng tài chính còn rất hạn chế vì công việc kinh doanh gặp khá nhiều trắc trở.

Lão chủ người Đài Loan muốn tôi luôn có mặt tại thị xã này để đón nguồn hàng từ các nơi về. Lão sợ các nguồn hàng từ xa về lọt về tay một công ty khác đang tranh lấn thị phần ở đây. Lão đặt cho tôi một phòng trong khách sạn đẹp nhất tỉnh, ngay bên bờ sông. Tiện nghi đủ cả, lại quá rộng rãi vì chỉ có một mình.
Tôi thì chưa quen và rất ghét phòng máy lạnh. Ngay cả khí thở, nó cứ giả giả thế nào ấy.
Một kẻ xuất thân thợ hồ như tôi, ở như thế có khác nào một chú voi ở trong nhà kính? Tôi thích chỗ dân dã, có người để trò chuyện. Một ngẫu nhiên như thế, tôi dọn đến trọ gần phòng của nàng.
Người ngoài cuộc có khi nhầm chúng tôi là cặp nhân tình. Nhất là những hôm tôi phải tiếp khách ở nhà hàng về, bia rượu quá mức, chân đi không vững. Những lúc như thế nàng ra tận cửa xe tắc xi dìu tôi vào phòng, thay đồ, lau chùi mặt mũi, chân cẳng cho tôi.  
Quan hệ giữa tôi với nàng gần như một người em, một người tình. Nếu không vì căn bệnh ghê gớm nàng nói, có khi biết đâu được đấy, chuyện đàn ông đàn bà đã xảy ra?
Cuối cùng cũng chính vì chuyện ấy tôi quyết định đưa nàng về Hà Nội như đã kể.

Ông thầy lang đẹp như một ông tiên. Thú thực tôi chưa gặp một ông thầy nào như thế. Bảy mươi bẩy tuổi rồi mà hàm răng vẫn đều và chắc, ( làm tôi nhớ đến câu tục ngôn bất hủ nói về một ông nào đấy “”răng chắc C. bền”) chòm râu có lẽ trên đời chả ai có được bộ râu như thế. Nó trắng và sáng như cước, tỏa ra quanh cặp môi mềm, rất thắm.
Dung nhan ấy của người già quả là rất thú vị, ấy là chưa kể đến vầng trán như có ánh sáng chiếu vào và đôi mắt còn rất tinh tường. Một ông lang như thế, cảm thấy yên tâm sau khi phải vất vả trèo lên căn gác xép khá hẹp và chật chội bằng cái cầu thang nhỏ làm bằng gỗ sồi.
Ông thăm mạch, xem lưỡi nàng và nói thầm thì điều gì đấy đủ cho nàng nghe. Tôi ngồi xa đó một quãng, tảng lờ như không nghe thấy, chăm chú đọc những bức thư họa treo la liệt trên tường. Trong phòng mùi hương ngào ngạt, không thể phân biệt nó tỏa ra từ loài thảo mộc gì?

Ông thầy cắt cho nàng toa thuốc đầu tiên, dặn uống hết gọi điện đến ông sẽ gửi thêm cho.
Tiền có đặt trước hoặc gửi sau cũng được.
Tôi làm nghề kinh doanh, những chuyện liên quan đến tiền bạc là thứ cảm nhận rất nhanh. Qua cách cư xử, tôi biết ngay “ông tiên” này chữa bệnh hoàn toàn không phải vì tiền. Hoặc cũng có thể ông tự tin hiệu quả chữa bệnh bốc thuốc chắc chắn có kết quả của mình? Hoặc nghĩ đến sự ràng buộc của bệnh nhân một khi đến đây cầu chữa khỏi bệnh, tiền trả là lẽ đương nhiên?
Sau một tuần, nàng nói với tôi hình như bệnh chuyển. Ngứa ngáy khó chịu giảm đi nhiều, đến bữa ăn ngon hơn. Tôi thấy nước da nàng cũng sáng và mịn hơn dạo trước.
Ban ngày tôi đi làm. Công việc giao dịch nhiều khi không nhất định, chả có giờ giấc nào cả. Còn nàng đi làm về đêm, có hôm gần sáng mới về. Nhờ có giọng hát hay quán karaoke nào cũng nhớ đến, gọi nàng khi có khách yêu cầu.
Chúng tôi sống gần nhau theo kiểu mặt, trăng mặt trời như thế, gần một năm trời. Cho đến khi công ty của lão người Đài rút về nước, tôi cũng chuyển sang làm việc khác, không ở chỗ đó nữa.
Từ đó đến giờ chúng tôi không gặp nhau.  

