Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

TƯ LIỆU

“Bắt phong trần phải phong trần...”


Hoàng Tuấn Phổ

(...)

Năm 1954, gia đình tôi (bố mẹ và tôi) đói lắm ! Đồng ruộng không cày cấy gì được, đất nẻ toác thấy âm ti, vì máy bay thực dân Pháp ném bom phá hỏng đập nước nông giang Bái Thượng  từ năm 1951.(1) Người ta tố rằng bọn phản động đã đề nghị Thực dân Pháp phá đập nước để nhân dân Thanh Hóa chết đói ! Bố tôi bị tố cáo đã tham gia tổ chức phản động, và đó là một trong những tội ác ! Tôi sinh năm 1935, lúc ấy mới 16, 17 tuổi, nhưng không tránh khỏi liên quan, cũng bị tình nghi phản động. Tôi nghĩ đơn giản: Thực dân Pháp chủ trương xây đập Bái Thượng lấy nước tưới đồn điền, đồng ruộng nhằm bóc lột kinh tế, tất nhiên họ phải biết phá đập cắt nguồn nước tưới để không có lương thực tiếp tế chiến trường, khỏi cần mấy anh nhà quê đề nghị. Nghĩ mà không dám nói, vì chỉ cần nói ra thì đích thị là phản động rồi !
Xóm tôi có 25 gia đình, mấy gia đình còn bát ăn cũng được cấp gạo cứu tế, riêng gia đình tôi đợt cứu tế nào cũng bị gạt ra ngoài danh sách ! Rau cỏ không còn để hái, củ chuối không có để ăn. Mẹ tôi vay được mấy ống cám lợn cả nhà mừng. Cám nấu cháu, đặc sền sệt như cám lợn, tôi chỉ nuốt được mấy miếng thì nghẹn tắc cổ, vì trong cám có quá nhiều trấu cành, lại để lâu bốc mùi chua và gây, bụng đói mà miệng ăn không nổi ! Mẹ tôi chắp thừng kè mang chợ bán, nhưng không ai mua làm gì, họ có cần thắt cổ đâu ? Bố tôi là người có chữ, biết nghề thuốc, cũng chẳng ai dám hỏi đến, không ai muốn “quan hệ” với phản động ! Còn tôi, tạng người gầy yếu, thấp bé từ nhỏ, tay chân học trò, làm nghề ngỗng gì để sống? Tôi mang chiếc đòn gánh, đôi giắng nứa ra chợ gánh thuê, cả buổi chả có ai gọi, vì chợ búa lèo tèo, người ta toàn bưng và đội cả !
Mẹ tôi vay được ít đồng bạc của dì tôi trên Nông Cống. Tôi thử theo mấy ông hàng xóm đi Nga Sơn mua cói lác về để bán hoặc dệt chiếu. Làng tôi có  nghề phụ dệt chiếu. Mẹ tôi đôi tay hơi chậm, đưa cây lụi bóng ngóng làm bố tôi ngồi dệt bị đau lưng, sốt ruột, cáu tiết giật go mạnh, đứt cả đay ! Hai ông bà nối sợi đay mãi không xong, thế là bỏ việc ! Thôi không dệt được chiếu thì đem cói đi chợ bán. Chả lẽ cả nhà ôm nhau chịu chết đói ! Thương con, giận chồng, mẹ tôi chửi: “Ông ăn đất vô mồm hay răng mà xui thằng Tây hắn phá Bàn Thạch ? Bây chừ cả nhà ông sắp chết đói, hỏi có ai thương ông, hay chỉ có thằng Tây thương ông ?” Bố tôi nói: “Tôi không đời nào dại dột như thế. Mà Tây hắn có biết tôi là thằng mô ? Nó ở Việt Nam những 80 năm, có điều gì mà nó không biết ?” Mẹ tôi vặn lại : “Cái án 5 năm tù còn sờ sờ ra đó, ông không làm, răng lại chịu nhận ?” Bố tôi cáu tiết: “Nhận cái mả cha đứa vu oan giá họa ! Không nhận mà được à !” Mẹ tôi thở dài: “Rõ đường quang không đi, đi đường rậm !”.
Đường từ làng quê tôi (Quảng Hòa, Quảng Xương, Thanh Hóa) ra đến Hói Đào, Nga Sơn (giáp Ninh Bình) có lẽ đến hơn 60 cây số. Tôi và mấy anh trong xóm xuất phát từ 5 giờ chiều nay, đi suốt đêm tới 5 giờ sáng mai thì đến nơi. Đúng như câu vè “Sớm mai dời gót huyện Nga - Hậu, Hoằng rồi đến Quảng ta xế chiều”.(2) Cói nhiều vô kể. Nhà nào cói cũng chất đầy ngập tận nóc. Chúng tôi tha hồ chọn với giá vừa ý. Đóng gánh xong, chúng tôi mượn nồi nấu cơm, ăn với mắm, dưa xin chủ nhà. Đêm nghỉ trọ lại dọc đường vì mệt quá, chiều hôm sau về đến chợ Cung (Quảng Xương) chờ bán phiên chợ mai hoặc vào chợ Hội. Cói Nga Sơn gốc trắng, sợ dài nên cũng dễ tiêu thụ. Tôi chỉ gánh được 5 (gù) cói, tương đương 50kg. Bố tôi đi rước, gánh không nổi vì không quen. Mỗi chuyến, tiền lãi một hai đồng đủ cho cả nhà rau cháo mấy hôm. Chừng mấy tháng sau, thím tôi bán con bò được 45 đồng, tôi hỏi vay 38 đồng, mua một chiếc xe đạp cũ thồ thay cho đôi vai. Cuối năm 1954, tôi trả tiền xe đạp, chục đồng vốn còn nguyên vẹn.
Mẹ tôi thương tôi sức yếu, người gầy, khó kham nổi cái nghề “ăn no vác nặng” ! Đúng là “ăn no vác nặng !”
Trong kháng chiến chống Pháp, từ Quảng Xương ra đến Hói Đào, Nga Sơn 60 cây số, đường đất nhiều khúc quanh co, ngoắt ngoéo, dốc cong cánh cung, lở lói chỉ vừa bước chân người, trâu bò đi phải lội ruộng, không thiếu ổ voi, ổ gà, những nổ lội đắp sơ sài. Tôi chỉ dám thồ mỗi chuyến xe 10 gù (hơn tạ). Thồ cói khó nhất. Bấy giờ dây cao su hiếm, phải buộc dây thừng, đường gồ ghề, khấp khểnh, xe xóc, luôn luôn dừng lại để sửa dây buộc bị hỏng. Đã thế, cói lại rất trơn, sau mấy lần bị xóc, cói tõe chân gốc, gãy ngọn chọc vào nan hoa, quệt vào bánh xe, cơ khổ ! Cói chất lên xe, không thấy rõ lối đi, nếu tay cọc thồ nắm không vững, tay ngai lái không khéo, qua cống nổ và khúc đường quá nhỏ, dễ bị lăn xuống ruộng thì cái khổ còn không tả xiết !
Tôi cũng thấy sức mình không trụ nổi nghề thồ cói Nga Sơn. Mà cái đói còn lâu dài, nhà mình dễ chết đói lắm ! Lại nghe tin Thanh Hóa chuẩn bị Cải cách. Nhà mình đã trải qua cuộc Đấu tranh chính trị kinh thiên động địa, nay đến Cải cách ruộng đất nghe nói cũng long trời lở đất, liệu có qua nổi ? Tôi hỏi  bố: Nhà ta ngày xưa ở ngoài Bắc, bố còn nhớ quê quán cụ thể không? Bố tôi nói: Gia phả các cục để lại đã bị đốt hồi Đấu tranh chính trị cùng tất cả giấy tờ, sách vở, chỉ nhớ cụ Tổ ta vào Thanh Hóa cuối đời Tây Sơn, nguyên ở thôn Nhân Lý, huyện Yên Mỹ, phủ Mỹ Hào, tỉnh Bắc Ninh. Nhưng đã lâu lắm, anh em họ hàng không tin tức gì với nhau.
Tôi nghĩ: Phải tìm đường về quê, may ra còn được sống ! Tháng Chạp âm (đã sang đầu 1955) tôi đem chiếc xe đạp gửi nhà dì ruột ở thôn Phương Khê, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn). Tết năm ấy - Ất Mùi 1955, là 4 cái tết Nguyên đán gia đình tôi không có Tết, bàn thờ tổ tiên cũng hương tàn khói lạnh ! Gia đình tôi là tộc trưởng họ Hoàng, nhưng đã từ lâu không con cháu nội ngoại nào dám đến cúng vì sợ bị tội “liên quan phản động” ! Đúng như lời các cụ: “Trưởng bại ông vải hư !”
Sáng mùng ba Tết, tôi quảy đôi quang thúng ra đi, cán bộ Chư (Từ Nhen) gặp tôi, hỏi: “Đi đâu ?” Tôi lễ phép thưa: “Tôi lên chợ Thượng Cầu Quan coi có ai thuê mướn chi không”. Ông ấy “Ừ !”, tôi mừng đầu năm thoát chuyện lôi thôi. Hôm sau, dượng tôi lấy xe đạp giấu trong buồng kín đưa cho tôi, cho thêm bộ quần ái mua từ lâu không mặc. Tôi ra đi với 5 đồng bạc trong túi (vốn buôn cói 10 đồng để lại cho bố mẹ 5 đồng ăn đói), cứ đường Quốc lộ số 1 bắt đầu cuộc phiêu lưu đầu đời. Năm ấy tôi đã 20 tuổi Dương, không còn nhút nhát như lúc thiếu thời. Tôi đi qua Hà Nội, lên thị xã Bắc Ninh, xuống Mỹ Hào, lạc sang thị trấn Kẻ Sặt, Hải Dương, rồi cuối cùng tìm được huyện Yên Mỹ và làng quê Nhân Lý chỉ cách phố huyện chừng 1 cây số.
Người làng đưa tôi đến nhà ông bác họ Hoàng Xuân Tống, nhà giàu có nhất xã, hơn 80 mẫu ruộng, căn gác hai, từng bị Tây chiếm đóng đồn bốt kiểm soát phía tây huyện lỵ Yên Mỹ. Thời chống Pháp, bác Tống đi theo kháng chiến có vào ở Thanh Hóa, còn gia đình bác lên Hà Nội. Hôm sau, họ Hoàng bố trí tôi ở tại nhà thờ họ. Nhà thờ 5 gian nhà gỗ, cao ráo, rộng rãi, kiến trúc đơn giản, có một bà mẹ ông trưởng họ ở trông nom. Tôi ăn uống chung với cụ bà. Mười hôm sau, bác Biển thôn trưởng người trong họ giới thiệu với Ủy ban xã Thanh Long cho tôi dạy lớp ba trường dân lập, xã mới thành lập còn thiếu giáo viên. Vì là trường dân lập, dân nuôi (vùng mới giải phóng chưa có quyết định thành lập trường cấp I Quốc lập). Mỗi tháng tôi được cấp 24 “ca” gạo tương đương 24kg gạo. Thôn bố trí cho tôi dạy thêm buổi tối, lớp đặt tại nhà thờ, ai muốn học thì học từ vỡ lòng đến lớp bốn, học viên có gạo thì góp, không có gạo cũng vui. Tôi gửi thư về nhà dì dượng nhắn bố mẹ về Hưng Yên quê xưa để lánh nạn một thời gian, chờ “yên hàn” sẽ tính liệu sau. Năm đồng bạc tôi để lại đã hết vèo từ lâu, ông bà phải ăn xin dọc đường từ thị xã Thanh Hóa ra Hà Nội, xuống Hưng Yên gần 200km. Ông bà cũng được bố trí ở nhà thờ họ. Bố mẹ tôi kể: Chú Thuyết tôi trong quê yếu lắm rồi, có lẽ cũng chết vì ốm nặng, không có tiền mua thuốc, tiền bán bò tiêu hết từ lâu, không được cứu tế gạo nên đến miếng cháo cũng không, mà củ chuối với cám không ăn được ! Trong nhà còn nửa chum thóc. Thím tôi bảo phải để dành, lỡ chết còn có bát gạo nấu cơm nhờ người ta đào huyệt ! (Chú tôi cùng can vụ án với bố tôi, nhưng tội nặng hơn, bị xử 8 năm tù. Người ta cho rằng chú Thuyết (người rất quan tâm chuyện học hành của tôi hồi nhỏ) vì học nhiều tiếng Tây, biết chữ Tây nên thảo giấy tờ đề nghị Tây phá đập nước Bái Thượng – Vụ án này nằm trong vụ án lớn “Liên tôn chống (hay diệt?) Cộng” do Tuệ Quang – Tuệ Chiếu cầm đầu. Chú tôi bị giam ở vùng thượng du nước độc Nghệ An nên mắc bệnh sốt rét ngã nước, khi được thả về thì đã thân tàn ma dại…)
Đầu năm 1956, Đội cải về xã Thanh Long, trụ sở đóng tại nhà bác Tống, thôn Nhân Lý. Trong dân một số người dư luận: Nhà ông Phổ trong Thanh chắc phải giàu có lắm, nếu không, con cái không thể được học hành ? Họ nói thế là dựa vào tình hình thực tế địa phương mình. Bố tôi linh cảm thấy mình khó yên ổn, bảo mẹ tôi: “Chạy trời không khỏi nắng, ta nên trở về Thanh Hóa, có chết cũng còn có ông bà, tổ tiên !”. Bắt đầu CCRĐ, đường sá canh gác nghiêm ngặt đề phòng địa chủ chạy trốn, phải có giấy tờ tùy thân, nếu không sẽ bị bắt. Bác Biển chơi thân với ông Cự chủ tịch xã cấp cho cái giấy chứng nhận ông bà về thăm quê cũ, nay trở về nơi trú quán.
Hai ông bà nhờ có lương thực và mươi đồng bạc mang theo, dọc đường đi khỏi bị đói khát, nhưng cũng phải mất một tuần mới về đến nhà.
Nhà cũ do ông bà nội tôi để lại: nhà trên 3 gian một chái, cột kèo gỗ hàng tạp, lợp kè, vách sau dừng phên nứa, cửa trước bằng gỗ; nhà dưới (nhà ngang) 3 gian, 1 gian cổng trâu, bò, 2 gian đàn bà con gái ở; thêm cái xối nối hai nhà làm buồng cất chứa đồ đạc thóc lúa. Cả hai nhà, đội CCRĐ đã chia cho 2 gia đình nông dân. Ông bà xin ở nhờ cái đình Bắc, thấp nhỏ như cái điếm canh. Được một tháng thì bị đuổi, ông bà xin chính quyền xã giúp đỡ, UBND xã trả lời: Việc nhà ở do Đội cải cách phân chia xong rồi, xã không có quyền gì cả. Thương ông bà sống vạ vật dưới gốc cây trôi đầu làng, anh Viên Hải con địa chủ rủ hai người cùng thành phần, tìm kiếm ít tre nứa cũ che tạm một túp lều vịt bên bờ ao đình làng, tạm có chỗ chui ra chui vào, che mưa, tránh nắng. Ông bà sắm mấy chục cái te làm nghề kép tép. Gà gáy đầu ra đồng đặt te, mờ sáng thu dọn te, được dăm ba bát tép, đem đi chợ Nguyễn bán mua gạo, mắm muối. Hôm nào bán ế vì biển lặng nhiều cá, mang tép về phơi khô, chờ khi biển động. Tép đồng kéo te sạch hơn tép vê nhủi, trăm con óng ả cả trăm, còn sống nhảy lao xao trong giành (một loại đồ đựng đan bằng nứa) trông rất ngon, rất dễ bán. Gần đấy có ông từ Năm hiền lành phúc hậu. Những hôm trời mưa gió, bố mẹ tôi không thể đi kéo te, ông thường cho gạo và cà muối. Nhưng ông phải chờ đêm tối vắng người, vội ném đùm gạo hay gói cà muối qua cửa vì sợ làng xóm trông thấy, quy cho là liên quan địa chủ phản động, sẽ bị mất hết quyền lợi !
Ở làng quê Nhân Lý, Hưng Yên, cuộc CCRĐ đang đến hồi “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Bác Hoàng Xuân Tống nhà giàu, từng đi theo kháng chiến cũng có tên trong danh sách nên vội bỏ trốn. Người ta đèn đuốc soi tìm, lùng sục suốt đêm vẫn không thấy. Sau nghe nói, bác có nhắn vội người quen: Tôi đi lần này không bao giờ trở lại nữa, con cháu đừng đi tìm. Quả nhiên bác Tống biệt tăm cho tới tận bây giờ, không biết sống chết ở đâu. Khi ấy, Đội cải cách yêu cầu tôi dời khỏi nhà thờ họ Hoàng đến tạm trú cái bếp nhỏ ngoài cổng nhà bác Tống, trước kia là chỗ nấu nướng của kẻ ăn người ở. Bếp lạnh ngắt, có một chiếc giường nhỏ, mấy cái nồi đất, bát sành sứt mẻ. Không có gì để ăn. Tôi phải nhịn đói. Qua hôm sau, buổi chiều tôi ra vườn hái nắm rau khoai lang nấu canh. Nhưng không có muối, tôi cứ húp vào miệng tự nhiên lại nôn ra. Toàn thân run rẩy. Gần đó chỉ có nhà bác Giáo 30 mẫu ruộng, tất nhiên là địa chủ lớn, bị niêm phong, ai nấy đi đâu không rõ. Tôi không dám bước qua cổng gạch nơi Đội cải cách ở làm việc vì sợ phạm tội ! Người ta nói: Nhất Đội nhì trời ! Có lẽ Đội quên rằng giữ người phải cho người ăn ? Cho dù tôi không phải là người cũng phải được ăn uống chứ ? Chỉ trộm nghĩ trong lòng. Tôi muốn kêu lên “Trời ơi đói lắm !” nhưng không dám kêu, mà dám kêu cũng không còn sức !
Sáng ngày thứ ba, có một nắm cơm nhỏ và mấy quả cà muối nhét qua cửa sổ. Đến chiều lại có một đùm gạo và một gói cà muối, ném vội qua cửa chính. Một bóng người chạy biến. Nhưng tôi đã kịp nhận ra một học sinh lớp 4, thỉnh thoảng đến nhà thờ hỏi tôi bài vở. Rất tiếc, tôi không thể nhớ ra tên cậu học trò ấy. Sau này nghỉ hưu, tôi mấy lần về quê Tổ, không quên hỏi tìm nhưng không ai biết cậu ấy là ai, hiện ở đâu.
Ngày thứ năm, một cán bộ Đội vào nhà bếp tự giới thiệu: Anh là Đoàn Hưng Nông, cán bộ Bộ Công an, đội phó Đội cải cách, phụ trách công tác tòa án của Đội. Anh nhờ tôi viết lại mấy lá đơn tố cáo của khổ chủ, chữ viết quá xấu, nét bút như gà bươi, không thể đưa vào hồ sơ. Không có gì khó, tôi chữa câu văn gọn, nội dung rõ ràng, khiến anh hài lòng, nhờ tôi viết lại biên bản hỏi cung và cả án văn. Từ đó, tôi được ăn cơm chung với Đội và ngủ luôn ở đó. Dăm bảy hôm, anh lại đưa tôi cùng anh lên Đoàn ủy cải cách duyệt hồ sơ hoặc đi điều tra một số vụ án do người Thanh Long gây ra ở nơi khác. Tôi biết khá nhiều cách làm việc của Đội xã và Đoàn ủy cải cách nhưng xin phép tạm gác câu chuyện này ở đây.
Cuối năm 1957, tôi nhận được thư của bố tôi bảo phải về quê Thanh để hỏi vợ, vì gia đình tôi chỉ còn tôi nối dòng thờ cúng tổ tiên. Ở nhà Đảng đã sửa sai. Nhà tôi trước chia cho hai gia đình nông dân ở, nhưng họ thấy như nhà có ma quỷ quấy nhiễu nên bỏ đi từ đầu năm, sau khi phá hỏng nhiều thứ. Thế là bố mẹ tôi được trở lại nhà cũ ! Tôi mừng thầm mình đã suy nghĩ đúng. Năm 1955, có hai người vận động tôi vào Nam. Từ làng sẽ có người đưa đi bộ đến phố Nối chừng 2km, lên tàu hỏa xuống Hải Phòng, tàu thủy đón đợi sẵn chạy một mạch vào Nam. Năm ấy tôi mới 20 tuổi, xin sang Pháp hay Mỹ học thêm chắc không khó khăn gì. Hai bố con bàn rất kỹ, nhất trí: Mình không làm phản động, nay vàoNam thì làng nước cho là đúng sự thật, phải ở lại để còn có cơ hội minh oan…
Vợ tôi là con gái ông từ Năm (có 4 con đều con gái) người đã giúp đỡ bố mẹ tôi ngày trước, nhà ở cách nhà tôi một nhà. Vợ tôi bị cả thôn, cả xã chửi là đồ ngu dại, ai đi lấy con nhà phản động, lấy bọn phản động ! Nhưng sự việc không thay đổi. Ngày cưới 24 tháng chạp âm, đã sang tháng 1/1958. Hôm cưới, người đưa dâu không đến một chục, ngồi uống nước chè xanh trên cái giường cũ kỹ ọp ẹp. Đêm tân hôn, chúng tôi có đôi chiếu mới để nằm và đắp. Không có màn. Trời rét quá, vợ tôi sang nhà bố mẹ đẻ mượn tạm mảnh chăn vải sợi đôi của bộ đội cho thời chống Pháp để đắp.
Qua Tết, UBND xã gọi tôi lên hỏi bấy lâu đi đâu ? Tôi đưa trình giấy tờ. Ông Nguyễn Hữu Vực (hiện còn sống)-Phó Chủ tịch, Trưởng công an xã giữ luôn giấy tờ, nói để nộp lên cấp trên xem xét. Không biết quyết định cấp nào, ai ký, từ đó tôi bị quản lý chặt, công an kiểm soát thường xuyên, chính quyền tuyên bố cải tạo lao động không giam giữ, không cần xét xử.
Sống trong cảnh bị đầy đọa cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi bị tước đoạt quyền được sống như những người bình thường. Đi đâu một bước phải báo cáo, xin phép, đêm hôm có thể bị kiểm tra bất thường. Họp dân quân, tôi được gọi ra chỉ để điểm danh, sau đó bị Đội đuổi về cho “anh em họp”. Đi dân công, tôi chỉ được tham gia các công trình dân sự. Những gì liên quan đến quân sự như đi dân công hỏa tuyến hay đắp đê Hàm Rồng, tôi đều không được phép. Đi qua khu vực trực chiến, hay hầm hào công sự phải cúi mặt đi cho nhanh, không được nhìn ngang, nhìn ngửa. Nhưng tôi không bi quan hay thất vọng mà tìm cách tồn tại... Cho đến năm 1967, mười năm sau, đời tôi, bầu trời lại bật sáng…
Câu chuyện phản động của gia đình tôi, của tôi đại khái là thế. Nhưng chỉ mới là đại khái thôi, khác nào một ít cành cá trên ngọn, còn thân gốc xin để dịp khác. Và có thể chuyện đến đây đã đủ để bạn đọc tạm hiểu tại sao, do đâu gia đình tôi và tôi lại có dư luận là “phản động”. Điều cần nhắc lại: Năm 1965 Bí thư tỉnh ủy Ngô Thuyền, Trưởng ban Tuyên giáo Lê Hữu Khải, Trưởng ty Công an Thanh Hóa đã nhất trí: “Hoàng Tuấn Phố không có liên quan về chính trị”, sau đó quyết định điều đi công tác thoát ly, chứng tỏ Đảng đã minh oan cho tôi. Nhưng đường đời đâu có bằng phẳng! Địa phương tôi chưa bao giờ công nhận điều đó.
Năm 1984, xảy vụ “Năm Tý họa thơ chuột”(3) Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa Mai Bình đề nghị Bí thư tỉnh Ủy Hà Trọng Hòa cho công an điều tra lý lịch, và Phó Chủ tịch kiêm Trưởng công an xã Lê Trí Dậu (đã chết) được Chủ tịch xã Lê Văn Dần nhất trí phê nhiều điều bịa đặt vô căn cứ. (Một lần điều tra, một lần thẩm tra, có lẽ vấn đề còn lưu ở nơi nào đó cả hai bản lý lịch, để khi cần người ta lại khui ra làm căn cứ để ….) Gần đây, nhân trò chuyện lâu với nguyên Chủ tịch Lê Văn Dần, tôi nhắc lại việc Lê Trí Dậu phê lý lịch sai trái. Lê Văn Dần ngồi im lặng. Ông nhớ lại sự đồng lõa của mình, nên cũng cảm thấy hổ thẹn chăng ? (Nhất là chính ông Dần đã bị cách chức từ lâu vì bị kiện tội ăn trộm cá nhà ông Lê Trí Bao !) Ngồi một lúc với tôi, không biết nói chuyện gì, ông đứng dậy nói:“Rồi cuối cùng cũng chết cả !” và ra về thẳng. Từ đó, ông cố tránh tôi...(4) Rất tiếc, ông nhận ra vấn đề muộn quá. Nếu “Rồi cuối cùng cũng chết cả”, sao khi sống, các ông không sống tử tế mà lại hại tôi, hại đến cả đời con, đời cháu ! (Ví như năm 1985, Hoàng Tuấn Kiên-anh trai thứ hai của Hoàng Tuấn Công thi đỗ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đủ điểm đi du học, nhưng địa phương không cho đi, thậm chí  tước luôn quyền đi học trong nước. Còn Tuấn Công sau tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, 4 năm đợi việc với gần 2 năm làm hợp đồng, phải nhờ đến sự can thiệp trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Tu (1995) mới không bị gạt khỏi tiêu chuẩn biên chế vào phút chót. Năm 2003, xét khả năng của Hoàng Tuấn Công, ông Phạm Văn Lợi, khi ấy là Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị tiếp nhận về làm tại Phòng văn xã UBND tỉnh. Mọi giấy tờ, thủ tục đã xong xuôi. Con dấu tiếp nhận của cơ quan nơi đến và nơi đi đã “cộp” xuống chưa kịp khô mực, cũng chưa kịp một ngày đi làm, bỗng Tuấn Công bị trả lại đơn vị công tác cũ với toàn bộ hồ sơ giấy tờ mà không một lời giải thích ! Câu chuyện “thật như đùa” này đến bây giờ vẫn còn là câu hỏi lớn đối với bạn bè, đồng nghiệp của Tuấn Công. Có lẽ đây cũng chính là lời giải thích tại sao HTC tốt nghiệp khoa Sử-Đại học Tổng hợp Hà Nội mà lại làm cán bộ Khuyến nông-HTC chú thích)
Hiện nay, trong con mắt của không ít người, gia đình tôi (và tôi- tất nhiên) đang còn đội lù lù cái án “ chống Đảng” trên đầu, và đeo cái biển đen ngòm “phản động” trước ngực (một cái án chưa bao giờ được xử, một cái tội chưa bao giờ được tuyên và dĩ nhiên cũng chưa từng được công khai tuyên bố “trắng án”). Mặc dù năm 1967, tôi đã được Đảng quyết định sử dụng, trở lại làm người sau 10 năm sống kiếp con vật. Tôi cảm ơn Đảng là phải.
Dẫu biết bài đã dài làm phiền nhiều cho bạn đọc, nhưng nhân đây tôi xin nói thêm. Năm 1967, tôi giống như con cá lấm lem ở vũng bùn lầy được vớt ném ra cái ao tù nước đọng, dù môi trường sống có tốt hơn xưa. Thời ở “vũng bùn”, tôi bị cấm viết. Năm 1960 - 1961, tôi ban ngày cổ cày, vai bừa, tối về chong đèn viết lách (một trong nhiều bài như “Phê bình cuốn khảo luận về Truyện Thúy Kiều của Giáo sư Đào Duy Anh” được đăng trên tập san Nghiên cứu văn học số tháng 10 năm 1960). Xã tố cáo tôi đêm đêm viết bài gửi cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Cán bộ Ân, Bộ công an về xã tôi tìm hiểu cuộc Đấu tranh chính trị 1951-1952 ở Thanh Hóa có thẩm vấn tôi nhiều vấn đề. Về việc viết lách tôi trình bày sự thật. Ông Ân gật đầu cho là một sự hiểu lầm. Nhưng địa phương vẫn cấm và giám sát chặt. Lên huyện công tác, ông Phó Chủ Tịch văn xã huyện Lê Bá Dậy tiếp tục cấm tôi: 1- Không được đọc sách, dành tất cả thời gian cho công tác quần chúng cơ sở. 2- Không được viết sách báo để đăng ở Tỉnh, Trung ương, vì ăn lương của huyện phải phục vụ cho huyện ! Ông trực tiếp đến bưu điện huyện và gửi thư lên Ty văn hóa hỏi về tiền nhuận bút gửi cho tôi. Ông áng chừng: Tiền nhuận bút cộng 45 đồng lương thành số tiền còn cao hơn cả lương lãnh đạo! Đó là một trong những lý do 10 năm tôi không được tăng lương, tính từ năm 1968 (Quyết định biên chế chính thức UBND tỉnh) đến năm 1978. Lại nói, đầu năm 1966, tôi và anh Đỗ Đăng Lâm (xã Quảng Đức) cùng làm dân công ở cầu Chào (bắc qua sông Lý cũ). Anh Lâm làm thợ xây móng đá. Tôi làm bò kéo xe chở đá để xây cầu. Cuối năm 1966, tôi được điều về huyện làm công tác văn hóa đã thấy anh Lâm làm cấp dưỡng cho UB huyện. Năm 1978, lương anh đã 60 đồng, còn tôi 10 năm vẫn dẫm chân tại chỗ 45 đồng như khởi điểm!
Tôi làm đơn đề nghị gửi ông Trưởng phòng tổ chức UBND huyện Quảng Xương xét tăng lương. Hoàn toàn bị bất ngờ, anh Hoạt Trưởng phòng văn hóa bảo tôi, ý kiến kết luận của ông Trưởng phòng tổ chức huyện: “Anh Phổ đòi tăng lương là không tin tưởng sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng !” Anh nói thêm: “Theo tôi anh nên rút đơn về, nếu để cấp ủy biết thì lôi thôi đấy!” Tôi không hiểu tại sao lại đối xử bất công đến như vậy ? Phải chăng Đỗ Đăng Lâm “xuất thân” tầng lớp thợ thuyền, còn Hoàng Tuấn Phổ “xuất thân” con bò kéo xe ? Suy đi, nghĩ lại tôi nghe lời khuyên của anh Trưởng phòng văn hóa (Bản thân anh, lương công tác văn hóa từ 1952, đến nay cũng chỉ mới 50 đồng!” ).
Ngay hôm ấy, tôi lên Phòng Tổ chức UB huyện xin lỗi ông Trưởng phòng, để được rút đơn ! Cầm lại lá đơn, tôi mừng lắm, ra về không quên thành thựccảm ơn ông Trưởng phòng ! Tôi xin lỗi là đúng vì Đảng giao quyền phán xét cho ông, tôi xin lỗi ông là xin lỗi Đảng. Tôi cảm ơn ông cũng không sai vì ông chưa báo cáo sự việc lên cấp ủy.
Những việc tương tự như vậy trong đời tôi nhiều vô kể ! Chắc là cái số mệnh tôi nó thế, “Bắt phong trần phải phong trần...”
                                                          Hoàng Tuấn Phổ- 7/2014
Chú thích:
(1)            Đập nước Bái Thượng (còn gọi Ba-ra Bàn Thạch) Pháp xây dựng từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Xem “Le Thanh Hoa”-Le Breton.
(2)            “Hậu, Hoằng rồi đến Quảng ta” tức qua huyện Hậu Lộc, Hoằng Hoá rồi đến Quảng Xương ta.
(3)            Tuấn Công thư phòng sẽ có bài viết riêng, nhân 30 năm vụ án văn chương “Năm Tý hoạ thơ Chuột”.
(4)            Cụ Hoàng Tuấn Phổ hiện sống ở quê (Chú thích trong trang của HTC)



http://tuancongthuphong.blogspot.jp/2014/07/bat-phong-tran-phai-phong-tran_31.html



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dưới áp lực của Trung Quốc Việt Nam cài dây an toàn

Zachary Abuza/Asia Times

Lê Quốc Tuấn dịch 
Ngòi nổ căng thẳng trên biển Đông đã tạm thời được tháo gỡ kể từ khi Trung Quốc rút dàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển tranh chấp với Việt Nam vào ngày 16 tháng 7. Nhưng việc đặt dàn khoan trong vị trí 130 hải lý tính từ bờ biển của Việt Nam trong nhiều tháng trời của Bắc Kinh đại diện cho một mối đe dọa gây chia rẽ nhất trong nhiều năm qua đối với lãnh đạo Đảng Cộng sản Hà Nội.

Hà Nội cho thấy bản thân mình hoàn toàn bất lực không đối phó được sự khiêu khích trên biển của Bắc Kinh. Hành động của Trung Quốc cũng vừa đủ để tránh bất kỳ tiềm năng nào từ Hiệp hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN).

Cả nước đoàn kết thành một mặt trận chống lại việc đặt giàn khoan. Hoa Kỳ, giống như mọi lần, đã không tham gia đến nơi đến chốn. Thật vậy, Trung Quốc đã thành công trong việc thuyết phục các nước khiếu kiện khác trong vùng Đông Nam Á rằng Hoa Kỳ là một đồng minh không đáng tin cậy trong cuộc tranh cãi tương lai trong khu vực.

Nhưng thiệt hại lớn nhất đối với Hà Nội là các hành động của Trung Quốc phô bày sự xích mích lớn rộng giữa hàng lãnh đạo cao cấp của đảng trong việc phải đáp ứng với gây hấn của Bắc Kinh như thế nào.

Giới lãnh đạo Việt Nam đã từng hy vọng một sự nhượng bộ ngoại giao từ Trung Quốc khi uỷ viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đến thăm Việt Nam vào ngày 18-19. Tuy nhiên, chuyến thăm này không nhằm mục đích hòa giải khi ông Dương mắng nước chủ nhà đã “thổi phồng” tình trạng và tuyên bố thẳng thừng rằng Trung Quốc sẽ “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ các giàn khoan. Ngay trong thời gian chuyến thăm này, Trung Quốc cũng đưa một giàn khoan thăm dò thứ hai vào vùng biển tranh chấp.

Vào thời điểm đó, dường như Hà Nội đã sẵn sàng cho một cuộc chiến. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định rõ ràng là chủ quyền Việt Nam không phải là để đánh đổi. “Việt Nam chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.”

Phe ủng hộ một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn dường như đã chiếm ưu thế. Một cuộc họp tháng 6 năm 2014 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn nhất trí lên án sự xâm lược của Trung Quốc.

Ông Dương tổ chức các cuộc họp với phó Thủ tướng, bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và ông Dũng, cũng như với bí thư Đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng. Trong khi Minh và Dũng duy trì một cách tiếp cận ít thoả hiệp. Trọng, không ngạc nhiên chút nào, đã tỏ ra hòa giải hơn và tập trung vào các quan hệ lâu dài và mối quan hệ giữa hai đảng.

Ngay sau khi Dương ra về, bộ Chính trị đã họp để hình thành cách giải quyết. Một nhóm do Dũng và chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cầm đầu, từng lớn tiếng trong những lần công khai kêu gọi Việt Nam chống lại Trung Quốc, chủ trương đối đầu và tiếp cận cứng rắn hơn. Họ lập luận rằng bất kỳ sự nhượng bộ nào với Trung Quốc chỉ khuyến khích thêm những gây hấn trong tương lai và ủng hộ một chiến lược đa dạng bao gồm các việc sau:

- Nộp một bản báo cáo lên Ủy ban Trọng tài Quốc tế, song hành với bản báo cáo của Philippines vào tháng 3 năm 2014 từng làm Bắc Kinh tức giận.

- Chủ động lãnh đạo khối ASEAN thúc đẩy một bộ luật ràng buộc về quy tắc ứng xử ở Biển Đông;

- Hình thành các mối quan hệ gần gũi, phối hợp hơn với Philippines và Indonesia.

- Tham gia các cuộc tập trận đa phương hơn, bao gồm cả với Mỹ, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản;

- Phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ và đàm phán về một quan hệ “đối tác toàn diện” rõ rệt hơn.

- Tham gia vào thỏa thuận thương mại quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu (TPP), với các đòi hỏi phải cải cách kinh tế và khởi sự đóng cửa các khu vực kinh tế nặng kiểm soát của Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước;

- Phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với Nhật Bản. Có thể không công khai tuyên bố ủng hộ việc tái diễn giải Điều IX của thủ tướng Shinzo Abe, nhưng lặng lẽ khuyến khích một tư thế ngoại giao và an ninh chủ động hơn trong khu vực.

- Chấp nhận việc kinh tế suy thoái do việc đầu tư thương mại ít hơn với Trung Quốc, với tin tưởng rằng điều này sẽ ép buộc Việt Nam phải đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế của mình và châm dứt mối nguy của các quan hệ kinh tế lệ thuộc ở mức độ cao vào Trung Quốc. Các thành viên khác của nhóm này bao gồm người ủng hộ cải cách Lê Thanh Hải (Bí thư thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh), phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân và Tòng Thị Phóng.

Chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Trung Quốc

Nhóm còn lại do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu ít sẵn sàng với việc khiêu khích hoặc làm bất cứ điều gì để gây căng thẳng hơn nữa với Bắc kinh. Họ không đưa ra một chiến lược thực tế nào nhưng chỉ lập luận rằng việc xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh sẽ phục vụ cho lợi ích quốc gia trong dài hạn. Họ lập luận rõ ràng rằng Việt Nam không đủ khả năng để đương đầu một cuộc xung đột với Trung Quốc và nhấn mạnh đến mối quan hệ gần gũi về tư tưởng và lịch sử với Bắc Kinh. Họ bác bỏ việc nộp báo cáo lên cơ quan trọng tài quốc tế và nghi ngờ ý định cùng cách giải quyết của Hoa Kỳ. Điểm mấu chốt trong lập luận của họ là một niềm tin ngây thơ rằng Trung Quốc sẽ thỏa hiệp và nhượng bộ trong tương lai.

Chiến dịch làm giảm căng thẳng được sự tham gia của Huy Rứa, Ủy viên Ban Bí thư, Lê Hồng Anh (thường trực ban bí thư), Ngô Văn Dụ (Chủ tịch Ủy ban Kiểm Tra Trung ương), Đinh thế Huynh (Ủy ban Tuyên giáo) Phạm Quang Nghị (Bí thư TP. Hà Nội), Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Trần Đại Quang bộ trưởng bộ Công an, có lẽ vì sợ hãi sự bất mãn của đại chúng và các cuộc biểu tình tiếp tục sẽ khiến gây căng thẳng thêm cho cuộc xung đột.

Hai cầu thủ nặng cân có thể làm nên một sự khác biệt. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có khả năng ủng hộ phe đa số. Ông là một trong những người ủng hộ cải cách kinh tế hơn cả nhưng lại rất thận trọng với cuộc xung đột. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, người quân nhân cao cấp nhất từng ủng hộ sự cần thiết phải theo đuổi một vụ kiện với Trung Quốc nhưng lại thận trọng về sự phụ thuộc vào phương Tây. Nhận thức được các lựa chọn giới hạn của Việt Nam, Thanh tham gia phe đa số và ủng hộ sự thỏa hiệp.

Dù việc biểu quyết ra sao, kết quả có vẻ rõ ràng: Bộ Chính trị đã thông qua một chính sách để giảm leo thang căng thẳng. Vào đầu tháng Sáu, quyết định khởi kiện lên trọng tài quốc tế, dường như đã được thực hiện với ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và Chủ tịch Quốc hội. Ngày hôm nay, quyết định đó có vẻ đã bị hoãn lại, chỉ được nhắc đến như một giả thuyết bởi nhân viên Bộ Ngoại giao cấp trung. Các nhà lãnh đạo cấp cao cực kỳ cảnh giác với cơn giận của Bắc Kinh nếu nộp đơn kiện tương tự như Philippines. Hà Nội đã có nộp một đơn khiếu nại với Liên Hợp Quốc nhưng việc khởi kiện chắc sẽ không xảy ra trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao Minh hủy bỏ một chuyến đi từng dự định theo lời mời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cao điểm cuộc căng thẳng về giàn khoan dầu. Một phái viên tổng thống Mỹ đã phải đến Hà Nội gặp Minh trong một cuộc gặp thấp hơn nhiều so với cuộc viếng thăm chính thức tới Washington. Được giáo dục ở phương Tây, Minh bị Bắc Kinh xem như một nhân vật thân phương Tây. Ông còn được biết đến là người có quan hệ lâu dài với Kerry. Minh cũng là con trai của Nguyễn Cơ Thạch, người kiến trúc sư mở cửa Việt Nam vào thế giới phương Tây, nhân vật từng bị các nhà lãnh đạo thân Trung Quốc cho ra chầu rìa sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu.

Hà Nội lặng lẽ công bố chuyến đi thăm Hoa Kỳ của Phạm Quang Nghị thay cho Minh. Dù cũng là một uỷ viên Bộ Chính trị, nhưng chức vụ chính thức của Nghị chỉ đơn giản là bí thư đảng tại Hà Nội, vì vậy trong các nguyên tắc ngoại giao, tính chất chuyến thăm của ông là rất thấp. Nghị có một công việc quan trọng phải thực hiện, đó là xác định mức độ cam kết của Washington trong việc đóng một vai trò giữa cuộc xung đột tiềm năng với Trung Quốc ở Biển Đông.

Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong nội bộ 10 thành viên ASEAN dường như đã bị thuần hóa với việc xuống thang, giảm căng thẳng. Các kêu gọi về luật ứng xử trước đó của Hà Nội gần đây đã chuyển vào sau hậu trường. Nói tóm lại, Việt Nam như đã rút lui khỏi chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc trước đây. Thật vậy, cuộc khủng hoảng giàn khoan cho thấy đa số Bộ Chính trị không sẵn sàng đứng lên chống lại Trung Quốc, mặc dù câu chuyện lịch sử của đất nước được xây dựng bằng các cuộc chiến đấu và đẩy lùi sự xâm lược của Trung Quốc.

Có bốn nguyên nhân được cho chính yếu:

1. Cái giá phải trả về kinh tế cho cuộc đối đầu tiếp tục là quá lớn. Mặc dù Việt Nam đang cố gắng đa dạng hóa xuất khẩu của mình, Trung Quốc vẫn là cầu thủ nước ngoài quan trọng nhất trong kinh tế và đóng vai trò là đối tác thưong mại lớn nhất, chiếm gần 50 tỷ USD thương mại song phương vào năm 2013. Số tiền đó tăng dần theo mỗi năm khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Khoảng 10% hàng xuất khẩu của Việt Nam, với chủ yếu thực phẩm và tài nguyên thiên nhiên, là sang Trung Quốc. Trung Quốc đơn giản là quá quan trọng đối với kinh tế Việt Nam vào thời điểm Ngân hàng Thế giới cho biết rằng đất nước đang có biểu hiện kém, dưới tiềm năng của mình.

2. Việt Nam biết Trung Quốc sẽ không lùi bước trong tranh chấp Biển Đông nhưng các chi phí của việc gia tăng căng thẳng và xung đột vũ trang chỉ đơn giản là quá cao. Dù với quy mô giới hạn đến đâu, Việt Nam vẫn thua trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào trên biển. Và điều đó sẽ vừa là tổn thất vừa là một sự sỉ nhục đối với giới lãnh đạo Đảng Cộng sản của nước này.

3. Có một niềm hy vọng trong một số người rằng bằng cách nhượng bộ trên quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ đáp trả lại trong quần đảo Trường Sa. Nhưng đấy chỉ là một hy vọng điên rồ. Cụ thể là, người Việt Nam đã nhượng bộ đáng kể về phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền của mình với hy vọng rằng Trung Quốc sẽ hòa giải trong đàm phán về Vịnh Bắc Bộ, nhưng tất cả đã không hề xảy ra. Thay vì thế, Trung Quốc còn gia tăng hiện diện tại quần đảo Trường Sa, nạo vét ở năm đảo san hô riêng biệt để tạo nên các hòn đảo nhân tạo.

4. Cả ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì và tổng bí thư Trọng đều đã nói về tầm quan trọng của việc hai bên phải duy trì quan hệ thân thiện giữa hai đảng và nhà nước. Đối với Trọng, trò chơi quan hệ hòa bình lâu dài với người hàng xóm khổng lồ là quan trọng hơn các tài nguyên dầu khí được cho là hiện diện ở Biển Đông.

Nguy cơ của sự nhượng bộ

Quyết định lùi bước của Hà Nội có ý nghĩa hết sức nghiêm trọng. Việt Nam rõ ràng đã nhượng bộ Trung Quốc, một hành động hiển nhiên sẽ dẫn đến sự gây hấn hơn nữa. Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục thăm dò và dụ dỗ những nhượng bộ ít nhiều trên thềm lục địa của Việt Nam, tạo nên các “sự đã rồi” để củng cố học thuyết đường chín đoạn và hoàn tất chiến lược bản đồ giả tạo của họ trên vành đai phía đông.

Những người chủ trương hòa giải thân Trung Quốc có thể tranh cãi rằng chính sách ngoại giao rút lui lặng lẽ của họ có hiệu quả, như đã thuyết phục Trung Quốc để giảm bớt căng thẳng vì lợi ích của sự ổn định trong khu vực. Nhưng Trung Quốc đã di dời dàn khoan bởi vì chúng đã đạt được mục đích của mình, cụ thể là:

- Họ đã tìm thấy một số tài nguyên dầu khí, rõ ràng đủ để biện minh cho việc trở lại khu vực này sau một thời gian;

- Họ đã chứng minh rằng họ có thể hành động, không bị trừng phạt và không ai có thể ngăn chặn được mình.

- Họ có thể bắt nạt người Việt Nam không được tham gia với Philippine trong việc tìm kiếm trọng tài quốc tế;

- Họ gieo hạt giống nghi ngờ trong khu vực về độ tin cậy vào Hoa Kỳ như như một đồng minh;

- Họ có thể rút dàn khoan ra để giữ thể diện vì sự xuất hiện sớm của các cơn bão lớn;

Khối ASEAN vẫn chia rẽ, không gần gũi hơn để thu hút Bắc Kinh phải ký một thoả thuận ràng buộc về quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Với việc một mùa mưa bão đến sớm và các cuộc đối đầu dự kiến sẽ diễn ra tại Diễn đàn Khu vực ASEAN trong tháng tám, thời gian điểm là chín mùi để Trung Quố rút dàn khoan ra sớm. Tuy nhiên, một phân tích như vậy sẽ mang lại mối đe dọa cho chính bản thân chế độ. Hầu hết người Việt có thể không biết được quyết định làm giảm căng thẳng của giới lãnh đạo. Họ có thể tìm các cuộc va chạm gần như xảy ra hàng ngày giữa các hạm đội bảo vệ bờ biển nhỏ của mình bị đánh đập tả tơi như là bằng chứng cho việc chính phủ vẫn tiếp tục chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự của việc không dám đối đầu với Trung Quốc chính là mối đe dọa đến tính hợp pháp của chế độ. Ý thức hệ cộng sản thì trống rỗng và chính phủ phải đáp ứng được khát vọng ái quốc của người dân.

Nếu công chúng tin rằng lãnh đạo của mình đã đầu hàng, tính hợp pháp của chế độ sẽ bị xói mòn nặng nề và nguy hiểm vào thời điểm kinh tế đang tăng trưởng chậm. Đó là khi các cuộc biểu tình thực sự trên đường phố nhắm vào cả Trung Quốc và chính phủ Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo có thể nổ ra.

Quan trọng hơn, quyết định có khả năng gây nên những rạn nứt sâu hơn trong các lãnh đạo đảng, vốn có thể có những tác động kinh tế rộng rãi. Chiến dịch thân Trung Quốc sẽ tập trung vào các phụ thuộc lẫn nhau của hai nền kinh tế, ngay cả khi Hà Nội đang vận hành dựa trên mức thâm hụt thương mại 20 tỉ với Trung Quốc và chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, gạo thay vì sản xuất hàng hóa. Việt Nam có thể trở thành một trạm lớn trong chuỗi cung ứng phía nam của Trung Quốc nhưng mối quan hệ thương mại thì rất l không đồng đều.

Quyết định thỏa hiệp thay vì đối đầu với Trung Quốc cũng là một thất bại của các cải cách kinh tế trong nước. Những người ủng hộ thỏa hiệp với Trung Quốc vẫn còn thấy một vai trò hàng đầu của khu vực nhà nước trong nền kinh tế mặc dù khu vực này rõ ràng là không hiệu quả. Họ tin rằng những cải cách và các nhượng bộ do yêu cầu của Mỹ để được vào TPP là quá lớn và sẽ đe dọa đến việc kiểm soát cứng rắn nền kinh tế của chế độ hiện nay.

Phe cải cách xem TPP là chìa khóa để đa dạng hóa kinh tế thoát khỏi Trung Quốc và đại tu các khu vực nhà nước. Trong tháng ba, Thủ tướng Dũng đã chỉ thị các Bộ phải gia tăng tốc độ tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ “cổ phần hóa” 74 doanh nghiệp nhà nước vào năm 2013, gấp ba lần con số của năm 2011 và 2012. Trong đầu năm 2014 chính phủ công bố bán cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt, bao gồm Vinashin, Việt Nam Airlines, và một số cảng biển.

Làm cho các công ty này trở nên có hiệu quả kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính phủ khi các doanh nghiệp nhà nước sử dụng khoảng 50% đầu tư công, chiếm 60% các khoản vay của ngân hàng và chịu trách hiệm cho hơn một nửa nợ xấu của cả nước.

Cửa sổ cơ hội để Việt Nam nhập cảnh được vào TPP đang đóng cửa một cách nhanh chóng.

Còn một mối lo là hiện chỉ còn một hay hai cuộc họp Ủy ban Trung ương, nơi các cải cách thực sự có thể xẳy ra trước khi các phần còn lại của phiên họp toàn thể vốn sẽ bị chi phối bởi lịch trình cho đại hội đảng tiếp theo và sẽ được tổ chức trong quý đầu tiên của năm 2016.

Thay đổi đó khiến Trung Quốc được hưởng lợi và ngăn trở các nhà cải cách đang rất muốn giải quyết thách thức của Bắc Kinh bằng việc hiệu chuẩn lại các chiến lược về quan hệ và kinh tế của đất nước.

Nguồn: FB Lê Quốc Tuấn
Bản tiếng Anh: Asia Times


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tuyên bố báo chí về chuyến thăm Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng

United Nation Human Rights

Heiner Bielefeldt

Nguồn: StatementVietnameseVersion31July2014
Quý vị có thể đọc văn bản tại đây

 














Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ma túy ở vùng Bản Thang và Bản Giốc (Cao Bằng)

Bài báo ở dưới đây chỉ nói đến hai xã Minh Long và Lý Quốc thuộc huyện Hạ Lang. Kèm theo là những địa danh như Bằng Ca, Bản Thang, Đa Trên, Đa Dưới. Đó là tên các bản tự nhiên.




Bản Thang (huyện Hạ Lang) thì rất gần với Bản Giốc (huyện Trùng Khánh), như làng trên với làng dưới, dù là hai huyện khác nhau, mà đúng ra là chỗ giáp ranh của hai huyện. Thật ra là ba huyện nếu nhìn từ góc độ huyện vùng biên: Hạ Lang và Trùng Khánh của Việt Nam, và Tĩnh Tây của Trung Quốc.

Dân chúng hai bên đi sang nhau, tới và về, tương đối tự do. Họ đã quen mặt với toàn bộ các đồn biên phòng.

Nguyên chúBản đồ xã Đàm Thủy do Ủy ban Biên giới Quốc gia công bố

Ở Bản Giốc, những năm gần đây, chúng tôi cũng đã nghe tới những vấn đề liên quan xa gần đến ma túy.

Từ đây, trở xuống là bài trên Tin tức.


---




Thứ Năm, 31/07/2014 08:44
http://baotintuc.vn/dan-toc/nong-bong-nan-ma-tuy-o-lang-ban-vung-bien-20140731084207708.htm

Nằm tiếp giáp bên đường biên giới, các xã Minh Long, Lý Quốc thuộc huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng đã trở thành điểm nóng trung chuyển ma túy qua biên giới của các đối tượng mua bán vận chuyển. Cũng từ đó mà tệ nạn nghiện ma túy của các bản làng vùng biên này ngày càng bùng phát mạnh, kéo theo đó là sự nghèo đói, gia đình tan vỡ. 

Theo thống kê mới nhất của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hạ Lang, hiện tại có 60 người nghiện ma túy, 223 đối tượng nghi sử dụng chất ma túy trái phép, 41 đối tượng đã qua cai nghiện hiện nghi tái nghiện, tập trung chủ yếu ở các xã ven biên giới như Minh Long, Lý Quốc, Thái Đức, Quang Long. Trong đó có một số người hiện làm việc trong cơ quan Nhà nước. 

Cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, chúng tôi đến xã Minh Long, được coi là điểm nóng về vận chuyển mua bán trái phép chất ma túy trong thời gian gần đây. Trưởng công an xã, ông Nông Tiến Lập cho biết, Minh Long có 10 thôn bản thì có đến 7, 8 thôn có người nghiện ma túy, điều đáng buồn là đối tượng nghiện lại toàn là thanh niên, trình độ học vấn thấp, không có việc làm, lười lao động nhưng lại đua đòi nên bị lôi kéo tham gia vào vận chuyển, chích hút. Ma túy đang giết dần thanh niên các bản làng vùng biên này. 

Cũng từ tệ nạn nghiện hút mà các xóm Đa Trên, Đa Dưới, Bản Thang có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất xã, thường hay xảy ra trộm cắp và những mái ấm gia đình đổ vỡ đau thương cũng từ việc đi theo “nàng tiên nâu”. Điển hình như gia đình ông Nông Văn Ái, bị lôi kéo dẫn đến nghiện ngập, chích hút, ông Ái đã không hay biết mình bị lây nhiễm căn bệnh HIV từ những người bạn nghiện khi nào, khi vợ ông mất đi vì chính mình truyền nhiễm sang cho vợ thì ông mới hiểu ra. Nay vợ chồng ông Ái đã mất vì ma túy, vì HIV, bỏ lại cậu con trai quý tử giờ cũng đang sống lay lắt vì nghiện ngập. 

Hoặc như trường hợp anh Nông Văn Tả, trước đây anh Tả lái xe, biết sửa chữa ô tô kiếm nhiều tiền, nhưng cũng vì một phút yếu lòng nghe theo những lời rủ rê của bạn bè nên sa ngã vào con đường nghiện ngập, nay gia đình cũng tan nát, vợ con lánh xa. Sống đơn thân, không có tiền tiêu xài mua thuốc, Nông Văn Tả đã đi ăn trộm của họ hàng. 

Xã Minh Long có 10 thôn bản đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống, xóm làng nằm chạy dọc bám quanh đường biên giới với Trung Quốc, là điểm nóng trên tuyến vận chuyển mua bán mua túy của tội phạm. Do vậy, hầu như thôn bản nào cũng có người nghiện, tỉ lệ người mắc nghiện cao nhất là các xóm: Đa Trên có 42 nhà, đã có 7 nhà có người nghiện, Bản Thang có 56 hộ, có tới 10 hộ có người nghiện, Đa Dưới cũng tới 5- 6 hộ có người nghiện và hàng chục người nghi nghiện. Tỉ lệ hộ nghèo của xã còn trên 41%, chủ yếu nằm ở các xóm có nhiều người nghiện. 

Người dân ở Minh Long cho biết, họ rất lo ngại khi phải đi ngoài đường vào buổi tối vì sợ bị người nghiện cướp, hoặc con nghiện đến nhà trộm và mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng tổ chức rà soát, đưa các đối tượng nghiện đi cai để xóm làng bình yên, con cháu họ không còn bị dụ dỗ lôi kéo. 

Cũng như xã Minh Long, xã Lý Quốc từ lâu cũng đã trở thành điểm nóng về tệ nạn nghiện ma túy ở vùng biên. Thống kê sơ bộ đã phát hiện 7 người nghiện cùng 34 trường hợp nghi nghiện, tập trung chủ yếu ở xóm Bằng Ca, Bản Sao và Bang Dưới. Có những gia đình cả hai bố con đều nghiện như gia đình anh Triệu Văn Thảo ở xóm Bằng Ca, cai nghiện về nhưng lười lao động, ham chơi, lại tham gia hút nên tái nghiện. Nay lại thêm cậu con trai lao vào con đường nghiện ngập. Hoặc có gia đình hai anh em đang thụ án về tội vận chuyển và mua bán trái phép ma túy. 

Ông Nông Văn Thàng, Bí thư Đảng ủy xã Lý Quốc cho biết, mới vài năm trở lại đây tỉ lệ người nghiện, nghi nghiện, mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn tăng lên nhanh chóng. Người nghiện tập trung ở lứa tuổi 18-40 khá nhiều, trình độ học vấn thấp, lao động nông nghiệp là chủ yếu nhưng lại lười lao động, ham chơi nên dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo. Bên cạnh đó, các làng bản của các xã ở vùng biên đều nằm sát biên giới, nhiều đường mòn lối mở trở thành điểm nóng về trung chuyển ma túy nên nhiều người tham gia lao động bốc vác qua biên trở thành người vận chuyển, tham gia hút hít theo nghiện khi nào không hay. 

Từ năm 2013 đến nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn đã bắt 5 vụ vận chuyển ma túy lớn trên địa bàn, thu giữ hơn 10 bánh heroin, 1,2 kg ma túy đá của 9 đối tượng. Hằng năm các cơ quan chức năng địa phương đã tổ chức cho hàng chục đối tượng đi cai nghiện, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo nhân dân, thế nhưng nạn nghiện ma túy, tham gia mua bán vận chuyển ma túy trên địa bàn dường như vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, mà vẫn âm ỉ bùng phát gây mất trật tự an ninh địa phương. 

Nằm bên cạnh đường biên mốc giới, có cửa khẩu Lý Vạn là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, vài năm trở lại đây các xã vùng biên như Lý Quốc, Minh Long,… đã xuất hiện nhiều nhà cao tầng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. 

Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức như tệ nạn buôn bán ma túy, nạn nghiện hút cũng đang đe dọa, làm thụt lùi sự phát triển của các làng bản, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của nhân dân cùng các cơ quan chức năng dẹp bỏ tội phạm, nạn nghiện hút ma túy, để các làng bản vùng biên sống trong yên bình, yên tâm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.


QT


Phần nhận xét hiển thị trên trang