Chợt một hôm, tôi ở phương nam về, tôi nghe nói nàng có đứa con gái? Tin này do một người quen gặp tôi ở bến xe vô tình kể lại. Sau lúc ấy tôi sửng sốt, một chút tò mò pha lẫn băn khoăn. Biết đâu đứa con của nàng chả có liên quan nào đó đối với tôi?
Nếu đúng là như thế thật, tôi là kẻ thật đáng trách, vì sự vô tâm, vô trách nhiệm của mình!
Tôi nảy ý định quyết tìm nàng cho bằng được, để giải tỏa ý nghĩ ám ảnh ấy của mình. Và nếu có thể, làm một điều gì đấy để chuộc lỗi lầm mà có thể do mình gây ra!
Cho đến khi tôi gặp người trong gia đình nàng, vẫn bặt tin, vẫn bóng chim tăm cá..
Trong nhiều cái lo thừa của của mình, điều ấy là sự thừa thãi may mắn nhất. Tôi không cần phải có bổn phận và trách nhiệm gì vì đứa con ấy không phải con tôi. Cha nó là một người khác.
Tệ hơn nữa khi nó ra đời, người đó đã bỏ rơi hai mẹ con nàng.. Anh ta cần một đứa con trai theo thỏa thuận với người vợ đang chung sống với anh ta. Người ta không cần cô con gái do nàng sinh ra vì gia đình họ đã quá đủ cơ số của đàn “Vịt giời”..

**
Cuộc gặp nàng trong lễ hát văn đền Hạ đã làm cho H để ý. anh ta đã gặp nàng đôi ba lần khi đi hát cùng bạn bè sau những buổi ký kết hợp đồng kinh doanh.
Thực ra công ty của anh ta không giàu có, phồn thịnh như anh ta nói với nàng. Đó là công ty chăn nuôi gia súc, gia cầm tư nhân. Một công ty ốm lên ốm xuống, mấy lần toan tuyên bố phá sản vì những đợt dịch tràn lan. Gà vịt, ngan ngỗng, đà điểu lăn cổ chết từng đống. May nhờ có công nghệ ươm con giống, công ty còn có thu nhập, nên còn vớt vát lại được.
Người ta bảo “gầy bò còn hơn béo ngan”. Người như H chưa phải là người nghèo hoàn toàn. Dù làm ăn khó khăn, H vẫn là một kiểu “đại gia” trong mắt nhiều người. Nhất là người có hoàn cảnh bi đát như em.
Sự tan vỡ của cuộc tình vá víu với H làm em thêm một lần đau khổ. Lúc này  em đã thôi đi đền, phủ hát văn. Những nơi ấy thiêng liêng mà cuộc sống của em lại quá u ám, đâu còn thích hợp? Ngay cả đến các quán hát karaoke cũng không vời em nữa. Nghề cắt tóc gội đầu giờ thuộc những cô nàng trẻ trung nhí nhảnh, tuổi của em đâu còn thích hợp?
Cũng may trước lúc chia tay, H đã kịp sắp xếp cho em một nơi thích hợp. Đây là lần tử tế cuối cùng anh ta dành cho em, đúng là lúc em đứng trên cầu, nhắm mắt lại, buông bỏ mọi ý nghĩ, khi ấy trời đã khuya lắm, rất ít người qua lại trên đường. H từ bên Thái Nguyên về, bất chợt nhận ra và dừng xe lại.

***
Tôi tái lập gia đình, cuộc mưu sinh chăm lo cho gia đình mới luôn làm tôi bận rộn. Tôi đã quên nhiều chuyện cũ, trong đó có câu chuyện về em. Chuyện về người con gái tài hoa mà bạc mệnh.
Nếu biết, chắc em cũng chẳng trách tôi về việc này vì thực ra giữa hai chúng tôi quan hệ chỉ như gió thoảng qua đồi. Như gặp gỡ ngẫu nhiên không có nhiều kỷ niệm. Ân oán duyên tình chỉ như chuyến đò cùng sang sông.
Nếu bảo những chuyến như thế là sâu nặng thì con người ta phải sâu nặng với bao lần trong cuộc sống  “tế phức” và đa dạng này? ( Chữ “tế phức” là chữ nàng hay dùng, chả biết nàng học được ở đâu? Tôi thấy ngồ ngộ nên còn nhớ và mượn lại của nàng).
Tưởng mình đã quên thì bất ngờ chị nàng tìm đến tôi. Không phải việc gì liên quan đến nàng. Là việc riêng của gia đình chị.

Người ta vừa quy hoạch xong và chuẩn bị xây mới một nhà máy xi măng theo công nghệ hiện đại. Nhà máy này có công xuất cao gấp năm lần nhà máy xi măng cũ. Đặc biệt hơn, nó bảo đảm yếu tố môi trường. Chắc chắn là không tuôn khói bụi mù mịt phủ trắng các vườn cây xung quanh nhà máy như nhà máy cũ. KIểu xi măng lò đứng nay đã lỗi thời và đi vào dĩ vãng, đi vào lịch sử những trang công nghiệp cổ lỗ thời khó khăn.
Chị gái nàng ở trong diện giải tỏa để lấy đất xây dựng nhà máy mới này. Nhà nước đã đền bù và chị đã tìm được chỗ di dời.
Chị tìm tôi là để xây căn nhà mới ở nơi tái định cư. Đúng là sông có khúc người có lúc.
Nghe chị kể chỗ ở mới mà thèm.
Đó là bãi đất khá bằng phẳng dưới chân núi Dùm, lối vào thác nước một ngoạn cảnh rất đẹp.
Thực ra vị trí tái định cư là ở chỗ khác, nơi này là cô em gái mách cho. Chủ nhân của khu vườn sinh thái vừa chuyển vào một thành phố trong nam ở với con. Họ nhường lại với giá khá rẻ.
Hơn nữa vào thời điểm bất động sản đóng băng, mua được một chỗ như thế cũng là chuyện bình thường. Trước đây một vài năm chuyện này khó có thể xảy ra với giá tiền mua được như thế của chị.
Gặp tôi lần này, chị ấy vui vẻ lắm, chả lì xì như hôm nào tôi đến nhà cũ của chị bên vạt ngô, gần cái lò gạch cũ.
Đang đói việc, tôi cũng lấy làm may. May hơn nữa là có cơ hội gặp lại em. Cho dẫu tôi với em bây giờ đường ai nấy đi. Nhưng người cũ xưa kia giờ có cuộc sống ổn định, cuộc sống khá lên, tôi không vui, không lấy đó làm may sao được?
Tôi đã cố hình dung ra hoàn cảnh sống của em theo lời bà chị kể. Nhưng đều trật lấc.
Tôi không ngờ cuộc sống của em giờ đã khác rất nhiều.

Ngôi nhà gần miếng đất bà chị gái mua là nhà của em. Một ngôi nhà hai tầng có hàng rào xây bằng đá tảng vây quanh. Trước nhà có giàn nho xanh đang mùa ra trái. Chạy dọc theo vườn là cái ao tương đối rộng. Quanh bờ ao là những hàng nhãn xum xuê lúc lỉu quả.
Sau nhà là vườn cây đủ thứ, cam, bưởi, na hồng.
Trong ngôi nhà mới của mình, nàng dành riêng thiết kế một phòng hát có giàn âm thanh rất chuẩn. Có lẽ thói quen yêu thích âm nhạc từ nàng chưa mất. Nhưng ở vị trí này, tôi đoán nàng không có ý định kinh doanh vì hơi xa thành phố
Nàng sống như một người giàu, có nền tảng từ lâu chứ không phải mới từ khó, khổ đi lên.
Đứa gái nhỏ của em, tóc đuôi gà, khi chúng tôi đến vừa đi học về. Nó lễ phép chào hỏi rồi cất sách vở, đi chăn đàn ngỗng khá đông của hai mẹ con.
Tôi làm quen với nó và hỏi chuyện. Nó nói mẹ sang chợ thành phố bán rau quả, đến chiều mới về.
Hỏi bố cháu đâu? Nó chau mày không nói gì. Bà chị của mẹ nó cũng tỏ vẻ không bằng lòng, cố kiềm chế không tỏ thái độ, nhưng tôi biết, bà không vui.
Tôi thật chả ra gì, sao lại hỏi một đứa bé một chuyện như thế chứ?
Sự vô tâm của tôi thật là vớ vẩn, điều này làm tôi áy náy mãi đến bây giờ!



                                                                                     ==========



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: